Du khách đừng đánh cược với mạng sống

(PLVN) - Nhiều du khách luôn nghĩ rằng mọi chuyến du lịch đều là một cơ hội để nghỉ ngơi, thư giãn qua một thời gian làm việc cật lực. Nhưng mấy ai ngờ rằng kỳ nghỉ đó sẽ biến thành một cơn ác mộng thực sự nếu họ không may gặp nạn. 
Du khách cần thận trọng khi đi du lịch khám phá
Du khách cần thận trọng khi đi du lịch khám phá

Những chuyến du lịch bên cạnh việc mang lại những trải nghiệm tuyệt vời, đôi khi lại tiềm ẩn nhiều rủi ro mà du khách không ngờ tới. Thời gian qua, có không ít tai nạn khi đi du lịch hết sức thương tâm. Việc phòng tránh và đảm bảo an toàn cho du khách khi đi du lịch luôn được đặt lên hàng đầu.

Những “cơn ác mộng”!

Ngày 23/2/2017, tại thác Hang Cọp (thuộc xã Xuân Trường, TP Đà Lạt, Lâm Đồng) đã xảy ra một vụ tai nạn đuối nước nghiêm trọng. Theo thông tin ban đầu, khi chơi trò vượt thác, một du khách người nước ngoài cùng hướng dẫn viên người Việt đã gặp nạn và tử vong. Khoảng 9 giờ ngày 23/2, hướng dẫn viên du lịch tên K. đã đưa một du khách nước ngoài vượt thác này bằng dây thừng theo kiểu trò chơi mạo hiểm thì xảy ra tai nạn.

Chỉ trong 3 ngày, ngành du lịch tỉnh Lâm Đồng liên tiếp nhận tin dữ, khi xảy ra hai vụ tai nạn khiến 4 du khách người nước ngoài tử vong tại hai điểm thác du lịch nổi tiếng. Ngày 26/2/2016, 3 du khách người Anh tử nạn trong chuyến du lịch mạo hiểm tại thác nước Datanla, TP Đà Lạt (Lâm Đồng).

Nguyên nhân được xác định, các nạn nhân gặp nạn khi sử dụng tour du lịch không phép, bị trượt chân khi bơi lội giữa các ghềnh đá dưới thác nước chảy xiết. Chỉ 2 ngày sau, Ban Quản lý khu du lịch thác Pongour (huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng) thông báo với cơ quan chức năng có một du khách nước ngoài quốc tịch Belarus chết dưới thác.

Anh Aiden Webb (sinh năm 1993, người Norwich, Anh) bị nghi ngờ mất tích tại núi Fansipan thuộc dãy Hoàng Liên Sơn, gần Sa Pa, Lào Cai. Sau nhiều ngày huy động các lực lượng tìm kiếm, chiều ngày 9/6/2016, thi thể du khách người Anh Aiden Webb ngày 8/6 đã được tìm thấy. 

Tại bãi biển Đá Ông Địa, TP. Phan Thiết cũng đã xảy ra vụ du khách bị đuối nước. Hai người trong đoàn khách đến từ TP HCM bị nước xoáy cuốn hỏng chân, đẩy ra xa. Một người may mắn được cứu sống. Một người đã tử vong.

Những du khách thông thái sẽ có những chuyến đi thư giãn an toàn và bổ ích
 Những du khách thông thái sẽ có những chuyến đi thư giãn an toàn và bổ ích

Đi du lịch và chụp hình sống ảo từ lâu luôn là hai khái niệm đi đôi với nhau khó có thể tách rời. Sẽ chẳng còn gì tuyệt vời hơn khi bạn được lưu giữ lại từng khoảnh khắc trong chuyến đi của mình để về chia sẻ cho bạn bè, người thân những cái hay, cái đẹp của nơi mình từng đặt chân qua.

Chụp ảnh là một phần không thể thiếu trong các chuyến đi, đặc biệt là trong thời đại mạng xã hội lên ngôi như hiện nay. Thú vui selfie ở những nơi nguy hiểm như trên nóc tòa nhà cao tầng, trước 1 bờ vực sâu hun hút hay đoàn tàu đang chạy khiến du khách chấp nhận mạo hiểm. Bỏ qua hoặc khinh thường những cảnh báo cũng khiến nguyên nhân tử vong này tăng cao.

Nhiều trường hợp không những bị chấn thương mà còn phải bỏ mạng chỉ vì những bức hình sống ảo. Ngày 4/8/2018, 2 người phụ nữ đã chết đuối tại xã Yên Mỹ (huyện Đại Từ) do bị trượt chân té trong khi chụp ảnh cạnh bờ suối ở Vườn quốc gia Tam Đảo. Nạn nhân được xác định là bà Dương Thị C. và bà Phạm Thị H. (thường trú tại huyện Đại Từ). 

Vụ tai nạn 2 thanh niên tử vong do mải chụp ảnh xảy ra vào trưa 13/7/2016, tại khu vực đường dân sinh cắt qua đường sắt ở Thị trấn Như Quỳnh, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên. Vào thời điểm trên, có một nhóm thanh niên gồm 3 người băng qua đường sắt, hai người trong số họ dừng lại chụp ảnh trên đường ray bằng điện thoại. Khi thấy tàu đang đến gần, nhiều người lên tiếng gọi nhưng hai thanh niên này không nghe thấy do đang đeo tai nghe. 

Ngoài những tai nạn gây chết người hay thương vong, một số du khách gặp hạn khi bị vướng phải những rắc rối: bị lừa đảo, mất ví, gặp cướp, trễ chuyến bay, gây tai nạn, hỏng xe đường vắng, mất hộ chiếu, lạc trẻ em, bị con vật cắn…

Du khách cần tuân thủ các biển báo cấm và biển báo nguy hiểm
Du khách cần tuân thủ các biển báo cấm và biển báo nguy hiểm 

Làm gì để đi du lịch an toàn, bổ ích?

Ông Nguyễn Văn Dũng, chuyên gia nghiên cứu du lịch đưa ra lời khuyên, trước khi chu du tới bất kỳ đâu, du khách cần cân nhắc trang bị đầy đủ kiến thức về nơi mình đến. Điều này sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn những thông tin quan trọng về điểm đến trong chuyến hành trình của mình, đặc biệt là những nơi thường xuyên tiềm ẩn những nguy hiểm, để từ đó hạn chế được những rủi ro, “ác mộng”. 

Khách du lịch, nhất là các bạn trẻ hãy cẩn trọng khi đi tham quan, du lịch, tuân thủ các biển báo cấm, biển báo nguy hiểm để đảm bảo an toàn cho chính bản thân mình và những người xung quanh. Luật giao thông và các quy tắc an toàn ở mỗi nơi là khác nhau, kể cả khi bạn chỉ du lịch trong nước, hiểm họa vẫn luôn rình rập....

Du khách cần có kế hoạch dự phòng cho mỗi chuyến đi, luôn cảnh giác, thường xuyên liên lạc với gia đình, lên kế hoạch về chỗ ăn, chỗ nghỉ đảm bảo an toàn, cất kỹ giấy tờ tùy thân, tránh để say sỉn, không đi một mình vào ban đêm và tối muộn và quan trọng hơn cả vẫn là hãy chuẩn bị sức khỏe thật tốt để chuyến hành trình, trải nghiệm của mình được suôn sẻ nhất.

Chuột rút, trật tay chân, té xe… là những tai nạn có thể xảy đến trên đường đi. Hãy tự đảm bảo an toàn cho bản thân bằng cách trang bị túi y tế cá nhân. Hãy chú ý mang theo túi y tế trong hành lý xách tay. Không bao giờ để chúng trong hành lý ký gửi, bởi chuyến bay của bạn có thể bị trễ hoặc hành lý thất lạc. Bên cạnh đó, bạn nên cầm theo sổ khám bệnh hoặc mang thẻ có ghi thông tin sức khỏe. Chúng sẽ giúp nhân viên y tế nắm được tình hình của bạn trong trường hợp khẩn cấp.

 

Mua bảo hiểm du lịch là một ý tưởng hay. Dù cẩn thận đến đâu du khách vẫn có thể gặp rắc rối hoặc bị thương. Trong trường hợp đó, gánh nặng tài chính của du khách sẽ được đảm bảo. Bảo hiểm du lịch giúp khách du lịch yên tâm hơn về kỳ nghỉ của mình. Du khách cần tránh sử dụng các thiết bị di động, điện tử, thậm chí là đồ dùng cá nhân khi một chuyến tàu sắp khởi hành. Kẻ trộm thường xuyên lấy cắp các thiết bị di động và vật dụng khác của khách du lịch ngay trước khi tàu lăn bánh.

Khi thư giãn trên tàu, hay thậm chí khi có nguy cơ sắp ngủ gật, du khách nên đặt tay qua tay cầm trên túi xách hoặc vali để đảm bảo rằng có thể cảm nhận được nếu chúng di chuyển.

Du khách nên chụp lại bằng lái xe, hộ chiếu và lưu vào điện thoại trước khi rời khỏi nhà. Hãy làm 3 bản sao hộ chiếu: một bản để ở nhà cho người thân giữ hộ, một bản giữ cẩn thận trong phòng, một bản đưa cho bạn đồng hành. Bạn cũng nên giữ bản sao hộ chiếu của người đi cùng. Trong trường hợp hộ chiếu bị mất hoặc đánh cắp, việc này giúp bạn làm việc dễ dàng hơn với chính quyền địa phương hoặc đại sứ quán và được bản mới.

Trong một số trường hợp, du khách thậm chí có thể dùng bằng lái và hộ chiếu thay cho chứng minh. Trong tình hình mất hộ chiếu chứng minh nhân dân, du khách không nên quá lo lắng vì các hãng hàng không có thể sẽ thu xếp cho bạn trong chuyến bay kế tiếp.

Khi đang ở sân bay, bạn bình tĩnh xuất trình vé tại quầy làm thủ tục và chờ đợi được hướng dẫn, không nên hoang mang bỏ đi lung tung càng làm cho tình huống xấu hơn. Các du khách cần chắc chắn lưu lại chính xác số điện thoại khẩn cấp, phòng trường hợp cần trợ giúp gấp.

Nếu du khách thích đi du lịch sông nước thì nên đến các khu vui chơi sinh thái – nơi luôn có những người giỏi, giàu kinh nghiệm hướng dẫn – để học bơi và thực hành thành thạo các kỹ năng bơi, lặn. Biết bơi rồi, khi phải đối mặt trước bất cứ tình huống hiểm nghèo đến thế nào đi nữa, du khách cần bình tĩnh, sáng suốt để có thể tìm ra phương án thoát nạn nhanh nhất. 

Hiện nay, mức bảo hiểm cao nhất trong trường hợp du khách tử vong khi mua tour ở của các công ty du lịch tại Việt Nam tối đa là 100 triệu đồng và ở nước ngoài là 2,1 tỷ đồng, thêm bảo hiểm trong vé tham gia dịch vụ tại khu du lịch. Ngoài ra, khi có sự cố, tùy quy mô, tùy trường hợp, các công ty du lịch cũng hỗ trợ thân nhân một khoản nhất định. Tuy nhiên, sức khỏe và tính mạng của du khách mới quan trọng nhất. Vậy nên, những du khách hãy là những du khách thông thái để có những chuyến đi an toàn, bổ ích.

Đọc thêm