Du lịch tâm linh chấp nhận “bấp bênh” để chống dịch

(PLVN) - Mùa lễ hội Tết Tân Sửu năm nay trầm lắng hơn những năm trước bởi dịch Covid-19. Kể cả những điểm du lịch tâm linh, nơi thường có các hoạt động nổi bật đầu năm đều vắng vẻ, đìu hiu. 
Du lịch tâm linh ảm đạm hơn mọi năm.
Du lịch tâm linh ảm đạm hơn mọi năm.

Tại điểm du lịch tâm linh đền Hạ, đền Kiếp Bạc tỉnh Tuyên Quang, lượng khách năm nay đã giảm khoảng 50% so những năm trước. Ông Nguyễn Tất Lập, Tổ trưởng quản lý đền cho biết, vì lượng người về đây giảm nên năm nay không xảy ra tình trạng chen lấn, xô đẩy. 

Dù chấp nhận bấp bênh khi đón khách mùa du lịch Tết, nhiều tỉnh, thành vẫn rất nghiêm ngặt trong hoạt động kiểm soát dịch. 

Thực hiện chỉ đạo của các cơ quan chức năng tỉnh, Ban Quản lý đền Hạ đã tổ chức tuyên truyền về các biện pháp phòng dịch bằng loa phát thanh. Các khu vực như bãi gửi xe, khu tiếp đón du khách đều có bảng hướng dẫn phòng, chống dịch bệnh. Tại nơi người dân vào lễ đều được bố trí dung dịch sát khuẩn rửa tay.

Tại Nam Định, Lễ hội chợ Viềng (xã Kim Thái, huyện Vụ Bản) - hoạt động văn hóa, du lịch nổi bật đầu năm đã bị hủy bỏ. 

Theo Chủ tịch UBND xã Kim Thái Trần Khắc Thiềng, xã đã in hơn 500 pa-nô, áp-phích nhằm tăng cường tuyên truyền về công tác phòng dịch Covid-19 tại các đền, phủ, chùa, lăng. Cùng với đó, xã thành lập 21 chốt kiểm soát tại các địa điểm diễn ra hoạt động lễ hội, tâm linh trên địa bàn. Trong đó, đặc biệt chú trọng việc xử lý hành vi bày bán hàng trái phép, tệ nạn xã hội và các vi phạm về phòng chống dịch như không đeo khẩu trang, tụ tập đông người…

Theo Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, dịch Covid-19 tái bùng phát vào thời gian cao điểm du lịch Tết Nguyên đán Tân Sửu đã ảnh hưởng tiêu cực tới công suất đặt phòng và tour tuyến tại TP Hồ Chí Minh. Báo cáo của 22/124 khách sạn (từ 3-5 sao hoặc tương đương) trên địa bàn thành phố cho thấy, trong kỳ nghỉ Tết (từ ngày 9 đến 17/2), thành phố ghi nhận có khoảng 1.800 khách đặt phòng lưu trú. 

Giống như các địa phương, khách tới TP Đà Nẵng trong dịp Tết Nguyên đán năm nay đa phần là khách lẻ, đi theo nhóm gia đình và tự túc. Vì thế, hoạt động du lịch cũng bấp bênh hơn. Sở Du lịch Đà Nẵng cho biết, từ ngày 10/2 (từ 29 Tết) đến 16/2 (mùng 5 Tết), tổng số khách tham quan, du lịch tại Đà Nẵng ước đạt 30,8 nghìn lượt khách, trong đó chủ yếu là khách nội địa.

Dù vẫn phải gồng mình chống dịch Covid nhưng nhiều chủ kinh doanh du lịch cho biết không thể tiếp tục “đóng băng”. Các cơ sở du lịch, địa điểm nhỏ lẻ vẫn chấp nhận mở cửa đón khách trong dịp Tết này. 

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Giang cho biết, có hơn 380 cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch tại Hà Giang mở cửa phục vụ khách trong suốt dịp Tết Nguyên đán 2021. Vì vậy, dù lượng khách giảm mạnh so với mọi năm nhưng so với tình hình hoạt động chung của cả nước thì các hoạt động du lịch tại Hà Giang vẫn khả quan hơn.

Hiệp hội Du lịch tỉnh Hà Giang đã tiến hành triển khai tới các thành viên tiếp tục thực hiện Chương trình kích cầu du lịch đợt 2, giảm giá dịch vụ từ 10-20%. Đồng thời tăng cường thời gian phục vụ trong các ngày Tết Nguyên đán. 

Dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp cũng đồng nghĩa với việc các lễ hội tâm linh tiếp tục bị hủy bỏ. Một mặt, sự thiếu vắng lễ hội đầu năm khiến hoạt động du lịch ảm đạm hơn, đời sống tâm linh của người dân phần nào bị thiếu hụt.

Trái lại, nhiều người đánh giá về phương diện tích cực, cho rằng đây là thời điểm để các hoạt động tâm linh hướng đến đề cao sự thành tâm đúng nghĩa trong mỗi người, hạn chế yếu tố thương mại. Cùng với đó, theo các chuyên gia, khái niệm “tôn giáo cá nhân” sẽ phát triển mạnh mẽ hơn thay cho các hoạt động mang tính cộng đồng.

Thượng tọa Thích Không Nhiên (Trung tâm văn hóa Phật giáo Liễu Quán Huế) cho rằng: “Về phía Phật giáo, những lễ hội liên quan đến Phật giáo không được tổ chức trong hoàn cảnh dịch bệnh thì không có nghĩa về mặt ước nguyện và năng lượng lành hạn chế, không lan tỏa.

Hoàn cảnh hiện nay cũng chính là dịp để phía Phật giáo giảm bớt những tổ chức phần hội bên ngoài, tập trung nhiều hơn những thời khóa lễ tụng cầu nguyện để chuyển năng lượng lành đến cho xã hội. Ở góc độ này, tôi thấy điều đó rất giá trị”.

Còn TS Nguyễn Đức Thành thì đánh giá: “Đi được lễ hội đúng dịp cũng tốt. Nhưng với nhiều người khác, không nhất thiết phải đi đúng dịp đông người. Năm nay không đi được, tôi nghĩ cũng có cái để soi chiếu, thử xem năm không đi cầu xin có khác gì nhiều không, hay là vẫn như thế. Có thể mọi người sẽ có cách nhìn mới, thêm trải nghiệm. Theo kinh nghiệm cá nhân, tôi có cảm giác rằng nhiều nước tổ chức lễ hội có trật tự, yên ắng hơn. Mọi người biết việc mình đi như thế nào, chứ không đến nỗi quá ồn ào, tưng bừng”.  

Mong chờ kế hoạch hành động trong bối cảnh mới

 Trước diễn biến dịch Covid-19, Tổng cục Du lịch kêu gọi toàn ngành du lịch theo dõi sát tình hình dịch bệnh, tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm để phục hồi và phát triển. Trong đó, tập trung vào công tác chống dịch, đảm bảo an toàn trong hoạt động du lịch, đặt an toàn của du khách, người dân, người lao động du lịch lên trên hết.

Đồng thời, cần đẩy mạnh xúc tiến quảng bá du lịch các địa phương, khai thác hiệu quả thị trường nội địa, chú ý phát triển các điểm đến mới đang có dư địa phát triển, có sản phẩm du lịch hấp dẫn, từ đó làm động lực lan tỏa ra các khu vực, địa phương khác.

Trong thời gian tới, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cho biết sẽ triển khai rõ nét hơn kế hoạch hành động phục hồi du lịch Việt Nam trong bối cảnh mới, tăng cường xúc tiến thị trường du lịch trong nước và duy trì quảng bá du lịch Việt Nam ở nước ngoài, chuẩn bị các điều kiện để đáp ứng nhu cầu phát triển nhanh ngành du lịch sau đại dịch.

Đọc thêm