Đừng để hàng pha tạp “giết chết” làng nghề truyền thống

(PLVN) - Tại nhiều làng nghề, các sản phẩm đạo nhái, lai tạp nguồn gốc được nhập khẩu từ nhiều nơi, gắn mác thương hiệu truyền thống và được đưa ra bày bán tràn lan cho khách du lịch. Do quá trình thương mại hóa và hiệu quả kinh tế nên nhiều gia đình tại các làng nghề cũng quay lưng với chính sản phẩm truyền thống.  
Đưa sản phẩm truyền thống vào các triển lãm, hội chợ quốc tế.
Đưa sản phẩm truyền thống vào các triển lãm, hội chợ quốc tế.

Mặt trái của thương mại hóa làng nghề

Hiện nay, tại các làng nghề, hàng nhái được bày bán tràn lan trong các cửa hiệu, quầy lưu niệm và cạnh tranh mạnh mẽ với chính các sản phẩm truyền thống khiến nhiều người không khỏi bức xúc. Cách đây nhiều năm, người dân xôn xao câu chuyện về thực trạng hàng nhái pha trộn với hàng truyền thống tại làng lụa Vạn Phúc. Đến nay, hiện tượng bán lụa nhập khẩu, lụa lai tạp có thể ở mức độ tinh vi hơn. 

Điều này diễn ra ở hầu hết các làng nghề truyền thống, đối với làng nghề gốm, việc phân biệt thật giả còn khó khăn hơn do đều là sản phẩm thủ công, các sản phẩm hàng giả cũng bắt mắt, thu hút khách mua không kém so với hàng truyền thống. 

Đáng nói, việc lai tạp sản phẩm truyền thống tại làng nghề không chỉ được bày bán tại các vùng này mà còn được xuất khẩu đến các tỉnh, thành khác, đến các vùng du lịch. Điển hình như tại các chợ phiên của Sa Pa, trong các cửa hàng bán sản phẩm du lịch lại xuất hiện nhiều thương hiệu gắn mác làng nghề truyền thống như lụa tơ tằm lụa Vạn Phúc, gốm sứ Bát Tràng nhưng thực tế lại là các sản phẩm nhập từ Trung Quốc. 

Chị Nguyễn Thúy An - khách mua hàng tại làng lụa tơ tằm Vạn Phúc cho biết: “Tôi không tin đây là lụa tơ tằm truyền thống của Vạn Phúc nhưng mình thấy giá cả hợp lý thì mua thôi. Ở đây, nếu muốn mua hàng “lụa chính hiệu” thì chỉ có cách tìm đúng địa chỉ sản xuất lụa nguyên gốc 100%. Nhưng điều này dường như không dễ”.

Nhiều năm nay, các làng nghề đều có định hướng thay đổi mô hình sản xuất từ hộ gia đình, cá thể thành các hợp tác xã để thương mại hóa sản phẩm, liên kết tìm đầu ra. Việc này tuy mở ra cơ hội mới để phát triển cho các làng nghề nhưng lại dẫn đến sự cạnh tranh giữa hàng truyền thống với hàng công nghiệp. Điều này khiến chính các sản phẩm truyền thống trở nên kén khách mua, khó cạnh tranh được với hàng nhái ngay tại chính quê hương của sản phẩm. 

Một điều đáng buồn là ngay chính các gia đình truyền thống tại các làng nghề cũng dần chuyển sang nhập khẩu hàng nhái, hàng lai tạp để về bán cho khách, dần “giết” chính sản phẩm truyền thống của gia đình.

Các sản phẩm pha trộn, hàng nhái nhập khẩu thường có giá thành rẻ hơn so với sản phẩm truyền thống, thời gian và chi phí sản xuất cũng không tốn kém bằng. Bởi vậy, đối với các làng nghề truyền thống này, sự biến chất ngay trong làng và chạy đua kinh tế đã khiến cho sản phẩm truyền thống dần bị mai một.

Anh Tạ Văn Thắng - Tổng Giám đốc Công ty Bát Tràng Family chia sẻ: “Tôi rất bức xúc vì mỗi sản phẩm ra đời đều được chúng tôi đầu tư rất nhiều. Đó là trí tuệ, công sức, thời gian và yếu tố sáng tạo. Trong hoạt động kinh doanh, nếu chúng ta không sáng tạo thì không thể nào cạnh tranh được với thị trường và chúng ta tự hại nhau”.

Việc lẫn lộn hàng pha, hàng nhái với hàng truyền thống tại các làng nghề và được bày bán tại điểm du lịch là một trong những yếu tố khiến chất lượng sản phẩm làng nghề ngày càng đi xuống và đẩy các làng nghề dần vào lối bị mai một.

Ông Nguyễn Công Hoan - một nghệ nhân gốm Bát Tràng cũng chia sẻ: “Gốm Bát Tràng mang bản sắc riêng, đặc trưng riêng không thể trộn lẫn với bất cứ loại gốm ngoại lai nào. Vì thế, những cửa hàng nhập hàng Trung Quốc về bán và đóng mác Bát Tràng thì chẳng khác nào đang tự tay giết chết nghề gốm truyền thống ở nơi đây”.

Bảo vệ các dòng họ truyền thống tại làng nghề 

Các sản phẩm lai tạp, hàng nhái khi bán cho khách du lịch dù có thể thu về khoản lời lớn trước mắt. Tuy nhiên, điều mất khi bán những sản phẩm này chính là niềm tin và uy tín thương hiệu của sản phẩm làng nghề truyền thống khi chất lượng hàng nhái luôn khiến khách du lịch lắc đầu. Không chỉ vậy, việc các sản phẩm nhái làng nghề bày bán tràn lan trên vùng du lịch cũng khiến môi trường du lịch trở nên thiếu văn minh, kém chất lượng và không tạo được ấn tượng để lôi kéo khách trở lại trong lần tiếp theo. 

Có thể thấy rằng, trong khi nhiều nước trên thế giới nỗ lực để bảo vệ thương hiệu các sản phẩm truyền thống, sản phẩm làng nghề thì nay tại Việt Nam, thương hiệu làng nghề đang dần bị đẩy vào sự mai một, một phần bởi tư duy những người làm nghề truyền thống tại đây. 

Làng nghề truyền thống cần có chính sách lôi kéo được người lao động trở về làm việc tại địa phương.
 Làng nghề truyền thống cần có chính sách lôi kéo được người lao động trở về làm việc tại địa phương.

Nói vậy không có nghĩa là sản phẩm hàng pha trộn, hàng công nghiệp luôn tồn tại mặt trái. Các mặt hàng này nếu tạo được lợi thế tốt về kinh tế vẫn cần được nghiên cứu, phát triển đúng cách và không khiến hàng truyền thống bị lấn lướt. Sản phẩm truyền thống vẫn phải là cốt lõi trong giá trị thương hiệu làng nghề, là sản phẩm cuối đến tay khách du lịch và khẳng định được chất lượng chính sản phẩm đó. 

Vì vậy, trong các làng nghề truyền thống cần phải duy trì được đội ngũ nghệ nhân, lao động lành nghề, có thể nối tiếp con đường phát triển sản phẩm truyền thống. Hiện nay, đề xuất bảo vệ các dòng họ truyền thống tại làng nghề với những cơ chế, chính sách ưu đãi riêng được nhiều nghệ nhân quan tâm.

Những cơ hội này sẽ góp phần lôi kéo đội ngũ người lao động trở về làm việc trên chính quê hương của mình, góp phần gìn giữ và tiếp nối những giá trị của sản phẩm truyền thống làng nghề và để “nghề” không bị thất truyền trước “bão” thương mại hóa.

Điển hình như tại làng tranh Đông Hồ, hiện chỉ còn 3 dòng họ giữ được công việc làm tranh truyền thống, các dòng họ này nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước trong việc bảo vệ và gìn giữ sản phẩm truyền thống của làng và có cơ hội phát triển. 

Các nghệ nhân tại làng nghề cũng bày tỏ mong muốn được đưa sản phẩm truyền thống vào các bảo tàng, triển lãm, hội chợ quốc tế với cam kết không đưa hàng pha, hàng lai tạp vào, sản phẩm truyền thống có cơ hội được giới thiệu rộng rãi hơn.

Bên cạnh đó, việc hình thành các hợp tác xã tại làng nhằm duy trì nghề truyền thống, mở cơ hội xuất khẩu cho sản phẩm cũng cần được nhân rộng, tăng cường các hoạt động quảng bá và truyền thông, xây dựng thành các điểm đến du lịch ấn tượng và chất lượng. 

Hiện nay, ngành du lịch Việt đang toàn lực thực hiện các chương trình kích cầu khách nội địa đến với các điểm đến trong đất nước, làng nghề truyền thống cũng là một trong nhiều điểm đến được xây dựng để phát triển của chương trình. 

Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu cho biết: “Hà Nội có 1.300 làng nghề thủ công truyền thống, đó là lợi thế lớn để Hà Nội phát triển sản phẩm du lịch làng nghề kiểu mẫu hoặc điểm đến du lịch làng nghề truyền thống để các làng nghề có thể phát huy tiềm năng, lợi thế của mình gắn với phát triển du lịch”.

Sản phẩm truyền thống tại làng nghề cũng là sản phẩm được bày bán trong hoạt động du lịch. Đảm bảo chất lượng và thương hiệu cho các sản phẩm làng nghề góp phần hoàn thiện môi trường du lịch, để du lịch Việt tạo được dấu ấn với mỗi thương hiệu, mỗi sản phẩm, mỗi điểm đến đối với khách du lịch.

Việc tham quan du lịch trải nghiệm tại các làng nghề luôn có sự gắn chặt với hoạt động thương mại, buôn bán các sản phẩm truyền thống. Tuy nhiên, nếu để các sản phẩm hàng nhái, hàng pha trộn vượt lên trong du lịch thì sản phẩm truyền thống sẽ mất dần chỗ đứng trên thị trường, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lương du lịch cũng như mục tiêu khiến khách du lịch chi tiêu nhiều hơn. 

Đọc thêm