Đừng “giết” tuổi thơ tại các điểm du lịch!

(PLO) - Bọn trẻ ở một số điểm du lịch bị người thân dạy dỗ đủ mánh khóe để moi tiền của du khách. Từ chuyện bất ngờ băng qua đường chặn xe xin tiền, xin quà; lẽo đẽo, dai dẳng mời chào du khách mua đồ lưu niệm; sẵn sàng quay mông vào ống kính chụp ảnh, ném đá trộm khi du khách không cho tiền. Đau lòng hơn, có trẻ ngày đêm hút thuốc lào, phả khói thuốc để cho du khách chụp ảnh, kiếm tiền… 
Cậu bé Châu A Giằng biết hút thuốc từ lúc 7 tuổi mua vui cho du khách để kiếm được nhiều tiền.
Cậu bé Châu A Giằng biết hút thuốc từ lúc 7 tuổi mua vui cho du khách để kiếm được nhiều tiền.

Trẻ bị “huấn luyện” cách moi tiền du khách

Vừa qua, ngày 1/5/2017, đoàn du khách phượt 5 người di chuyển trên đèo Mã Pí Lèng (Hà Giang) thì gặp một nhóm trẻ em chạy từ bên đường ra xin bánh kẹo. Khi dừng lại, một du khách trong nhóm phượt đó đã bị lũ trẻ giật mất gói bánh. Sau đó, đoàn du khách phát hiện ra nơi giấu “chiến lợi phẩm” ở bên đường, chủ yếu là bánh kẹo, nước ngọt. Lũ trẻ sợ bị đòi lại đồ nên ùa đến và dọa ném đá.

Đây không phải trường hợp hiếm xảy ra ở tại cung đường du lịch vùng núi phía Bắc. Trên mạng xã hội, nhiều du khách xác nhận gặp trường hợp tương tự khi chạy xe máy tuyến đường đèo Mã Pí Lèng (Hà Giang). Hành động chạy băng đường, chặn lối xin tiền, bánh kẹo du khách của trẻ em vùng cao rất nguy hiểm tính mạng trẻ em và du khách khi các xe đang đổ đèo với tốc độ cao.

Việc đám trẻ rủ nhau chặn xe xin bánh kẹo xuất phát từ việc cách đây chục năm, vì thương lũ trẻ nghèo, lam lũ, du khách thường dừng lại vệ đường, nơi lũ trẻ đang chơi để cho bánh kẹo, đường sữa, quần áo và tiền. Trẻ nhỏ được tiền, quà liền chạy về khoe bố mẹ. Thấy các con vừa chơi lại có tiền, bố mẹ chúng đã có “kế sách” cho lũ trẻ nghỉ học và ra đường chặn xe xin tiền, xin quà. Ngay từ khi con 3 tuổi, nhiều gia đình đã dạy những đứa con mình cách kiếm tiền thay vì đưa chúng đi trẻ. Khi bi bô tập nói cũng là lúc trẻ học tiếng Kinh và tiếng Anh bồi vài ba câu mời mua hàng. Không những thế, chúng phải thuộc làu làu “bài văn” thương tâm giống hệt nhau mà chúng được người thân dạy khi du khách hỏi hoàn cảnh gia đình: “Nhà cháu nghèo lắm, bố mẹ ốm đau không nuôi nổi cháu. Cháu không được tới trường. Cháu phải ra đây để bán hàng, để xin tiền nuôi sống bản thân. Xin các ông, các bà, cô chú mua hàng và cho cháu ít tiền, quà bánh...”.

Người lớn “lùa” trẻ ra bán hàng, xin quà. Còn lũ trẻ thì coi đó là cơ hội để không phải đi học dù rằng “trò chơi” bán hàng, xin quà này vô tình khiến chúng đánh mất tuổi thơ trong sáng và trở nên thực dụng. Em Giàng A Mẩy, 8 tuổi, dân tộc Mông tại Sa Pa (Lào Cai) nói rành rọt bằng tiếng Kinh: “Bọn cháu thích đi dạo quanh khu du lịch. Vừa được chơi vừa kiếm được nhiều tiền”.

Nếu như ở những điểm du lịch biển, đám trẻ chỉ tranh thủ những ngày hè để đi bán hàng, xin tiền từ du khách thì đám trẻ ở vùng cao, lượng du khách trong và ngoài nước đến đều 4 mùa xuân, hạ, thu, đông, nên đám trẻ luôn sẵn sàng bỏ học để kiếm tiền.

“Đánh cắp” tuổi thơ của trẻ

Đám trẻ tại một số điểm du lịch được người thân, bố mẹ trong gia đình “huấn luyện” nếu bất cứ ai không mua hàng hoặc không cho tiền, lập tức sẽ không đồng ý chụp ảnh hay trò chuyện. Du khách trong và ngoài nước đã quá quen cảnh trẻ nhỏ người Mông nói: “No money, no photo - Không tiền không chụp ảnh”. Đám trẻ sẵn sàng chổng mông vào ống kính, hoặc lấy vạt áo che mặt khi biết người chụp ảnh không cho tiền mình. Có nhiều đám trẻ sẵn sàng lẽo đẽo, dai dẳng bám theo du khách, miệng không ngớt mời mua vòng tay, mũ áo thổ cẩm mặc cho du khách từ chối. Chúng bám theo tới lúc nào khách rút ví mua thì thôi. Bọn trẻ bị người ta “nhồi nhét”  làm mọi cách để “moi” bằng được tiền của du khách. 

Mới đây một bức ảnh đăng trên mạng xã hội của người có tên L.K.H chia sẻ, được chụp tại Sapa vào 27/09/2016, hình ảnh một đứa trẻ dân tộc-  Châu A Giằng, 10 tuổi đang phì phèo ống thuốc lào, thở ra những làn khói trắng dài giữa tiết trời miền núi lạnh giá khiến không ít người nhói lòng. Đau lòng hơn, việc rít thuốc lào là công việc kiếm tiền hàng ngày của Giằng được người thân cổ vũ. Giằng hút thuốc lào từ lúc 7 tuổi và một số du khách thấy lạ cho tiền, chụp ảnh khi bé đang phê thuốc lào, nhả khói. Số tiền khách “bo” ngày càng nhiều đồng nghĩa bé Giằng nghiện thuốc càng nặng. 

Rất đau lòng trước thực tế này, chị Tẩn Thị Su - Giám đốc doanh nghiệp xã hội Sapa O Chau tâm sự: “Bản thân tôi đã từng trải qua tuổi thơ như những em nhỏ nơi đây, nên hơn ai hết, tôi rất thấu hiểu và đồng cảm. Hồi ấy, tôi chỉ là đứa trẻ 10,12 tuổi hành động như các em bây giờ, cũng chạy theo mời khách mua hàng, nhận xin kẹo. Nhưng ngoài những chiếc kẹo, tôi còn nhận thêm được gì? Đó là sự hắt hủi, coi khinh của những du khách. Những đám trẻ ấy sẽ lớn lên ra sao với vốn ngoại ngữ bồi, cái đầu trống rỗng kiến thức và tư duy thực dụng, mánh khóe?” 

Hiện có rất nhiều tổ chức, công ty lữ hành Việt Nam đã yêu cầu du khách cam kết không cho kẹo, cho tiền trẻ em. Tại nhiều điểm du lịch ở vùng núi phía Bắc, chính quyền đã dán thông báo khuyến cáo: “Khách du lịch không cho trẻ em địa phương tiền, bánh kẹo. Trẻ em sẽ bỏ học chữ để đi xin tiền, bánh kẹo”. 

Khuyến cáo như vậy là rất chính xác bởi cần hiểu rằng chính những hành động tưởng như nhân đạo như cho quà, cho tiền để trẻ bớt đói khổ lại vô tình “giết” tuổi thơ của các em.

Đọc thêm