'Đừng nên để tên các vị danh nhân dưới… gót giày'

(PLO) - “Thủ đô Hà Nội đã có hàng ngàn đường, phố mang tên và tôn vinh danh nhân, không cần thiết phải có thêm “Đại lộ danh vọng”. Đó là chưa nói tới, các danh nhân được ghi tên ở con đường ấy bằng lòng hay tức giận khi tên của mình bị rác rưởi vứt vây quanh và phải chịu đựng sự “giày xéo”, “giẫm đạp” của hàng triệu đôi chân của du khách?”- đó là một số ý kiến phản biện của người dân cho ý tưởng xây dựng “Đại lộ danh vọng” ở Hà Nội.
Cần giữ lại vẻ đẹp bình dị, nên thơ của Hồ Gươm.
Cần giữ lại vẻ đẹp bình dị, nên thơ của Hồ Gươm.

Đại lộ danh vọng - “miếng bánh ngon” cho doanh nghiệp

UBND quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) vừa có ý tưởng xây dựng “Con đường ghi danh” tại Hồ Gươm - mô hình tương tự như “Đại lộ danh vọng” ở Mỹ. Theo đó, các phương án xây dựng, chỉnh trang khu vực trung tâm, phần vỉa hè phía tây trục phố Đinh Tiên Hoàng nằm sát cạnh Hồ Gươm, kéo dài từ tháp Hòa Phong tới Nghi môn đền Bà Kiệu được đề xuất xây dựng “Tuyến đường ghi danh”. Tuyến đường này dự kiến sẽ được lát đá và khắc tên những danh nhân, nghệ sĩ, nhà khoa học, nhà nghiên cứu... có đóng góp lớn cho sự phát triển của Hà Nội. Danh sách danh nhân sẽ do TP Hà Nội quyết định.

Dựa vào ý tưởng này, một doanh nghiệp đề xuất khai thác tuyến phố thành điểm kinh doanh. “Hiện chúng tôi đang đề xuất hình thức BOT, chúng tôi sẽ bỏ tiền ra xây dựng, sau đó kinh doanh, còn phương án kinh doanh như thế nào chúng tôi còn phải xem xét dựa trên những ý kiến đóng góp của nhiều bên. Có thể khi chấp thuận cho chúng tôi đầu tư “Đại lộ danh vọng”, Hà Nội sẽ cho phép chúng tôi tổ chức trông xe, kinh doanh dịch vụ... tại khu vực này trong một thời hạn nhất định và chịu sự giám sát, quản lý của nhiều cơ quan quản lý nhà nước khác nhau” - Giám đốc doanh nghiệp dự kiến tham gia xây “Đại lộ danh vọng” cho biết.

Tuy chỉ đang là dự kiến nhưng việc xây dựng “Con đường ghi danh” vấp phải những ý kiến trái chiều. Rất nhiều người cho rằng, nằm giữa lòng Hà Nội, Hồ Gươm đẹp như một bức tranh tuyệt tác. Cùng với các kiến trúc cổ như Tháp Rùa, cầu Thê Húc, đền Ngọc Sơn… Hồ Gươm không chỉ là điểm đến yêu thích mà còn là nơi gắn bó, tình yêu và niềm tự hào của người dân Hà Nội.  

Nét đẹp cổ kính ngàn  năm đã hút hồn bao thế hệ người dân và du khách. Hồ Gươm là trái tim của Thủ đô. Đây là tài sản chung của đất nước Việt Nam, là của tất cả người dân mang trên mình quốc tịch Việt Nam chứ không phải là của riêng một quận, càng không thể là của riêng một doanh nghiệp nào đó để trục lợi, để thương mại hóa. Nếu từ ý tưởng, thành hiện thực, phải chăng “Con đường ghi danh” tôn vinh danh nhân khuyến mại thêm logo doanh nghiệp? 

Văn hóa học đòi và khuếch trương

Du khách trong và ngoài nước yêu thích Hồ Gươm bởi vẻ đẹp trầm mặc, tĩnh lặng, mang đậm nét lịch sử văn hóa, đậm nét Việt Nam chứ không thích một Hồ Gươm bị “tô son, trát phấn” học đòi như “Đại lộ danh vọng” như ở Mỹ. Thủ đô Hà Nội đã có nhiều tuyến phố tôn vinh danh nhân, không cần thiết phải “mọc” thêm “Đại lộ danh vọng”. Đó là chưa nói tới liệu các danh nhân được ghi tên ở con đường ấy bằng lòng hay tức giận khi tên của mình bị rác rưởi vứt vây quanh và phải chịu đựng sự giày xéo, giẫm đạp của hàng triệu đôi chân của du khách?

GS. Trần Lâm Biền cho rằng, xây dựng “Đại lộ danh vọng” ở Hồ Gươm là ý tưởng ngớ ngẩn vì “văn hóa và nhận  thức của người phương Đông khác với phương Tây, của Việt Nam khác của Mỹ. Đừng thấy họ làm gì là học theo. Ở Việt Nam, tên danh nhân, người có công người ta thường để lên cao, nơi trang trọng. Còn việc để lên tường, lên đường như thế là thiếu tôn trọng”. 

TS. Nguyễn Xuân Thủy nguyên Giám đốc NXB Giao thông nhận định, việc tuyến đường ghi danh thì nghe qua có thể thấy tôn trọng văn hóa nhưng thực sự nó lại làm giảm giá trị văn hóa, nếu không làm đúng mức độ của nó thì sẽ không phù hợp, không nâng cao tính bảo tồn, cũng như vấn đề tôn vinh những người có công với đất nước. “Đừng nên để tên các vị danh nhân dưới… gót giày” – theo TS. Nguyễn Xuân Thủy. Còn NSƯT Việt Hoàn nhắn nhủ: “Hãy giữ gìn một Hồ Gươm đẹp giản dị, nên thơ, sạch đẹp. Nếu muốn tôn vinh danh nhân, tôi nghĩ, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu tôn vinh ở không gian văn hóa khác sẽ hợp lý hơn”.

Có nhiều ý kiến còn cho rằng, nếu Hà Nội làm “Con đường ghi danh” đó sẽ sa vào việc học đòi hóa, hình thức hóa, hoành tráng hóa. Gần đây chuyện “vinh danh” nở rộ khiến người ta liên tưởng đến các phong trào “Gia đình văn hoá” đến “Khu phố văn hoá” hay “Làng văn hoá”. Các tổ chức, cơ quan, đoàn thể doanh nghiệp thì cố kiếm các loại danh hiệu, huân, huy chương, giấy khen, bằng khen treo kín tường. Hơn nữa, dư luận còn chưa hết bức xúc trước một số tượng đài tôn vinh danh nhân, bảo tàng lưu giữ văn hóa, lịch sử tốn kém hàng nghìn tỉ đồng bị bỏ hoang, mục nát, nứt vỡ. Hà Nội đang rất thiếu trường học, bệnh viện… chứ chưa cần tới “Con đường… “ảo” vọng” đó!

Đọc thêm