Dừng xây dựng thủy điện Đrăng Phốk giữ 'lá phổi' Vườn quốc gia Yok Đôn?

(PLO) -Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn, với công suất dưới 25 MW, việc đề nghị dừng xây dựng thủy điện Đrăng Phốk không ảnh hưởng nhiều đến quy hoạch điện quốc gia nhưng sẽ giữ lại được hệ sinh thái Vườn quốc gia Yok Đôn. 
Thuỷ điện Đrang Phôk dự kiến xây dựng trên sông Sêrêpôk thuộc xã KrôngAna-Huyện Buôn Đôn-Tỉnh Đắc Lăk
Thuỷ điện Đrang Phôk dự kiến xây dựng trên sông Sêrêpôk thuộc xã KrôngAna-Huyện Buôn Đôn-Tỉnh Đắc Lăk

Cần rừng hơn điện

Trước đó, Bộ NN&PTNT có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ xem xét lại về chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng tại Vườn quốc gia Yok Đôn để xây dựng Thủy điện Đrăng Phốk, tỉnh Đắk Lắk, trong khi chủ đầu tư là Công ty CP Đầu tư xây dựng và Ứng dụng công nghệ mới (Công ty TECCO) đang tiến hành việc đánh giá tác động môi trường để khởi động xây dựng Dự án này. 

Trao đổi với PLVN,Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cho biết: mặc dù đất nước đang trong giai đoạn phát triển và rất cần phát triển về cơ sở hạ tầng và thủy điện. Và thủy điện là nguồn tạo ra điện rẻ so với sử dụng các loại tài nguyên không tái tạo khác như than đá, dầu.

“Tuy vậy, trong sự phát triển, chúng ta ngày càng phải đặt sự phát triển cân bằng, bền vững lên vị trí quan trọng. Vì thế, đánh giá tác động nhiều mặt thì chúng tôi đã đề nghị với Thủ tướng Chính phủ xem xét lại chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng để làm thủy điện”- ông Tuấn nói. 

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho rằng chúng ta không nhất thiết phải chuyển mục đích sử dụng khoảng 63ha rừng chưa kể khoảng gần 20 ha sử dụng để tiếp tục xây dựng đường tải điện để có một nhà máy thủy điện công suất không lớn, dưới 30 MW.

“Cân đối tất cả các yếu tố đó tôi nghĩ rằng nó cũng không ảnh hưởng nhiều đến quy hoạch điện quốc gia. Chúng ta phải giữ được hệ sinh thái Vườn quốc gia Yok Đôn. Tôi tin Chính phủ sẽ xem xét và sớm có kết luận về vấn đề này”- lãnh đạo Bộ NN&PTNT nêu quan điểm.   

Đáng chú ý, theo Thứ trưởng Tuấn, ông có làm việc với lãnh đạo tỉnh Đăc Lắk và lãnh đạo địa phương này rất đồng tình với quan điểm của Bộ NN&PTNT dưa ra. Thậm chí, thường vụ tỉnh ủy địa phương này cũng đã bàn về chủ trương và cũng có quyết định thống nhất ý kiến của Bộ NN&PTNT.  

Chính phủ sẽ sớm có trả lời

Câu hỏi đặt ra, vì sao vào năm 2009, chính Bộ NN&PTNT đã trình Chính phủ xem xét, cho phép UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức lập hồ sơ chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng đặc dụng của Vườn quốc gia Yok Đôn sang mục đích không phải lâm nghiệp để xây dựng thủy điện Đrăng Phốk mà nay lại có quan điểm khác?. 

Thứ trưởng Tuấn giải thích: Năm 2008-2009, tình hình khô hạn, tình hình của tác động biến đổi khí hậu nó chưa rõ nét, chưa căng thẳng như bây giờ cho nên lúc đó việc phát triển thủy điện đảm bảo cân bằng điện cho sự phát triển rất nhanh đất nước lúc ấy đặt ra rất cấp thiết nên rất nhiều công trình thủy điện không chỉ Tây Nguyên mà cả đất nước ta thời kỳ ấy được đồng ý chủ trương và xây dựng rất nhanh chóng, trong đó có chủ trương về thủy điện Đrăng Phốk, Vườn quốc gia Yok Đôn. 

Lúc đó, Bộ NN&PTNT cũng đã đồng ý và đề nghị với Thủ tướng xem xét cho xây dựng thủy điện này. Tuy vậy, đến nay nhìn nhận lại, đánh giá lại thì chúng ta thấy rằng cần phải ưu tiên bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên cho việc phát triển bền vững hơn. 

Ngoài ra, theo Thứ trưởng Tuấn, vào năm 2009 chưa có các nghị quyết của Quốc hội về việc quản lý diện tích rừng, việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng chặt chẽ như bây giờ.

“Hiện nay, bất cứ khu vực nào chuyển đổi mục đích sử dụng rừng trên 20 ha thì phải xin ý kiến của Quốc hội. Và tôi tin nếu phải đưa ra quốc hội thì quốc hội cũng sẽ cân nhắc như các dự án thủy điện bị dừng trước đây ở sông Đồng Nai”- ông Tuấn nói. 

  Doanh nghiệp bị thiệt hại nặng 

Khi được hỏi quan điểm của Công ty Tecco về đề xuất của Bộ NN&PTNT dừng xây dựng nhà máy thủy điện Đrăng Phốk, Chủ tịch HĐQT Công ty này cho biết: Vấn đề dừng hay không tùy thuộc vào các Bộ ngành xem xét , quyết định. Về phía công ty chúng tôi đã đầu tư nghiêm túc theo tinh thần của Chính phủ gần 9 năm nay rồi. Nếu công ty không được tiếp tục đầu tư nữa thì quả là một thiệt hại về kinh tế rất lớn đối với công ty.

Đọc thêm