Đuổi học bé mầm non, nhà trường hay phụ huynh thiếu hợp tác?

(PLO) - Một đứa trẻ mầm non vô tội, bỗng dưng bị cho thôi học không rõ lí do, ảnh hưởng đến quyền được chăm sóc, nuôi dạy, giáo dục và sự phát triển của cháu. Trong khi vẫn chưa tìm được tiếng nói chung từ nhà trường và phụ huynh, thì dư luận tỏ ra không bằng lòng với việc làm trên của Trường Mầm non Tuổi thơ (phường Vinh Tân, TP.Vinh, Nghệ An). 
Trường Mầm non Tuổi thơ
Trường Mầm non Tuổi thơ
Cháu bé vô tội bị cho thôi học
Sau khi Báo PLVN đăng tải bài viết “Trẻ mầm non bị đuổi học vì… phụ huynh xúc phạm nhà trường?”, nhiều phụ huynh học sinh tỏ ra bất bình về cách hành xử của nhà trường đối với trường hợp cháu Hồ M.N. trong bài viết. 
Hầu hết các phụ huynh đều không tán thành với việc cho cháu bé 5 tuổi thôi học, sẽ ảnh hưởng đến tâm lý và sự phát triển về cả thể chất lẫn tinh thần của trẻ. Chị Nguyễn Thị Tuyên (một phụ huynh có con đang lứa tuổi mầm non) chia sẻ “Nếu là phụ huynh thì sẽ hiểu được tâm lý các mẹ, trong việc này nếu như người mẹ hơi nóng tính nhưng cũng vì lo lắng cho con mình. Nhưng không thể lấy lý do đó để đuổi học một đứa trẻ vô tội, điều này vô tình làm cháu bé có cảm giác tự ti và mặc cảm với các bạn…”. Nhiều phụ huynh khác cảm thấy lo lắng và không yên tâm đối với môi trường giáo dục như thế. 
Xin nhắc lại, trước đó, như báo PLVN đã đăng việc chị Nguyễn Thị An phụ huynh cháu Hồ M.N (5 tuổi) học sinh lớp nhỡ A Trường Mầm non Tuổi thơ phản ánh với Báo PLVN về việc con trai chị bỗng dưng bị buộc thôi học. Ngày 1/8/2013, chị đưa con trai đến trường nhập học, ngày 28/5/2014, trường tổ chức văn nghệ tổng kết cuối năm học, con trai chị được chọn vào đội văn nghệ của trường. 
Theo yêu cầu của nhà trường, chị mua đồ diễn văn nghệ cho con mình, bỏ trong chiếc túi mang đến giao cho cô giáo chủ nhiệm rồi về đi làm. Buổi biểu diễn, chị đến tham dự để động viên con cùng các phụ huynh khác. Thấy con trai không có giầy đi, không thấy túi đồ đâu trong khi các bạn đã mặc đồ và đi giầy xong cả. Khi hỏi cô giáo chủ nhiệm, thì cô nói không biết túi đồ đâu cả, túi đồ đã giao cho cháu giữ rồi. Sau một lúc lời qua tiếng lại, cháu N. không có giầy để đi trong buổi diễn văn nghệ, khi biểu diễn xong, chị An đưa con trai về. 
Ngày 29/5/2014, nhân viên hành chính nhà trường gọi điện cho chị An đến lấy hồ sơ của con trai về vì không cho cháu học ở trường nữa. Chị An đã đến trường để yêu cầu nhà trường giải thích rõ lý do cho cháu thôi học, được nhà trường trả lời là không nhà trường không hợp tác được với phụ huynh nên không tiếp tục nhận chăm sóc cháu nữa. Nhà trường cho rằng, phụ huynh có những lời lẽ xúc phạm giáo viên và nhà trường, tuy nhiên không có văn bản hay quyết định cụ thể nào về việc không tiếp nhận chăm sóc cháu N.. 
Chị An bức xúc, “Đây là lỗi của giáo viên, không phải lỗi của phụ huynh, hôm đó tôi cũng không có thái độ gì cả. Nhà trường không nhận ra lỗi của các cô mà đổ cho phụ huynh thì nhà trường nên xem lại. Tôi nghĩ việc cho cháu nghỉ học, trả hồ sơ cho gia đình thì không có cơ sở nào cả. Trẻ con chả có lỗi gì cả, không thể đưa trẻ con ra làm tấm “bình phong” cho người lớn. Nếu trả hồ sơ thì cần có biên bản và nói rõ lý do. Trường mới mở được một năm mà anh thích cho cháu học thì cho, không cho cháu học thì thôi, như thế thì ai dám cho con vào đây học ?”. 
Sự việc cái túi diễn ra tối 28/5, dù chưa mời phụ huynh lên để làm việc nói rõ vấn đề, thì ngày 29/5, nhà trường đã tiến hành họp hội đồng nhà trường và có quyết định từ chối nhận chăm sóc, nuôi dạy bé N. Chưa có sự bàn bạc thống nhất với phụ huynh, chưa tìm ra được nguyên nhân sự việc, nhà trường vội vàng đưa ra kết luận phụ huynh thiếu tôn trọng, không hợp tác. Với quyết định này chị An cho rằng đây là quyết định duy ý chí. Với việc 100% giáo viên trong trường nhất trí với việc không nhận chăm sóc bé N., chị An cho rằng, 100% giáo viên không có căn cứ nào để quyết định cho con chị nghỉ học, việc giáo viên trong trường bảo vệ nhà trường là chuyện dễ hiểu. 
Ai là người thiếu hợp tác (?)
Theo tài liệu do chị An cung cấp, tại fie ghi âm trong cuộc đối thoại giữa chị An và đại diện phía nhà trường có nêu, theo thầy Đặng Minh Chưởng – Chủ tịch HĐQT nhà trường thì phụ huynh có thái độ không tôn trọng các cô, hỗn xược. Nhưng khi chị An yêu cầu nhà trường chứng minh việc không tôn trọng, hỗn xược của phụ huynh thì vị đại diện phía nhà trường im lặng (?). 
Chị An hết sức bức xúc khi thầy Chưởng nói, “cái túi không là cái gì hết, mất thì sẽ tìm lại, cái túi mất 1 triệu hay 10 triệu đều đền được…”( trích theo fie ghi âm), chị An cho rằng: trách nhiệm của nhà trường ở đâu, lấy tiền là mua được tất cả ?, giáo dục là bằng tiền chứ không phải bằng trách nhiệm ?. 
Trước đó, trả lời báo PLVN, thầy Chưởng cho biết, “Nguyên nhân của việc không cho bé N. tiếp tục học là không tạo được sự hợp tác giữa phụ huynh và nhà trường. Trong 1 năm học, mẹ cháu N. gây ức chế, thiếu tôn trọng giáo viên”. 
Với lý do này chị An yêu cầu nhà trường có biên bản và quyết định nêu rõ lý do, nhưng phía nhà trường vẫn không cung cấp văn bản hay quyết định nào về việc cho cháu Hồ M.N. thôi học. Riêng về tài liệu quy định về điều kiện tiếp nhận và trả lại các bé có việc từ chối chăm sóc nuỗi dưỡng bé khi phụ huynh có thái độ thiếu tôn trọng giáo viên… thì chị An khẳng định chưa được tiếp xúc bao giờ kể từ khi đưa con nộp hồ sơ vào học. 
Chị An bất bình về sự việc, “Từ khi sự việc xảy ra, phía nhà trường chưa cho phía phụ huynh một cơ hội nào để giải thích về sự việc, nhà trường chưa mời tôi lên để làm việc mà chỉ có tôi tìm đến trường. Phía nhà trường cho rằng phụ huynh không hợp tác, nhưng cũng không có chứng cứ nào rõ việc tôi thiếu hợp tác, thiếu hợp tác chỗ nào (?), không tôn trọng, hỗn xược như thế nào, tôi nói hỗn như thế nào với cô giáo ? mà lại kết luận phụ huynh hỗn láo, thiếu tôn trọng, không hợp tác?. 
Chị cho rằng, việc cho cháu nghỉ học làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý, thói quen sinh hoạt, quá trình hình thành nhân cách của trẻ, danh dự của con trai chị và gia đình chị. Trả lời Báo PLVN, thầy cũng Chưởng thừa nhận, việc học sinh 5 tuổi bị cho nghỉ học ít nhiều sẽ có ảnh hưởng, nhưng bởi vì chỉ thông qua phụ huynh và người mẹ phải có trách nhiệm giải thích cho cháu như thế nào đó. 
Trước đó, cô Lê Thị Phương – cán bộ Phòng GD-ĐT thành phố Vinh cho biết, “Từ trước đến nay, chưa có trường hợp nào học sinh mầm non bị cho nghỉ học mà chỉ có phía học sinh và phụ huynh đơn phương nghỉ học”. Cô Phương cho biết thêm, Phòng GD-ĐT thành phố vừa có quyết định về việc thành lập đoàn kiểm tra, làm việc với nhà trường về vụ việc. 
Ông Bùi Quốc Dũng, Trưởng phòng Bảo vệ và chăm sóc trẻ em - Sở LĐTB-XH tỉnh Nghệ An cho biết “Trẻ em có quyền được chăm sóc và dạy dỗ, giáo dục. Cả phụ huynh cả nhà trường đều có chung một mục đích là hướng đến mục tiêu vì lợi ích của trẻ. Theo tôi, Phòng GD&ĐT thành phố Vinh nên tham mưu cho UBND thành phố có cuộc họp giữa các bên liên quan bàn bạc, thống nhất nhằm hướng đến việc chăm sóc, bảo vệ trẻ một cách toàn diện”. 
Ông Dũng nói thêm, cần kiểm tra quy định về điều lệ tiếp nhận và trả lại các bé có nằm trong Đề án thành lập trường không. Nếu có thì có các điều khoản tương tự trên không. 
Dù là lỗi của nhà trường hay phụ huynh thì việc một cháu bé 5 tuổi bị buộc thôi học là điều hết sức đáng tiếc và thiệt thòi thuộc về cháu. Hi vọng trong thời gian tới, sau khi có kết quả làm việc của đoàn kiểm tra về vụ việc, thì giữa phụ huynh và học sinh sẽ có được tiếng nói chung, rút kinh nghiệm, đảm bảo trẻ có được quyền được chăm sóc và dạy dỗ để phát triển./.

Đọc thêm