Duyên nợ chữ nghĩa

(PLVN) - Tốt nghiệp đại học với tấm bằng cử nhân Quản trị Doanh nghiệp, tôi từng được nhận vào làm việc tại một công ty chuyên về xuất khẩu hàng may mặc sang nước Nga. Nhưng với bản tính không thích gò bó ngồi văn phòng 8 tiếng/ngày, trong khi thích đi lại, viết lách, nên tôi thấy mình không hạnh phúc với công việc này. Sau gần một năm, tôi quyết định nghỉ việc văn phòng, bắt đầu dấn thân vào nghề báo.
Phóng viên Phạm Diệu cùng Đoàn công tác Báo PLVN tặng áo ấm cho các em nhỏ.
Phóng viên Phạm Diệu cùng Đoàn công tác Báo PLVN tặng áo ấm cho các em nhỏ.

Chuyến công tác đầu tiên  

Khi có ý định theo nghề, nhiều người trong nghề cảnh báo với tôi rằng nghề báo không phải là nghề an nhàn, sung túc, không hợp với những kẻ lười biếng, cần suy nghĩ thật kỹ trước khi quyết định. Bước chân vào, tôi mới thấy được đúng đây là một nghề chọn người khắt khe nhất.

Không phải ai tốt nghiệp đại học, kể cả đại học chuyên ngành báo chí, cũng có thể theo được nghề này. Bởi ngoài những kiến thức cơ bản được đào tạo trong trường, người làm báo phải có tố chất, năng khiếu báo chí, quan trọng nhất là phải yêu nghề, ham học hỏi, phải đam mê như có duyên nợ với những con chữ.

Tôi được nhận về thực tập tại Báo PLVN và chính nơi đây đã cho tôi trưởng thành để rồi càng làm việc tôi càng yêu nghề, yêu “ngôi nhà” PLVN nhiều hơn. Còn nhớ những ngày đầu tiên tập sự, đó là những ngày giáp Tết Quý Ngọ (năm 2013), tôi được Ban Biên tập giao tham gia một chuyến thiện nguyện của Báo phối hợp chương trình “Áo ấm biên cương” trao quà gồm: Ủng, áo ấm, thực phẩm cho gần 700 giáo viên, học sinh tại 5 điểm trường trong xã Pá Hu, xã đặc biệt khó khăn của huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái. Nơi đây có khoảng 99% người dân tộc Mông, tỉ lệ hộ nghèo lên tới 90%. 

Đây là lần đầu tiên tôi được đến một nơi miền núi xa xôi với đặc trưng “2 không”: Không sóng điện thoại; không thể đến nếu trời mưa. Xã Pá Hu nằm lưng chừng núi, các điểm trường của xã cũng vậy. Khoảng cách từ trung tâm xã đến các điểm trường từ 10-19km đường rừng. Một đàn anh cho biết: “Ngày nắng, chỉ có người dũng cảm mới đi xe máy vào, với quãng thời gian 3 tiếng đồng hồ; ngày mưa, phải đi bộ trong vòng 6-7 tiếng”. 

Tại đây, trừ điểm trường chính được xây dựng khang trang hơn thì bốn điểm trường còn lại hầu như giống nhau: Những ngôi nhà ghép bởi tranh, tre, nứa lá và nếu trời mưa thì dột tứ phía. Nếu ai tận mắt chứng kiến việc học tập, ăn ở của các em nhỏ tại đây không khỏi xót xa, day dứt.

Vào mùa đông, cái lạnh cộng thêm sương muối cho cảm giác giá rét khủng khiếp. Người lớn còn cảm thấy thấu xương thì bàn tay, đôi chân bé nhỏ của những đứa trẻ lúc nào cũng tím bầm, bật máu. Vậy mà dưới cái lạnh cắt da cắt thịt vùng sơn cước, đa số đều mặc phong phanh, chân đất. 

Sự mặc đã thế, sự ăn của những đứa trẻ ở đây ra sao? Bữa trưa gồm cơm trắng lạnh ngắt cùng mấy con cá khô kho mặn bé bằng đầu đũa được bố mẹ chuẩn bị trước khi đi làm rẫy. Để ý lắm mới thấy được trong hàng chục đứa trẻ, duy nhất một bé có mẩu thịt gà bé xíu, vài em chỉ có mấy miếng măng luộc gói trong túi ni lông nhàu nát, đen xỉn…

Chuyến công tác đầu tiên trong đời làm báo ấy đã cho tôi nhiều trải nghiệm. Rằng có những chuyến đi không chỉ để giúp người, mà còn có thể góp sức kéo gần khoảng cách miền ngược - miền xuôi, người giàu - người nghèo; để chiêm nghiệm cuộc sống còn nhiều vất vả và so với nhiều hoàn cảnh khó khăn khác thì mình vẫn còn đầy đủ.

Vượt qua áp lực đưa tin nghị trường

Hết thời gian tập sự, tôi được Ban Biên tập phân công về Ban Nội chính, rồi Ban Thời sự Chính trị để theo dõi hoạt động các bộ, ngành rồi chuyển sang theo dõi Quốc hội. Những người theo dõi hoạt động của Quốc hội lâu nay vẫn hay “tếu táo” với nhau rằng, đây là mảng “vừa khó, vừa khổ, vừa khô, vừa khiếp”. Những phóng viên này cũng được tòa soạn “chấm” rất kỹ bởi đòi hỏi phải có những kỹ năng, nền tảng kiến thức nhất định, nhãn quan chính trị vững chắc.

Hàng năm, thường vào độ tuần cuối của tháng 5 và tháng 10, cánh phóng viên nghị trường từ báo hình, báo nói, báo điện tử, báo giấy của Trung ương, địa phương lại có dịp hội ngộ đưa tin về kỳ họp Quốc hội. Ngoài việc đưa lượng thông tin nhanh chóng, kịp thời, chính xác truyền tải đến bạn đọc cả nước về các phiên họp chính thức thì một phần quan trọng và cũng khó khăn nhất với phóng viên là phỏng vấn bên lề hành lang. Phỏng vấn hành lang rất quan trọng bởi đây là cầu nối giữa cử tri và đại biểu trước những sự kiện nóng đang xảy ra, nhưng để thực hiện không hề đơn giản. 

Khó khăn đầu tiên, cũng là khó khăn nhất, là việc phải có được “thẻ sự kiện” để lên hành lang Quốc hội. Bởi trong khoảng 500 phóng viên được phát thẻ tham gia kỳ họp, chỉ có khoảng 30 thẻ sự kiện được phát ra mỗi ngày cho phóng viên tiếp cận đại biểu trong giờ giải lao. Các phóng viên phải đăng ký trước đầu kỳ họp với Trung tâm báo chí của Văn phòng Quốc hội. Sau đó, những cán bộ này chỉ để 30 báo có thẻ. Báo nào được cấp thẻ sáng thì thôi thẻ chiều.

Có được thẻ là một quá trình, còn việc phỏng vấn được đại biểu lại là chuyện khác. Các phóng viên phải tận dụng tối đa hơn 20 phút giải lao quý báu để hỏi được những vấn đề tòa soạn giao, dư luận xã hội quan tâm. Nếu không có sự chuẩn bị kỹ câu hỏi và “nhắm” đại biểu trả lời thì phóng viên sẽ bị “ngợp trong số 500 đại biểu Quốc hội” và không biết hỏi ai. 

Vất vả là thế nhưng càng làm, tôi lại càng thấy yêu nghề báo hơn. 

“Nhờ vào sự lên tiếng của Báo, rất nhiều người dân “thấp cổ, bé họng” đã được đảm bảo quyền lợi. Đó là những trải nghiệm ngọt ngào, ấn tượng mà tôi có được khi bắt đầu vai trò của một phóng viên Báo PLVN. 

Cách đây 3 năm, chúng tôi về đất vải sau khi nhận được đơn thư của một người dân ở xã Nam Dương (huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang). Sau một thời gian viết bài và kiên trì đấu tranh, người dân cũng nhận được quyền lợi chính đáng. Tôi còn nhớ, cuộc điện thoại đầu tiên sau khi nhận được quyền lợi của mình, bạn đọc ấy chia sẻ: “Khi em làm đơn khiếu nại gửi tới Báo, người dân quê em bảo rằng “con kiến kiện củ khoai”, chả làm gì được đâu. Chả ai dám nghĩ là em có thể đòi được quyền lợi của mình, chị ạ”.  

Ít ngày sau, thình lình tôi nhận được một lá thư đề tên người gửi cũng từ Lục Ngạn nhưng là xã Kiên Lao. Gọi điện cho tác giả lá thư (cũng là một đơn khiếu nại), được biết biết: “Sau khi cô giúp mẹ con nhà Út (nhân vật tôi kể ở trên - PV) lấy lại được quyền lợi thì tên, số điện thoại và địa chỉ tờ báo cô công tác đã được một cán bộ lưu lại để mỗi khi có người dân nào cần kêu cứu, họ lại ra nhờ ông viết đơn gửi đến cô”. 

Vụ việc của người này khá hi hữu. Bà có một vườn nhãn, bỗng một ngày bị cháy. Bà làm đơn kiện hàng xóm vì đốt cỏ làm vườn nhà bà bị cháy mất 100 cây. Sau khi chứng minh được hướng gió chính là tác nhân thổi đám cỏ cháy nhà hàng xóm sang và gây cháy vườn nhãn nhà mình, bà đã được tòa chấp nhận yêu cầu bồi thường. Nhưng sau 3 năm bản án của bà có hiệu lực mà vẫn chưa được thi hành án. Bà lại đi kêu cứu.

Tôi đọc các bản án và quyết định gọi điện cho Chi cục Thi hành án dân sự huyện Lục Ngạn nói về khiếu nại của người dân. Chỉ vài ngày sau, tôi lại nhận được lá thư từ bà Hóa. Tôi nghĩ trong đầu, không biết lại kiện cáo gì nữa (vì chưa kịp viết về vụ việc). Không ngờ đấy lại là bức thư cảm ơn. 

Bà viết thư cảm ơn vì chỉ vài ngày sau khi PV Báo PLVN tìm hiểu sự việc, bà đã nhận được đền bù, trong khi trước đó bà ròng rã đi đòi quyền lợi 3 năm mà chưa được thực hiện. Tôi đùa với đồng nghiệp “bài chưa viết mà người ta đã nhận được quyền lợi rồi, chứng tỏ tiếng nói của phóng viên Báo PLVN cũng có ý nghĩa ra phết””. Hồng Tươi

Đọc thêm