Gái mại dâm online ngày càng nở rộ

(PLO) -  Gái mại dâm online là một hình thức biến tướng thông qua các trang mạng xã hội, chính bởi lẽ đó cơ quan quản lý sẽ có nhiều biện pháp quản lý và kiềm chế tệ nạn này...
Gái mại dâm online đăng thông tin trên internet. (Ảnh chụp màn hình: Q.M)
Gái mại dâm online đăng thông tin trên internet. (Ảnh chụp màn hình: Q.M)
Dễ tìm kiếm thông tin gái bán dâm online
Gái mại dâm hiện nay chuyển từ hình thức có bảo kê, dắt mối sang hoạt động độc lập, qua các trang “web đen” đặt máy chủ ở nước ngoài.
Chỉ cần gõ từ khóa tìm kiếm có thể xuất hiện hàng chục các địa chỉ trang mạng đăng thông tin về gái bán dâm.
Sau khi một loạt trang “web đen” đình đám chuyên môi giới mại dâm qua mạng bị lực lượng chức năng triệt phá, nhiều trang web khác lại được lập nên.
Thông qua các trang web này, đối tượng môi giới chụp hình cho gái bán dâm với hình ảnh gợi cảm, thậm chí rất phản cảm khi các cô gái bán dâm phô diễn thân thể kèm số điện thoại và mật khẩu liên hệ.
Theo một cán bộ Cục CSĐT Tội phạm Công nghệ cao (C50 Bộ Công an), các web đen này thường được điều hành bởi các ma-cô chuyên nghiệp nhưng khó bị ngăn chặn bởi server máy chủ lại đặt ở nước ngoài. 
“Giá bán dâm sẽ được đăng kèm ảnh và số điện thoại, khi khách gọi, sẽ được cho địa chỉ bãi đáp”. H, một dân chơi ở quận Thanh Xuân (Hà Nội) cho biết phương thức phổ biến của hình thức mại dâm online.
Khá nhiều địa chỉ trên mạng đăng tải thông tin về gái bán dâm. (Ảnh chụp qua màn hình: Q.M)
Khá nhiều địa chỉ trên mạng đăng tải thông tin về gái bán dâm. (Ảnh chụp qua màn hình: Q.M)
Theo người đàn ông này, mặc dù hình thức hoạt động độc lập thông qua web khiêu dâm hay mạng xã hội giúp gái bán dâm “bớt chi phí”. “Tuy nhiên, nó đưa đến nhiều rủi ro nên đa số gái bán dâm chấp nhận chia sẻ lợi nhuận”, H nói và cho rằng “đây là mối quan hệ cộng sinh”.
Đồng bắng sông Hồng dẫn đầu số gái bán dâm?
Theo báo cáo của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, hiện nay số người bán dâm có hồ sơ quản lý là 11.240 người, trong đó tập trung nhiều ở khu vực: Đồng bằng sông Hồng (gần 3.700 người); Đông Nam Bộ (3.200 người); Đồng bằng Sông Cửu Long (gần 1.400 người)... 
“Tuy nhiên, con số thực tế có thể còn cao hơn do đây là một hoạt động rất khó kiểm soát bởi tính phức tạp, tinh vi và trá hình của nó”, báo cáo này nhận định. 
Vẫn theo báo cáo trên, thực tế đã xuất hiện những đối tượng và hình thức hoạt động mại dâm mới: Gái gọi, du lịch tình dục, người nước ngoài bán dâm, mại dâm nam, mại dâm đồng tính, người chuyển giới bán dâm, môi giới mại dâm thông qua mạng internet, facebook… 
Tình trạng người mại dâm sử dụng ma túy có xu hướng gia tăng; đối tượng mua dâm thuộc nhiều lứa tuổi, thành phần khác nhau. 
“Bên cạnh việc gây nhiều hệ lụy cho xã hội, nguy cơ lây lan các bệnh xã hội, tệ nạn mại dâm cũng làm gia tăng các băng nhóm, tổ chức tội phạm mua bán, sử dụng trái phép chất ma túy, hình thành những đường dây mua bán người vì mục đích mại dâm; tình trạng mua bán phụ nữ, trẻ em vì mục đích mại dâm có chiều hướng gia tăng không chỉ ở trong nước và ngoài nước”, báo cáo viết. 
Tăng trách nhiệm, nhận thức phòng chống mại dâm

Để phòng, chống tệ nạn mại dâm, Chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2016-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Mục tiêu đến năm 2017 sẽ có 50% và năm 2020 sẽ là 100% các tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch lồng ghép và tổ chức, thực hiện nhiệm vụ phòng, chống mại dâm với các chương trình kinh tế - xã hội tại địa phương như chương trình giảm nghèo, dạy nghề cho lao động nông thôn, chương trình việc làm, phòng, chống HIV/AIDS, phòng, chống tội phạm mua bán người. 
Tổ chức rà soát, đánh giá về nhóm người có nguy cơ cao (thanh niên chưa có nghề nghiệp, chưa có việc làm.) và các chương trình an sinh xã hội, các chương trình phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương để hướng mục tiêu của các chương trình đến các nhóm đối tượng này. 
Xây dựng các hoạt động lồng ghép cho nhóm phụ nữ có nhu cầu tìm kiếm việc làm trong các chương trình dạy nghề cho lao động nông thôn, chương trình việc làm, hỗ trợ vay vốn, chương trình giảm nghèo… nhằm cung cấp cho họ các cơ hội lựa chọn công việc phù hợp.
Việc xây dựng các kế hoạch lồng ghép việc thực hiện các Chương trình an sinh xã hội tại địa phương với nhiệm vụ phòng, chống mại dâm sẽ xây dựng thử nghiệm 3 mô hình: 
Cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho người bán dâm tại cộng đồng, Trung tâm công tác xã hội.
Hỗ trợ nhằm bảo đảm quyền của người lao động trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm. 
Hỗ trợ tăng cường năng lực của các nhóm đồng đẳng/nhóm tự lực/câu lạc bộ của người bán dâm trong việc tiếp cận, truyền thông và hỗ trợ giảm hại, phòng, chống bạo lực giới. 
Trong đó, với mô hình cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho người bán dâm tại cộng đồng, Trung tâm công tác xã hội, xây dựng tiêu chí lựa chọn địa phương thí điểm xây dựng và vận hành mô hình cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho người bán dâm (bổ sung chức năng, nhiệm vụ, đào tạo nhân lực, đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất…). 
Cùng với đó, tổ chức đào tạo đội ngũ cán bộ về phương pháp tiếp cận, cung cấp dịch vụ hỗ trợ đối với người bán dâm; lựa chọn các dịch vụ hỗ trợ phù hợp và thử nghiệm việc cung cấp các dịch vụ hỗ trợ cho người bán dâm tại cộng đồng…
Chương trình nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội trong công tác phòng, chống mại dâm.

Đọc thêm