Gặp nạn trong… vòng tay cha mẹ?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Đối với một đứa trẻ, khi cảm thấy buồn đau hay hiểm nguy, điều các em cần nhất là sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời của cha mẹ. Câu nói “Con yên tâm, cha mẹ ở ngay đây” có sức mạnh to lớn đối với trẻ. Nhưng có những người cha, người mẹ không làm được điều đó.
Sự kỳ vọng về con cái nhiều khi tạo áp lực cho chính các bậc cha mẹ.
Sự kỳ vọng về con cái nhiều khi tạo áp lực cho chính các bậc cha mẹ.

Bản án cuộc đời luôn ám ảnh

Cuối tháng 3/2021, dư luận rùng mình trước thông tin một người cha ở Hải Phòng dùng đũa đâm thấu ngực con gây tử vong chỉ vì con bỏ thi. Nguyên nhân xuất phát từ sự kỳ vọng quá lớn của người cha vào việc học hành của con. Sự kỳ vọng ấy cũng tạo áp lực cho chính các bậc cha mẹ. Khi con cái học hành chểnh mảng, bỏ thi giữa kỳ đã nảy sinh sự bực tức, thất vọng và gây ra sự việc đau lòng.

Nói về vụ án trên, chuyên gia tâm lý Lê Thị Túy cho rằng, hành vi của người cha để thỏa được cơn giận nhưng đã mất con vĩnh viễn, bản thân người cha này cũng phải đối mặt án tù và bản án lương tâm sẽ ám ảnh suốt đời.

Từ góc độ pháp lý, Luật sư Hoàng Tùng (Văn phòng Luật sư Trung Hòa) cho rằng, đối với vụ án trên, hậu quả được xác định là cái chết của nam sinh lớp 9. Đây là hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, là mạng sống của một người chưa đủ 18 tuổi. Đáng buồn thay là người tước mạng sống của nạn nhân lại chính là cha ruột của em.

“Đối với vụ việc trên, cơ quan điều tra sẽ tiến hành làm rõ hành vi của người cha để xử lý theo quy định. Tuy rằng việc xử lý là điều cần thiết, nhưng đối với sự việc này vẫn không thể nói trả giá bằng bản án của pháp luật là xong. Bởi đó là sự ân hận cả đời của một người bố, sự tan vỡ của một gia đình” – theo Luật sư Hoàng Tùng.

Bên cạnh vụ việc cha mẹ xâm hại sức khỏe, tính mạng của con, còn rất nhiều vụ việc khác trẻ bị xâm hại tình dục bởi chính người thân, cha đẻ, cha dượng của mình. Điển hình như vụ việc đang được Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Bình Thuận thụ lý hồ sơ. Đây là vụ án “Hiếp dâm người dưới 16 tuổi” xảy ra tại xã Hàm Đức, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận.

Theo diễn biến sự việc, một người đàn ông đã lợi dụng lúc vợ vắng nhà, nhiều lần thực hiện hành vi xâm hại tình dục đối với con gái. Sự việc kéo dài từ tháng 8/2018 đến tháng 8/2020 bị phát hiện. Quá trình điều tra, người cha thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình.

“Con an toàn - Cha mẹ ở ngay đây”

Đối với một đứa trẻ, câu nói này như một câu thần chú, một liều thuốc trấn an hiệu quả để giúp bước qua những khó khăn trong học tập, cuộc sống. “Con an toàn - Cha mẹ ở ngay đây” cũng là chủ đề buổi tọa đàm trực tuyến do Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) phối hợp với Hội Bảo vệ Quyền Trẻ em Việt Nam (VACR) thực hiện trong khuôn khổ “Hỗ trợ tiếp cận tư pháp cho trẻ em bị xâm hại tình dục tại Hà Nội”.  

Là người có nhiều năm kinh nghiệm tham vấn, hỗ trợ tâm lý cho trẻ em là nạn nhân của xâm hại, chuyên gia tâm lý Đoàn Thị Hương chia sẻ: “Ngay khi trẻ em bị xâm hại, điều các em cần nhất là sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời của những người thân cận nhất, chính là những người “sơ cứu” ban đầu cho trẻ. Câu nói “Cha mẹ ở ngay đây” có sức mạnh to lớn đối với các em trong giai đoạn nhạy cảm này”.

Trên cương vị một người cha, nhà văn, nhà báo Hoàng Anh Tú – người đã xuất bản nhiều ấn phẩm liên quan đến trẻ em cũng đưa ra lời khuyên: “Muốn con lên tiếng khi bị xâm hại hay bất cứ rắc rối nào, cha mẹ hãy dành cho con sự quan tâm, gần gũi thân thiết với con ngay từ khi con còn nhỏ, nói chuyện với con hàng ngày, tạo cho con thói quen lên tiếng. Nếu con không được trao quyền để lên tiếng thì trong những vấn đề nhạy cảm thế này, các con sẽ càng khó khăn hơn khi nói ra câu chuyện của mình, cha mẹ sẽ không thể hỗ trợ được con hiệu quả”.

Đa số phụ huynh hiện nay đều rất mong muốn con cái chăm ngoan, học giỏi. Sự mong muốn ấy thường xuất phát từ hai nguyên nhân: Cha mẹ tri thức muốn con cái học giỏi nối dòng dõi, danh giá nhà mình và cha mẹ không thành đạt trong cuộc sống nên mong muốn con cái phải học tập để thành đạt, không giống mình ngày xưa. Dù hoàn cảnh nào bố mẹ đều yêu cầu rất cao ở con cái, muốn con cái mình thành đạt “con hơn cha là nhà có phúc” nhưng khi con cái không làm được như mong đợi, họ thất vọng đổ tại cho con.  

Quay lại với câu chuyện đau thương ở Hải Phòng nói trên có thể thấy, nếu cha mẹ không thay đổi góc độ nhìn nhận và phương pháp nuôi dạy con thì những đứa trẻ sẽ không an toàn ngay trong chính ngôi nhà của mình, sẽ bị xâm hại tinh thần, thể xác, thậm chí là tính mạng.

Theo chuyên gia tâm lý Lê Thị Túy, đó chính là một bi kịch trong cuộc sống. Bởi để con cái đạt được yêu cầu của cha mẹ là cả một công trình, công phu rất lớn trong việc dạy dỗ con chứ không phải dễ dàng.

“Muốn con nên người, bản thân cha mẹ phải gương mẫu trong lao động, cư xử, lối sống để con thấy muốn thành đạt phải như cha mẹ mình, từ đó cố gắng chăm ngoan, học tập chứ không thể lười biếng, trông chờ vào may rủi là có được. Nếu cứ theo mong muốn của mình, muốn bắt con phải thế này, phải thế khác, khi con nói lại không hiểu con nên con phản ứng lại dẫn đến mâu thuẫn” - bà Lê Thị Túy nêu quan điểm.

“Hàng rào bảo vệ trẻ em tốt nhất chính là cha mẹ và gia đình, sau đó mới đến người thân, cộng đồng, chính quyền. Về phía các cơ quan nhà nước, chúng tôi luôn nỗ lực để nắm bắt thông tin và hỗ trợ, bảo vệ các em một cách nhanh nhất, an toàn nhất, để các em không phải chịu thêm bất cứ nỗi đau nào nữa.

Tổng đài Quốc gia bảo vệ Trẻ em 111 có chức năng là đường dây nóng, thường trực 24/7 tiếp nhận về các vụ việc xâm hại trẻ em. Trong trường hợp khẩn cấp, Tổng đài 111 sẽ yêu cầu ngay lập tức với cảnh sát, chính quyền địa phương can thiệp để giúp đỡ trẻ em” - ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em.

Đọc thêm