Gặp người anh hùng dùng thân mình làm trụ ghì bè trên sông Mã

(PLO) - Từ lâu người dân Thanh Hóa đã biết đến sông Mã, nhất là ở thượng nguồn vì có nhiều xoáy nước và vựng sâu. Và chính nơi thượng nguồn này đã sản sinh ra một người anh hùng lao động.
Ông Hà Văn Dân được Chủ tịch Tôn Đức Thắng ký quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động
Ông Hà Văn Dân được Chủ tịch Tôn Đức Thắng ký quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động
Ông đã có chiến tích trong việc lấy thân mình làm trụ chèo để giữ cho bè mảng khỏi bị bom đạn của giặc Mỹ bắn phá. Người anh hùng được đồng bào Thái tin yêu và nể phục ấy là ông Hà Văn Dân (SN 1947) thuộc khu 6 thị trấn Quan Hóa, huyện Quan Hóa (Thanh Hóa).   
Anh hùng của của dòng sông hung tợn
Trong chuyến công tác về thượng nguồn sông Mã chúng tôi đã được ông Cao Bằng Nghĩa, nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy giới thiệu về ông Dân, vị anh hùng của bản làng. Ông Dân chính là người lái bè, đem luồng xuôi dòng sông Mã để phục vụ cho các công trình quân sự trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. 
Và chính trên con sông hung tợn này, ông Dân đã rất nhiều khó khăn, thử thách, tưởng chừng như không thể vượt qua được. Bởi khi xuôi dòng nước, ông phải vượt qua rất nhiều xoáy nước như “chảy Xuội, chảy Cả, chảy Long và Ngốc Cùng…”.
Ông Cao Bằng Nghĩa bảo: “Thượng nguồn con sông nay rất hung dữ, bởi có nhiều xoáy nước, nếu tay chèo non không nhớ hướng chảy là sẽ bị hất cả bè và người vào vách đá vỡ tan ngay tức khắc. Bà con chúng tôi ở đây cũng không hề biết lịch sử và sự hình thành của các dòng chảy này. Chỉ biết rằng từ lúc sinh ra đến khi lớn, ai cũng đều thuộc lòng câu ca dao: “Nhất chảy Xuội, nhị chảy Cả, ba chảy Long/ Lòng còn ái ngại Ngốc Cùng mà thôi”, biết để mà tránh”. 
Và chính những dòng chảy này đã nhào nặn ông Dân trở thành một con người vừa kiên cường vừa bất khuất.
Theo chân ông Cao Bằng Nghĩa, chúng tôi đến thăm gia đình người anh hùng của dòng sông hung giữ, để nghe kể lại những chiến tích của thời trai trẻ. Biết có ông Nghĩa và phóng viên đến thăm, người anh hùng nở một nụ cười, trên mặt vẫn còn in hằn vết sẹo do bị mảnh bom của giặc Mỹ bắn trúng. Dù đã 68 tuổi nhưng ông Dân vẫn rắn rỏi, nhanh nhẹn như thời trai trẻ. 
Khuôn mặt vị anh hùng vẫn còn in hằn dấu vết của nắng của gió, của cả một thời trai trẻ đã từng lênh đênh trên sóng nước. Khi được hỏi chuyện, ông Dân rơm rớm nước mắt bảo: “Tôi mồ côi bố từ bé, lúc 5 tuổi mẹ theo đoàn dân công vận tải lên Tây Bắc nhưng bị trúng đạn mất năm 1952”.     
Do mồ côi cả cha lẫn mẹ nên ông Dân đã được ông ngoại cưu mang và nuôi lớn. Vì nhanh nhẹn, nên ngay từ khi còn nhỏ việc gì cậu bé Dân cũng làm. Mười tuổi ông phải đi chăn trâu, đốt than, sơn tràng cho nhà giàu. 
Ông kể: “Ngày còn bé tôi cực lắm, phải đi ở cho nhà người ta cả năm trời, có hôm chỉ ăn một, hai củ khoai cũng qua bữa. Thấy tôi lam lũ rách rưới, nên bà con dân bản họ thương, có người họ cho vài củ khoai, củ sắn, cũng có người họ mang cả quần áo cũ đến tận nhà”.   
Theo ông Dân, năm 1964 trong một lần đem dây song buộc bè đến bán cho cán bộ lâm nghiệp, tại đây ông đã được cán bộ lâm nghiệp nuôi nấng, huấn luyện để trở thành một người anh hùng chinh phục dòng sông Mã huyền thoại. Ông Dân nhớ lại: “Lúc đó cán bộ của Công ty Lâm nghiệp Quan Hóa thấy tôi nhanh nhẹn lại chịu thương chịu khó nên đã bảo tôi ở lại cùng làm”. 
Thời gian đầu, ông Dân phải học cách đóng cọ, buộc dây, xoắn lạt, kết bè, chèo thuyền, chống mảng ròng rã một năm trời mới chính thức được đi theo đoàn. Và những ngày đầu tiên, tính mạng của ông Dân dường như đã giao phó cho dòng chảy với đầy gian nan và hiểm trở. Đã có nhiều lần ông Dân gặp phải xoáy nước, nhưng vì bản tính nhanh nhẹn nên đều vượt qua.
Trong những ngày đầu, ông Dân cùng đơn vị nhận nhiệm vụ vận chuyển bè mảng từ khắp nơi trên thượng nguồn sông Mã về bến Hồi Xuân (Quan Hóa) rồi vận chuyển xuống Cửa Hà huyện Cẩm Thủy. Đây chính là khúc sông hiểm trở, chỉ cần lạc tay chèo là các xoáy nước sẽ hút xuống lòng sông ngay tức khắc. 
Ông Dân cùng anh em đều phải là những người được rèn luyện, quen với việc vượt ghềnh thác bởi đoạn sông này có rất nhiều khe hẹp, vách núi dựng đứng, mới chỉ nhìn thôi đã khiến con người sởn gai ốc vì sợ hung hãn của nó rồi. 
Ông Dân nhớ lại: “Ghềnh Long có một đoạn khúc khuỷu, nhiều khe hẹp, nước lại chảy xiết nên liên tiếp phải chèo bên trái, phía dưới có một hàng rào đá răng cưa nên phải cúi đầu”.
Ông Dân khoe: “Nhờ có nhà báo nên tôi mới được Bác Hồ tặng huy hiệu vì đã có thành tích trong lao động vào sản xuất”
Ông Dân khoe: “Nhờ có nhà báo nên tôi mới được Bác Hồ tặng huy hiệu
vì đã có thành tích trong lao động vào sản xuất”
Những chuyến đi sinh tử
Trong những năm tháng ấy, ông Dân cùng đồng đội đã nhiều lần hú vía vì sự hung tợn của con sông này. Ông Nghĩa kể: “Ngày xưa để vận chuyển bè mảng không như bây giờ đâu. Bây giờ có xuồng máy đuôi tôm nên chỉ cần có nhiều người hỗ trợ là đi rất dễ. Lúc đó bác Dân đây chủ yếu dùng sức người là chính thế mà vẫn đưa được hàng trăm chuyến bè cập bến an toàn. Mà bè lúc đó có phải nhỏ đâu, bè gỗ cũng phải 12 khối, còn bè luồng cứ phải hàng trăm cây chứ chẳng phải chơi đâu”. 
Bốn tháng trời ròng rã, ông Dân cùng đồng đội không quản ngại mưa nắng, vượt thác vượt ghềnh, chém sóng trải gió với một mục tiêu là đưa bè luồng về xuôi. 
Cũng trong những chuyến đi sinh tử ấy, ông Dân đã rút ra được rất nhiều bài học cho bản thân. Ông Dân bảo: “Mình chỉ cần đi sai luồng là bè bị nước nó đánh vỡ tan tành rồi. Qua vực Tôm có 3 xoáy nước nên phải đi bên phải, phía dưới lại có một tảng đá to nên phải đi bên trái…”. 
Những cung đường sinh tử trên đã in hằn vào trí nhớ của ông Dân suốt nhiều năm nay. Bên cạnh việc đấu trí với ghềnh, thác, ông Dân cùng đồng đội còn phải đối diện với lũ giặc trời. Trong những ngày bị máy bay Mỹ rình rập, ông Dân cùng đồng đội lại phải vận chuyển bè luồng vào ban đêm.    
Có lẽ kỷ niệm khó quên nhất là vào năm 1965. Hôm đó ông Dân đang nằm ở trong lán của một buổi chiều mưa lũ, bỗng rầm rầm, 12 khối gỗ đứt dây chằng rùng rùng trôi ra giữa dòng. Ông kể: “Lúc ấy tôi mới gào lên “bè trôi rồi, cứu bè ngay”. Tôi cùng anh Dụng lao ra giữa dòng, cùng dùng sức cố kéo bè lại, nhưng bè đã mất trụ, không có điểm tựa để lái. 
Giữa sóng to gió lớn, tôi và anh Dụng loay hoay mãi nhưng không tài nào kéo được bè vào bờ. Lúc ấy tôi chỉ kịp nghĩ dù mình có chết cũng phải cứu bè, vì đây là tài sản của Nhà nước, của nhân dân. Nếu mình để bè trôi xuống ghềnh Chiếng là vỡ tan tành. 
Tôi ghì bám chặt vào đầu bè làm trụ còn anh Dụng lấy chèo. Anh Dụng tỳ lên vai và cổ phía bên phải của tôi, sau một hồi vật lộn cuối cùng chúng tôi cũng đưa được 12 khối gỗ vào bờ”, ông Dân nhớ lại.
Sau những giây phút liều lĩnh, mặc dù vai và cổ ông Dân tê buốt vì đau nhưng vẫn phải giục anh Dụng quay lại đơn vị để gọi người tiếp ứng. Ông Dân rơm rớm nước mắt tâm sự: “Lúc đó tôi phải ngâm mình ở dưới nước quyết bảo vệ bè, còn anh Dụng quay lại đơn vị nhưng bị nước lũ chặn mất đường đi. 
Thế là anh em chúng tôi phải thay nhau ngâm mình ở dưới nước ròng rã hai ngày liền mới liên lạc được với đơn vị. Sau đó có anh phóng viên đưa tôi lên báo, Bác Hồ biết tin nên rất cảm kích. Tôi được Bác Hồ gửi tặng Huy hiệu vì đã dũng cảm cứu tài sản của Nhà nước”.
Sau chiến công ấy, đến ngày 12/10/1966 đơn vị của ông Dân bị máy bay Mỹ phát hiện. Ông Dân kể: “Lúc đó anh em chúng tôi phải nằm rạp xuống mặt bè để tránh bom. Một số anh em phải nhảy xuống nước, chạy vào bờ để tránh đạn. Bom bay trên đầu, rồi chúng phá tan đầu bè của tôi. 
Lúc đó nếu bỏ bè thì cũng chết, tiếp tục đứng vững để chống bè vào bờ, tôi ném chiếc cày xuống nước neo lại. Thấy bè bị trôi, xót ruột quá tôi lại lao ra dòng nước chụm chúng lại để kéo vào bờ”.   
Trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ, bè luồng được vận chuyển về xuôi để phục vụ cho các công trình quân sự
Trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ, bè luồng được vận chuyển
về xuôi để phục vụ cho các công trình quân sự 
Hớp một ngụm nước chè, ông Dân chỉ vào vết thương ở hàm và kể tiếp: “Đây là vết thương bị máy bay địch đánh bay lên bờ, may là chỉ bị vỡ hàm, gãy cổ và mất 12 cái răng”. Lúc đó là lần ném bon thứ 3 khi ông Dân đang kéo những chiếc bè mảng cuối cùng vào bờ. Bất ngờ bom Mỹ dội xuống nước hất tung ông vào bụi rậm. 
Ông Dân nói: “Lúc đó tôi sờ lên mặt thì máu tuôn ra xối xả. Tôi gượng bò ra bờ sông thì vẫn còn nhìn thấy bè mảng. Sau một hồi gắng gượng tôi bị ngất do bị mất máu quá nhiều. Lúc máy bay địch bỏ đi, anh em tìm ra bờ sông thì thấy tôi nằm ở trên bờ, mọi người cứ tưởng tôi đã chết, nhưng may là số mình vẫn còn phước”.
Với thương tật đó ông Dân được xếp loại thương binh hạng nặng 3/4. Sau khi hồi phục sức khỏe, ông lại tiếp tục đóng góp trong việc hợp lý hóa, an toàn cho các chuyến đi, nhất là việc tham mưu cho anh em lái bè chinh phục sông Mã. 
Với nhiều chiến công, tháng 12/1973, ông Hà Văn Dân được Chủ tịch Tôn Đức Thắng ký quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, vào Sổ vàng số 87 SV. 
Năm 1978, ông vinh dự được thay mặt hàng triệu thanh niên Việt Nam tham dự Festival Thanh niên Quốc tế tổ chức tại Cu Ba. Liên tiếp bốn khóa Quốc hội, từ khóa IV đến khóa VII, ông vinh dự được bầu làm đại biểu Quốc hội. Ông cũng từng là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trong một thời gian dài...
Trong ngôi nhà cấp bốn của mình ông Dân tâm sự:  “Giờ cả ba đứa con đều đã tốt nghiệp đại học và có công việc ổn định. Ngôi nhà này chỉ còn có hai vợ chồng già sống với nhau. Nhờ có Đảng và Nhà nước quan tâm nên cuộc đời tôi mới được như ngày hôm nay…”. 
Đối với ông Dân, có lẽ niềm hạnh phúc lớn nhất của cả đời mình là được Bác Hồ tặng Huy hiệu vì đã có thành tích trong lao động vào sản xuất. Và ông Hà Văn Dân sẽ mãi mãi là trụ chèo vững chãi cho đồng bào nơi đây.

Đọc thêm