Gây dựng tương lai ở đảo Song Tử Tây

(PLO) - Đôi vợ chồng trẻ Đặng Văn Trí và Nguyễn Thị Ngọc Trang, một trong những hộ dân đang sinh sống tại xã đảo Song Tử Tây (huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa) là minh chứng rõ nhất cho khát vọng tuổi trẻ, không ngại gian khó, gây dựng tương lai giữa muôn trùng sóng biển…

Một góc đảo Song Tử Tây.
Một góc đảo Song Tử Tây.
Khát vọng tuổi trẻ
Nước da rám nắng và nụ cười luôn thường trực trên môi, Đặng Văn Trí rắn rỏi như một tấm lá chắn giữa muôn trùng sóng cả. Trí trước ở Cam Bình, Cam Ranh, Khánh Hòa nên ngồi nói chuyện, Trí bảo, cuộc sống ở đây chẳng khác gì cuộc sống mà suốt thời niên thiếu Trí đã sống và lớn lên. Cam Bình cũng là xã đảo và Song Tử Tây cũng là xã đảo. Có khác, chỉ là khoảng cách với đất liền có xa xôi hơn, vậy thôi. 
Rót chén trà mời khách, Trí chỉ tay ra giới thiệu với chúng tôi vườn rau xanh mướt mát đang đón từng đợt gió biển thổi vào. Vườn rau không quá rộng nhưng cũng đủ để cho gia đình sử dụng. Thậm chí, còn có thể biếu các chiến sĩ hải quân mỗi dịp đơn vị có khách đến. 
“Tháng 6 năm 2013 em đưa vợ con ra đây. Thời điểm này, lợn cũng đã chuẩn bị được thu lứa đầu, rau thì chỉ sau một thời gian ngắn gieo trồng đã có thể sử dụng. Mọi việc rất ổn anh ạ. Ở Cam Bình, gia đình em cũng làm những công việc quen thuộc này thôi”. 
Phải nói Trí có nụ cười rất tươi. Ngồi bên cạnh, vợ cậu Nguyễn Thị Ngọc Trang cũng chia sẻ thêm rằng, khi vợ chồng quyết định ra Song Tử Tây lập nghiệp, không chỉ bố mẹ chồng ủng hộ mà cả bố mẹ đẻ của cô cũng rất khuyến khích. 
Các cụ đều là dân cách mạng, với các cụ, nơi đâu cũng là quê hương Việt Nam cả. Ở đâu cũng phải lao động và cần cù. Vợ chồng thương yêu nhau thì lo gì không đảm bảo được cuộc sống. Cả hai bên nội, ngoại đều nói vậy và khát vọng của tuổi trẻ là lí do duy nhất để gia đình nhỏ của Trí gia nhập hộ khẩu vào xã đảo Song Tử Tây. 
Trí cho biết, ngày đầu ra Trí rất bất ngờ bởi những dãy nhà bê tông khang trang của bà con đã được Nhà nước xây dựng đẹp đẽ nằm sau những rặng phi lao mướt mát. Có trường học và trạm xá. Có dụng cụ đánh bắt thủy sản và nói chung những vật dụng để gây dựng cuộc sống đều đầy đủ. Cái cần là sự chịu khó của mỗi người mà thôi. 
Chẳng riêng gì Trí, tất cả các hộ dân trên xã Song Tử Tây đều gắn bó với những chiến sĩ Hải quân như những người thân yêu ruột thịt. Tình cảm ở đây là sự vô tư với đúng nghĩa của từ này. Một chút cá tươi bà con đánh bắt được cũng có sự góp mặt của các chiến sĩ và ngược lại mọi hoạt động của đơn vị đều có sự góp mặt của bà con nhân dân. 
Vườn rau của đôi vợ chồng trẻ
 Vườn rau của đôi vợ chồng trẻ
Mải nói chuyện với Trí, một lúc sau, tôi đã thấy Thượng úy Đinh Văn Cường, Chính trị viên của đảo, người đã cùng tôi xuống thăm các hộ dân đã hai tay bế hai đứa bé chuyện trò tíu tít. Hai đứa con của vợ chồng Trí - Đặng Khôi Nguyên bốn tuổi đang học mầm non và Đặng Khánh Huyền mới được mười lăm tháng tuổi đang đi nhà trẻ. 
Thượng úy Cường sinh ra ở quê lúa Thái Bình, mỗi khi không vướng bận công chuyện trên đơn vị, chiều nào anh cũng xuống khu dân cư để chơi với… trẻ con. Và đó cũng là khoảng thời gian để anh em chiến sĩ vơi đi nỗi nhớ nhà và người thân. Cường bảo, tiếng cười con trẻ và tiếng bi bô vọng ra từ những lớp học trên đảo chính là những “liều thuốc tinh thần” làm cho sự bao la của muôn trùng khơi không còn trống vắng, cô quạnh. Nó cho các anh cảm giác như đang được sống ngay trên mảnh đất quê nhà.

Phía trước là bầu trời 

Ngồi nói chuyện, Đặng Văn Trí cho hay, mọi chế độ ở đây Nhà nước đã đặc biệt quan tâm theo tiêu chuẩn vùng miền rồi nhưng bản thân cậu chưa bao giờ muốn ỉ lại hay quá trông chờ vào điều đó. Bởi Trí còn trẻ và Trí muốn được lao động, cống hiến. Vậy nên những vườn rau, chuồng trại chăn nuôi đều một tay vợ chồng Trí gây dựng. Các chiến sĩ bộ đội đôi khi chỉ làm giúp vợ chồng cậu công việc “nghiệm thu”. 
Ngồi nói chuyện, Nguyễn Thị Ngọc Trang còn có một kế hoạch mà bản thân cô rất ấp ủ đó là tạo công ăn việc làm cho chị em phụ nữ để tăng thêm thu nhập. “Em muốn làm cái gì đó phù hợp với hoàn cảnh và điều kiện sinh sống trên đảo. Em cũng có một số ý tưởng cho công việc nhưng cũng phải chờ xem ý chị em như thế nào đã”. 
Trang nói rồi xin phép vào phòng trong nghe điện thoại bố mẹ từ đất liền gọi ra. Và quả đúng như lời của đôi vợ chồng trẻ này, từ ngày có sóng điện thoại, khoảng cách giữa đất liền và hải đảo càng được rút ngắn lại. 
Trí tâm sự, chẳng có tối nào “cu Tít” nhà cậu không “mượn” điện thoại của bố để bi bô gọi vào đất liền nói chuyện với ông bà nội. Ông bà cũng vì thế mà yên tâm hơn về cuộc sống của con cháu ngoài này. Mỗi hộ dân sinh sống ở đây đều được Nhà nước và Quân chủng Hải quân đặc biệt quan tâm khi tạo điều kiện cho bà con năm năm được nghỉ phép ba lần về đất liền thăm gia đình và người thân. 
Nụ cười rám nắng và đôi chút bẽn lẽn, Đặng Văn Trí đã suy nghĩ rất lâu mà không biết trả lời tôi ra sao khi tôi hỏi về những khó khăn mà bản thân gia đình anh và các hộ dân đang gặp. Vì quả thực, với gia đình Trí cũng như các hộ dân khác, mọi việc đều đang rất ổn. Cuộc sống của họ được đan xen bởi tình cảm gia đình và mối quan hệ quân dân cá nước với lực lượng hải quân. 
Quân và dân ở đảo Song Tử Tây
 Quân và dân ở đảo Song Tử Tây
Hồi lâu, Trí nói với tôi mà có cảm giác như cậu đang nói với chính mình. Sau này nếu có về lại đất liền thì quãng thời gian sinh sống trên Song Tử Tây sẽ là một phần đời đầy kỷ niệm mà cậu đã trải qua. Nó đặc biệt và đẹp đẽ. Đẹp như chính tuổi thanh xuân vợ chồng Trí đã sinh sống và nuôi nấng con cái trưởng thành trên những hòn đảo nhỏ xinh mà tổ tiên nước Việt đã để lại từ hàng nghìn năm trước. 
Nơi có rặng phi lao xanh mướt mát che chắn từng lớp nhà nhỏ xinh, trong đó có tổ ấm của vợ chồng cậu. Nơi có những quả bàng vuông và những cành cây phong mà những đứa con của Trí đã gắn bó và trưởng thành vững chãi như tên gọi của loại cây chỉ có ở đất này. Nơi mà mà Trí và mọi người con đất Việt đều gọi bằng một từ đầy thiêng liêng là Tổ quốc.
Vĩ thanh
Chúng tôi chia tay nhau khi tiếng loa của tàu HQ571 đã thông báo mọi người quay trở lại tàu. Đâu đó có tiếng cục tác của đàn gà về tổ khi ánh mặt trời đã chấp chới lặn nơi góc biển, chân trời. Khói bếp nhà ai thoảng mùi rạ rơm gần gụi như gọi về nỗi nhớ xa nhà trong chiều muộn. Vẳng đâu đó, tiếng Saxophon của Quyền Văn Minh hòa cùng tiếng sóng. Không xa đâu Trường Sa… hẹn ngày gặp lại! 
Chủ tịch xã đảo Song Tử Tây Nguyễn Mạnh Cường: “Quân với dân là mối văn hóa đặc thù, lâu đời nhưng gần gụi của người Việt Nam. Ở Song Tử Tây, mỗi đầu mối đơn vị đều được kết nghĩa với một hộ dân nên nét văn hóa đó càng được phát huy bền chặt. 
Ở đây đời sống kinh tế, văn hóa, tinh thần được gắn bó mật thiết. Ngày thường cũng gặp nhau và đặc biệt các ngày lễ, tết là những ngày hội thực sự của bà con nhân dân cũng như anh em chiến sĩ. Các đồng chí bộ đội hải quân coi bà con nhân dân như chính gia đình mình. Những việc giúp đỡ ngư dân phòng chống thiên tai bão lũ, tham gia cứu hộ trên biển… chính là những hoạt động thể hiện rõ nhất tình quân dân ấy.

Đọc thêm