Ghi ở nơi phải đưa công an ra "dọa" để trẻ được đến trường

(PLO) - Hết vận động, thuyết phục, năn nỉ đến… “dọa” thì tình trạng học sinh người Đan Lai tự ý bỏ học tại Môn Sơn (Con Cuông, Nghệ An) mỗi dịp hè và Tết Nguyên đán mới giảm dần. Để có được thành công ấy là những nỗ lực không ngừng nghi của thầy cô giáo nơi đây...
Đường đến trường xa hơn khi cách trở khe suối.
Đường đến trường xa hơn khi cách trở khe suối.
Vào tận bản, đến từng nhà vận động 
Theo kết quả điều tra dân số và phổ cập tiểu học, năm học 2015 – 2016 Trường THCS Môn Sơn sẽ có 88 học sinh là người dân tộc Đan Lai trên tổng số 439 học sinh toàn trường. Trong đó có 18 em ở hai bản tái định cư (TĐC) ngay gần trung tâm xã, 55 em còn lại nằm ở hai bản xa nhất (Cò Phạt 27 em, Khe Búng 28 em). 
Trước đó, vào thời điểm cuối tháng 9/2015, thầy Nguyễn Văn Hào, Hiệu trưởng Trường THCS Môn Sơn cho biết, tính tới thời điểm hiện tại vẫn còn 15 học sinh là người dân tộc Đan Lai chưa trở lại trường dù năm học mới bắt đầu đã được gần 1 tháng. Tất cả các em học sinh kể trên đều thuộc bản Cò Phạt và bản Khe Búng, cách trung tâm xã gần 30km. 
Trước khi bước vào năm học mới, để các em học sinh đến trường đầy đủ, Trường THCS Môn Sơn đã thành lập hai tổ công tác đến bản, vào trực tiếp từng nhà vận động, thuyết phục các em đến trường. Chính quyền xã Môn Sơn cũng thành lập một tổ công tác, phối hợp với trưởng bản, già làng đến gặp gỡ phụ huynh vận động cho con em đến trường học. Tổng cộng cả ba đợt vận động đã có 40 học sinh ở hai bản Khe Búng và Cò Phạt trở lại trường. 
“Các tổ công tác đã vào tận bản, đến từng nhà nhưng các em trong độ tuổi đến trường đã theo bố mẹ lên rẫy, vào rừng, hoặc có khi gặp được học sinh nhưng lại không gặp được phụ huynh. Trong số 15 em học sinh chưa trở lại trường thì có 3 em đã lấy chồng, có em vừa sinh con”, thầy Hào cho biết thêm. 
Đây không phải là lần đầu tiên các thầy cô giáo, chính quyền địa phương tổ chức đi vận động con em người Đan Lai đến trường học chữ, mà là hoạt động “đến hẹn lại lên” mỗi dịp Tết Nguyên đán hoặc sau dịp nghỉ hè. Tuy nhiên, vận động là một chuyện, kết quả cũng không hoàn toàn được như ý muốn, thậm chí vẫn còn tình trạng nữ sinh không quay trở lại trường vì… đã lấy chồng trong dịp nghỉ hè. 
Gặp gỡ vận động các em học sinh trở lại trường.
Gặp gỡ vận động các em học sinh trở lại trường.
Nỗi niềm thầy cô
Nhiều câu chuyện “dở khóc, dở cười” khi đi vận động các em đến trường được thầy cô giáo trong các đoàn công tác chia sẻ với phóng viên trong nỗi ngậm ngùi. Trong đợt vận động năm ngoái, khi các thầy cô đến nhà em La Thị Hoa (SN 2000, bản Khe Búng) thì gia đình Hoa tỏ vẻ không hài lòng. Phụ huynh em Hoa cho rằng, người bạn hàng xóm nhà Hoa ít hơn con gái một tuổi nhưng đã lấy chồng. 
“Đoàn công tác thuyết phục không được, năn nỉ cũng không xong, cuối cùng đành phải “dọa” là nếu cho con gái lấy chồng sẽ báo công an xử lý. Mẹ Hoa cũng hiểu ra việc nếu ép con gái chưa thành niên lấy chồng là vi phạm pháp luật nên phải đồng ý cho Hoa trở lại trường. Nhưng đến  năm nay , sau dịp hè trở lại bản vận động thì em Hoa đã lấy chồng. 
Gặp đoàn, mẹ Hoa bảo: các thầy có báo công an bắt thì bắt mẹ thôi, đừng bắt con gái vì việc cho con gái lấy chồng là do mẹ quyết định. Đoàn đành ngậm ngùi ra về…”, một thầy giáo trong đoàn đi vận động kể.
Một trường hợp khác, đoàn đến vận động em Lê Thị Hoài (bản Khe Búng) thì gặp mẹ và chị gái của Hoài nhất quyết không cho con đi học mà phải ở nhà lấy chồng. Đoàn cũng “dọa” báo công an nhưng phụ huynh này nhất quyết không lung lay… Một trường hợp khác may mắn hơn là em Lê Thị Nhung, em vừa lấy chồng và sinh con trong dịp nghỉ hè năm nay, dù năm ngoái em vẫn đến trường học theo sự vận động của nhà trường. 
Kết thúc năm học em tổ chức đám cưới và về nhà chồng, nhưng may mắn nhà chồng cách trường không xa, em vẫn được nhà chồng tạo điều kiện cho đến trường học tiếp con chữ. Nhưng không biết sự học của em được kéo dài bao lâu, vì nguy cơ nghỉ học giữa chừng rất cao. 
Đầu năm học mới, các thầy cô giáo bận rộn với việc dạy học, nhưng những ngày nghỉ vẫn cố gắng vào bản vận động con em tới trường dù là đã vào năm học mới. Ngoài ra, trường phối hợp với các chiến sỹ đồn biên phòng tiếp tục gặp gỡ vận động con em tới trường. Một khó khăn trong việc đến trường học chữ của các em là vấn đề giao thông, đường sá trong mùa mưa luôn là trở ngại lớn. Mùa mưa nước sông, suối dâng cao khiến đường đến trường bị chia cắt, con đường trở lại trường của các em lại càng xa xôi hơn…
Thầy Hoàng chia sẻ: “Khi các em trở lại trường, bên cạnh việc phải giải quyết nhanh những chế độ hỗ trợ của Nhà nước, các giáo viên phải vận động các nguồn hỗ trợ hoặc tự bỏ tiền túi mua sách vở, dụng cụ học tập, quần áo cho học trò. Năm học trước, nhà trường bỏ kinh phí mua khay Inox ăn cơm cho các em dùng vừa bền, vừa sạch sẽ nhưng các học trò Đan Lai vẫn ăn cơm vào bát tô, nhà trường cũng phải “chiều”, miễn là các em vui vẻ học hành. 
Ngoài việc dạy chữ, thầy cô giáo phải nắm bắt được tâm lý các học trò, hiểu được gia cảnh các em để tâm sự, vận động các em kiên trì học tập. Còn trường hợp các em đến lớp sau khi năm học mới bắt đầu thì nhà trường phân công cho các thầy cô bổ túc kiến thức bị hổng cho các em  để các em theo kịp bạn bè…”.
Đề án bảo tồn phát triển bền vững người Đan Lai được Chính phủ phê duyệt, trẻ em Đan Lai cũng như những trẻ em khác có quyền được đến trường học chữ. Để mỗi năm học mới, các thầy cô giáo vơi bớt những lo lắng, không thấy học trò mình trống chỗ ngồi, cần sự quan tâm hơn nữa, sự chung tay của nhiều tổ chức chính trị xã hội để học sinh vui đến trường, phụ huynh yên tâm…/.

Đọc thêm