Giá ai cũng 'hấp' được như ông

(PLO) - Bà con gọi ông bằng cái tên trìu mến “Năm Hấp”. Nhân chiến dịch giải tỏa vỉa hè và có người kêu toáng lên, xót xa cho phận bán hàng rong không biết đi đâu, về đâu với gánh nặng mưu sinh thì câu chuyện về ông Năm Hấp trở nên một đề tài hấp dẫn với báo chí.
Ông Năm Hấp tên đầy đủ là Lý Văn Hấp, năm nay 70 tuổi.
Ông Năm Hấp tên đầy đủ là Lý Văn Hấp, năm nay 70 tuổi.

Ông là cán bộ phường về hưu, đã có thời kỳ giữ chức Phó chủ tịch phường, nhà ở quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh. Năm 2009, nhận thấy nhiều hàng rong bị đuổi bắt, có người mất cả vốn, ông lấy 800m2 đất hương hỏa nhà mình, bỏ vào đấy 50 triệu đồng làm chợ và cho những gánh hành rong vào buôn bán cố định.

Ông “chủ chợ” vui tính này luôn luôn thân ái với người thuê chỗ, giúp đỡ họ và hàng ngày ông cùng vợ vệ sinh, giữ gìn chợ sạch sẽ, ngăn nắp. Những tiểu thương buôn bán trong chợ của ông phần lớn là những người từng bán hàng rong, từ bấp bênh đã thành ổn định.

Câu chuyện của ông khiến người ta liên tưởng đến cách hành xử của những cán bộ đã về hưu, chức tước lớn hơn ông nhiều, xây dinh thự riêng lấn đất công hàng trăm mét, báo chí, công luận phanh phui nhưng vẫn trơ trơ “cố đấm ăn xôi”. Hoặc, tư dinh, nhà thờ họ của các quan đương chức sừng sững, những con đường quy hoạch qua đấy đều phải uốn cong mềm mại khiến dư luận bức xúc.

Rồi có những cán bộ xã tranh đất của người nghèo, làm “sổ đỏ” cho mình và các trường hợp tương tự khác như mượn đất của dân làm trụ sở, công trình công ích rồi kiên quyết không trả lại nữa, viện cớ “đất sử dụng ổn định trước năm 1983 chủ trương của Nhà nước không xem xét nữa”(?!).

Câu chuyện này cũng đang là vấn đề thời sự khi việc giải tỏa vỉa hè làm ảnh hưởng đến sự mưu sinh của các gánh hàng rong. Chính quyền có những hướng mở ra cho những người này và đây cũng là một biện pháp cần nhân rộng. Những gánh hàng rong chỉ là phần nhỏ và nổi của vỉa hè, còn hưởng thụ lợi lộc to lớn từ cái vỉa hè mang lại là nhà giàu,có thế lực, cho nên không thể lấy hàng rong phải mưu sinh làm cái cớ để ngăn cản việc làm đúng đắn là trả lại công năng vốn có của vỉa hè.

Nhân đây, cũng phải thấy rõ cái “văn hóa vỉa hè” nó đã trở thành một lối sống thực dụng có phần nhếch nhác và tùy tiện của đô thị từ ẩm thực vỉa hè đến tin tức vỉa hè, là nơi đổ rác, đậu xe, họp chợ, ăn uống,... rất nên từ bỏ nếu thực sự muốn thành phố mình ở là nơi văn minh, đáng sống.

Và, nếu ai làm gì được cho những gánh hàng rong thì nên theo ông Năm Hấp và hành động như ông. Giá như xã hội này ngày càng nhiều người “hấp” như ông! 

Đọc thêm