Giấc mơ anh nông dân nuôi công

(PLO) - Trần Nhữ Giáp - chàng thanh niên quê Hà Nam được người dân gắn biệt danh “vua chim”. Anh đang nuôi 36 loài chim, với hơn 20.000 cá thể và đã chứng minh được một số loài chim quý trong Sách đỏ như trĩ, công… có thể sinh sản trong môi trường nhân tạo. Năm 2009, Vườn Chim Việt (thôn 1b, Đông Mỹ, Thanh Trì, Hà Nội) của Giáp đã được cấp giấy phép xây dựng trang trại sinh sản và bảo tồn chim quý.
Giấc mơ anh nông dân nuôi công
Vì yêu vẻ đẹp hút hồn của loài công
Năm 22 tuổi, sau khi tốt nghiệp Khoa Quản trị doanh nghiệp - Trường Đại học Thương mại, tân cử nhân Trần Nhữ Giáp đã dành hết số tiền tích góp được lâu nay và vay mượn thêm bạn bè được 40 triệu đồng mua 4 đôi chim công, trĩ về nuôi. Sau hơn một năm nuôi thử nghiệm, anh đã nhân giống thành công hơn 100 con chim trĩ đỏ khoang cổ và hơn 20 chim công xanh Ấn Độ.

Năm 2007, anh Giáp mạnh dạn vay mượn bạn bè, ngân hàng 600 triệu đồng mở trang trại nuôi chim ở xóm Đòng, xã Nhân Thịnh (huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam). Trên diện tích 5.000m2, anh Giáp bắt đầu xây dựng thêm các chuồng nuôi chim trĩ, công với tổng số cá thể khoảng 600 con. Đến nay trang trại rộng gần 15.000m2 của anh Giáp ở xã Đông Mỹ là nơi hội tụ của hơn 20 loài chim quý với số lượng lên đến hàng nghìn cá thể, trong đó có các loài đặc biệt quý hiếm như chim công ngũ sắc, chim trĩ đỏ khoang cổ, chim trĩ xanh, chim trĩ Nhật Bản, vịt uyên ương, gà lôi trắng và chim sâm cầm.

Trong lĩnh vực phong thủy, chim công tượng trưng cho sự phú quý, giàu sang mang lại may mắn cho gia chủ nên nó là con vật được nhiều người làm ăn, buôn bán săn lùng. Hiện nay có 2 loài chim công phổ biến là công lục còn gọi là công má vàng và loài công du nhập từ Ấn Độ về được thuần hóa đến nay đã thích nghi với điều kiện và khí hậu của nước ta, nó có tên gọi là công lam hay công Ấn Độ.

Anh Giáp cho hay: “Chim trống khi trưởng thành cơ thể dài lên tới 2,1m trong đó đuôi đã dài tới 1,5m. Chim trống dùng đuôi dài của mình xòe ra để làm vũ khí lợi hại để thu hút, quyến rũ bạn tình khi tới mùa sinh sản. Vào khoảng đầu mùa xuân, có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp tuyệt mỹ có một không hai của loài chim công trống. Chim mái kích thước nhỏ hơn, chiều dài cơ thể cũng ngắn hơn, và sắc lông của chim mái không cuốn hút như chim trống. Đó cũng là lý do vì sao chúng bị những con chim trống xinh đẹp quyến rũ".

Theo anh Giáp, cách phân biệt rõ nhất là khi chim ở độ tuổi từ 18 tháng trở lên. Lúc này chim trống có biểu hiện rõ nhất về sự thay đổi ngoại hình. Chim công rất thông minh, dạn người , nếu nuôi thuần và chăm sóc chim từ nhỏ, chim công có thể thả ra mà không bay mất. Tuy nhiên trong điều kiện nuôi sinh sản tập trung theo mô hình công nghiệp, chim công vẫn được nuôi trong lồng lớn để tiện theo dõi và quản lý  và tránh các rủi ro có thể xảy ra như mất trộm hay bị các loài khác đuổi bắt dẫn đến hiện tượng chim hoảng loạn và bay đi .

Nhân giống thành công chim công “ngũ sắc”

Năm 2012, vì diện tích trang trại nuôi chim quá tải, anh Giáp đã nghĩ đến chuyện nuôi thương phẩm một số loài như vịt trời. Anh Giáp cho biết, ngoài chim trĩ đỏ khoang cổ anh đang nuôi thử nghiệm loài chim sâm cầm người dân từng mang “tiến vua”. Hiện hơn 100 cá thể chim trong trang trại sinh trưởng khá tốt. Chim sâm cầm có trọng lượng từ 500 đến 700g. Một con chim sâm cầm 500g được bán với giá khoảng 900.000 đồng.

“Trước đây, thịt chim sâm cầm là vật phẩm tiến vua, chỉ dòng dõi quý tộc mới được thưởng thức. Thịt sâm cầm có đặc tính mềm, đỏ tươi, giàu đạm nên được coi là đại bổ và được nhiều người săn đón. Do vậy, để nhân được giống loài chim này tôi đã phải mày mò tự học hỏi mấy năm trời” - anh Giáp kể.

Anh Giáp cho biết thêm, thời gian đầu nuôi chim anh thường cho nhiều loài gia cầm khác nhau ấp trứng chim công, sâm cầm hoặc gửi đến các cơ sở ấp trứng gà để nhân giống, nhưng cách ấp này chưa thực sự đem lại hiệu quả. Năm 2012, sau khi mày mò, học hỏi  dựa trên nguyên lý của máy ấp trứng gà anh đã có những cải biến sản xuất ra máy ấp trứng tự động chuyên dụng để ấp nở chim công, sâm cầm cũng như nhiều loài khác phục vụ cho trang trại. Máy ấp đã được chuyển giao cho khách hàng mua giống tại trang trại với tỉ lệ ấp nở thành công tới 90%.

Không chỉ nhân giống, thuần hóa thành công loài chim trĩ đỏ, anh Giáp còn là người đầu tiên nhân giống, lai tạo thành công loài chim công. Từ 18 chim công giống, đến nay anh đã nhân giống được hơn 600 cá thể. Quá trình nuôi anh Giáp đã cho lai tạo ra những dòng mới như công ngũ sắc, một loài chim công có 5 màu rất đẹp.
Không giấu nghề, anh Giáp đã giúp cho nhiều tỉnh, thành như: Quảng Ninh, Lào Cai, Vĩnh Phúc… thực hiện thành công mô hình nuôi chim sinh sản gồm chim công, sâm cầm, vịt trời. Hiện nay, cả hai trang trại của anh đã tạo việc làm cho 20 công nhân, đảm bảo thu nhập 3 đến 5 triệu đồng/1 tháng. Hàng năm, trang trại của anh đem về thu nhập trên hơn 2 tỷ đồng. Anh Giáp cũng bật mí  anh đang đầu tư và mở rộng thêm một trang trại ở Phú Xuyên có diện tích  gần 100ha./.

Đọc thêm