Giấc mơ có thật viết ở xứ sở tưởng chừng... bị ruồng bỏ

(PLO) - Chẳng oan nếu nói họ - những bệnh nhân phong đã bị tước đoạt tất thảy cuộc sống và hạnh phúc của một con người. Nhưng ở tận đáy nỗi bất hạnh vẫn có những giấc mơ thật đẹp đang được trau chuốt viết nên, tựa câu chuyện cổ tích giữa đời thường…
Những con người không bao giờ chịu gục ngã trước số phận.
Những con người không bao giờ chịu gục ngã trước số phận.
Đau đớn với bi kịch của số phận

Rời xa thủ đô phồn hoa, chúng tôi về với Trại phong Quả Cảm, Bắc Ninh vào một buổi chiều mưa bay mịt mờ. Ngày ấy của mấy chục năm trở về trước, người mang bệnh phong bị hắt hủi, kì thị. Mấy ai hiểu rằng, đằng sau những thể xác không còn lành lặn, nguyên vẹn bởi sự hành hạ của bệnh tật kia vẫn luôn ẩn chứa một trái tim yêu thương cuộc đời.

Đến tận bây giờ chúng tôi vẫn còn bị ám ảnh bởi câu nói của cụ bà Nguyễn Thị Túc, 85 tuổi, bệnh nhân đã sống ở Trại phong Quả Cảm suốt 30 năm.

Bà Túc chua xót kể: “Tôi ở đây đã lâu, cũng như rót một bát nước sôi để ra trước quạt, lâu dần nó cũng nguôi ngoai, nguội dần đi. Nhưng cứ mỗi lần được về thăm gia đình, thăm bà con thì nỗi đau ấy lại trở về, giằng xé tâm can. Cho nên tôi chỉ muốn ở lại đây, sống nốt những ngày tháng của cuộc đời cho thanh thản”.

Xã hội ngày càng phát triển, nhận thức của người dân về bệnh phong có phần đúng khoa học hơn nhưng vẫn còn không ít người e ngại, xa lánh và cố tình phân tách những bệnh nhân phong khỏi cộng đồng. Điều này là nguyên nhân chính làm tổn thương tinh thần không chỉ của những người mắc bệnh mà còn là cả con cái họ, khiến chúng bị giày vò trong những điều tiếng, kỳ thị và xa lánh của xã hội.

Còn gì đau xót hơn là mỗi sinh linh vô tội được sinh ra, tuy không hề bị lây nhiễm căn bệnh quái ác này mà vẫn phải mang trên mình những bản án vô tình của người đời.

 Chứng kiến nỗi đau này, cô Nguyễn Thị Xuân, người đã từ bỏ cả tuổi thanh xuân của cuộc đời mình để về chăm sóc cho các bệnh nhân phong trải lòng: “Trong một lần được nhờ làm đại diện cho gia đình một bệnh nhân phong có con gái đi lấy chồng, hôm đó hôn lễ được tổ chức ở nhà hàng, Ban tổ chức sắp xếp cho nhà gái ngồi một bên còn nhà trai ngồi một bên. 

Do việc sắp xếp bàn không được hợp lí nên chúng tôi phải sang ngồi bên nhà trai, vừa thấy chúng tôi sang thì có một phụ nữ bên nhà trai đã nhanh miệng hỏi chúng tôi có phải là người đại diện bên nhà gái không?

Tiếp đó, cô ta còn cau mày bảo chúng tôi ở xứ hủi ra hả? Đến tôi nghe còn đau đớn huống gì là những bệnh nhân phong có con cái đi lấy vợ, lấy chồng...”.

Nét thanh bình ở cái nơi từng một thời bị người đời kỳ thị, xa lánh.
Nét thanh bình ở cái nơi từng một thời bị người đời kỳ thị, xa lánh.  

Những giấc mơ có thật

Đó là trường hợp của gia đình ông Phạm Hoài Lương và bà Nguyễn Thị Hễ, hai bệnh nhân phong đến với Trại phong Bắc Ninh từ những ngày đầu tiên mới thành lập. Cảm thông và hiểu được hoàn cảnh của nhau, họ đã nên vợ nên chồng bằng một tình yêu chân thành, mộc mạc nhất. Hạnh phúc ngập tràn khi ông bà có với nhau được hai người con. 

Với tâm niệm không chịu gục ngã trước số phận, những bi kịch cuộc đời phải chấm dứt ở đây, ở thế hệ của ông bà; các con cần có một tương lai khác, tươi sáng hơn. Thế nên, dù bị bệnh tật hành hạ nhưng vợ chồng ông Lương vẫn cố gắng vươn lên, họ kiếm tiền cho hai con ăn học.

Hiểu được nỗi lòng, tình yêu của cha mẹ, hai người con của ông bà đã học hành và trở thành những nhà giáo giỏi. Đó là niềm hạnh phúc vô bờ bến mà cuộc sống đã bù đắp cho ông bà. Niềm vui đó còn được nhân lên gấp ngàn lần khi giờ đây, người con trai cả của ông bà đã có một gia đình hạnh phúc.

Đó còn là trường hợp của gia đình ông Lê Văn Công và bà Hoàng Thị Chuốt, cả hai nay đều đã ngoài 90 tuổi và là những bệnh nhân lâu năm nhất của Trại phong Quả Cảm. Cũng đến với nhau bằng tình yêu của sự đồng cảm, hai ông bà đã có với nhau một người con trai tài giỏi đang theo học cao học. 

Đó chỉ là hai trong số rất nhiều trường hợp điển hình vươn lên chiến thắng số phận của các bệnh nhân phong. Họ đã trở thành bài học, là sự khích lệ, nguồn động lực sống cho tất cả các bệnh nhân phong nơi đây.

Hay nói như cô Xuân: “Trong một môi trường sống đặc biệt như thế này, khi những đứa trẻ phải lớn lên trong hoàn cảnh cách ly thiếu thốn đủ thứ, lại phải gánh trên vai những mặc cảm của bố mẹ, sự kỳ thị của xã hội nhưng các cháu vẫn biết vươn lên, cố gắng thay đổi chính số phận của mình.

Đối với tôi và những bệnh nhân nơi đây thì đó là món quà vô giá nhất, là niềm hạnh phúc to lớn nhất mà chúng tôi vẫn thường ước mơ. Chúng tôi gọi nó là giấc mơ, là sự đền đáp của ông trời…”.

Thực vậy, với những con người tưởng chừng đã bị tạo hóa lấy đi tất cả, tưởng chừng bệnh tật và mặc cảm đã đẩy họ ra ngoài cuộc sống của đồng loại vậy mà họ vẫn có thể viết nên được những câu chuyện cổ tích lung linh giữa đời thường.

Giấc mơ có thật này cũng sẽ là bằng chứng nhân văn nhất để giúp xã hội có một cái nhìn khác, đúng đắn hơn về những người mắc bệnh phong - những con người mà đáng lẽ còn cần được tôn trọng, cảm thông và thương yêu nhiều hơn./.

Đọc thêm