Giấc mơ từ gánh hàng nan

(PLO) - Rong ruổi một ngày hàng trăm cây số trên những chiếc xe đạp chở đầy rổ rá, “họ” - những con người lầm lũi nhỏ bé giữa Hà Nội phồn hoa đang từng ngày “gánh” cả những giấc mơ về tương lai tươi sáng hơn cho những đứa con của mình.
Giấc mơ từ gánh hàng nan
Những đôi chân không biết mệt mỏi
Không biết tự bao giờ, hình ảnh những chiếc xe đạp chở đầy rổ rá đã trở thành một phần Hà Nội. Những chiếc xe đạp ấy không chỉ đi đi về về qua những con phố, len lỏi vào từng ngõ ngách nhỏ mà còn ăn sâu vào tiềm thức của người Hà Nội để rồi bất giác mang một cái tên, “gánh hàng nan”.
Hành trình một ngày bươn trải của những gánh hàng nan bắt đầu từ 4 giờ sáng, khi Hà Nội còn đang chìm sâu trong giấc ngủ. Trời chỉ mới tờ mờ sáng mà ở hầu khắp các con phố, ngõ ngách Hà Nội đã bắt đầu có tiếng rao, tiếng mời chào mua hàng của họ, thứ âm thanh có thể đã trở nên rất đỗi quen thuộc với người Hà Nội.
Không quản nắng mưa, sương gió, những “thân cò” gầy gò vẫn cần mẫn bám trụ với gánh hàng nan của mình để nhặt nhạnh từng đồng lẻ về cho gia đình. Từng ngày trôi qua với họ là cả một thử thách, một cuộc chạy đua không ngừng nghỉ của bản thân. 
Họ chạy đua với cái nắng chói chang của mùa hè, cái lạnh cắt da, cắt thịt của mùa đông, những cơn mưa dông bất chợt của thời tiết, rồi chạy đua với cả cái tuổi tác, sức khỏe của chính bản thân mình. 
“Bác chỉ mong ông trời phù hộ cho bác có một sức khỏe thật tốt, để bác cố gắng bươn trải thêm lấy mấy năm nữa cháu à. Mấy đứa con của bác đang còn ăn học, chúng nó đang rất cần bác”, bác Lê Thị Vân (Hoằng Thịnh, Hoằng Hóa) người đã có “thâm niên” bán hàng ở Hà Nội cả chục năm tâm sự.
Với số tiền ít ỏi kiếm được từ những gánh hàng nan, họ vẫn đang từng ngày gánh trên vai cả những cuộc đời của đứa con khát chữ, khát một tương lai tươi sáng. Tương lai tươi sáng của đàn con sẽ làm niềm tin, là sức mạnh tinh thần cho những con người nhỏ bé, giàu nghị lực này. 
Giấc mơ có thật
Sau một ngày dài rong ruổi mệt nhọc, đêm đến chính là khoảng thời gian để họ ngồi lại bên nhau tâm sự, những chuyện vui buồn, lãi lời của một ngày lao động. Tiếng than thở, quãng thở dài rồi cả những giây phút trầm tư lo lắng vì không bán được hàng gửi tiền về cho gia đình, cho các con. Không khí chỉ vui vẻ khi ai đó bắt đầu kể chuyện về gia đình của họ, về những đứa con, những giấc mơ đã thành hiện thực.
“Kể ra đời tôi như thế cũng là may mắn rồi, vất vả ngược xuôi nhưng tôi vẫn mãn nguyện lắm, hai đứa con đều vào đại học cả, chẳng biết rồi tương lai của chúng sẽ sáng sủa đến đâu nhưng có được cái tiếng nuôi hai con học đại học tôi cũng tự hào lắm. Chỉ cần như thế thôi, khổ đến đâu tôi cũng chịu được, mà biết đâu số tôi khổ trước sướng sau thì sao”- bác Nguyễn Văn Phương (Hoằng Thịnh, Hoằng Hóa) hồ hởi.
Họ che giấu đi tất cả nỗi cay đắng, khó nhọc vào những sợi tóc bạc, vào những nếp nhăn trên những gương mặt gầy gò. Vẫn còn đó những giấc mơ chưa thành hiện thực, nhưng họ vẫn đang từng ngày nhẫn nại và lặng lẽ rong ruổi khắp các tuyến phố của Hà Nội để mưu sinh và thực hiện những giấc mơ vẫn còn dang dở…

Đọc thêm