Giải mã chiến dịch di tản của người Mỹ khỏi Sài Gòn năm 1975 (Kỳ 3) - Ngày bi thảm Cảng Đà Nẵng

(PLO) -Khi Đà Nẵng bị đe dọa, Mỹ dùng máy bay các loại và 3 chiếc tàu lớn cùng sà lan để di tản người vào Sài Gòn và Cam Ranh. Cảnh tượng bi thảm này được ví như cuộc trốn chạy khỏi địa ngục. Đã có khoảng 60 nghìn người di tản bằng đường biển, trong đó có 16 nghìn lính VNCH. 
Những người di tản bằng thuyền cuối cùng đang bám trên dù hàng để được cẩu lên tàu S.S Pioneer Contender ở ngoài bờ biển Sơn Trà, Đà Nẵng.
Những người di tản bằng thuyền cuối cùng đang bám trên dù hàng để được cẩu lên tàu S.S Pioneer Contender ở ngoài bờ biển Sơn Trà, Đà Nẵng.

Mất Huế, Tam Kỳ, Quảng Ngãi, Chu Lai, Quân đoàn 2 và Khu 5 quân giải phóng đột kích vào Đà Nẵng khiến cho người Mỹ phải vội vã rời bỏ về Sài Gòn. Kế hoạch rút chạy do CIA khởi thảo không thực hiện được vì thiếu máy bay và phải di chuyển bằng tàu biển, với những cảnh tượng hãi hùng.

Bỏ Đà Nẵng

Ngày 25/3, Frank Snepp, nhân viên CIA kỳ cựu hoạt động dưới quyền của Đại sứ Martin kể lại trong cuốn “The Decent Interval”, viết báo cáo gửi về trung tâm: Tám tỉnh đã mất trong ba tuần qua, bốn tỉnh khác đang bị uy hiếp.

Hơn một triệu người không có nhà ở. Họ trở thành một gánh nặng không tính nổi cho nền kinh tế... ở Đà Nẵng, quân đội Nam Việt Nam đi chân đất, không vũ khí, gào khóc hò hét giữa phố, bất chấp người đi lại. Chúng tập họp thành từng nhóm trên vỉa hè, cầm tay nhau, đôi mắt thất thần là nguy cơ hãm hiếp, đốt, cướp, phá phách.

Ngày 25/3, Tướng Smith cho 5 tàu kéo rơ-moóc, 6 tàu chở khách và 3 tàu chở hàng ra Đà Nẵng giúp tản cư người tị nạn. Trước đó, Al Francis ra lệnh gia đình các nhân viên lãnh sự quán người Mỹ làm theo hợp đồng và những người Mỹ ở rải rác trong thành phố phải tản cư ngay về Sài Gòn. Ngày 26, hàng trăm sĩ quan Nam Việt Nam xông vào những sứ quán, đòi giúp đỡ gia đình họ tản cư.

Nhiều người Mỹ buộc phải đẩy vợ con họ trà trộn với người giúp việc sắp đi Cam Ranh hay Sài Gòn. Máy bay 727 của hãng Hàng không thế giới, máy bay lên thẳng và máy bay vận tải C.47 của hãng Hàng không Mỹ bay đi, bay về cả ngày. Mỗi lần cầu thang hạ xuống, hàng trăm người Việt Nam xô tới, một tay cầm tấm vé quý giá, tay kia dắt con, bế cháu.. 

Sáng 26/3, 12 viên chức bộ ngoại giao, cơ quan thông tin và Chi nhánh CIA làm việc trong lãnh sự quán Mỹ ở Tuy Hòa cũng thu xếp hành lý để bay đi Nha Trang về Sài Gòn. Trưa 27, các phòng làm việc của CIA, gần lãnh sự quán ở Đà Nẵng, người Việt Nam chờ tản cư tăng lên tăng lên khủng khiếp. Mỗi máy bay có thể chở ba trăm người nhưng cùng lúc ấy thì ba trăm người khác đã vượt rào thế chỗ, mong mỏi người Mỹ cứu họ. 

Có một câu chuyện là, khi một máy bay hạ cánh, dòng người xô ra đường băng, đẩy ngã Francis, Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại Đà Nẵng. Francis vội đứng dậy, lấy dùi cui đánh người Việt Nam và kêu lên: “Gọi thị trưởng cho tôi! Gọi thị trưởng cho tôi!".

Di tản khỏi Đà Nẵng
Di tản khỏi Đà Nẵng

Một nhân viên CIA  kéo thị trưởng đến đến chỗ Francis thì hắn hét: "Trời ơi, giúp chúng tôi một tay chứ. Những người này là những người của các ông!" Thét xong, Francis ngã vật xuống đất, không còn biết gì nữa. Tiếp đó, những máy bay lên thẳng của hãng Hàng không Mỹ đỗ xuống gần núi Ngũ Hành để đón những người chạy trốn khác. Nhưng đến đêm vẫn còn hơn ba mươi nhân viên lãnh sự quán kẹt lại trong thành phố, cũng mấy nghìn người Việt Nam giúp việc. 

Frank Snepp tả lại chi tiết sự việc tản cư về Sài Gòn của những nhân viên CIA tại Đà Nẵng: Khoảng một giờ rưỡi sáng ngày 28/3, sau nhiều nỗ lực, cuối cùng Ron Howard, nhân viên của CIA đã nói chuyện được bằng radio với Custer.

Howard cố giữ bình tĩnh để trình bày rõ tình hình: Người Việt Nam phá xe, cướp của cải, đốt kho... Anh nghe thấy tiếng nói của Custer giật giọng như tiếng gươm: Nên bình tĩnh. Rời trụ sở, ra bờ biển, cho ca nô xuống nước. Howard vừa khóc vừa cố làm cho Custer hiểu anh không ra được, đang bị bao vây. 

Bi thảm

Ngày 28/3, ngoài bến tàu, dòng người sợ hãi đã đông nghịt. Những tấm gỗ xám, lâu đời kêu răng rắc dưới sức nặng của hàng nghìn người Việt Nam. Họ chen lấn, xô đẩy nhau. Đây là chuyến đi cuối cùng. Chung quanh mỗi cột cầu tàu, thuyền và tàu kéo đậu thành ba hàng, chở người tị nạn đứng ngồi như nhét khoai tây. 

Khoảng 4 giờ sáng, Francis, Trưởng Lãnh sự quán tại Đà Nẵng, báo cho nhóm 30 người Mỹ, những người Việt Nam và người nước ngoài khác biết tình hình rất xấu, buộc tản cư ngay lập tức. Một số người trong nhóm đi lẫn lộn vào đám đông, tới sân bay nhỏ ở bên kia đường dành cho máy bay lên thẳng của ủy ban quốc tế kiểm soát. 

Khi máy bay 727 đầu tiên của hãng Hàng không thế giới hạ cánh, một đoàn xe quân sự chở gia đình, binh lính Việt Nam đến đỗ ở đường băng và cho người xuống. Tức thì, năm nghìn người Việt Nam khác, kiên nhẫn chờ ngoài cửa, chạy ập tới máy bay, dẫm lên cả đàn bà, trẻ con. Khi máy bay lăn bánh, rất nhiều tay người còn bám lấy cửa máy bay chưa đóng; hàng chục người còn bị treo lơ lửng khi máy bay rời đường băng. 

Di tản khỏi Đà Nẵng
Di tản khỏi Đà Nẵng

Quá trưa ngày 28/3, sư đoàn 3 Nam Việt Nam đóng ở phía Tây Nam Đà Nẵng tan rã nhanh. Trên tàu Contender, 15.000 lính Nam Việt Nam chen chúc ở mặt boong, một số đánh nhau, một số bắn những người dân đứng lẫn với họ. Lính Nam Việt Nam muốn đi Philippin và đã nhốt thuyền trưởng trong ca bin.

Sau khi được 35 người tị nạn Mỹ ở gần buồng lái giải cứu, người thuyền trưởng nói: Ở Sài Gòn, không một ai trong chúng tôi có ý niệm gì về sự khổ cực của các bạn đồng nghiệp ở Quân khu I.

Suốt buổi chiều, tàu Contender vẫn tiếp nhận người tản cư. Những thuyền, xuồng áp mạn tàu đến đâu thì trên tàu lại thả thang và cho cầu xuống đến đấy. Những người tị nạn mạo hiểm trèo lên boong. Nhiều người, nhất là người già và trẻ em, trượt chân ngã xuống biển, bị thuyền buồm nhận chìm hoặc sóng cuốn đi… 

Ở sở chỉ huy của Ngô Quang Trưởng, phần lớn bộ tham mưu đã đào ngũ. Ba người phương Tây giúp ông ta đốt tài liệu rồi cùng lên máy bay lên thẳng của Trưởng bay về bộ tư lệnh hải quân Việt Nam, đặt trên một bán đảo ở gần bến lớn cảng Đà Nẵng.

Sáng 29/3, tướng Ngô Quang Trưởng phải bơi và trôi giữa những con sóng nguy hiểm ở ngoài khơi cảng Đà Nẵng. Đằng xa, lính còn lại của những sư đoàn mà ông từng tự hào, đang cướp phá, đốt thành phố thứ hai của Nam Việt Nam.

Trong số hai triệu người còn lại ở Đà Nẵng, một trăm nghìn người là binh lính đào ngũ thuộc các sư đoàn thứ nhất, thứ nhì và thứ ba và sư đoàn lính thủy đánh bộ, tất cả đều bị bao vây như đàn chuột. Chúng sẵn sàng phản bội, ăn cướp, giết người để khỏi sa vào vực thẳm và để cứu gia đình. 

Ngày 29/3, Tổng thống Ford báo cho Quốc hội Mỹ biết 4 tàu vận tải của hải quân Mỹ và nhiều tàu đi thuê khác đang tiến về vùng biển Nam Việt Nam để tham gia vào việc tản cư mà Ford coi hoàn toàn “có tính nhân đạo". Ở Sài Gòn, sứ quán cũng báo tin tổ chức một cầu hàng không cấp tốc, bằng những máy bay mới chở dụng cụ y tế và thiết bị quân sự từ Mỹ sang.

Lúc này, Martin, Đại sứ tại Sài Gòn, đã ngồi ở phòng làm việc, bảo những nhân viên của chi nhánh quốc tế phát triển (USAID) tìm thực phẩm, nước uống đem cho người tị nạn trên tàu. Mấy giờ sau, máy bay của hãng Hàng không Mỹ do CIA thuê máy bay từ Nha Trang chở dầu, thực phẩm và nước uống để tiếp tế cho binh lính Nam Việt Nam và những người cộng sự của sứ quán hoặc của CIA. 

Buổi tối hôm ấy, tàu Pioneer Contender bỏ neo ở Cam Ranh. Một máy bay của hãng Hàng không Mỹ đến đón Ron Howard và những nhân viên CIA khác trở về Sài Gòn. Có rất ít nước và thực phẩm cho các tàu chở người tị nạn. Càng không có trạm cứu thương trong trạm xá. Tất cả những khách trên tàu, dù Mỹ hay Việt Nam đều phải tự xoay sở trong chuyến đi về phía Nam.

Chiều ngày 31, 6 tàu Việt Nam và Mỹ lại quay lại Đà Nẵng để đón người tị nạn. Hôm sau, nhà chức trách Sài Gòn đề nghị LHQ can thiệp với Bắc Việt Nam cho những người tị nạn còn ở lại trong vùng họ kiểm soát, nhận thực phẩm và viện trợ. 

Di tản khỏi Đà Nẵng
Di tản khỏi Đà Nẵng
Dù rất khuya, nhưng máy bay từ Đà Nẵng vẫn tiếp tục hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất ở Sài Gòn. Người Việt Nam và người Mỹ bước xuống đường băng, đầy nước mắt. Nhiều viên chức của chi nhánh quốc tế “cho sự phát triển" và của cơ quan hành chính sứ quán tổ chức một cuộc phân loại.
Người Mỹ được phân loại nhanh chóng đến khách sạn hay những biệt thự của sứ quán. Nhưng không ai sắp xếp chỗ ăn, ở cho người Việt Nam, phần đông chưa ra khỏi Đà Nẵng bao giờ. Những cơ sở tiếp nhận họ ở Cam Ranh và vùng đồng bằng chưa chuẩn bị xong…/. 

Đọc thêm