Giải mã 'vùng tối' Tam quốc diễn nghĩa: Cái kết của tập đoàn Kinh Châu

(PLO) -Lưu Biểu chiếm được Kinh Châu, đồng thời cũng giúp tông tặc Sái, Khoái bành trướng thế lực. Khi Kinh Châu đã trở nên có giá, thì bọn họ lại muốn bán nó đi.Điều này là trái ngược với lợi ích của Lưu Biểu. Lưu Biểu và tông tặc đã bắt đầu rẽ ra hai con đường khác nhau…
Lưu Bị vọt ngựa xuống Đàn Khê, do Utagawa Kuniyoshi vẽ năm 1836
Lưu Bị vọt ngựa xuống Đàn Khê, do Utagawa Kuniyoshi vẽ năm 1836

Từ cuộc chiến Quan Độ cho đến khi Tào Tháo kéo vào Kinh Châu, có rất nhiều sự biến chính trị đã diễn ra vừa ngấm ngầm vừa công khai diễn ra trên vùng đất ấy. Rốt cuộc đó là những chuyện gì?

Tông tặc phản kích

Xu thế thay sĩ tộc Kinh Châu để cân bằng thế lực đã xuất hiện. Nhưng tông tặc Sái, Khoái đâu dễ gì mà bó tay. Vào lúc này đây, họ đang tập trung vào mục tiêu chuyển dịch quyền lực của người thừa kế từ Lưu Kỳ sang Lưu Tông bởi vì Lưu Tông nhỏ tuổi hơn, dễ khống chế hơn. Nói cách khác, bọn họ đang tích cực chuẩn bị cho một Kinh Châu không có Lưu Biểu.

Lưu Kỳ được Lưu Biểu vất vừa ý, vì “khen Kỳ giống mình”. Thế nhưng tình thế thay đổi khi Lưu Tông cưới cô cháu gái của Sái Thị, vợ sau của Lưu Biểu, làm vợ. Chúng ta cứ tưởng Lưu Tông là con Sái Thị, thực sự không phải. Lưu Tông cũng là con của người vợ trước. Giữa Lưu Tông và Sái phu nhân chỉ có quan hệ thông gia như vậy mà thôi nhưng cuộc hôn nhân này đã đủ cho Lưu Tông có được thế lực của họ Sái. Lưu Biểu còn một người con trai nữa tên là Lưu Tu, tự là Quý Tự, sau làm quan cho nhà Ngụy nhưng Lưu Tu không có thế lực gì cả. Cuộc đấu tranh chủ yếu diễn ra giữa con trưởng là Lưu Kỳ và con thứ là Lưu Tông. 

Lưu Kỳ hình như cũng chẳng có thế lực gì đáng kể; ngược lại, Sái phu nhân, Sái Mạo cùng cháu ngoại của Lưu Biểu là Trương Doãn trở thành bè đảng của Lưu Tông. Kết quả, “Tông có việc gì tốt, dù nhỏ cũng được nghe nói đến; có lỗi, dù lớn cũng bị giấu đi.Sái Thị ở bên trong khen hay, Mạo, Doãn ở bên ngoài ngợi đức, Biểu ngày càng vừa lòng, mà Kỳ ngày càng bị xa lánh”. Lưu Kỳ đã hiểu được tình thế nguy hiểm ấy mới cầu cứu Gia Cát Lượng.

Gia Cát Lượng lúc này vừa mới ra làm tân khách cho Lưu Bị, nhưng xét về gia thế thì lại thuộc nhánh thế lực họ Sái. Vợ của Lượng là con gái Hoàng Thừa Ngạn, mà Thừa Ngạn lại là anh rể Sái Mạo. Chính vì vậy, Lượng hết sức từ chối. Lưu Kỳ phải mời Khổng Minh lên cái lầu cao ở vườn sau, rút cái thang đi, để cho “trên không tới trời, dưới không đến đất, lời ra khỏi miệng ngài, lọt vào tai ta thôi”. Bấy giờ Gia Cát Lượng mới chịu nói mé mé. Ông kể chuyện Thân Sinh ở lại nước Tấn thì bị hại chết, mà Trùng Nhĩ bỏ nước chạy ra ngoài thì được yên thân. Lưu Kỳ hiểu ra, liền xin ra Giang Hạ thay cho Hoàng Tổ vừa mới bị quân Tôn Quyền giết chết.

Kế sách của Gia Cát Lượng có thể gọi là “nhất tiễn song điêu”. Lưu Kỳ ra Giang Hạ được bảo toàn tính mạng thì không nói, nhưng sự ra đi đó cũng đánh dấu chiến thắng cho hai nhà Sái, Khoái. Trong Điển lược, Tào Phi nói: Kỳ “ra làm Thái thú Giang Hạ, coi quân ở ngoài. Mạo, Doãn ngầm báo lỗi lầm, khuyết điểm của Kỳ, theo đó mà hủy báng. Chẳng điều tốt đẹp rành rành nào mà không bị giấu giếm, chẳng có khuyết điểm nhỏ nhặt nào mà không bị lộ ra. Thế là vẻ mặt Biểu phẫn nộ ngày càng dữ”. Lưu Kỳ coi như đã hoàn toàn thất bại trong việc nhận thừa kế. Nếu như Lưu Biểu chết mà Lưu Kỳ còn ở bên ngoài thì xem như quyền nối nghiệp chắc chắn sẽ vào tay Lưu Tông.

Khổng Minh dặn kế cứu Lưu Kỳ của Katsuki Taito (1836-1841)
Khổng Minh dặn kế cứu Lưu Kỳ của Katsuki Taito (1836-1841)

Ngựa vọt Đàn Khê

Đối thủ của tông tặc Sái, Khoái không chỉ có Lưu Kỳ, mà còn có Lưu Bị. Sau khi Lưu Bị tới Kinh Châu, Bị đã thay thế vị trí của Trương Tú. Ban đầu Lưu Bị chỉ đóng ở Tân Dã là huyện thuộc quận Nam Dương, nhưng đến lúc Biểu sắp chết thì Bị đã dời sang đóng ở Phàn Thành là tòa thành quan trọng phía đông Tương Dương – thủ phủ của Lưu Biểu. Xem đó thì mấy lời của Trần Thọ rằng “Biểu nghi ngờ lòng Bị, ngầm chế ngự đi” trong Tam quốc chí, Tiên chủ truyện chỉ là lời bêu xấu một cách bừa bãi của Trần Thọ. Nhưng thế lực Lưu Bị lớn mạnh là chuyện có thật. Tam quốc chí nói “hào kiệt theo về với Tiên chủ ngày càng nhiều”, mà sau khi Lưu Bị rút lui “tả hữu của Tông cùng sĩ nhân Kinh Châu nhiều người theo về với Tiên chủ”. Thế nên mới có việc ở Đàn Khê.

“Ngựa vọt Đàn Khê” là câu chuyện đã quá nổi tiếng. Khoái Việt, Sái Mạo muốn nhân lúc Lưu Bị dự hội ở Tương Dương mà mưu hại. Lưu Bị chạy trốn khỏi thành, bị khe nước Đàn Khê chắn ngang, phải nhờ ngựa Đích Lư nhảy vọt lên ba trượng mới thoát được. Điều thú vị là con ngựa cứu mạng Lưu Bị lại do Tào Tháo ban tặng. Thừa dư mã phú cho biết: “Lưu Bị lúc mới đầu hàng, Thái Tổ ban cho con ngựa, sai tự tới chuồng mà chọn. Danh mã đến mấy trăm con, mà chẳng con nào có thể vừa ý, sau đó đi đến cuối chuồng, có con Đích Lư yếu ớt bị bỏ xó chẳng ai chăm, gầy còm trơ xương. Bị tới vuốt ve rồi chọn nó. Chẳng ai không cười nhạo”. Lưu Bị chẳng những nuôi quân ngàn ngày mà còn nuôi ngựa ngàn ngày. Lúc lọt xuống Đàn Khê, ông nói: “Đích Lư, việc hôm nay đã gấp rồi, hãy gắng lên”. Ngựa Đích Lư liền nhảy vọt qua khỏi Đàn Khê. Theo Thủy kinh chú, bên bờ phía bắc khe ấy là nhà của Từ Nguyên Trực, Thôi Châu Bình.

Thế ngữ nói như thể vụ việc đấy là ý của Lưu Biểu. Thủy kinh chú nói rõ hơn: “Xưa Lưu Bị bị Cảnh Thăng mưu hại, cưỡi ngựa Đích Lư chạy về phía tây, rơi xuống khe này”. Nhưng Tôn Thịnh đã chỉ rõ rằng Lưu Bị chỉ là khách ở nhờ, “nếu có biến ấy, há Bị được an nhàn đến hết đời Biểu mà không oán cừu với ai sao?”. Hách Kinh dựa vào lời của Trần Thọ nói rằng Biểu “ngầm chế ngự đi”, cho rằng “ắt chuyện Việt, Mạo gièm pha có khi là có; mối nguy cấp ở Đàn Khê dường như không phải là nói xằng”. Điều rõ ràng là Lưu Bị không được lòng của Khoái Việt và Sái Mạo. Khi Lưu Biểu chết, họ đã gạt Lưu Bị ra ngoài. Anh hùng ký của Vương Xán nói khi Lưu Biểu bị ốm, đã dâng biểu cử Lưu Bị làm Thứ sử Kinh Châu. Ngụy thư cũng nói, Biểu ốm nặng, gửi nước cho Bị, ngoảnh lại bảo rằng: “Con ta bất tài, mà các tướng đều rơi rụng, sau khi ta chết, khanh hãy nhiếp Kinh Châu”. 

Bùi Tùng Chi rất nghi ngờ, cho rằng vợ chồng Lưu Biểu đã yêu quý Lưu Tông, bỏ đích lập thứ, tính kế đã lâu rồi, không lý gì khi không lại giao hết cho Bị. Thế nhưng Vương Xán là nhân vật có mặt ở Kinh Châu vào lúc đó. Anh hùng ký do Vương Xán viết, ắt không phải là nói bừa; mà chữ “nhiếp” trong lời của Ngụy thư phải hiểu như chữ “nhiếp” trong buông rèm nhiếp chính, nghĩa là chỉ quyền tạm. Lưu Biểu tiến cử Lưu Bị làm Thứ sử, sai nhiếp Kinh Châu, là để phò tá con trai mình là Lưu Tông. Vì Tông sẽ nối chức Trấn Nam tướng quân, Kinh Châu mục, kiêm Đốc hai châu Dương, Giao của Lưu Biểu. Lời trong Ngụy thư cũng đáng chú ý, Biểu nói “các tướng đều rơi rụng” là ám chỉ các tướng tâm phúc. Trong đó rõ ràng không bao hàm Khoái Việt, Sái Mạo – những kẻ từ lâu đã muốn bán Kinh Châu. Sự biến Đàn Khê có lẽ là diễn ra vào khoảng thời gian này, để trừ Lưu Bị.

Vương Xán (trái) thuyết phục Lưu Tông hàng Tào.Sái phu nhân nghe lỏm. Theo Vương Xán, Lưu Biểu đã đề cử Lưu Bị làm Thứ sử Kinh Châu
Vương Xán (trái) thuyết phục Lưu Tông hàng Tào.Sái phu nhân nghe lỏm. Theo Vương Xán, Lưu Biểu đã đề cử Lưu Bị làm Thứ sử Kinh Châu

Lại bán Kinh Châu

Dù sao thì khi Lưu Biểu ốm nặng, Khoái Việt, Sái Mạo đã nắm giữ hoàn toàn mọi việc ở Kinh Châu. Điển lược cho biết, khi Lưu Kỳ về thăm bệnh, Sái Mạo, Trương Doãn “sợ Kỳ gặp Biểu, cha con thương cảm lẫn nhau, lại đổi ý phó thác việc sau” thế là “bèn ngăn ngoài cửa, khiến Kỳ không vào được”. Năm Kiến An thứ 13 (công nguyên 208), tháng 7, Tào Tháo nam chinh Kinh Châu. Vừa khéo tháng 8, Lưu Biểu cũng bệnh chết.Lúc này Khoái Việt, Hàn Tung lại nhảy ra đòi bán Kinh Châu cho Tào Tháo. Phó Tốn, Vương Xán (tác giả Anh hùng ký) cũng hùa theo khuyên Lưu Tông đem Kinh Châu hàng Tào. Lưu Tông đành phải rạp theo. Thế là bọn họ liền giấu Lưu Bị, lén đi đầu hàng Tào Tháo.

Đám tông tặc này đã bán Kinh Châu với giá hời: Mười lăm người bọn Khoái Việt đều được phong hầu, toàn bộ đều được làm quan lớn. Tào Tháo gửi thư về cho Tuân Úc, nói mình không vui vì được Kinh Châu, mà vui vì được Khoái Việt. Nhưng Tháo đã kỳ vọng quá mức. Khoái Lương, Khoái Việt, Sái Mạo sẽ chẳng làm nên trò trống gì cho tập đoàn Tào Tháo.Sáu năm sau, Khoái Việt chết. Ông ta gửi di thư cho Tào Tháo chỉ để xin xỏ cho con em của mình. Bằng việc bán đi Kinh Châu, bọn họ đã tự chấm dứt vai trò lịch sử. Nhưng những kẻ còn lại của Kinh Châu sẽ viết nên một lịch sử khác, một lịch sử mà nhiều người tưởng đã biết, nhưng lại hàm chứa nhiều sự thật ít ai để ý…

Đọc thêm