Giải mã 'vùng tối' Tam Quốc Diễn Nghĩa (Kỳ 11): AQ và thập thắng

(PLO) -Trong suốt quá trình ghi chép về Viên Thiệu, sử gia Ngụy-Tấn luôn luôn đưa ra những ghi chép không có lợi và thiếu trung thực; ngược lại, còn giấu đi những thông tin tích cực về con người Viên Thiệu. Viên Thiệu gần như được hưởng chế độ “chăm sóc đặc biệt”. Rốt cuộc là vì sao?
Tào Tháo tế Điển Vi. Thất bại trước Trương Tú khiến Tào Tháo mất mát rất nhiều người thân. Nhưng Tháo chẳng để tâm bằng mấy lời của Viên Thiệu.
Tào Tháo tế Điển Vi. Thất bại trước Trương Tú khiến Tào Tháo mất mát rất nhiều người thân. Nhưng Tháo chẳng để tâm bằng mấy lời của Viên Thiệu.

Tam quốc chí đưa ra rất nhiều so sánh về Tào Tháo và Viên Thiệu. Nhưng chung quy có ba so sánh chi tiết nhất, một của Tuân Úc, một của Giả Hủ, một của Quách Gia.

Chân tướng thập thắng

Tuân Úc cho rằng Viên Thiệu có bốn điều thua Tào Tháo, là độ, mưu, võ, đức. Giả Hủ nêu ra bốn điều là minh, dũng, dụng nhân, quyết cơ. Quách Gia lại vẽ ra tới mười điều bại là: đạo, nghĩa, trị, độ, mưu, đức, nhân, minh, văn, võ. Hà Trác đã chỉ ra rằng lời của Quách Gia “cùng với lời của Tuân Văn Nhược có chút dị đồng, có khi là phụ họa thôi”.

Thẩm Gia Bản cũng đặt ra nghi vấn: “Hủ cũng nói bốn điều thắng, là minh thắng, dũng thắng, dụng nhân thắng, quyết cơ thắng, lời của y tuy không rõ ràng, mà về đại ý lại giống với những lời của Tuân Úc. Lời của ba người dựa vào đâu mà trùng khớp đến thế?”.

Sự trùng khớp trong lời nghị luận của tập đoàn mưu sĩ dưới trướng họ Tào là điều rất đáng để suy nghĩ, đặc biệt là lời bàn của Tuân Úc và Quách Gia. Thẩm Gia Bản từng đặt ra nghi vấn rằng đó “lẽ nào là một việc mà truyền cho những kẻ khác nhau ư?”. Thực ra bối cảnh ra đời của thuyết “tứ thắng”, “thập thắng” rất đáng suy nghĩ.

Người mở lời đầu tiên có lẽ là Tuân Úc. Tam quốc chí và Hậu Hán kỷ cùng cho biết: sau khi Trương Tú đánh bại Tào Tháo ở Uyển Thành, Viên Thiệu gửi thư cho Tháo, lời lẽ không khiêm tốn. Tháo “cả giận, ra vào hành động cử chỉ rất khác thường”, “thường vung ngón tay, biến sắc mặt”.

Mọi người đều cho rằng Tháo sở dĩ như thế là vì thua Trương Tú. Chung Do nói với Tuân Úc. Úc cho rằng: “Công vốn minh triết, ắt không truy cứu việc cũ, sợ là có điều lo nghĩ khác thôi”, bèn tới hỏi Tháo, hóa ra là vì bị Thiệu làm nhục. Tuân Úc bèn liệt kê bốn điều Tào Tháo thắng Viên Thiệu. Kết quả: “Thái Tổ mừng”, “Tháo vui lòng”. Nói cách khác, “tứ thắng” xuất hiện chủ yếu là để an ủi Tào Tháo.

Tâm trạng Tào Tháo cũng rất đáng để ý. Vào thời điểm đó, Tháo vừa thua trận trước Trương Tú, “bảy cánh quân thua to”. Ái tướng Điển Vi tử trận (Tháo mỗi khi đi qua Dục Thủy đều tế, khóc). Con trai là Tào Ngang, cháu yêu là Tào An Dân đều chết. Thế mà, Tháo “minh triết”, không thèm để ý, nhưng ngược lại Viên Thiệu nhục mạ mấy câu thì Tháo tự dưng lại hết “minh triết”, suốt ngày hậm hực, chửi gà mắng chó.

Tính mạng của bảy cánh quân, một ái tướng, con trai trưởng và một người cháu còn không bằng mấy câu của Viên Thiệu. Điều đó cho thấy trong lòng Tào Tháo, Viên Thiệu có một địa vị đặc biệt. Tháo luôn nhạy cảm khi động đến vấn đề Viên Thiệu. Lúc uống rượu luận anh hùng với Lưu Bị, Tháo cũng tự dưng so sánh với Thiệu. Tháo bảo: “Lũ người như Bản Sơ, chẳng đáng kể vậy!”.

Tuy bảo là chẳng đáng kể, nhưng thực tế là Tháo đang kể đó thôi! Chính vì tâm lý Tào Tháo như thế, Tuân Úc phải điều chế ra liều thuốc an thần mang tên “tứ thắng”. Liều thuốc này được Giả Hủ dùng lại khi trận Quan Độ đã lên tới cao trào. Quách Gia thì “chích” cho Tào Tháo một liều cao hơn, lên tới “thập thắng”. Đến nỗi Tào Tháo phải bật cười, nói với Gia rằng: “Như lời khanh nói, Cô có đức gì mà kham nổi!”. 

Người đề ra tư tưởng “tứ thắng” là Tuân Úc, trong bối cảnh Tào Tháo đang hậm hực vì không làm gì được Viên Thiệu.
Người đề ra tư tưởng “tứ thắng” là Tuân Úc, trong bối cảnh Tào Tháo đang hậm hực vì không làm gì được Viên Thiệu.

Thực vậy, bất kể là “tứ thắng” hay “thập thắng” thì đều là những lời tán tụng của một phía. Trong đó, không khỏi chỉ nói đến ưu điểm của Tào Tháo và khuyết điểm của Viên Thiệu, mà phớt lờ khuyết điểm của Tào Tháo và ưu điểm của Viên Thiệu. Chẳng hạn, Tuân Úc, Quách Gia đều phê phán chính sách khoan hòa của Viên Thiệu mà đề cao chính sách khắc nghiệt của Tào Tháo.

Tuân Úc chê Thiệu “trị quân khoan hòa, pháp lệnh bất minh” (võ thắng); Quách Gia nói “Thiệu lấy khoan hòa giúp khoan nhu, nên chẳng trấn nhiếp được; Công nắn sửa chính trị lấy nghiêm khắc ràng buộc nên trên dưới biết pháp chế” (trị thắng). Thực tế không hẳn là Tháo đã hơn Thiệu về điểm ấy.

Hậu Hán thư dẫn lời Hiến Đế xuân thu viết: “Thiệu là người dùng chính sách khoan hòa, trăm họ mến đức. Sĩ thứ Hà Bắc chẳng ai không thương xót, phố chợ đều rơi lệ, như có tang người thân”. Viên Thiệu được lòng dân đến như thế. Tào Tháo thì thế nào? Tháo dời dân huyện Yên và Bạch Mã, dân chẳng đi theo; dời dân Hoài Nam thì chục vạn dân Giang Hoài bỏ chạy sang Ngô. Tháo vào Kinh Châu, dân chúng ùn ùn chạy theo Lưu Bị. Rốt cuộc là ai mới thắng?

Vết nhơ thời trăng mật

Tào Tháo sở dĩ cứ thấy bức bối về Viên Thiệu, là do mối quan hệ của họ trong thời kỳ mới dựng nghiệp. Trần Thọ nói như thể Tào Tháo đã sớm cắt đứt với Viên Thiệu. Lúc họp quân đánh Đổng, Viên Thiệu bắt được cái ấn ngọc, lén hé cho Tào Tháo xem. Tháo “cười thầm nhưng ghét lắm”. Ngụy thư cũng cho biết rằng Tháo “cho Thiệu là người không ngay thẳng, có mưu đồ tru diệt hắn”. 

Tuy là sử thần Ngụy-Tấn đều nói như thế, nhưng quan hệ giữa Thiệu và Tháo thực ra rất khăng khít. Hậu Hán kỷ cho biết chính Viên Thiệu đã “sai Tào Tháo làm Thái thú Đông quận”, tức là nói Tào Tháo chính là thuộc hạ của Viên Thiệu. Trần Thọ chỉ nói là Thiệu dâng biểu tiến cử Tháo, còn Đông quận là do Tháo tự tiến quân vào lấy.

Tuy nhiên sau khi Tháo rời Đông quận đi làm Duyện Châu mục, Viên Thiệu lại sai Tang Hồng tới làm Thái thú Đông quận, vẫn đóng ở Đông Vũ Dương (quận trị do Tào Tháo mới đặt, quận trị cũ ở Bộc Dương), mà Tháo chẳng hề dám hó hé. Đến khi Hồng phản Thiệu, Thiệu đem quân tới đánh tưng bừng hơn một năm, cũng không thấy Tháo lên tiếng, dù Đông quận là thuộc Duyện Châu.

 Tào Tháo bấy giờ chẳng những không muốn diệt Thiệu, mà còn làm bia đỡ đạn cho Thiệu. Lúc này thiên hạ chia ba, kẻ theo Đổng Trác, người theo Viên Thiệu, kẻ lại theo Viên Thuật. Viên Thuật và Viên Thiệu chống đối nhau. Đại khái phe Viên Thuật có sự hỗ trợ của Công Tôn Toản, Lưu Bị, Đan Kinh, Đào Khiêm, Trương Yến ở Hắc Sơn và Vu Phù La của Hung Nô, bao vây Viên Thiệu. Tào Tháo ngược lại đi bảo vệ Thiệu, họp binh cùng Thiệu đánh liên quân Công Tôn Toản; Tháo còn tự mình dẫn quân đánh Viên Thuật đang trên đường tiến vào Duyện Châu, truy đuổi khiến Thuật phải chạy về Cửu Giang. 

Tào Tháo từng liên minh rất khắng khít với Viên Thiệu, chứ không phải sớm vạch giới tuyến như Trần Thọ đã viết. Chiến dịch Phong Khâu năm 193 là một ví dụ.
Tào Tháo từng liên minh rất khắng khít với Viên Thiệu, chứ không phải sớm vạch giới tuyến như Trần Thọ đã viết. Chiến dịch Phong Khâu năm 193 là một ví dụ.

Viên Thiệu trong thời kỳ này cũng đã giúp đỡ rất nhiều cho Tào Tháo. Lúc Tháo đánh Đào Khiêm, Thiệu đã phái bọn Chu Linh dẫn ba doanh quân đi giúp Tháo. Trần Lâm còn cho biết Viên Thiệu từng phái quân giúp Tháo đánh Lữ Bố, khi Bố cướp Duyện Châu. Thậm chí khi Tháo cùng đường trong cuộc chiến ấy, Thiệu đã khuyên Tháo đem gia quyến tới Nghiệp Thành. Tháo toan đi. Trình Dục can Tháo, đã nói rằng: “Tướng quân tự liệu mình có thể ở dưới hắn chăng?”, việc ấy mới thôi.

Trong suốt tiến trình quan hệ hai bên, Viên Thiệu luôn giữ thế bề trên. Thiệu sai người tới bảo Tháo giết Trương Mạc; phái Từ Huân tới “phát lệnh cho Tháo” sai sửa sang tông miếu, giúp đỡ Hiến Đế; đòi Tháo dời thiên tử về Quyên thành. Tào Tháo tùy theo tình thế mà thoái thác hoặc nhượng bộ, nhưng rõ ràng là Tào Tháo ôm hận. Hiến Đế phong Tháo làm Đại tướng quân, Thiệu làm Thái úy.

Thiệu thấy nhục vì ở dưới Tháo, không nhận chức. Tháo phải nhường lại chức Đại tướng quân, xuống làm Hành Xa kỵ tướng quân. Sự kiện Tào Tháo đón Hiến Đế đã đánh dấu bước ngoặt trong quan hệ hai bên. Tháo đã có chút vốn liếng chính trị, bắt đầu tính kế chống Viên Thiệu. Đó là vào năm Kiến An thứ hai. 

Hình tượng Viên Thiệu bị sử sách vùi dập theo mô típ của Hạng Vũ, đối lập lại chính là hình tượng lấp lánh của “Hán Cao Tổ” Tào Tháo. Tào Tháo trong chính sử được mô tả như thế nào? Có điều gì mà chúng ta cần bàn đến về hình tượng ấy?

(Mời xem tiếp trên Pháp luật 4 phương số 108, ngày 12/6/2017)

Đọc thêm