Giải pháp nào để cứu đàn bò sữa “vỡ kế hoạch”?

(PLO) - Mới đây, Sở Thông tin và Truyền thông Lâm Đồng đã tổ chức họp báo với sự hiện diện của lãnh đạo các cơ quan chức trách nhằm thông tin chính thức với báo chí về sự cố người chăn nuôi bò sữa tại Đơn Dương phải cắn răng đổ sữa ra đường…
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Thực trạng đau lòng
Ông Dương Đức Đại - Phó Chủ tịch UBND huyện Đơn Dương cho hay, trước đây chính quyền địa phương đã có quyết định phê duyệt Định hướng chăn nuôi bò sữa đến năm 2020. Tuy nhiên, tổng đàn bò sữa của Đơn Dương hiện nay đã…“ vỡ kế hoạch” với 8.448 con, được nuôi tập trung ở các xã Tu Tra, Đạ Ròn, Quảng Lập và xã Lạc Xuân, cho 84 tấn sữa tươi mỗi ngày. Do đàn bò sữa tăng trưởng quá nóng nên hiện tại có 62 hộ với 270 con bò sữa cho sản lượng sữa 2,5 – 3 tấn sữa/ngày chưa được ký kết hợp đồng tiêu thụ sữa với các đơn vị thu mua. 
Trong khi đó trên địa bàn tỉnh chỉ có 3 đơn vị thu mua là: Vinamilk, Friesland Campina VietNam (Cô gái Hà Lan) và  Dalat milk. Hiện các trạm thu mua sữa tươi của các công ty này đã hết công suất chứa. Bởi vậy, các công ty chỉ thu mua theo đúng hợp đồng với các hộ đã ký kết, chưa thu mua đối với các hộ chăn nuôi mới. 
Vừa qua, chỉ có một hộ dân không có hợp đồng đem can sữa 10 lít đến bán, nhưng không được thu mua, đã phản ứng bằng cách đổ sữa ra đường cho báo chí quay phim, chụp ảnh. Sau khi xảy ra sự cố, chính quyền địa phương đã phối hợp với các công ty tìm cách giải quyết nên hiện nay đã ổn định được tình hình.
Tuy nhiên, khi báo chí đặt câu hỏi về trách nhiệm quản lý nhà nước của địa phương để đàn bò sữa tăng trưởng mất kiểm soát như vừa qua và tình trạng người chăn nuôi đổ sữa là do bức xúc hay do báo chí xúi để quay phim, chụp ảnh thì ông Phó Chủ tịch huyện Đơn Dương không trả lời!
Tại cuộc họp báo, ông Đoàn Anh Tùng - Phó Tổng Giám đốc Dalat milk cho biết, Dalat milk đã và đang tiếp tục thu mua sữa của 132 hộ chăn nuôi tại Đơn Dương có hợp đồng. Từ đầu tháng 9 đến nay, do lượng sữa tăng quá bất thường, từ 6,5 tấn lên 9 tấn/ngày nên Dalat milk không thể thu mua hết. Qua khảo sát thì thấy bà con nuôi bò tự phát tràn lan, một số hộ có hợp đồng còn nhận ký gửi sữa nữa nên đã vượt quá năng lực thu mua và chế biến của Công ty. Vừa qua, Dalat milk ra thông báo chỉ mua 16kg sữa/con bò sữa, đây không phải là mức khống chế trần, nếu hộ nào có lượng sữa cao hơn và đạt chất lượng thì thông báo cho Công ty xuống kiểm tra và sẽ thu mua. 
Sau khi xảy ra sự cố đổ sữa, Công ty đã họp với bà con chăn nuôi bò sữa có hợp đồng và hiện nay tình hình đã lắng dịu. Sắp tới, Công ty sẽ cùng bà con nông dân khảo sát chất lượng bò sữa để hạn chế tăng trưởng nóng và an toàn cho đàn bò sữa. 
Đâu là nguyên nhân và giải pháp
Trả lời báo chí, ông Lê Văn Minh- Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lâm Đồng cho rằng, nguyên nhân xảy ra tình trạng thừa mứa sữa như hiện nay là do đàn bò sữa tại địa phương tăng trưởng quá nóng, do có thời gian giá sữa từ 14-15.000 đồng/kg nên bà con đua nhau vay vốn chăn nuôi bò sữa, hiện nay nhiều bà con lâm vào cảnh dở khóc dở mếu. Từ giữa năm 2014 đến nay, do giá sữa thế giới giảm, ảnh hưởng đến khả năng tiêu thụ của các nhà máy chế biến sữa trong nước nên bắt đầu có tác động xấu đến đàn bò sữa của địa phương. 
Trước thực trạng người chăn nuôi bị “ế” sữa, Sở NN&PTNT đã làm việc với các nhà máy. Vinamilk hứa sẽ tiêu thụ giúp Lâm Đồng 70% (kể cả có hợp đồng và không có hợp đồng); Dalat milk cam kết thu mua hết sữa của các hộ có hợp đồng. Tuy nhiên, các hộ nuôi bò sữa không có hợp đồng thì sẽ hết sức khó khăn. Sau khi rà soát kiểm tra, nếu đảm bảo quy chuẩn thì các công ty sẽ cố gắng thu mua. Về lâu dài, phải kêu gọi đầu tư xây dựng nhà máy thì mọi chuyện sẽ rất dễ giải quyết. Theo ông Minh,  hiện nay bà con chăn nuôi bò sữa không có hợp đồng nên sớm chuyển sang nuôi bò thịt sẽ an toàn hơn. 
Ông Nguyễn Văn Yên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết,  hiện giá sữa nguyên liệu của thế giới giảm xuống gần một nửa - từ 480USD xuống 260USD/tấn, tạo điều kiện cho các nhà sản xuất lựa chọn sữa hoàn nguyên với giá chỉ khoảng 7.000-8.000 đ/lít. Như vậy, nếu các công ty thu mua sữa cứ mua vào một lít sữa với giá theo hợp đồng đã ký kết với nông dân (12.000 - 14.000 đ/lít) thì sẽ bị lỗ một nửa so với giá sữa bình quân trên thế giới. Vì thế, người chăn nuôi bò sữa cũng cần phải có sự thông cảm, sẻ chia với các công ty sữa. 
Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng cho biết: Lâm Đồng xác định ngành chăn nuôi bò sữa là ngành chủ lực để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho người dân. Dựa trên cơ sở thực tế, khả năng của nông dân và doanh nghiệp và theo lộ trình phát triển ngành bò sữa, Lâm Đồng phấn đấu đến năm 2020 sẽ phát triển trên 30.000 con bò sữa. Tuy nhiên, trong thực tế việc tăng đàn quá nhanh đã dẫn đến sự việc người dân gặp khó khăn trong việc tiêu thụ sữa nguyên liệu, một số hộ bức xúc đã đổ sữa ra đường như trong những ngày gần đây. Trước phản ứng này của một số hộ dân, ngay sau đó các cấp chính quyền và ngành chức năng của tỉnh Lâm Đồng đã nhanh chóng vào cuộc để giải quyết. 
Tuy nhiên, đây mới chỉ là cách giải quyết bước đầu, chưa bền vững. Bà con chăn nuôi bò sữa tại địa phương hiện nay chưa thật sự an tâm, nếu không có biện pháp giải quyết triệt để sẽ có thể nảy sinh những phức tạp mới./.

Đọc thêm