Gian nan giữ nghề ở làng gốm cổ Phước Tích

(PLO) - Địa phương kỳ vọng làng gốm cổ sẽ là địa chỉ phát triển du lịch làng nghề. Tuy nhiên, hiện nghề làm gốm ở Phước Tích đang dần bị mai một và không phát huy được tiềm năng vốn có do thiếu nhân lực.
Khung cảnh vắng lặng của cơ sở sản xuất gốm
Khung cảnh vắng lặng của cơ sở sản xuất gốm

Nằm trên địa bàn thôn Phước Phú, xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế, làng gốm Phước Tích, làng cổ thứ 2 tại đất cố đô được Nhà nước công nhận và cấp bằng “Di tích đặc biệt quốc gia”.

Làng nghề truyền thống đang mai một

Theo các vị cao niên trong làng, nghề gốm có ở Phước Tích từ xa xưa, trước kia người dân vừa mày mò làm, vừa sáng tạo theo kiểu “cha truyền con nối”, chủ yếu phục vụ sinh hoạt và sản xuất. Trải qua bao thăng trầm lịch sử, bao biến cố của thời gian, nghề gốm Phước Tích thịnh nhất vào những năm đầu thế kỷ 18, khi vua Gia Long lên ngôi tại kinh thành Huế.

Thuở ấy trong làng Phước Thịnh có đến 12 cái lò gốm thủ công, tổng cộng mỗi tháng cho ra 36 phiên lò. Chính Vua Gia Long đặt tên cho làng là Phước Tích. Hàng năm chiếu lệ trong lễ tiến vua, dân làng phải làm cái om bằng đất để nấu cơm vua ăn (gọi là om ngự). Đến năm 1967, nghề gốm Phước Tích đã “tắt lửa” vì điều kiện chiến tranh và nhiều lí do khách quan khác.

Sau ngày đất nước giải phóng, nghề gốm được khôi phục, phát triển, tuy nhiên cũng không được thịnh như thời hoàng kim. Đến năm 1979 trước yêu cầu khắt khe của thị trường, làng gốm Phước Tích đã cử người đi học nghề ở Hương Canh (Hà Nội). Năm 1983, dân làng vào học nghề ở Lái Thiêu (Bình Dương) để làm theo công nghệ mới, sản phẩm đổ rót bằng khuôn, đốt bằng ga (thay cho đốt bằng củi truyền thống).

Năm 2010 nghề gốm Phước Tích được Vương quốc Bỉ đầu tư kinh phí, xây dựng lò cổ truyền (đốt bằng củi) để khỏi bị mất gốc, rồi tiếp tục cử người đi đào tạo thêm ở trong Nam, ngoài Bắc để kịp thích nghi với yêu cầu của thị trường và thị hiếu ngày càng khó tính của khách hàng.

Năm 2015 là năm đầu tiên trong lịch sử, ở làng cổ Phước Tích có khóa đào tạo làm gốm, gồm 15 học viên. Tuy nhiên, hoạt động chủ yếu là quảng diễn cho khách tham quan, trải nghiệm, chứ thực chất đang “tắt” dần về hoạt động sản xuất, kinh doanh. Theo các cụ cao tuổi trong làng, để phục hồi bài bản gốm Phước Tích, cái khó nhất hiện nay là nguồn nhân lực. Đa phần thanh niên trai tráng trong làng đi làm ăn xa, mấy ai còn mặn mà với cái nghề truyền thống. Làng Phước Tích đang đứng trước nguy cơ nghề gốm của làng bị mai một, thất truyền. 

Hiện ở làng cổ Phước Tích, người có khả năng xây được lò cổ truyền (đốt bằng củi) và đốt được lò cổ truyền thì chỉ còn duy nhất một người. Đó là ông Lê Trọng Diễn, năm nay đã ở cái tuổi 70. Nơi lưu giữ khá đầy đủ các sản phẩm gốm Phước Tích từ khi thành lập nghề đến nay cũng chính là nhà ở của ông Diễn.

Ông Trần Văn Nguyên – Phó Chủ tịch UBND xã Phong Hòa chia sẻ với phóng viên
Ông Trần Văn Nguyên – Phó Chủ tịch UBND xã Phong Hòa chia sẻ với phóng viên

Trăn trở của người làm gốm

Là một làng cổ được nhiều người biết đến và có tiềm năng về phát triển du lịch, nhưng khi chúng tôi đến tham quan thì chỉ thấy một khung cảnh hoang sơ, vắng lặng của một lò gốm, bên trong chỉ có duy nhất một thợ đang làm gốm. Không có nơi trưng bày, phô diễn ra hoạt động sản xuất gốm, chỉ có vài mẫu vật được bày sơ sài, đồ đạc ngổn ngang, nhếch nhác. 

Tiếp chúng tôi bên ấm trà gốm Phước Tích nhỏ gọn nhưng rất tinh xảo, phóng mắt về phía chân trời xa xăm, ông Lê Trọng Diễn bộc bạch: “Ở làng Phước Tích này, gốm là “hồn” là “cốt” của làng. Nếu mất gốm có nghĩa là Phước Tích không còn. Với ý nghĩa giàu tính nhân văn đó, tôi sẽ cố gắng hết sức trong điều kiện có thể để lưu giữ “hồn cổ” Phước Tích xưa”.

Ông Lê Trọng Diễn đã không ngừng suy nghĩ, và tự đặt câu hỏi là làm thế nào để bảo tồn, phát huy, lưu giữ sản phẩm gốm cho con cháu muôn đời sau. 

Với ý tưởng lập gian hàng trưng bày, năm 2010 ông mở phòng trưng bày sản phẩm từ gốm Phước Tích tại ngôi nhà cổ do ông nội để lại. Lúc đầu chỉ là những cái ghế băng, chiếc kệ kê đơn giản, sản phẩm cũng chưa được bố trí, sắp xếp quy củ, bài bản.

Đến năm 2012, tổ chức Jica (Nhật Bản) tài trợ kinh phí cho ông đóng tủ kính gương dày, hệ thống đèn led, đèn chiếu sáng hiện đại, sản phẩm được trưng bày, sắp xếp hợp lí, khoa học hơn… nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá cho du khách trong, ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm thú vị về nghề gốm đã ra đời cách đây 500 năm.

Ông thuộc làu từng sản phẩm trưng bày, nói vanh vách công dụng của từng loại, chẳng khác gì một hướng dẫn viên, một quảng diễn được đào tạo chuyên nghiệp. Chẳng hạn, ông cho chúng tôi xem cái hũ dầu sản xuất năm 1940 do ông nội của ông để lại, cái om vụ (đít nhọn) khi để dưới đất tuy chông chênh nhưng lâu bể, cái âu mỏng để rửa mặt (còn gọi là âu trứng - bỏ trứng gà vào đánh để làm bánh thuẩn), cái bườn trèn đựng nước chè ngày xưa…

Rồi ông thoăn thoắt chỉ tay vào các hiện vật, nào là: lu, hủ, đột, thống, om, âu, trách… đồng thời diễn giải về chức năng, công dụng của mỗi loại- những thứ từng được vua quan cho đến dân thường sử dụng.

Trò chuyện với ông Trần Văn Nguyên, Phó Chủ tịch UBND xã Phong Hòa (huyện Phong Điền), ông Nguyên cho biết, gốm xưa hiện nay đã bị  mai một, chỉ còn lại một số sản phẩm, sản phẩm hiện nay bán ra không chạy, sản phẩm cũng không được như ngày xưa, UBND xã có cử người đi học tại làng gốm Bát Tràng.

Nhưng hiện nay, chỉ có một hộ tiếp tục làm nghề, nhưng chỉ làm vào các dịp Festival. Năm 2015, UBND xã Phong Hòa kết hợp với UBND huyện Phong Điền để mở lớp đào tạo nghề tại nông thôn, trong đó có nghề làng gốm, cho vay vốn và tạo mọi điều kiện để người dân phát triển nghề làm gốm. Tuy nhiên, nghịch lý là người dân trong làng không mặn mà với nghề truyền thống, họ đã đi làm những nghề khác tại những địa phương khác, dẫn đến nghề gốm đang dần bị mai một.

Việc bảo tồn và phát huy nghề truyền thống của làng gốm cổ Phước Tích là một hành trình dài, không ít gian nan, không chỉ phụ thuộc vào niềm đam mê, giữ nghề của người dân trong làng mà còn ảnh hưởng lớn từ phía chính quyền. Các cấp chính quyền và cơ quan chức năng huyện, tỉnh cần có giải pháp hữu hiệu, trong đó có sự hỗ trợ về vật chất để làng gốm phát triển.

Đọc thêm