'Giành lại' quyền quyết định từ cha mẹ để khỏi thất nghiệp

(PLO) - Theo dự báo của các chuyên gia về lao động việc làm thì trong năm 2017 này sẽ có khoảng 200.000 cử nhân thất nghiệp. Một phần nguyên nhân của sự thất nghiệp này đến từ việc nhiều cử nhân chỉ có duy nhất nguyện vọng làm ở cơ quan nhà nước. Và các bậc cha mẹ cũng đóng một phần không nhỏ trong lối tư duy này.
Để giảm được tỷ lệ cử nhân ra trường thất nghiệp đòi hỏi phải thay đổi nhận thức của gia đình, của xã hội.Ảnh minh họa
Để giảm được tỷ lệ cử nhân ra trường thất nghiệp đòi hỏi phải thay đổi nhận thức của gia đình, của xã hội.Ảnh minh họa

Mặc kệ con phản ứng, cha mẹ vẫn quyết “ấn” con vào nhà nước

Trong một lần chia sẻ với báo chí, bà Trang Nguyễn, chủ sở hữu chuỗi phòng tập California Tập đoàn CMG chia sẻ: “Có nhân viên tại tập đoàn tôi đã xin nghỉ việc vì bố mẹ đã trả 200 triệu đồng xin việc tại một công ty nhà nước. “Bố mẹ em muốn em làm ở một công ty nhà nước để lấy chồng và sinh con”. Bạn ấy đã khóc khi nói với tôi như vậy trước khi nghỉ việc”. 

Một chàng trai 22 tuổi vừa tốt nghiệp một trường đại học có tiếng ở Hà Nội tâm sự, hiện đang bị bố mẹ gọi về quê, bắt làm hồ sơ “chạy việc” bất chấp chuyện con trai muốn tự mình tìm việc ở Hà Nội hoặc các tỉnh lân cận. Và số tiền để giúp chàng trai có thể “yên vị” trong một cơ quan nhà nước nào đó lên đến hơn 100 triệu.

“Khi còn là sinh viên, tôi đã tham gia rất nhiều hoạt động xã hội và các câu lạc bộ tiếng Anh. Cũng từng thử một vài công việc để kiếm thêm thu nhập cho bản thân. Tôi tự tin mình cũng có thể tự tìm một công việc dù với mức lương có thể không cao nhưng cũng đủ để bản thân tôi không phải xấu hổ. Tôi cố gắng thuyết phục bố mẹ nhưng không thành. Bố mẹ tôi nói: “Các doanh nghiệp chỉ lừa phỉnh mấy đứa mới ra trường để làm không công cho họ” - chàng trai cho biết.

Kết quả điều tra chuyển tiếp từ trường học đến việc làm Việt Nam do Tổng cục Thống kê thực hiện trong năm 2015 với sự hỗ trợ của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho thấy, gần 2/3 sinh viên cho biết thích làm việc trong khu vực nhà nước. Lý do chính được đưa ra là lĩnh vực nhà nước có tính ổn định cao. Đây là nguyện vọng chính đáng của sinh viên, tuy nhiên, xã hội ngày càng phát triển kéo theo xu hướng công việc và nhận thức về việc làm cũng thay đổi. Khu vực ngoài nhà nước là địa chỉ thu hút lực lượng lớn lao động trong những năm qua (thống kê cho thấy năm 2016 các DN thuộc khu vực ngoài nhà nước tạo việc làm ổn định cho hơn 10.000 người tại Hà Nội và các địa phương lân cận).

Thích làm việc trong khu vực nhà nước cũng là một nguyên nhân khiến cho con số cử nhân thất nghiệp ngày càng tăng cao. Dự đoán của các chuyên gia lao động việc làm cho thấy trong năm 2017 này sẽ có khoảng 200.000 cử nhân thất nghiệp. Phân tích về vấn đề cử nhân thất nghiệp, ông Đào Quang Vinh - Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội - Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho rằng nguyên nhân từ nhiều phía. Thứ nhất là từ bố mẹ, gia đình hướng con em mình vào học ngành nghề gì.

Trước đây, chúng ta vẫn theo quan điểm cho con cái học ngành nghề gì để vào làm nhà nước, sau này được nhàn thân, nhưng thực tế thì không phải như vậy. Thứ hai là tư vấn giới thiệu việc làm và hướng nghiệp cho các em học sinh trong nhà trường chưa được tốt và thông tin thị trường lao động, nhất là việc kết nối cung và cầu thị trường lao động nhiều người, nhiều học sinh, nhiều gia đình không nắm được các doanh nghiệp họ đang cần loại lao động nào, trình độ nào để hướng con em mình học ngành nghề đó. Và chất lượng đào tạo tại các trường, cơ sở giáo dục đào tạo cũng là một nguyên nhân dẫn đến tình trạng thất nghiệp.

“Giành lại quyền quyết định” từ cha mẹ

Trước hết cần phải khẳng định, làm việc ở khu vực ngoài nhà nước không phải là quyết định sai lầm. Bằng chứng là sự thành công của nhiều người trẻ đã chứng minh điều đó. Trong một lần trả lời phỏng vấn, chị Nguyễn Thị Ngọc Thoa - Phó Giám đốc nhân sự Công ty TNHH Crystal Martin Việt Nam, người đã có thâm niên 15 năm đi làm ở khu vực ngoài quốc doanh cho biết:

“Khi ra trường, tôi cũng có nhiều cơ hội vào nhà nước. Nhiều bạn cùng trang lứa tốt nghiệp đại học rồi vào nhà nước và có công việc, cuộc sống ổn định trong một cơ quan nào đó. Hiện tôi cảm thấy hài lòng với công việc mình đang làm. Mỗi năm trôi qua, tôi tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm, làm cho mình vững vàng và tự tin hơn. Đó chính là lý do tôi muốn ở lại khu vực ngoài nhà nước”.

Biết là tốt nhưng để nói cho cha mẹ hiểu và thay đổi tư duy của chính mình là điều không dễ với nhiều người trẻ. Có lời khuyên với các cử nhân, ông Nguyễn Toàn Phong - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội nhấn mạnh: “Với hàng trăm nghìn cử nhân thất nghiệp, tôi cho rằng các bạn nên suy nghĩ rộng hơn về nghề nghiệp mình lựa chọn. Rõ ràng làm đúng ngành nghề được đào tạo là rất tốt, vì không phải ai cũng khó khả năng làm trái ngành. Song khu vực nhà nước cũng sẽ thay đổi rất nhiều so với trước. Thị trường lao động đang phát triển mạnh mẽ, các doanh nghiệp nhà nước cũng đang được thúc đẩy cổ phần hóa, đây là điều đương nhiên.

Chính vì vậy, các doanh nghiệp ngoài nhà nước ngày càng đòi hỏi lao động phải năng động, có trình độ, bám sát hơn với sự thay đổi từng giờ, từng ngày của nền kinh tế - xã hội. Như vậy, cơ hội việc làm của các bạn sẽ cao hơn”.

Còn theo TS. tâm lý Vũ Thu Hương, giảng viên Đại học Sư phạm Hà Nội, việc cha mẹ định hướng nghề nghiệp cho con là điều nên làm. Tuy nhiên, họ nên tìm hiểu con cái muốn gì và phân tích đúng sai, ngành nghề nào phù hợp với con, thay vì lựa chọn một công việc bản thân muốn rồi áp đặt vào những người trẻ. TS. Hương phân tích, việc áp đặt con làm theo ý muốn của cha mẹ có thể gây ra sự ức chế từ thế hệ này đến thế hệ khác.

“Một trong những nhu cầu sai lầm của phần lớn phụ huynh có công việc ổn định là mong muốn con cái tiếp bước mình. Nếu cha mẹ là người trong nghề, họ chắc chắn có lời khuyên đúng đắn khi con tiếp bước. Song nếu như vậy, người trẻ thụ động quá, họ còn đâu cơ hội phát triển năng lực bản thân” - TS. Hương nhấn mạnh.

“Tôi mong muốn tất cả các bạn sinh viên tiếp cận với những tư duy mới. Việc làm không có nghĩa là cứ phải đứng trong cơ quan nhà nước hay đứng trong công xưởng, nhà máy. Quan trọng hơn hết, mỗi người hãy tìm cho mình những công việc, việc làm chính đáng, có thu nhập, góp phần ổn định cuộc sống, tăng thu nhập cho gia đình, phát triển xã hội” - Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung.

“Để giảm được tỷ lệ cử nhân ra trường thất nghiệp thì chúng ta cần phải có hàng loạt biện pháp và thực sự đây là các biện pháp lâu dài, không thể là một sớm một chiều bởi vì đòi hỏi phải thay đổi nhận thức của gia đình, của xã hội. Theo dự báo của chúng tôi thì năm 2017 sẽ có những chuyển biến, tuy nhiên cũng chưa nhiều và dự kiến những năm 2018, 2019 trở đi sau khi các giải pháp của chúng ta triển khai đồng bộ hơn thì tỷ lệ cử nhân thất nghiệp như hiện nay dần dần sẽ giảm”. Nguyễn Toàn Phong - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội

Đọc thêm