Giáo dục di sản: Làm sao để không phải “cái khó bó cái khôn”?

(PLVN) - Giáo dục di sản không phải thuật ngữ mới xuất hiện. Hoạt động giáo dục di sản được các cơ quan chức năng, các trường học, chuyên gia nêu cao tầm quan trọng nhưng quan trọng như thế nào thì dường như vẫn là câu hỏi bỏ ngỏ. Cũng chính bởi mục tiêu mơ hồ của giáo dục di sản là “gợi nhắc truyền thống, lịch sử, văn hoá đất nước” và “khơi dậy lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc” dẫn đến tình trạng mỗi nơi mỗi kiểu, chất lượng không đồng nhất.

“Kẻ thù lớn nhất” là sự hời hợt, thụ động 

Từ năm 2010, văn phòng UNESCO Hà Nội đã phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị di sản văn hóa để thực hiện dự án thí điểm “Liên kết với nhà trường phát triển giáo dục di sản bảo tàng, di tích và các địa điểm văn hóa lịch sử ở Hà Nội”. Tuy nhiên, qua 10 năm triển khai, công tác giáo dục di sản vẫn còn nhiều bất cập.

Trước đây, tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám, hoạt động giáo dục di sản chỉ đơn giản là học sinh đến đây để tham quan, nghe thuyết minh, làm lễ dâng hương, khiến các em rất thụ động. Theo chia sẻ của bà Đường Ngọc Hà, đại diện của Trung tâm Văn hóa Khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám, từ trước đến nay, đơn vị thường phối hợp với các trường học cho học sinh đến đây để tham quan, làm lễ dâng hương.

Tuy nhiên, với nhiều trẻ em, việc tham quan tại các bảo tàng, di tích không thu hút bằng so với đến các khu vui chơi – giải trí, trung tâm thương mại, người Việt Nam cũng rất ít khi đi tới các bảo tàng, di tích để du lịch. Mặt khác, nhiều đoàn học sinh có số lượng quá đông dẫn đến việc khi đến tìm hiểu thông tin, các bạn sẽ chỉ “nghe 10 hiểu 5”, về đến nhà sẽ quên mất.

Trong khi đó, theo ý kiến của TS. Vũ Hồng Nhi, đại diện Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, những chuyến tham quan của học sinh hiện nay thông qua các công ty du lịch và các công ty này đều phải tính toán đến hiệu quả kinh tế. Vì vậy, số lượng và an toàn các em được công ty du lịch quan tâm hơn cả, càng đông học sinh càng tốt. Do vậy, sau những chuyến đi như thế này, kiến thức mà các em đọng lại về di sản di tích gần như không. 

Để đưa học sinh đến bảo tàng, di tích thì không chỉ cần sự nỗ lực của những người làm công tác di sản mà cả của ngành giáo dục và cha mẹ học sinh. Đơn cử như, chương trình giáo dục di sản tại di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám được xây dựng gồm 3 bước: trước, trong và sau tham quan. Trong đó bước trước và sau tham quan được thực hiện trên lớp giữa giáo viên và học sinh. Tuy nhiên, nhiều trường lớp vẫn chưa thực sự chú trọng đến công tác giáo dục di sản. 

Trải nghiệm kĩ năng in tranh
Trải nghiệm kĩ năng in tranh

Theo tìm hiểu của phóng viên, có vô vàn lí do được nêu ra để giải thích cho sự “hời hợt” trong công tác giáo dục di sản ở nhà trường hiện nay. Đơn cử, nhiều thầy cô vẫn cho rằng lịch sử là môn học bắt buộc ở trường và chỉ hiệu quả khi “nhồi nhét” hết lý thuyết trong sách giáo khoa vào đầu các em, còn giáo dục di sản được xem như hoạt động ngoại khoá “chơi là chính, hiệu quả chẳng là bao”.

Do vậy, việc phối hợp thực hiện giáo dục di sản còn mang tính “làm cho xong” chứ không được chú trọng thời gian và công sức. 

Thiếu thốn kinh phí, nguồn lực

Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội cũng là địa điểm tạo điểm nhấn trong du lịch giáo dục. Với sự hỗ trợ từ UNESCO và Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Trung tâm đã phát triển thành công các chương trình giáo dục di sản như “Em làm nhà khảo cổ”, giáo dục di sản tại Hoàng Thành Thăng Long.

Bên cạnh đó, các triển lãm, trưng bày định kỳ, chuyên đề tại khu di sản đều dành những nội dung xứng đáng và bố trí không gian trải nghiệm, tương tác cho trẻ em. Các chương trình này đem lại nhiều sự trải nghiệm cho học sinh, giúp các em tìm về cội nguồn xưa và trân trọng những giá trị văn hóa lịch sử cha ông để lại. 

Tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, thông tin về các di sản, di tích liên quan đến các môn học như Sinh học, Hóa học, Văn học, Vật lý, Lịch sử,... được lồng ghép vào thuyết minh cụ thể, tạo được sự hứng thú khám phá cho học sinh. Bên cạnh đó, việc liên tục cập nhật nội dung hoạt động du lịch giáo dục di sản cũng rất được chú trọng.

Để làm được những điều này, vấn đề kinh phí và nguồn lực để thực hiện giáo dục di sản cũng là điều mà những người làm công tác này đã rất nỗ lực để thực hiện. Muốn xây dựng được những chương trình giáo dục di sản có chất lượng dứt khoát phải thực hiện nghiêm túc, khoa học, có sự đầu tư kinh phí và trí tuệ, nguồn lực con người.

Nhiều chương trình giáo dục di sản có sự tham gia tư vấn của các chuyên gia nghiên cứu di sản, chuyên gia tin học viết phần mềm trên nền tảng công nghệ,… Bởi vậy, để hoạt động du lịch giáo dục thật sự hiệu quả, sự đầu tư vào đó cũng phải tương xứng.

Quả thực, phát triển giáo dục di sản chính là hướng đến việc bảo tồn giá trị di sản một cách bền vững. Thông qua hoạt động du lịch đặc biệt này, các em cũng học được cách ứng xử sao cho đúng mực khi đi vào các di tích, tăng cường các kỹ năng như tự thu thập thông tin, làm việc nhóm,…

Bên cạnh đó, để công tác giáo dục di sản thật sự có hiệu quả, phía quản lý di tích và bảo tàng cũng phối hợp hỗ trợ giáo viên trong việc cung cấp tài liệu học và khuyến khích các em có những cách làm sáng tạo phù hợp với sở thích bản thân sau những chuyến tham quan. 

Đọc thêm