Giáo sư trường cảnh sát 'nín thở' thâm nhập 'hang ổ' ma túy Sơn La

(PLO) - Chỉ cần thấy “động” là đối tượng sẵn sàng xả súng vào nơi nghi ngờ. Có những lúc đối tượng chỉ cách nơi GS Bùi Minh Trung ngồi một khoảng cách ngắn, tình thế vô cùng căng thẳng... GS Trung chia sẻ, những chuyến đi đó đã cho ông hiểu sâu sắc và cảm phục sự gian nan vất vả của lực lượng cảnh sát phòng chống ma túy.
Giáo sư trường cảnh sát 'nín thở' thâm nhập 'hang ổ' ma túy Sơn La

Đại tá Bùi Minh Trung, Trưởng khoa Cảnh sát Phòng chống tội phạm về ma túy (Học viện CSND) là một trong 4 tân Giáo sư (GS) của lực lượng CAND 2016. GS Bùi Minh Trung đã có hơn 30 năm làm công tác đào tạo tại Học viện CSND, trong đó có 17 năm gắn bó với Khoa Cảnh sát Phòng chống tội phạm về ma túy.

Ông quan niệm, người thầy giáo ngoài sự nỗ lực, tâm huyết hết mình để đào tạo ra những lớp học trò trưởng thành, thành đạt, thì người thầy còn phải có nhiều trải nghiệm thực tế, phải lăn lộn vào thực tiễn chiến đấu để bài giảng của mình “không bị nhạt”, có sức thuyết phục và đáp ứng được yêu cầu ngày càng quyết liệt của đổi mới giáo dục.

GS Bùi Minh Trung đã từng trải qua một số lĩnh vực công tác tại Học viện CSND nhưng ông luôn thầm cảm ơn “cái duyên” đã đưa mình đến với công tác giảng dạy về phòng chống ma túy. Bởi lẽ, ma túy luôn là mặt trận nóng bỏng, khốc liệt và đầy hiểm nguy.

Mặt trận đấu tranh phòng chống ma túy có thể coi là nơi rèn luyện bản lĩnh chiến sỹ, trinh sát “ngoan cường” nhất và đây cũng là một trong những mặt trận mà lực lượng cảnh sát phòng chống tội phạm ma túy hy sinh, phơi nhiễm HIV nhiều nhất.

Thực tiễn sinh động đó đã khiến cho GS Bùi Minh Trung và những người thầy ở Khoa Cảnh sát Phòng chống tội phạm về ma túy luôn trăn trở làm sao giáo trình, bài giảng phải cập nhật thường xuyên những thủ đoạn và phương thức phạm tội mới của tội phạm ma túy.

Hướng biên soạn, bổ sung, chỉnh sửa giáo trình cũng phải đầy ăm ắp thực tiễn chiến đấu, tiếp cận nhiều tình huống nghiệp vụ mới để dạy cho sinh viên những “chiến thuật đánh án” tinh nhuệ, mưu trí, hiệu quả và tránh tổn thất.

Để làm được điều đó, GS Bùi Minh Trung đã tích cực lăn lộn thực tế, đến cả những “điểm nóng” ma túy tại một số địa bàn tuyến Tây Bắc, trong đó có huyện Vân Hồ, Sơn La.

Một lần sau khi lên lớp dạy học viên cao học tại Sơn La, GS Bùi Minh Trung đề nghị Ban Giám đốc Công an tỉnh Sơn La cho vào “điểm nóng” Vân Hồ.

Cùng đi với GS Bùi Minh Trung còn có 7 trinh sát của lực lượng phòng chống ma túy Công an Sơn La. GS Bùi Minh Trung được phát một ba lô nặng 30 kg, trong đó có phương tiện chiến đấu, quân trang quân dụng...

Chuyến thị sát “hang ổ” của những tên đầu sỏ ma túy ở Vân Hồ của thầy giáo Bùi Minh Trung bắt đầu từ 10h đêm ngày thứ Sáu, đến trưa Chủ nhật thì kết thúc.

Vượt gần 100 km đường rừng, lội suối, trèo núi, GS Trung đã tận mắt chứng kiến các đối tượng người Mông, quốc tịch Lào đeo ba lô, vác súng AK vận chuyển ma túy.

Các trinh sát cho biết, chỉ cần thấy “động” là đối tượng sẵn sàng xả súng vào nơi nghi ngờ. Có những lúc đối tượng chỉ cách nơi ông ngồi một khoảng cách ngắn, tình thế vô cùng căng thẳng. Nhưng chuyến đi này, cấp trên đã ra chỉ thị phải “án binh bất động”.

GS Bùi Minh Trung chia sẻ, những chuyến đi đó đã cho ông hiểu sâu sắc và cảm phục sự gian nan vất vả của lực lượng cảnh sát phòng chống ma túy.

Ông cũng hiểu hơn câu nói, “chưa đi rừng, chưa trở thành chiến sỹ phòng chống ma túy”. Những chuyến đi thực tế như vậy đã mang lại cho ông nhiều kiến thức quý báu, giảng dạy sinh động hơn và giúp cho sinh viên chuyên ngành có thêm nhiều tình huống thực tiễn, góp phần “giải mã” những vấn đề lý luận được đề cập trong giáo trình.

GS Bùi Minh Trung còn cho biết, nhiều năm nay Bộ Công an chủ trương tăng cường đưa người thầy về cơ sở, để người thầy không xa rời thực tế. Đây là một chủ trương lớn đang được các nhà trường CAND thực hiện rất bài bản.

Ngay như việc giáo viên trước khi tiến hành bài dạy giỏi, Bộ cũng yêu cầu phải đi địa phương ba tháng. Ở những khoa chuyên ngành, muốn trở thành giáo viên thì người thầy phải đi cơ sở 2 năm.

Rất nhiều sinh viên xuất sắc của Khoa Cảnh sát Phòng chống tội phạm về ma túy đã lăn lộn tại các điểm nóng ma túy ở Hà Nội, Quảng Ninh, Sơn La, Hòa Bình, sau đó mới bắt đầu trợ giảng, giảng dạy.

Để góp phần bồi đắp niềm tin, sự gắn bó thủy chung với chuyên ngành phòng chống tội phạm về ma túy cho học viên, GS Trung và các thầy cô giáo ở Khoa đã thường xuyên gần gũi, chia sẻ với họ về lý tưởng, vinh quang và trách nhiệm của người trinh sát ma túy.

Đồng thời, Khoa cùng với nhà trường đã tổ chức một số buổi giao lưu giữa sinh viên và các vị tướng lĩnh, Anh hùng, thân nhân liệt sỹ trên mặt trận nóng bỏng này, giúp học viên được giáo dục truyền thống, cảm phục những tấm gương liệt sỹ đã anh dũng hy sinh, từ đó các em không còn dao động, yên tâm học tập, yêu ngành, yêu nghề…

Đại tá, GS.TS Bùi Minh Trung là tác giả của nhiều giáo trình, sách chuyên khảo; ông đã hướng dẫn 4 nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án tiến sỹ và 31 học viên cao học bảo vệ thành công luận văn thạc sỹ.

Đến nay ông đã chủ nhiệm 4 đề tài, trong đó có 2 đề tài cơ sở và 2 đề tài cấp bộ. Hiện ông đang là Phó Chủ nhiệm 1 đề tài cấp nhà nước.

Hướng nghiên cứu khoa học chủ lực mà ông theo đuổi là các hoạt động nghiệp vụ trinh sát, đấu tranh phòng chống tội phạm ma túy và một số loại tội phạm khác, trong đó ông đã đề xuất nhiều giải pháp mới về sử dụng các biện pháp chiến thuật đấu tranh với tội phạm vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy.

Hướng nghiên cứu đó cũng được ông và đồng nghiệp đưa vào một số giáo trình giảng dạy. Ông quan niệm, giáo trình phải thường xuyên thay đổi, cập nhật. Người thầy cũng phải thường xuyên làm mới mình, không trì trệ, giúp trang bị kiến thức toàn diện cho học viên.

GS Bùi Minh Trung còn cho hay, người thầy trong lực lượng CAND vừa là người thầy sư phạm, vừa là người thầy chiến sỹ. Do đó, ngoài công tác giảng dạy, người thầy chiến sỹ phải luôn luôn rèn luyện bản lĩnh, tư thế tác phong và đạo đức, để người thầy phải là tấm gương sáng về trí tuệ, năng lực và phẩm chất.

Ngược lại, ông cũng đòi hỏi ở sinh viên một thái độ học tập đúng đắn, sống có lý tưởng; trong nghiên cứu khoa học phải cần cù, chịu khó và trung thực, để “kiến thức dù nhỏ nhất, nhưng phải là của mình”.

Có một điều thú vị là người bạn đời của Đại tá, GS.TS Bùi Minh Trung là Đại tá Hoàng Thị Bích Ngọc, Trưởng Bộ môn Nghiệp vụ cơ bản của Học viện CSND. Năm 2011, Đại tá Hoàng Thị Bích Ngọc là nữ Phó Giáo sư đầu tiên của lực lượng CAND…

Đọc thêm