Giật mình với những “bom nổ chậm” trong nhà

(PLO) - Thời gian qua, tại nước ta liên tục xảy ra những vụ cháy, nổ mà nguyên nhân xuất phát từ những vật dụng thường ngày như bình ga, bình oxy… 
Những đồ vật là bom nổ chậm trong nhà
Những đồ vật là bom nổ chậm trong nhà

Mới đây nhất là vụ nổ kinh hoàng xảy ra ngày 19/3 tại một cơ sở thu gom sắt vụn thuộc khu đô thị Văn Phú, Hà Đông, khiến nhiều người thương vong. Nguyên nhân được xác định là do chủ cơ sở thu gom sắt vụn đã cưa trúng một vật thể lạ mà không biết nó có thể gây nổ.

Thực tế cho thấy, trong đời sống của chúng ta tồn tại rất nhiều vật dụng tưởng chừng như vô hại nhưng thực chất lại là những “quả bom nổ chậm”, tiềm ẩn nguy cơ gây cháy, nổ bất kỳ lúc nào.

Dưới đây là 6 vật dụng bạn cần lưu ý khi sử dụng để đảm bảo an toàn cho mình và gia đình.

Bật lửa 

Bật lửa không chỉ là vật dụng quen thuộc của nam giới mà còn là đồ vật không thể thiếu trong mọi gia đình, nhưng không nhiều người lường được độ nguy hiểm của nó. Nguyên nhân là do trong bật lửa gas có chứa một lượng gas nhất định, nếu khí gas này bị rò rỉ do nứt vỏ nhựa, hở van… và gặp môi trường nhiệt độ đủ cao hay có tia lửa điện (dù rất nhỏ), nó có thể gây hiện tượng cháy nổ, gây hại cho người sử dụng.

Bình gas 

Bếp gas là một vật dụng phổ biến trong căn bếp của nhiều gia đình. Đây cũng là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra hỏa hoạn, cháy nổ. Khi bình gas bị rò rỉ hoặc hở van, khí gas kết hợp với oxy trong không khí tạo thành hỗn hợp cháy và chỉ cần ở trong nhiệt độ cao phù hợp hoặc có tia lửa phát ra khi bật công tắc đèn, quạt, điện thoại, giày cao gót có kim loại tiếp với mặt sàn... thì rất dễ xảy ra cháy nổ. Hơn nữa, do lượng khí gas trong bình gas lớn hơn nhiều lần trong bật lửa nên hậu quả sẽ kinh khủng hơn rất nhiều.

Bóng đèn dây tóc

Đặc điểm nguy hiểm dễ gây cháy, nổ của bóng đèn dây tóc là khi đèn sáng, chỉ có 2 - 4% điện năng tiêu thụ chuyển hóa thành năng lượng ánh sáng cảm thụ mắt thường, phần còn lại biến thành năng lượng nhiệt năng làm đốt nóng bóng đèn và các phần tử khác của hệ thống chiếu sáng tới nhiệt độ cao. Vì vậy, nguồn nhiệt mà nó tạo ra có thể làm bắt cháy các chất cháy như: giấy, bông, vải… khi để gần những chất này.

Mặt khác, bóng đèn dây tóc khi được đốt cháy giống như một ống chân không và chúng sẽ nổ tung khi quá tải. Ngoài nguyên nhân chập điện, quá tải thông thường, khi bóng đèn quá nóng, một giọt nước rơi vào mặt thủy tinh cũng khiến bóng đèn vỡ tung. Tuy sức nổ không lớn nhưng những mảnh thủy tinh văng xa và mạnh có thể gây nên những tổn thương ngoài ý muốn.

Pin, sạc dự phòng

Sạc, pin dự phòng của điện thoại là một thiết bị tích điện dùng để cung cấp năng lượng cho pin chính của máy bạn. Pin điện thoại sau một thời gian dài sử dụng quá tải hoặc không đạt chuẩn sẽ bị phồng lên. Theo thời gian, khi vượt quá giới hạn, viên pin sẽ nóng lên nhanh chóng và gây cháy nổ. Chất lithium trong pin tiếp xúc trực tiếp với không khí sẽ gây cháy.

Bởi lẽ đó mà nhiều hãng hàng không đã ban lệnh cấm mang pin, sạc dự phòng trong hành lý ký gửi để phòng tránh nguy cơ cháy nổ xảy ra.

Nước hoa 

Nước hoa là vật liệu dễ nổ ư?  Hẳn nhiều bạn sẽ cảm thấy ngớ ngẩn, nhưng sự thật là vào ngày 5/8/2015, một chiếc xe hơi ở thành phố Diêm Thành, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc đã đột nhiên bốc cháy. Cơ quan điều tra đã nhận định nguyên nhân gây ra vụ cháy chính là do lọ nước hoa mà chủ nhân đặt ở trên xe.

Trong nước hoa có chứa thành phần rượu cồn - đây là thành phần dễ bay hơi và dễ cháy. Nếu tình cờ bình đựng nước hoa có dạng thấu kính lồi đặt trong ô tô và bị mặt trời chiếu vào, sản sinh điểm hội tụ sẽ làm cháy chất cồn bên trong, dễ tạo thành vụ nổ nghiêm trọng. Ở điều kiện nhiệt độ cao trên 50o C, nước hoa còn có thể tự động phát nổ.

Bình cứu hỏa mini

Theo Thông tư 57 của Bộ Công an, xe ô tô từ 4 chỗ trở lên phải trang bị bình chữa cháy. Bình chữa cháy cho xe ô tô thường có dạng bột hoặc bọt. Về nguyên tắc, các bình chữa cháy cần được bảo quản nơi mát mẻ với nền nhiệt không quá 55 độ C. Nhiệt độ cao quá 55 độ C có thể gây tăng thể tích bình, chất lỏng bên trong bình tăng theo. Khi đạt ngưỡng áp suất đủ lớn, nó sẽ gây ra hiện tượng nổ.

Các thiết bị điện trong nhà

Tất cả các thiết bị điện trong nhà đều được coi là “bom nổ chậm”. Theo một nghiên cứu điều tra tại Mỹ, từ năm 2011 đến tháng 3 năm 2014, gần 12.000 vụ cháy trong nhà là do thiết bị điện bị lỗi. Trong đó, máy giặt, máy sấy quần áo và máy rửa bát là 3 vật dụng dễ chập cháy nhất. Ngoài ra, các thiết bị điện khác như lò nướng, tủ lạnh, máy nướng bánh, lò vi sóng, tivi, chăn điện, bàn là… cũng tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao./.

Đọc thêm