Giới trẻ mê đắm dân ca xứ Nghệ

(PLO) - Ngay tại Paris (Pháp), Ví, Giặm đã chinh phục các thành viên UNESCO và được vinh danh là văn hóa phi vật thể của nhân loại. Còn tại Hà Nội, Ví, Giặm lại chinh phục những bạn trẻ đi ngang hồ Tây vào chiều thứ năm hàng tuần. 
Bất kể mưa hay nắng, nhiều thanh niên vẫn say sưa ngân nga khúc Ví, khúc Giặm. Điều đặc biệt là trong số đó, có những bạn trẻ không phải được sinh ra ở mảnh đất Nghệ Tĩnh, nhưng vẫn yêu thích làn điệu dân ca của xứ này.
Ngỡ ngàng nghe giới trẻ đa miền hát Ví, Giặm
Với tình yêu và sự tự hào về âm nhạc truyền thống, một nhóm bạn trẻ tại Hà Nội đã thành lập CLB UNESCO Di sản dân ca xứ Nghệ sinh hoạt đều đặn ở ngôi đình nhỏ bên Hồ Tây. Chính tại đây, các bạn trẻ đã chung tay kết nối những bạn trẻ đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội tới giao lưu và bảo tồn dân ca Ví, Giặm, một Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại vừa được UNESCO công nhận vào ngày 27/11/2014. 
Theo thống kê sơ bộ, kho tàng dân ca xứ Nghệ có khoảng 30 làn điệu, trong đó Ví chiếm tới 10 làn, Giặm chiếm 5-7 làn, còn lại là Hò Vè. Dân ca Ví, Giặm xứ Nghệ do cộng đồng sáng tạo nên trong quá trình lao động sinh hoạt. Ví và Giặm là hai thể hát dân ca đặc sắc của xứ Nghệ, vừa có nét tương đồng về đối tượng, cách thức, không gian, thời gian diễn xướng, vừa có nét đặc trưng, khác biệt ở hình thức biểu hiện, âm nhạc, ca từ. 
Ví thuộc thể ngâm vĩnh, bằng phương pháp phổ thơ dân tộc (lục bát, song thất lục bát, lục bát biến thể...). Giặm là thể hát nói, bằng thơ ngụ ngôn (thơ/vè 5 chữ). Ví xuất phát từ “ví von”, còn Giặm được hiểu với nghĩa gần như là “giắm thêm vào” (viết khác với chữ Dặm, dân ca của một số địa phương khác - dặm là quãng, quãng đường). Ví, Giặm lúc mới ra đời có thể chỉ là những câu hát riêng của chị em trong lúc lao động một mình, về sau có sự tham gia của các chàng trai, câu hát càng trở nên tình tứ, uyển chuyển, dịu dàng hơn. 
Dân ca Ví, Giặm xứ Nghệ ai nghe cũng cảm nhận được sự da diết, sâu nặng nghĩa tình trong ca từ nồng nàn và giai điệu thấm sâu. Ví, Giặm lan tỏa, có sức sống vượt ra khỏi vùng gốc, vì nó buồn và sâu lắng. Vui sướng quá thì người ta dễ quên. Còn những nỗi buồn thường thắm đượm trong tâm hồn con người. 
Khi nghe những câu hát của xứ Nghệ, dù sinh ra ở mảnh đất nào, người ta cũng lắng lại để cảm nhận sự đồng cảm, chia sẻ của những người con luôn phải chịu một cuộc sống khắc nghiệt nắng gió. Có lẽ cũng vì vậy mà trong CLB có những bạn trẻ không phải được sinh ra tại mảnh đất Nghệ Tĩnh, nhưng vẫn một lòng tâm huyết, theo đuổi Ví, Giặm.
Sinh ra tại Thái Bình, nhưng Vũ Thị Thu Huyền, một tân sinh viên của Trường Đại học Văn hóa Hà Nội lại đam mê những câu Ví, câu Hò cổ truyền xứ Nghệ. Mặc dù mới học Ví, Giặm hơn một tháng nhưng cô gái trẻ đã “phải lòng” bộ môn nghệ thuật này đến “mất ăn, mất ngủ”. 
Huyền tâm sự: “Em tập hát Ví, Giặm thường xuyên. Cả những lúc ăn, lúc ngủ, trong đầu vẫn vang lên giai điệu của bài hát. Khi tham gia học hát, mọi người đều biết khó khăn của em. Đó là em không có chất giọng của xứ Nghệ. Nhưng được các anh chị tận tình chỉ cách uốn nắn, em càng thêm say mê và muốn theo đuổi đến cùng. Đến giờ em đã hát được nhiều lắm, để em hát một bài cho chị nghe”. Nói rồi cô cất lên giai điệu của một bài Giặm, nghe xao xuyến đến lạ.
Cũng giống như Huyền, bạn Thùy Dung, bạn Vĩnh Nam quê ở tỉnh Bắc Ninh, dù không sinh ra ở Nghệ An, Hà Tĩnh nhưng các bạn vẫn đến với CLB vì yêu mến Ví Giặm. Thùy Dung chia sẻ: “Tuy sinh ra ở quê hương Quan họ nhưng em lại rất thích nghe và giờ lại được học hát Ví, Giặm. Lời hát rất tình tứ, nhịp điệu trầm bổng và có thể vận dụng được lời ăn tiếng nói hàng ngày vào lời hát nữa”.
Ngô Văn Thuyên (sinh viên Trường Đại học Hòa Bình), một thành viên nam trong CLB chia sẻ: “Mình không phải là người Nghệ Tĩnh, nhưng Ví, Giặm hấp dẫn mình rất nhiều. Thực tế âm nhạc truyền thống có nét đẹp rất tinh tế và sức cuốn hút mãnh liệt. Nó không dễ phai nhòa như nhạc thị trường.  Mình thấy nó hay, đơn giản là nó tạo cho mình ấn tượng ngay từ lần đầu mình tiếp xúc”. 
Sau khi được UNESCO vinh danh, công việc bảo tồn văn hóa phi vật thể này được Nhà nước quan tâm nhiều hơn. Trên mạng xã hội, nhiều bạn trẻ bày tỏ niềm tự hào và sự yêu mến với âm nhạc truyền thống của quê hương khi nghe tin Ví, Giặm trở thành văn hóa phi vật thể của nhân loại. Chính vì vậy, CLB Ví, Giặm giữa Thủ đô được nhiều bạn trẻ tìm đến nhiều hơn. 
Nguyễn Trường Sinh, Phó Chủ nhiệm CLB cho biết: “CLB ban đầu có khoảng 20 bạn, hơn một nửa là các bạn đến từ Nghệ An, Hà Tĩnh. Nhưng bây giờ cũng có rất nhiều bạn từ các vùng khác tham gia. Các bạn đến từ rất nhiều nơi: Điện Biên, Lai Châu, Bắc Ninh, Thái Bình... CLB không giới hạn về độ tuổi hay vùng miền, cũng không thu bất cứ loại phí nào, chỉ cần đam mê Ví, Giặm đều có thể hát được”. 
Cũng theo Sinh, mọi người đến với Ví, Giặm vì tự hào về nét đẹp văn hóa truyền thống. Điều quan trọng là các bạn có muốn trải nghiệm nền văn hóa truyền thống và tìm hiểu sâu về nó hay không. Dân ca Nghệ Tĩnh, hát Ví cũng như hát Giặm, hát ru xuất phát từ hoàn cảnh lao động và thời gian nơi xảy ra ca hát. 
Những bạn sống ở Nghệ An, Hà Tĩnh từ nhỏ thì đều được cha mẹ gieo làn điệu dân ca của quê hương vào tâm hồn nên đều say mê nó. Trong khi những vùng khác thì không có cơ hội được hiểu và tiếp xúc với Ví, Giặm. Các bạn trẻ thường nghe những nghệ nhân lớn tuổi hát và nghĩ Ví, Giặm không hợp với mình. Nhưng khi các bạn thực sự bị lay động bởi Ví, Giặm, các bạn sẽ biết Ví, Giặm cũng có thể hát bởi lớp trẻ. Nó gần gũi, không hoa văn như nhiều người vẫn nghĩ.
Khi tuổi trẻ mong muốn bảo tồn âm nhạc truyền thống
Theo Chủ tịch CLB UNESCO Di sản dân ca xứ Nghệ, anh thành lập CLB để những người con xứ Nghệ - Tĩnh xa quê tới giao lưu, nhớ về điệu Hò, câu Ví của cha ông, đặc biệt là giới trẻ. Anh cũng không ngờ nhiều bạn trẻ dù không sinh ra ở mảnh đất miền Trung nhưng vẫn có nhiệt huyết, tình yêu dành cho Ví, Giặm. Các bạn đến với Ví, Giặm không nhất thiết là phải hát hay, hát đúng để đi biểu diễn. Chỉ cần các bạn trẻ hiểu được Ví, Giặm, về văn hóa xứ Nghệ cũng như hiểu được văn hóa phi vật thể thứ 9 của Việt Nam đã là một thành công rồi.
Khi được hỏi về những điều trăn trở dành cho Ví, Giặm, Trường Sinh chia sẻ: “Rõ ràng là các bạn trẻ ngày nay đều thích nhạc nước ngoài. Các trào lưu mới lạ trên thế giới cũng được các bạn cập nhật rất nhanh. Trong khi các bạn chưa tiếp xúc với âm nhạc truyền thống thì các bạn sẽ không hiểu được nó, vì thế thường xa cách nó. Mình chỉ mong muốn các bạn trẻ dành 5 phút mỗi ngày, nhìn về cốt lõi quê hương, đất nước để cảm nhận cái đẹp. Từ đó, các bạn sẽ hiểu Việt Nam ra sao. Các bạn sẽ vô cùng tự hào về văn hóa truyền thống, từ Chèo cho đến hát Xẩm, Ca trù… và cả Ví, Giặm nữa”. 
Giữa lòng Thủ đô tấp nập, ít ai để ý đến mái đình cong cong bên một con phố nhỏ ở Hồ Tây lộng gió, nơi có những cô gái trong trang phục mớ ba, mớ bảy, các chàng trai vận áo nâu sồng đang cất cao câu hát Ví phường vải, Ví trèo non, Giặm kể, Giặm ru… Mọi người vẫn thường thấy các bạn trẻ chạy theo trào lưu nước ngoài mà không ngờ cũng có những bạn đam mê âm nhạc cổ truyền. Biết vậy để chúng ta có cái nhìn lạc quan hơn nữa về nền văn hóa dân tộc. Câu chuyện bảo tồn Ví, Giặm sau khi được vinh danh sẽ còn nhiều khó khăn nhưng tương lai của giai thoại dân ca này chắc chắn sẽ không bao giờ mất đi, nhờ có lớp trẻ đang gìn giữ và phát huy. 

Đọc thêm