Giúp người dân thắng thiên tai trong cơn đại hạn

(PLO) - Nắng nóng ở Tây Nguyên kéo dài khiến hàng chục ngàn hecta cây trồng ở tỉnh Đắk Lắk trên bờ vực chết trắng. Trong cơn đại hạn, biện pháp thích nghi với biến đổi khí hậu liệu có giúp người nông dân thắng được thiên tai?
Ruộng đồng nứt nẻ
Ruộng đồng nứt nẻ

Đỏ mắt vì hạn hán

Tính đến nay, riêng tỉnh Đắk Lắk đã có trên 36 ngàn ha cây trồng bị khô hạn, trong đó riêng cây cà phê là gần 20 ngàn ha, thiệt hại ước tính khoảng trên 1.000 tỷ đồng. Nhiều địa phương trong tỉnh đang đối mặt với “cơn khát” đỉnh điểm khi hầu hết ruộng đồng nứt nẻ, sông suối cạn khô, cây cỏ héo úa.

Ở một trong những nơi khắc nghiệt nhất, người dân huyện Ea H’leo đang tìm đủ mọi cách để cứu mùa màng. Ông Huỳnh Văn Chính (ngụ xã Ea H’leo, huyện Ea H’Leo) lo lắng: “Tôi canh tác cà phê ở địa phương từ năm 1995 nhưng chưa bao giờ thấy hồ nước cạn trơ đáy như vậy. Năm nay, vườn cây 2ha của gia đình tôi chỉ mới tưới được một đợt mà hồ nước đã cạn khô. Cà phê mới ra trái non, đang hình thành nhân mà gặp hạn như thế này chắc chắn năng suất sẽ giảm.

Hạn hán gay gắt nếu cứ tiếp diễn mà không có nước thì rất khó cứu được cây cà phê. Đối phó lại, gia đình tôi đã gắng vay mượn 50 triệu đồng để khoan giếng, nguồn nước giếng khoan chỉ đủ tưới cầm chừng chờ trời mưa”.

Tại huyện Krông Năng, có khoảng 3 ngàn ha cây công nghiệp dài ngày (trong đó chủ yếu là cà phê chiếm đến 83% nên nhu cầu về nước tưới trong mùa khô rất lớn. Tuy nhiên, nguồn nước tưới cho diện tích này từ các công trình thủy lợi chỉ đáp ứng 25%, từ các giếng là 25%, diện tích còn lại dựa vào nguồn nước tự nhiên trên sông.

Nhưng đến nay, trong số 92 công trình thủy lợi phục vụ nước tưới cho 5.844ha cà phê, 670ha lúa vụ đông xuân, 80ha hoa màu đã có 22 hồ chứa bị khô cạn, 45 hồ mực nước chỉ còn khoảng 30-40%, 25 công trình mực nước chỉ còn 50%. Hệ thống các giếng đào, giếng khoan cung cấp nước sinh hoạt cho người dân và tưới cho cây trồng của địa phương giảm chỉ còn trên 30%.

Theo ông Phạm Quang Mười, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Cư M’gar cho biết: Do nắng hạn kéo dài, trên 70% hồ đập và trên 80% giếng đào đã khô cạn. Riêng cây cà phê đã có trên 6 ngàn ha thiếu nước tưới, trong đó gần một nửa có khả năng mất trắng. Huyện vừa trích ngân sách khoan 7 giếng nước với kinh phí trên 1,5 tỷ đồng để giải quyết nước sinh hoạt cho người dân. UBND huyện cũng đã có văn bản đề xuất lên UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí để tiếp tục khoan giếng tại các điểm nóng thiếu nước và hỗ trợ trên 160 tấn gạo cứu đói giáp hạt cho các hộ lâm vào khó khăn.

Thích nghi để giảm thiệt hại

Đối phó với khô hạn, tỉnh Đắk Lắk đã lên kế hoạch phối hợp với các công ty thủy điện để vận hành xả nước hợp lý đảm bảo nguồn nước tưới cho khu vực hạ du. Lãnh đạo các địa phương chỉ đạo cần ưu tiên khoan giếng cấp nước, huy động và hỗ trợ nhân dân sử dụng máy bơm của hộ gia đình để bơm nước từ các khe suối, để phục vụ chống hạn.

Tuy nhiên, những giải pháp trên chỉ mang tính đối phó trước mắt. Về lâu dài, các huyện đã khuyến cáo người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, bởi những vùng bị hạn, mất trắng hiện nay đều là những vùng thường xuyên bị hạn và nền địa chất ở những vùng này cũng khó có thể tìm được nước ngầm.

Trao đổi với phóng viên, Tiến sĩ Lê Ngọc Báu, Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên cho biết, khí hậu của vùng Tây Nguyên nói chung và tỉnh Đắk Lắk nói riêng thuận lợi cho cây công nghiệp dài ngày như cà phê, hồ tiêu, cây ăn quả. Dưới tác động của hiện tượng khí hậu cực đoan El Nino, vài năm nay diện tích cây cà phê luôn trong tình trạng không đủ nước tưới, ảnh hưởng lớn tới năng suất cây trồng cũng như hiệu quả kinh tế của người dân.

Như đã nói ở trên thì lợi thế của vùng là cây phê, vì vậy dù bất cứ giá nào cũng phải giữ được nó. Vào thời điểm mùa khô nếu cây cà phê không có nước thì không thể trổ hoa được thậm chí sẽ khô héo hoặc chết.

Theo Tiến sĩ Báu: “Qua một số năm kinh nghiệm, chúng tôi thấy rằng cây cà phê vẫn có thể sống, thích nghi tốt ngay cả vào mùa khô nếu người dân biết thay đổi cơ cấu cây trồng thích nghi với điều kiện khí hậu của vùng. Người dân có thể áp dụng giải pháp trồng xen canh – tức canh tác nhiều tầng để tăng thêm thu nhập, cũng là chống chọi lại với vấn đề hạn hán. Trong không khí khắc nghiệt hiện nay thì chỉ con bò mới có thể chịu đựng được. Tuy nhiên, vào mùa khô, vấn đề khan hiếm thức ăn làm giảm năng suất vật nuôi rõ rệt. Vì vậy, rất cần những giải pháp mang tính chiến lược dài hơi từ các cơ quan liên quan”.

Cũng theo ông Báu, mặc dù con người không có khả năng chống lại thiên nhiên nhưng nếu biết thích nghi sẽ giảm thiểu được thiệt hại. Muốn vậy cần có một quá trình bài bản, căn cơ với những biện pháp mang tính chất dài hạn. Như những buổi trò chuyện đối thoại trực tiếp, gồm những đại diện trong các ban ngành có liên quan, bao gồm cả người nông dân mới có hiệu quả cao. Không nên chỉ dừng lại ở những biện pháp hỗ trợ mang tính nhất thời.

Trước vấn đề biến đổi khí hậu nghiêm trọng, Tiến sĩ Báu đã trao đổi 4 giải pháp giúp người dân vượt qua thiên tai. Trước tiên, các nhà khoa học nên nghiên cứu ra các con giống, cây giống có khả năng chịu hạn cao. Còn bà con nên áp dụng các phương thức xen canh các loại cây trồng với nhau, xen canh nhiều tầng để tận dụng tối ưu việc kháng hạn.

Giải pháp căn cơ nhất là xã hội hóa trong việc đắp đập giữ nước, xây dựng mô hình vườn – ao để cải thiện mực nước ngầm. Cuối cùng là thay đổi công nghệ tưới nước với các mô hình tưới tiết kiệm, tưới nhỏ giọt thay cho các mô hình tưới truyền thống.

Đọc thêm