Giúp việc nhà là trút gánh nặng người phụ nữ này sang người khác?

(PLO) - Nhiều phụ nữ ly hương làm giúp việc gia đình và trút gánh nặng việc nhà lên vai trẻ em gái chính là căn nguyên ảnh hưởng đến cơ hội về bình đẳng giới trong học hành, trong phân công lao động trong gia đình, trong định hướng nghề nghiệp cũng như tương lai của thế hệ phụ nữ tiếp sau. 

Giúp việc nhà là trút gánh nặng người phụ nữ này sang người khác?
Theo khảo sát của Tổ chức Lao động Quốc tế, Việt Nam đang có gần 99% số người làm nghề giúp việc gia đình là phụ nữ và 2/3 trong số đó đang có gia đình.
Mẹ gạt nước mắt giao việc nhà cho con
Chị Nguyễn Thị Loan (45 tuổi, ở huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ), làm giúp việc gia đình ở Hà Nội gần 5 năm nay. Khi mẹ đi làm giúp việc gia đình, con gái chị Loan mới 6 tuổi nhưng đã biết thay thế mẹ trong mọi việc nội trợ gia đình. Nhưng cũng vì thế mà sức học của em chỉ đạt mức trung bình trong khi thầy cô giáo đánh giá em là học sinh thông minh, nếu có nhiều thời gian học tập hơn sẽ đạt kết quả tốt. 
“Thấy con như vậy, cực chẳng đã tôi đành thu xếp bỏ việc về quê, dù rằng nhà chủ cố giữ lại và hứa sẽ tăng lương lên 4 triệu đồng một tháng. Vẫn biết rằng về quê kiếm được một nửa của mức lương ấy mỗi tháng cũng là khó, nhưng biết làm sao” - chị Loan than thở. 
Chị Trần Thị Định (55 tuổi) ở Xuân Trường, Nam Định) đi giúp việc gia đình được hơn 15 năm. Trong 15 năm ấy, một tay con gái chị chăm sóc bà ngoại sớm hôm trái gió trở trời. “Biết con vất vả nhưng tôi vẫn phải đi làm. Vì đây là nguồn sống duy nhất của ba mẹ con, bà cháu nhà tôi” - chị Định cho biết.
Mới đây, Trung tâm Nghiên cứu Giới, Gia đình và Phát triển với sự tài trợ của một số tổ chức phi chính phủ đã công bố nghiên cứu “Giá trị kinh tế của lao động giúp việc gia đình đối với gia đình và xã hội”. Một trong những phát hiện chính của nghiên cứu này là những con số thú vị liên quan đến những người phụ nữ ở hai vị trí: trong gia đình có giúp việc gia đình và bản thân người giúp việc gia đình. 
Khi không có người giúp việc gia đình, người phụ nữ, mà đặc biệt là người vợ, con dâu trong gia đình là người đảm nhận chính các công việc nhà và phải dành một lượng thời gian đáng kể cho công việc này (3,9 giờ/ngày). Thế nên đại đa số phụ nữ khi có người giúp việc gia đình đã dành thời gian được “giải phóng” ra khỏi công việc nhà cho việc nghỉ ngơi, giải trí (93,6%), tái đầu tư thời gian đó cho các công việc gia đình khác (42,6%) và dành cho công việc kiếm tiền (33,1%). 
Chị Thanh Hương – giám đốc một công ty tư nhân ở Hải Dương cho biết, từ ngày có giúp việc gia đình, chị được “sống cho ra sống”. Sáng ra chị không phải lo dậy sớm đi chợ, lo ăn sáng cho cả nhà, sau giờ đi làm về chị không phải quần quật lo nhà cửa, chăm sóc con cái. Chị và chồng được cùng ngồi vào bàn ăn một lúc, sau đó cùng được xem tivi, giải trí mà chị không phải tính đến dọn dẹp, rửa bát... 
Còn về phía người giúp việc gia đình, theo nghiên cứu nói trên, không những tính chất công việc giúp việc gia đình ổn định hơn rất nhiều so với các công việc mùa vụ khác ở địa phương, mà mức lương giúp việc 2,5 – 4 triệu đồng/tháng tùy vùng cũng chiếm trên 50% nguồn thu nhập của hộ gia đình người lao động. Thu nhập từ lao động giúp việc gia đình được sử dụng cho rất nhiều khoản chi tiêu khác nhau trong gia đình. Trong đó, chi tiêu sinh hoạt hàng ngày, đối nội, đối ngoại chiếm tỷ lệ cao nhất (40,4%), tiếp đến chi tiêu cho học hành của con cái chiếm 20,8%. 
“Khi đi giúp việc gia đình, họ đã làm được một việc rất lớn là nuôi được các con ăn học, mà việc này đối với gia đình ở nông thôn Việt Nam là hết sức quan trọng” - một lãnh đạo xã ở tỉnh Nam Định nhận định.
Có phải là chuyển gánh nặng?
Vì những lý do trên mà theo dự đoán, số lượng việc làm trong lĩnh vực giúp việc gia đình năm 2015 so với năm 2008 sẽ tăng lên khoảng 63%. Cũng từ đó, một câu hỏi đặt ra: “Liệu có nên cho rằng việc gia tăng phụ nữ giúp việc gia đình khiến bất bình đẳng giới càng hằn sâu, bởi bình đẳng với phụ nữ này (trường hợp của chị Thanh Hương) nhưng lại trút bất bình đẳng lên phụ nữ, trẻ em gái khác (trường hợp của chị Loan, chị Định)?”. 
Trả lời câu hỏi này, bà Ngô Thị Ngọc Anh – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giới, Gia đình và Phát triển cho rằng, giúp việc gia đình đã được Nhà nước coi là một nghề và có chính sách pháp luật điều chỉnh. Điều này chứng tỏ việc phụ nữ đi giúp việc gia đình không phải là chuyện chuyển gánh nặng từ vai người phụ nữ này sang vai người phụ nữ khác mà đó là sự phân công lao động trong xã hội. 
“Họ tự nguyện làm giúp việc gia đình và nhận tiền công từ những gia đình có nhu cầu thuê giúp việc gia đình. Tiền công đó mang về lo toan cho gia đình họ và điều đó là sự công bằng trong xã hội chứ không phải chuyển gánh nặng từ vai người này sang người khác hay bất bình đẳng giới như mọi người vẫn nghĩ. Sự trao chuyển ấy mang ý nghĩa rất lớn bởi nếu bản thân người phụ nữ với trình độ học vấn thấp, không có nghề, lớn tuổi không có cơ hội kiếm việc làm ổn định thu nhập cao ở nơi sinh sống thì rất khó cho bản thân, con cái và gia đình họ” - bà Ngô Thị Ngọc Anh nhận định.  

Đọc thêm