“Hà bá” “nuốt” bờ - nỗi lo ngay ngáy đất Chín Rồng

(PLO) - Sạt lở ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là một mối nguy lớn, đang rình rập suốt ngày đêm, khiến cho cuộc sống của người dân nơi đây chẳng thể nào yên vì nhà cửa, ruộng vườn… ở nhiều nơi có thể đổ sụp hoặc cuốn phăng theo dòng nước chỉ trong một chớp mắt.
Ngôi đình này trước có một khoảng sân rộng nhưng vì sạt lở đến nay đã nằm sát miệng sông và có nguy cơ lún sụp
Ngôi đình này trước có một khoảng sân rộng nhưng vì sạt lở đến nay đã nằm sát miệng sông và có nguy cơ lún sụp

Còn đâu quy luật “bên lở bên bồi”

Mặc dù đã hơn 1 năm sau vụ sạt lở kinh hoàng ở xã Mỹ Hội Đông (huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) nhưng ở đây vẫn còn cảnh xơ xác, tiêu điều, đất đá vẫn lởm chởm. Nhiều ngôi nhà đã bị tháo trơ khung, bên cạnh những kho bãi ngừng hoạt động. Nhiều người đến giờ này vẫn còn ám ảnh khung cảnh 16 ngôi nhà nối tiếp nhau làm “mồi” cho “Hà bá”. Kể vậy, nhưng đây mới chỉ là một trong vô vàn những vụ sạt lở từng xảy ra. Bởi hiện tại, ở miền Tây vẫn còn rất nhiều nơi đang mấp mé trên “miệng tử thần”.

Theo số liệu mà PV Báo PLVN có được, ĐBSCL hiện xuất hiện 562 điểm sạt lở với chiều dài 786km, trong đó 55 điểm đặc biệt nguy hiểm và 140 điểm ở mức nguy hiểm. Tính riêng sạt lở bờ sông đã có 513 điểm với chiều dài 520 km. Ngoài ra, sạt lở còn làm suy thoái và giảm mạnh một lượng lớn diện tích rừng ngập mặn, khi một thống kê mới đây cho thấy 5 năm gần đây, diện tích rừng ngập mặn đã giảm tới hơn 28.000ha.

Theo nhiều chuyên gia, tình hình sạt lở diễn ra ngày càng phức tạp, khôn lường và khó dự báo. Đáng nói, quy luật “bên lở bên bồi” giờ gần như bị phá vỡ. Cụ thể, từ năm 2010 trở về trước, sạt lở, bồi lắng trên các sông ở ĐBSCL theo quy luật tự nhiên chung và đã tạo sự cân bằng tương đối tự nhiên. Nhưng, từ năm 2010 đến nay vấn đề sạt lở đang diễn biến ngày một nghiêm trọng, khi  bồi ít, xói nhiều và xói nhanh gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế - xã hội. 

Ở An Giang, những tháng đầu năm 2018, ngoài những địa điểm sạt lở cũ tại các huyện An Phú, Chợ Mới, Châu Phú… thì  còn xuất hiện thêm ở xã Mỹ Khánh (TP Long Xuyên) khiến giao thông huyết mạch vào các xã bị “ăn” vào hơn một nửa. 

Trong khi Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau thì cho biết, toàn tỉnh này đang có khoảng 150 km bờ biển bị sạt lở nghiêm trọng. Nhiều đoạn áp sát vào tận đê biển, đe dọa đến 100.000 ha đất nuôi trồng thủy sản của trên 260.000 hộ dân. Mỗi năm, tỉnh cực Nam Tổ quốc bị biển cuốn phăng ra khơi khoảng 450ha đất, rừng phòng hộ. Nhẩm tính sơ bộ từ năm 1999 đến năm 2017, Cà Mau đã mất hơn… 5.000 ha. 

Ở TP Cần Thơ, quận Ô Môn được biết đến là nơi có nhiều “điểm nóng” sạt lở bờ sông nghiêm trọng. Chỉ tính riêng khu vực Thới Lợi, phường Thới An từ đầu tháng 5 đến nay đã xảy ra liên tiếp 3 vụ. Trong đó, vụ sạt lở giữa tháng 5 khiến hơn chục căn nhà trôi sông, gần 20 căn nhà bị ảnh hưởng, cuộc sống của nhiều hộ dân bị đảo lộn.

 Các tỉnh khác như Đồng Tháp, Kiên Giang, Bến Tre, Hậu Giang… cũng từng  “nếm trải” cảnh những con nước hung hãn tấn công bờ. 

Sạt lở âm thầm “ăn” đất ruộng vườn, lấy mất sinh kế của không ít người dân Nam bộ
Sạt lở  âm thầm “ăn” đất ruộng vườn, lấy mất sinh kế của không ít người dân Nam bộ

Những dòng sông “đói”… phù sa

Trao đổi với PV, ông Phạm Bỉnh Trứ (ngụ ấp Long Định, xã Long Điền A, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) nói, chỉ riêng khu vực này sạt lở mấy chục năm qua đã “ăn” vào đất liền hơn… 1,6 km. “Địa điểm trước kia là chợ Thủ, mua bán rất sung túc, người qua lại tấp nập nhưng sau do sạt lở giờ đã mất hút. Trước, nhà tôi nằm gần mé sông Tiền, nhưng bây giờ đã bị cuốn mất phải dọn đến nơi khác cất nhà mới ở”, lời ông Trứ. 

Đồng cảnh người dân đất An Giang, ông Bùi Thanh Ân (ngụ xã Bình Thành, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp) cho hay, phía sau nhà ông từng là vườn tạp, trồng trái cây, rau củ nhưng nay đã bị sạt lở cuốn đi…

Sạt lở ngoài việc tác động trực tiếp tới sinh kế của người dân, “ăn” nhà, “nuốt” đất, cắt đứt nhiều tuyến giao thông chính liên xã, liên huyện còn đẩy một số hộ dân tới cảnh vô gia cư. Nhiều người từng có công ăn việc làm nay thất nghiệp, thậm chí có người phải nay đây mai đó kiếm kế sinh nhai… 

Ông Hoàng Văn Thắng - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT nhận định, tình trạng sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển diễn ra ngày một nghiêm trọng là do quá trình phát triển hồ đập trên dòng nhánh sông Mekong khiến lượng lớn phù sa, bùn cát bị giữ lại cùng với các nguyên nhân khác như gia tăng dân số, hạ tầng và biến đổi khí hậu. Cụ thể, gần đây, các nước Lào, Thái Lan, Campuchia tăng cường xây dựng các đập, công trình trên dòng chính và dòng nhánh sông Mekong dẫn tới tình trạng suy giảm bùn cát nghiêm trọng. 

“Năm 2007, lượng phù sa về ĐBSCL hơn 143 triệu tấn thì dự báo đến năm 2020, con số này chỉ còn 47,4 triệu tấn (giảm 67% so với năm 2007). Đến năm 2040, khi các đập hoàn thành sẽ giữ lại 97% bùn cát, lượng phù sa chỉ còn về ĐBSCL 4,5 triệu tấn”, ông Tăng Quốc Chính - Vụ trưởng Vụ Kiểm soát an toàn thiên tai nói. Còn TS Đinh Công Sản - Viện Khoa học Thuỷ lợi miền Nam thì cho biết thêm, ngoài nguyên nhân từ các đập thuỷ điện thượng nguồn như vừa nói trên, sự tác động của con người như chặt phá rừng để nuôi trồng thuỷ sản, khai thác nước ngầm quá mức… cũng làm gia tăng nguy cơ xói lở.

Hàng trăm tỷ đồng xây cụm tuyến dân cư chống sạt lở ở Đồng Tháp

“Chống lại nạn xói lở, An Giang đã sử dụng nhiều biện pháp như kè mái nghiêng kết hợp 3 vật liệu (bê tông tấm lát, thảm đá, bao tải cát), kè mái nghiêng kết hợp 2 vật liệu (thảm đá, bao tải cát). Đồng thời, kết hợp kè tường chắn và mái nghiêng. Ngoài ra, còn thành lập Tổ Tư vấn ứng phó sự cố thiên tai khẩn cấp do sạt lở, tổ chức di dời các công trình trên sông, rào giảm sóng bảo vệ mái, di dời những hộ dân ra ngoài phạm vi có nguy cơ sạt lở.

Trao đổi với thêm với PV, ông Võ Thành Ngoan - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Đồng Tháp cho hay, tỉnh đã đề xuất với Chính phủ xin hỗ trợ bố trí 12 cụm, tuyến dân cư để hỗ trợ nơi ở cho người dân bị ảnh hưởng bởi sạt lở, chi phí hơn 660 tỷ đồng”.

(còn tiếp)

Đọc thêm