Hà Nội khắc phục những “điểm đen” về rác thải như thế nào?

(PLO) - Hà Nội đã có quy định về phân luồng rác thải nhưng tại sao vẫn để xảy ra tình trạng rác thải ùn ứ kéo dài tại một số địa bàn, gây ô nhiễm môi trường? Việc đổ trộm rác thải xây dựng vẫn diễn ra tại một số tuyến đường giáp ranh... Vậy, trách nhiệm của các cơ quan chức năng trước tình trạng trên như thế nào?
Rác thải ở Đại lộ Thăng Long
Rác thải ở Đại lộ Thăng Long

Đó là những ý kiến chất vấn được nêu ra tại phiên họp tháng 9/2017 của Thường trực HĐND TP Hà Nội liên quan đến công tác quản lý nhà nước về thu gom, xử lý chất thải rắn, chất thải y tế và quản lý hồ nước khu vực nội thành trên địa bàn TP. 

Nhiều câu hỏi “nóng”…

Tại phiên giải trình, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, về mặt quy hoạch, toàn TP có 17 khu xử lý rác thải. TP đã đề xuất Chính phủ điều chỉnh cục bộ nhà máy xử lý chất thải rắn tại Tả Thanh Oai (Thanh Trì), nâng lên thành 18 khu. Trong đó, có 8 khu hiện được cải tạo nâng cấp mở rộng, 2 khu đã có chủ trương của TP dừng chôn lấp để trồng cây xanh; 6 khu đang tiếp tục đầu tư trong đó trọng tâm vào khu vực Sóc Sơn và Xuân Sơn (Sơn Tây).

Phát biểu khai mạc phiên giải trình, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP cho biết, công tác quản lý nhà nước về thu gom, xử lý chất thải rắn, chất thải y tế và quản lý hồ nước là những lĩnh vực mà HĐND TP đã có nhiều Nghị quyết và tổ chức các cuộc giám sát, chất vấn tại các kỳ họp HĐND.

Thành phố cũng đã có nhiều cố gắng trong triển khai thực hiện như phân cấp mạnh cho cơ sở, phân công nhiệm vụ cho các ngành, đầu tư kinh phí thoả đáng cho công tác môi trường, đổi mới công tác thu gom vận chuyển rác, ứng dụng thiết bị cơ giới hoá trong thu gom xử lý rác... Nhờ đó, môi trường của TP bước đầu có nhiều chuyển biến tích cực. 

Tuy nhiên, việc xử lý chất thải rắn xây dựng của TP vẫn chủ yếu theo hình thức chôn lấp; một số bãi chôn lấp phế thải hiện nay đang trong tình trạng quá tải và chuẩn bị đóng bãi; tình trạng chất thải xây dựng bị đổ trộm, gây ô nhiễm môi trường, mất an toàn giao thông, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của nhân dân; công nghệ xử lý rác hiện nay còn lạc hậu, không đảm bảo công suất…  Bên cạnh đó, một số bệnh viện, cơ sở y tế thực hiện quy trình phân loại, thu gom và xử lý chất thải y tế còn chưa nghiêm túc; công tác quản lý nước hồ tại các quận chưa chặt chẽ, để xảy ra tình trạng lấn chiếm, đổ chất thải vào các hồ…

Từ thực trạng trên, Chủ tịch HĐND TP đề nghị: tại phiên giải trình, các đại biểu, cơ quan chức năng cần làm rõ nguyên nhân và xác định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành, các cơ quan, tổ chức liên quan và người dân. Từ đó, đề xuất lộ trình khắc phục những hạn chế đó. 

 Mở đầu phiên chất vấn, đại biểu Phạm Thị Thúy Hằng đặt câu hỏi: TP đã có quy định về phân luồng rác thải nhưng vẫn để xảy ra tình trạng rác thải ùn ứ kéo dài tại một số huyện gây ô nhiễm môi trường; trách nhiệm của các cơ quan trong việc tham mưu cho TP về việc phân luồng, vận chuyển, định mức rác thải trong thời gian qua như thế nào? 

Còn đại biểu Nguyễn Minh Đức đặt vấn đề về tình trạng ô nhiễm hồ, hiện đã cải tạo nhiều hồ nhưng còn nhiều hồ vài chục năm bị lấn chiếm tại quận Tây Hồ, Đống Đa, Thanh Xuân, trách nhiệm quản lý của cơ quan chức năng về vấn đề này?... Trong khi đó, đại biểu Vũ Ngọc Anh - Phó Trưởng ban Đô thị HĐND TP đề nghị quận Hai Bà Trưng làm rõ việc phân công trách nhiệm cho UBND phường, có luân chuyển cán bộ nếu không làm tròn trách nhiệm không?

Và những lời hứa

Trả lời chất vấn của các đại biểu, Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Đinh Mạnh Hùng cho biết, trên địa bàn huyện có 30 xã và 2 thị trấn, diện tích rộng, dân số đông, bình quân mỗi ngày thải ra 150 tấn rác. Ngoài ra, còn rất nhiều cụm công nghiệp, trường nghề trên địa bàn. Theo phân luồng rác trên địa bàn được tập kết đưa về bãi rác Xuân Sơn (Sơn Tây). Từ đầu năm đến nay, còn tồn 16.000 tấn rác do bãi rác Xuân Sơn đóng cửa 4 lần. Trong khi đó, trên địa bàn huyện không có nhà máy xử lý nên rác đành để yên tại chỗ, phủ bạt nên gây ô nhiễm môi trường.

Về giải pháp lâu dài, Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ cho biết, Chính phủ đã quy hoạch trên địa bàn huyện có hai Nhà máy xử lý rác thải hiện đại theo phương pháp đốt là Núi Thoong và Đồng Ké. Hiện nay TP đang tìm nhà đầu tư để triển khai. Tuy nhiên, huyện có yêu cầu TP tìm công nghệ hiện đại cho hai nhà máy này để đảm bảo bền vững trong hoạt động. Bên cạnh đó, huyện cũng đề nghị TP hỗ trợ về công tác an ninh khi triển khai xây dựng dự án vì đây là những dự án nhạy cảm, người dân thường không đồng thuận. 

Giải thích về nguyên nhân dẫn đến ùn ứ rác tại quận Hai Bà Trưng, ông Vũ Đại Phong, Chủ tịch UBND quận này cho biết, quận chưa tìm được điểm làm trạm trung chuyển phù hợp. “Hiện nay, việc bố trí các thùng rác trên địa bàn quận còn thiếu. Vừa qua, quận đã bố trí được 850 thùng rác nhưng vẫn thiếu so với hợp đồng nên sẽ bố trí thêm khoảng 750 thùng nữa; đồng thời tăng dung lượng các thùng chứa… Tới đây, quận sẽ tăng cường tuyên truyền vận động nâng cao ý thức người dân đổ rác đúng giờ, đúng nơi quy định, hạn chế ùn ứ; tăng cường các chế tài để nâng cao tính răn đe”- ông Phong nói.

Trả lời chất vấn của đại biểu về việc triển khai quy hoạch ngành về xử lý thu gom rác, Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Văn Dục “xin nhận một phần trách nhiệm” vì việc xây dựng các khu xử lý rác công nghệ cao hiện đang chậm. Thời gian tới, với trách nhiệm của mình, Sở Xây dựng sẽ tập trung phối hợp cùng các quận, huyện đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án. 

Với các nội dung giải trình, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc yêu cầu các quận, huyện có ngay giải pháp khắc phục những “điểm đen” vừa nêu và có lộ trình thực hiện. UBND các quận, huyện gửi kết quả thực hiện ngay trong tháng 9 này. Trong tháng 11 và 12, HĐND TP sẽ tái giám sát trở lại và sẽ thực hiện quay video để so sánh. 

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung: Trước ngày 15/10, phải giải quyết sạch rác trên địa bàn

Theo ông Nguyễn Đức Chung, từ đầu năm 2016, lãnh đạo UBND TP đã thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thành ủy về vấn đề vệ sinh môi trường, xử lý rác thải rắn, rác thải xây dựng, ô nhiễm không khí... Thành phố xác định đây là một trong năm nhiệm vụ trọng yếu để nâng cao chất lượng sống của nhân dân Thủ đô.

Bên cạnh những việc làm được, công tác xử lý rác thải của thành phố cũng còn nhiều tồn tại như: sự vào cuộc của lãnh đạo một số quận huyện, phường, xã chưa quyết liệt; các công ty môi trường đô thị sau đấu thầu thực hiện không nghiêm túc; rác thải xây dựng bị đổ trộm với khối lượng lên đến hàng triệu tấn tại ven các bờ sông; tại các địa bàn giáp ranh, rác thải bị đổ trộm và địa phương có sự đùn đẩy trách nhiệm; một số thùng rác được đặt ở những vị trí chưa phù hợp…

Giải quyết tồn tại trên, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đề nghị Chủ tịch UBND các quận, huyện, phường, xã phải xác định nhiệm vụ liên quan đến thu gom, xử lý rác, xử lý ô nhiễm ao hồ, chống đổ trộm phế thải... là nhiệm vụ thường xuyên. Các huyện còn tồn tại các vấn đề về rác như Chương Mỹ, Thanh Oai, Thường Tín, Phú Xuyên, trong tháng 9/2017 và muộn nhất trước ngày 15/10 phải giải quyết sạch rác trên địa bàn. Sở Xây dựng sẽ kiểm tra.

Giám đốc Sở KH&ĐT Nguyễn Mạnh Quyền: Lĩnh vực này thực sự chưa hấp dẫn các nhà đầu tư

Đối với các dự án xử lý rác thải là chậm so với mong muốn và nhu cầu thực tiễn. Nhưng khó khăn là do lĩnh vực này thực sự chưa hấp dẫn các nhà đầu tư. Về công nghệ thì từ lãnh đạo TP đến quận, huyện hết sức băn khoăn, lựa chọn công nghệ sao cho tốt nhất mà phải cân đối được nguồn lực; liên quan đến giải phóng mặt bằng cũng khó khăn… nên ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án này.

Với các khu xử lý rác nói chung và khu Xuân Sơn (Sơn Tây) nói riêng, lộ trình triển khai theo đăng ký của nhà đầu tư và chỉ đạo của TP, phấn đấu đến năm 2020 cơ bản sẽ đưa các dự án đi vào hoạt động, cơ bản đáp ứng nhu cầu.

Giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Trọng Đông:  Xử lý nghiêm các hành vi xả thải

Đối với việc ban hành quy định xử lý các vi phạm về vệ sinh môi trường (VSMT), Sở đã tham mưu TP xây dựng đầy đủ các quy định xử phạt các hành vi vi phạm về VSMT. Thời gian tới ngoài việc tuyên truyền, đề nghị các quận, huyện thực hiện xử lý nghiêm các hành vi xả thải nhằm đảm bảo công tác VSMT trên địa bàn.

Ông Nguyễn Nguyên Quân - Trưởng ban Đô thị HĐND TP Hà Nội:

Hiện các quận, huyện còn thiếu bãi trung chuyển thu gom rác, thiếu công nghệ để tái chế. Nếu chúng ta không tập trung đầu tư các bãi đổ chất thải để xử lý thì không thể giải quyết triệt để. 

Ông Đỗ Viết Bình, Chủ tịch UBND quận Ba Đình: 

Quận luôn ý thức đây là trung tâm của Thủ đô, nên Ban Thường vụ đã quyết định sau ngày 2/9 cử cán bộ phụ trách các phường thường xuyên kiểm tra vào giờ cao điểm, nhất là sau 18h đến 23h- thời điểm dễ nảy sinh điểm rác. Song song với đó là tăng cường chỉ đạo công an quận điều động cảnh sát khu vực cùng đoàn thể kiểm tra vào giờ cao điểm.

Chúng tôi sẽ quan tâm những nơi trọng điểm thường xuyên vi phạm về vứt rác. Với tinh thần về môi trường chung, quận sẽ khắc phục những điểm chân rác tồn đọng, đảm bảo môi trường theo đúng chỉ đạo của Thành ủy.

Đọc thêm