Hà Nội sắp thu hồi 10.000 ô tô hết niên hạn

(PLO) - Đại diện Cục Đăng kiểm kiến nghị thành phố Hà Nội thu hồi hơn 10.000 ôtô đã hết niên hạn sử dụng. Số lượng xe hết hạn kiểm định từ một tháng trở lên hiện nay là hơn 31.000 xe.
Ô nhiễm bụi khí ở Hà Nội đã ở mức báo động (Ảnh; Q.M)
Ô nhiễm bụi khí ở Hà Nội đã ở mức báo động (Ảnh; Q.M)
Trong buổi làm việc giữa Hà Nội - Bộ GTVT, phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho biết, ngân sách thành phố (TP) đầu tư cho hệ thống hạ tầng giao thông hàng năm rất lớn nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế, trong đó có sự bùng nổ của phương tiện cá nhân.
Hà Nội hiện có 5,3 triệu xe máy, 560 nghìn ôtô, 10 nghìn xe đạp điện. Tốc độ tăng ôtô khoảng 17%, xe máy 11%. Tốc độ gia tăng thường xuyên gấp 1,5 đến 2 lần so với GDP. Theo Bí thư Hoàng Trung Hải, khi nói tốc độ tăng trưởng kinh tế 7-8% gọi là tăng nóng, còn tăng trưởng của phương tiện giao thông cá nhân phải gọi là nước sôi.
Cùng với sự gia tăng phương tiện cá nhân, dân số TP cũng phát triển rất nhanh. Dân số Hà Nội hiện nay là 7,6 triệu người, chưa kể khách vãng lai.
Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường và Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung trong buổi làm việc hôm 7/3 (Ảnh: TN)
Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường và Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung trong buổi làm việc hôm 7/3 (Ảnh: TN)
“Vấn đề về hạ tầng giao thông TP đang ở mức báo động. Mỗi khi người dân ra đường đều gặp khó khan khi tham gia giao thông, đe dọa an toàn giao thông và hiệu quả của nền kinh tế”, Bí thư Thành ủy Hà Nội nhìn nhận.
Để giải bài toán trên, theo ông Hoàng Trung Hải không nên chỉ nhìn vào hạ tầng mà phải chú trọng vào công tác quản lý. 
“Cần tập trung làm tốt, xử lý nghiêm vấn đề vệ sinh môi trường, ô nhiễm của phương tiện giao thông từ xe buýt, xe công trường, vệ sinh đường phố, trật tự an toàn các bến xe bến tàu, tạo bộ mặt mới thực sự văn minh, thanh lịch cho thủ đô”, ông Hoàng Trung Hải nêu rõ.
Người đứng đầu Thành ủy Hà Nội cũng yêu cầu đối với ô tô, xe ra khỏi công trường xây dựng phải quản lý thật chặt việc đảm bảo vệ sinh, vận chuyển vật liệu, chất thải. 
Ông Hải dẫn chứng: “Như Lotte người ta làm bao nhiêu năm không có hạt bụi nào ra khỏi công trường. Nếu không cẩn thận, Hà Nội sẽ ô nhiễm như Bắc Kinh, thậm chí còn ô nhiễm hơn. Phải tăng cường xử phạt, quy hoạch các điểm rửa xe ở đầu vào của cửa ô, bắt buộc các xe chở vật liệu xây dựng phải rửa rồi mới được vào nội ô, các quốc gia khác người ta làm hết rồi”.
Về khí thải của phương tiện, đại diện Cục đăng kiểm (Bộ GTVT) cho hay, cả nước hiện có 45 triệu xe (xe máy và ôtô) lưu hành. Thủ tướng quyết định kiểm soát khí thải tại các TP lớn. Việc kiểm soát sẽ giống như đối với mũ bảo hiểm, trước mắt là vận động sau đó sẽ có chế tài.
Bổ sung cho vấn đề khí thải, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, dẫn thông tin một tạp chí uy tín quốc tế công bố mỗi năm Việt Nam có 44.000 người chết vì ô nhiễm môi trường liên quan tới khí thải giao thông. 
Do đó, Hà Nội cần sớm xây dựng đề án tăng cường năng lực vận tải công cộng và kiểm soát phương tiện cơ giới cá nhân. 
Lấy hình ảnh “xe buýt nhả khói đen giữa giờ cao điểm mà phía sau là hàng nghìn xe máy” làm dẫn chứng, đại diện Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đề nghị Hà Nội áp dụng tiêu chuẩn cao hơn trong kiểm soát khí thải đối với xe buýt.
Đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng phòng PC67 Công an Hà Nội kiến nghị TP cần quan tâm đến niên hạn sử dụng với xe máy. “Ôtô có niên hạn sử dụng, xử phạt dễ. Nhưng xe máy thì “đi cho tới lúc hỏng không đi được thì thôi”.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho hay, HĐND TP đã thông qua nghị quyết về giảm ùn tắc trong đó có hạn chế phương tiện cá nhân. Đề án liên quan đến hạn chế phương tiện cá nhân dự kiến sẽ được trình Thành ủy Hà Nội xem xét cho ý kiến vào tháng 4/2016.
“Tuy nhiên, đây là vấn đề nhạy cảm, liên quan đến đời sống dân sinh của nhiều người nên đang được triển khai một cách thận trọng”, ông Hùng nói. 
Hàng nghìn người chết vì bụi khí mỗi năm
Theo ước tính của các chuyên gia, có khoảng 44.000 người chết vì bụi siêu nhỏ lơ lửng trong không khí và khí thải độc hại tính ở thời điểm năm 2010. Cũng theo tính toán này, lĩnh vực năng lượng sinh hoạt hộ gia đình đã giết chết 22,575 người (tương đương 51% của 44,000 người), tiếp đến là sản xuất điện 5,486 người, đốt cháy rơm rạ cây cối 5,378, nông nghiệp 5,343, sản xuất công nghiệp 3,627, và cuối cùng là giao thông mặt đất 1,686 (chiếm 3.8%). 
Có nhiều tranh cãi xung quanh phương pháp tính toán. Ở Đức và Pháp, chứng minh trong lĩnh vực giao thông đã và đang giết chết hoặc làm giảm tuổi thọ của tổng cộng khoảng 5.000, ở Anh và Đức khoảng đến 10.000 người/năm. 
Có chuyên gia cho rằng, ô nhiễm của Việt Nam “kinh khủng hơn nhiều” nên con số 1,686 là chưa chính xác. Hơn nữa, sau 5 năm lưu lượng xe đã tăng rất nhiều, ùn tắc gia tăng nên chắc chắn con số này cần phải nghiên cứu cập nhật.
“Tôi xem trên mạng, người ta quay cảnh bến xe Mỹ Đình rất lộn xộn. Như thế đầu tư hạ tầng tới khi nào cho hết. Riêng với ôtô, xe ra khỏi các công trường xây dựng phải vệ sinh sạch sẽ mới được ra phố. Các anh chị nhìn Lotte làm bao nhiêu năm có bụi bẩn không? Các anh chị nêu Hà Nội có khả năng ô nhiễm bằng Bắc Kinh, tôi nghĩ còn hơn nếu không quy hoạch từ bây giờ”, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Hoàng Trung Hải. (Ảnh: Q.M)
“Tôi xem trên mạng, người ta quay cảnh bến xe Mỹ Đình rất lộn xộn. Như thế đầu tư hạ tầng tới khi nào cho hết. Riêng với ôtô, xe ra khỏi các công trường xây dựng phải vệ sinh sạch sẽ mới được ra phố. Các anh chị nhìn Lotte làm bao nhiêu năm có bụi bẩn không? Các anh chị nêu Hà Nội có khả năng ô nhiễm bằng Bắc Kinh, tôi nghĩ còn hơn nếu không quy hoạch từ bây giờ”, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Hoàng Trung Hải. (Ảnh: Q.M)

Đọc thêm