Hãi hùng hủ tục tra tấn, thiêu sống vì bị ngờ là phù thủy

(PLO) - Vấn nạn đang diễn ra trong thế kỷ 21 ở Papua New Guinea, nơi mà người dân vẫn tin vào tà thuật và những vụ giết người phi lý diễn ra một cách man rợ, đặc biệt là phụ nữ khi họ bị nghi ngờ là “phù thủy”.
Bà Rasta Tuwa bị chặt tay vì bị nghi ngờ là “phù thủy”.
Bà Rasta Tuwa bị chặt tay vì bị nghi ngờ là “phù thủy”.
Papua New Guinea nằm ở vùng cao nguyên của các hòn đảo Thái Bình Dương rộng lớn cách ngoài khơi mũi phía bắc của Australia150 km. 
Văn hóa…tà thuật?
Tà thuật và phù thủy rất phổ biến ở Papua New Guinea, nơi có một đạo luật yêu thuật để bảo vệ chống lại các cuộc tấn công bởi những người bị cáo buộc là “phù thủy”, nhưng có rất ít trường hợp được đem ra xét xử. 
Theo tổ chức UNHCR, “ước tính có khoảng 200 “phù thủy” đã bị giết chết trong một năm trên địa bàn tỉnh Simbu, họ bị ném xuống vách đá, bị tra tấn, bị kéo lê bằng ô tô, bị thiêu hoặc chôn sống…” Khoảng 80% trên 7 triệu dân sống ở đất nước nông nghiệp lạc hậu này, nơi mà con người vẫn sử dụng giáo mác và cung tên. Nạn nhân của cuộc săn đuổi phù thủy ở New Guinea có thể là cả đàn ông và phụ nữ, nhưng phần lớn là phụ nữ. 
Khi một phụ nữ bị ngờ là phù thủy, sẽ bị dân làng ruồng bỏ, bị đánh đập dã man, lột hết đồ và trói vào một cái cọc chịu tra tấn vô cùng đau đớn giữa đám đông điên cuồng. Họ làm điều này bởi cho rằng phù thủy thường thích xác chết, dùng những tà thuật để giết hại người dân trong làng. 
Những số phận bi thương
Một nạn nhân điển hình là bà Dini Korul, ở tuổi 50, sống trong một túp lều ọp ẹp, trên thân thể toàn là những vết sẹo do bị dao cắt, bị những miếng sắt nung đỏ dí lên người khi dân làng buộc tội bà là phù thủy. Bà  Dini Korul phải mất hơn 10 tháng trong bệnh viện để phục hồi vết thương và con gái bà phải mất 213 đô la cho việc điều trị. Bà không thể quay về làng mình và cũng chẳng nhận được sự giúp đỡ nào từ chính quyền địa phương.
Một ví dụ khác, bà Rasta Tuwa đã bị dân làng buộc tội là phù thủy sau cái chết của một thanh niên năm 2003. Trong đám tang, đám đông vây quanh Rasta và tấn công bà. Rasta chạy vào nhà nhưng vẫn bị bắt, bị cắt cụt một bàn tay và một ngón tay trên bàn tay kia. Tuwa phải bỏ làng và nhà chồng, dù sau đó được bồi thường 600 kina (khoảng 140 euro). 
Cuộc khủng hoảng sức khỏe như nạn HIV/AIDS ở Papua New Guinea càng khiến cho vấn nạn này trở nên trầm trọng hơn. Hồi tháng 8/2012, một người phụ nữ đã bị đổ tội và bắt trói khi có 2 người trẻ tuổi bị chết. 40 tuổi, cô là mẹ của một cậu con trai, không có chồng, phải làm vật tế thần khi cái chết xảy ra. 
Một “phù thủy” bị dân làng thiêu sống.
 Một “phù thủy” bị dân làng thiêu sống.
Lên án hành động man rợ
Sau tất cả những gì đã xảy ra, Thủ tướng nước này - ông Peter O'Neill - đã thề sẽ đưa tất cả những kẻ giết người ra trước công lý, “không ai được phép thực hiện một hành động đê hèn như vậy trong xã hội của chúng ta”. Ông O'Neill công khai chỉ trích việc “giết người man rợ khi cáo buộc người khác là phù thủy” và “phản đối bạo lực đối với phụ nữ bởi những niềm tin vào những tà thuật phi lý”.
LHQ cũng đã bày tỏ quan ngại trước vấn nạn này và yêu cầu Chính phủ có những biện pháp thiết thực nhất. Đến tháng 5/2013, Chính phủ Papua New Guinea đã bãi bỏ Đạo luật Phù thủy năm 1971; luật pháp cũng đã được thông qua, dành các hình phạt tử hình đối với vụ giết người khi cáo buộc người khác làm tà thuật và phù thủy. 
Tuy nhiên người dân Papua New Guinea vẫn mong chờ những biện pháp đặc biệt hơn như tổ chức các chương trình tuyên truyền và giáo dục; tội ác phải được điều tra kịp thời và thủ phạm phải xét xử công bằng; thành lập một ủy ban nhân quyền quốc gia để bảo vệ và giúp đỡ nạn nhân và gia đình của họ, giúp họ có được cuộc sống bình thường như bao người khác…/.  

Đọc thêm