Hai “khắc tinh” của con đường nghìn tỷ đang xây dở

(PLO) - Dự án xây dựng đường vành đai 2 Hà Nội, đoạn Nhật Tân - Xuân La - Bưởi - Cầu Giấy dài 6,4km có tổng mức đầu tư 304,7 triệu USD (tương đương 6,4 nghìn tỷ đồng) đã được thiết kế để né một cây đa hàng trăm năm tuổi ở phường Nghĩa Đô (quận Cầu Giấy). Việc nắn đường né cây này do chủ đầu tư thay đổi thiết kế đáp ứng nguyện vọng của dân làng.
Cây đa và cổng làng Trung Nha nằm giữa tim đường vành đai
Cây đa và cổng làng Trung Nha nằm giữa tim đường vành đai
Uốn cong đường né cây
Cây đa cổ gây chú ý bởi vẻ sum suê tỏa bóng với hàng rào bảo vệ trên công trường đường vành đai 2 Hà Nội, đoạn gần cầu vượt nút giao thông Bưởi. Gốc đa hơn 20 người ôm không xuể, xung quanh những rễ cây lớn đan xen chằng chịt cắm xuống đất như những cột trụ giữ phần thân đồ sộ vững chãi qua năm tháng. Vỏ cây sần sùi, chi chít các ô lõm vào là dấu tích của thời gian và bom đạn chiến tranh. 
Kế bên gốc đa là cổng làng Trung Nha, thiết kế hai tầng kiểu cổng vòm, nhiều chỗ bong tróc lộ gạch. Cây và cổng làng đều nằm ở vị trí tim đường dẫn lên cầu vượt đang thi công. Dễ quan sát thấy con đường đang chạy thẳng tắp đến gần cầu vượt bỗng dưng uốn lượn “né” cây đa.
Ông Phạm Mạnh Hùng (68 tuổi), tổ trưởng tổ 13 phường Nghĩa Đô (trước đây là thôn Trung Nha) cho biết, đoạn đường bị uốn cong là do chủ đầu tư thay đổi thiết kế đáp ứng nguyện vọng giữ cây của người dân. 
Theo quy hoạch ban đầu, bắt buộc phải phá bỏ cây đa và đền thờ Trung Nha (được công nhận di tích cấp thành phố năm 2010) để làm đường chạy thẳng. Tuy nhiên, người dân địa phương phản đối quyết liệt buộc chủ đầu tư phải cam kết giữ nguyên trạng cây đa và đền thờ. 
Ông Hùng kể lại quá trình đấu tranh giữ cây: “Dân làng đã gửi đơn thư liên tục mới được đáp ứng nguyện vọng giữ lại cây. Rất khó để trồng được một cây xanh như thế nên cần phải giữ gìn. Cây đa còn có ý nghĩa sâu sắc trong đời sống tinh thần người dân. 
Ban đầu chủ đầu tư đồng ý giữ lại cây nhưng chỉ chừa diện tích xung quanh gốc cây bán kính 6m. Với cây lớn như thế, bán kính 6m quá hẹp, khó để cây phát triển nên dân làng tiếp tục phản đối, đề nghị mở rộng thêm đất trống quanh gốc đa. Cuối cùng chủ đầu tư cũng phải đồng ý”.
Cụ bà Nguyễn Thị Tuệ (78 tuổi) cho hay, không ai biết rõ cây có từ khi nào nhưng ước tính đã qua 4 - 5 đời người. Trong ký ức cụ Tuệ, trước đây bên cạnh cây đa và cổng làng còn có chiếc cầu gỗ bắc qua sông Tô Lịch, kế bên là sân đình thoáng mát. Tất cả vẽ nên bức tranh “cây đa, bến nước, sân đình” hồn hậu, yên bình của vùng đất Trung Nha. 
“Dân làng thường tập trung vui chơi, họp bàn những việc quan trọng của làng và tổ chức các nghi lễ truyền thống tại sân đình. Dưới gốc đa, người dân lập đền thờ thần cây, các cụ già thường ngồi hàn huyên. Người dân làng chúng tôi gắn bó sâu nặng với cây đa, cổng làng nên khi biết chủ đầu tư dự án đường vành đai giữ lại cây, người làng ai cũng mừng”, cụ Tuệ nói.
Lại thêm vướng mắc cổng làng
Sau khi dự án thay đổi thiết kế đường, cây đa đã được “yên vị”, nhưng công trình tại vị trí này vẫn “tắc” bởi người dân chưa đồng ý dỡ bỏ cổng làng kế bên. 
Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn (72 tuổi), nguyên tổ trưởng dân phố, nguyên Trưởng ban quản lý di tích đền Trung Nha, cho biết cổng làng có từ đời xưa đã gắn bó mật thiết với con người nơi đây. 
Cụ Tuệ, bà Nhàn, ông Hùng kể lại quá trình giữ cây đa và cổng làng
Cụ Tuệ, bà Nhàn, ông Hùng kể lại quá trình giữ cây đa và cổng làng  
Bà Nhàn chính là người có công lập hồ sơ đề nghị công nhận di tích đền Trung Nha. Trong số văn bản cổ tại đền được dịch lại, có tấm bia đá hiện vẫn còn trước cổng làng: “Tấm bia ghi hai chữ Hạ Mã, có nghĩa tất cả mọi người khi tới cổng làng phải xuống ngựa, xuống xe, đi bộ qua, kể cả vua quan”, bà giải thích.
Vào năm 2004 - 2005, bà Nhàn khi đó đang làm tổ trưởng đã nghe nói đến dự án đường vành đai 2 bao quanh thành phố. Bà liên tục nêu nguyện vọng giữ cây và cổng làng của người dân lên các cấp chính quyền tại các buổi họp cử tri. Chủ đầu tư dự án bấy giờ thống nhất giữ nguyên trạng cây đa, đền Trung Nha nhưng không nói rõ số phận cổng làng, về sau mới nói sẽ phá bỏ 1/3 cổng. 
“Đã phá 1/3 thì coi như đập cổng rồi còn gì. Nên người dân kéo ra gốc đa phản đối, gửi đơn thư lên UBND phường. Đơn vị thi công tạm dừng, còn UBND phường hẹn sẽ tổ chức họp dân lấy thêm ý kiến”, bà Nhàn cho biết. 
Cách đây hơn hai tháng, một số người buôn bán gần gốc đa thấy nhiều công nhân làm lễ cúng tế và có dấu hiệu đập bỏ cổng làng liền báo về ban điều hành khu phố. Người dân nhanh chóng kéo đến ngăn chặn. 
Ông Hùng tổ trưởng đã gọi điện báo Chủ tịch phường. Chỉ khi vị chủ tịch nói “việc giữ hay bỏ cổng làng đang được bàn bạc”, nhóm công nhân mới dừng.
Ông Hùng cung cấp thêm thông tin, trong các cuộc họp do UBND phường chủ trì có sự tham gia của chủ đầu tư và đại diện khu phố, chính quyền đưa ra hai phương án: Thứ nhất, cẩu nguyên trạng cổng làng dời đi nơi khác. Tuy nhiên phương án không khả thi do công trình đã xây dựng quá lâu, khó đảm bảo nguyên vẹn. 
Thứ hai, chụp hình cổng làng lưu lại, sau khi hoàn thành tuyến đường sẽ xây cổng mới y hệt cổng cũ gần cây đa. Theo chính quyền, phương án này vừa đảm bảo nguyện vọng dân làng vừa đảm bảo tiến độ thi công đường vành đai. 
Tuy nhiên, người dân địa phương vẫn đề nghị giữ nguyên vẹn cổng làng bởi đó là dấu tích duy nhất còn lại của thôn Trung Nha. “UBND phường hứa sẽ tổ chức họp dân lấy thêm ý kiến về số phận cổng làng nhưng chưa thấy mời họp. Hiện trong thôn cũng có hai luồng ý kiến chia theo hai phương án chính quyền đưa ra”, ông Hùng nói./.

Đọc thêm