Hai mối tình sâu đậm của Hàn Mặc Tử

(PLO) -Không chỉ có những tứ thơ rung động lòng người, trong quãng đời ngắn ngủi của mình, thi sĩ họ Nguyễn còn để lại cho đời bao giai thoại về những mối tình với những Mộng Cầm… Và hẳn đến giờ, khi đọc bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ”, nhiều độc giả còn vấn vương với hình ảnh “Lá trúc che ngang mặt chữ điền”. 
Ngôi nhà của Kim Cúc nơi thôn Vĩ Dạ
Ngôi nhà của Kim Cúc nơi thôn Vĩ Dạ

Nói đến thơ Hàn Mặc Tử, ta thường biết đến thơ trăng, thơ tình. Mà đã là nhà thơ, để thơ hay, có hồn, hẳn phải cần đến thi cảm, thi hứng mới được. Và thơ tình của Hàn, thì gây xúc động mãnh liệt lắm. Để có được xúc cảm cho ra đời những bài thơ không quên ấy, lời Quách Tấn, hẳn đúng chăng khi ông ghi: “Có người nói: Hàn Mặc Tử không gặp những cảnh đau thương, chưa chắc thơ đã hay đến thế. Cũng có lý”.

 “Cảnh đau thương” Quách Tấn nói đến ở đây, chính là những nỗi đau tình đấy. Với Nguyễn Bá Tín, người em ruột thi sĩ, thì cho rằng, trong đời mình, thi sĩ trải qua bốn mối tình, sâu đậm có, mộng mị có, nặng nghĩa nặng tình có... Ở đây, ta ngắm qua hai mối tình sâu đậm bước qua đời thi sĩ. 

Tình đầu khôn nguôi

Mối tình đầu này, là với Hoàng Cúc, dạo Hàn Mặc Tử còn làm nơi Sở Đạc điền Qui Nhơn. Như trong “Đôi nét về Hàn Mặc Tử”, Quách Tấn cho biết, đó là mối tình của anh chàng đôi mươi với cô nàng mười lăm, mười bảy.

Một mối tình trong sáng, nên thơ. Qua lời Nguyễn Bá Tín kể trong “Hàn Mặc Tử anh tôi”, thì dạo ấy Hàn có bạn văn thơ với Hoàng Diệp, Hoàng Tùng Ngâm. Ngâm là cháu ruột cụ Hoàng Phùng, Giám đốc Sở Địa chính. Ngẫm lại có người chị Hoàng Thị Kim Cúc (con cụ Phùng), hay viết báo, làm thơ, lấy bút hiệu Hoàng Hoa nữ sĩ.

Hoàng Hoa là cô gái kiêu sa đài các, nên Nguyễn Trọng Trí say lắm, đến mức “Anh thường tỏ ra bối rối, mất cả bình tĩnh mỗi khi người thiếu nữ đó đi ngang qua nhà”. Để ướm lòng người trong mộng, thi sĩ làm thơ chuyển qua người bạn Hoàng Tùng Ngâm đến Kim Cúc để thổ lộ lòng mình. Tỉ như bài “Vịnh hoa cúc”:

“Thu về nhuộm thắm nét hoàng hoa,

Sương đẫm trăng lồng bóng thướt tha.

Vẻ mặt khác chi người quốc sắc,

Trong đời tri kỷ chỉ riêng ta”.

Mà nào chỉ mỗi bài thơ ấy đưa đường dẫn lối. Sau này, thi sĩ còn mượn thơ mà tỏ lòng với Kim Cúc nhiều lắm. Nào là bài “Trồng hoa cúc”, rồi “Âm thầm”, “Đôi ta”… Mối tình ấy, có vẻ như được hưởng ứng từ nữ thi sĩ.

Vẫn theo Nguyễn Bá Tín, thì “Hoàng Hoa có vẻ không từ chối tình Anh, nhưng rất nặng về lễ giáo, chị nói với Hoàng Tùng Ngâm một cách lo lắng: Cái ngăn cách lớn nhất của chị không thể nào vượt qua được là vấn đề lương giáo”. Bởi Hàn Mặc Tử là con chiên ngoan đạo, còn Hoàng Hoa lại là Phật tử, đường tình có thuận, mà đường tín ngưỡng lại cách ngăn. 

Mối tình với Kim Cúc, như một mối vô vọng với thi sĩ, nhưng vẫn kéo dài khi đầy khi vơi, cho tới tận ngày Hàn mất. Còn riêng với Hoàng Hoa, thì dẫu sau có lập gia thất, vẫn trân trọng mối tình kia, giữ bút tích thi sĩ như kỷ niệm thuở đầu xanh.

Từ mối tình này, mà đời sau, bạn yêu thơ mới được thưởng thức tuyệt phẩm “Đây thôn Vỹ Dạ” của thi sĩ. Nguyên do là năm 1939, đương lúc Hàn Mặc Tử đau bệnh, Kim Cúc gửi cho thi sĩ bức ảnh cỡ 6x9cm có hình nàng mặc áo dài lụa trắng đứng dưới vòm cây xanh mát. Vậy là sau đó, hình ảnh ấy đã đi vào thơ Hàn:

“Vườn ai mướt quá xanh như ngọc,

Lá trúc che ngang mặt chữ điền”.

Để rồi khi kết thúc, là sự khắc khoải về tình đầu: “Ở đây sương khói mờ nhân ảnh/Ai biết tình ai có đậm đà”. Mà tình yêu thời xưa, lại nhất là văn nhân thi sĩ, nó thanh cao lắm. Cứ xem toàn văn bức thư của Hàn gửi cho Hoàng Cúc, ta cảm được đôi phần chăng:

“Túc hạ, Có nhận được bức ảnh bến Vỹ Dạ lúc hừng đông (hay là một đêm trăng?) với mấy hàng chữ túc hạ gởi thăm. Muôn vàn cảm tạ. Túc hạ có nhớ đến người năm nao, thế là phúc hậu lắm rồi, và mong rằng một mùa xuân nào đấy được gặp lại túc hạ mới phỉ tình cho. Thăm túc hạ bình an và vui vẻ. Ký tên: Hàn Mặc Tử”. 

Minh họa Kim Cúc trong bìa tác phẩm “Lá trúc che ngang, chuyện tình của cô tôi”
Minh họa Kim Cúc trong bìa tác phẩm “Lá trúc che ngang, chuyện tình của cô tôi”

Dẫu thi sĩ họ Nguyễn vắn số, và hai người không cùng nhau đi đến cuối con đường tình, nhưng trong tim Hoàng Hoa nữ sĩ, vẫn lưu giữ những kỷ niệm đẹp về mối tình thơ mộng ấy. Về sau, bà sống đời tu hành nơi thôn Vỹ Dạ của Huế. Nghĩ về bóng dáng người xưa, vẫn còn khắc khoải: “Tiếc quá, phải chi trời để Anh sống thêm mươi năm nữa, tình của Anh càng nhiều, thì thơ của Anh để mô cho hết”.

Lầu Ông Hoàng đó…

Sau tình đầu lỡ làng với Kim Cúc, thi sĩ lại quện duyên với tình với Mộng Cầm. Mối tình này, cũng tốn nhiều giấy mực của văn đàn lắm lắm. Để hiểu về mối tình này, thiết tưởng, nên nghe trực tiếp người trong cuộc tâm sự. Mà tìm chẳng đâu xa, nơi “Văn thi sĩ tiền chiến” của Nguyễn Vỹ, có ghi lại rành rọt cuộc gặp gỡ, phỏng vấn Mộng Cầm của Châu Hải Kỳ, với tiêu đề “Tôi đã gặp Mộng Cầm. Người yêu của Hàn Mặc Tử”.

Mộng Cầm tên thật là Nghệ, cháu gọi thi sĩ Bích Khê là cậu ruột. Theo hồi tưởng của Mộng Cầm, thì “Năm ấy tôi 17 tuổi – tính đến năm nay thì cách 27 năm – tôi học lớp Nhứt trường Nam Phan Thiết. Tuy học lớp nhất nhưng tôi rất ham văn chương. Đêm đêm, tôi thường đến học thêm lớp Việt ngữ với cậu Bích Khê tôi. Cậu có mở một lớp đêm cho những ai muốn học thêm và chỉ dẫn làm thơ văn.

Những bài thơ tôi làm ra toàn là Đường luật, tôi gởi đăng báo Công Luận trong Nam. Một hôm, đến trường, tôi tiếp được một bức thư do nhà giây thép đưa lại. Đó là bức thư đầu tiên của H.M.T. gởi cho tôi. Trong thư, H.M.T. cốt ý cho biết để giao thiệp trao luyện văn thơ”. Vậy là mối duyên tình giữa hai kẻ yêu thơ, say thơ, làm thơ đã diễn ra như thế đó. 

Trong ký ức của Nguyễn Bá Tín, người trực tiếp diện kiến Mộng Cầm, từng tiếp nàng thay anh trai, thì ấn tượng để lại về cô gái ấy, là người duyên dáng, tự tin, rất dạn dĩ trong giao tiếp. Hai người quen nhau, từng có những kỷ niệm đẹp khi thăm thú những những danh lam, thắng cảnh nơi đất Qui Nhơn, Phan Thiết.

Và nay, nếu ta có nghe nhạc phẩm “Hàn Mặc Tử”, hẳn còn cảm được kỷ niệm của hai người: “Lầu ông Hoàng đó thuở nào chân  Hàn Mặc Tử đã qua”… “Đường lên dốc đá nhớ xưa hai người đã một lần đến”…

Và như chính Mộng Cầm kẻ lại, chính nơi Lầu Ông Hoàng vào một chiều thứ Bảy, Hàn đã thổ lộ tình yêu với nàng. Nhưng, Mộng Cầm từ chối. Cũng trong thời gian quen nhau, Mộng Cầm đã biết Hàn Mặc Tử có biểu hiện của căn bệnh nan y kia, nên nàng đành nói thác viện lẽ tôn giáo bất đồng mà cố từ. Nhưng hai người, vẫn giao thiệp thân mật lắm. 

Mối tình duyên giữa hai người về sau, trong ấn tượng của Quách Tấn, đã gây cho Hàn một nỗi buồn thương. Bởi theo người bạn tâm giao này của Hàn Mặc Tử, thì “Hai bên đã nặng lời thề thốt “trăm năm cùng già”. Nhưng sau khi lâm bệnh nguy-nghèo thì Mộng Cầm đi lấy chồng, gieo vào lòng Tử một mối buồn thương vô hạn”. Cũng cùng quan điểm ấy, khi viết “Hàn Mạc Tử (Thân thế và thi văn)”, Trần Thanh Mại cho rằng, Hàn đã “bị tình phụ”.

Bởi chỉ 6 tháng sau khi Hàn Mặc Tử bị bệnh, thì Mộng Cầm đã làm lễ vu quy. Ấy là lời của những người song hành hay bên lề đời thi sĩ bạc mệnh. Còn riêng với người thân của Hàn, lại chẳng một lời trách móc gì Mộng Cầm đâu. Như Nguyễn Bá Tín, thì khẳng định: “Đối với chị Mộng Cầm, tôi chắc tình Anh suông sẻ”.

Phế tích Lầu Ông Hoàng, nơi Mộng Cầm và Hàn Mặc Tử từng đặt chân đến
Phế tích Lầu Ông Hoàng, nơi Mộng Cầm và Hàn Mặc Tử từng đặt chân đến

Nhưng chẳng thể phủ nhận rằng, mối duyên tình đứt đoạn ấy, lại là một nguồn cảm hứng vô tận để tạo nên thi cảm cho nhà thơ. Từ đó mà lần lượt những thi phẩm “Muôn năm sầu thảm”, “Phan Thiết, Phan Thiết”, “Ung trăng”, “Tình hoa”… đầy thơ, đầy mộng ra đời. Đọc qua những thi phẩm ấy, đa phần thống thiết, não nề đến buồn thương, nhưng cũng có lúc lại đầy lửa yêu tha thiết nhớ nhung. Ví như bài “Phan Thiết, Phan Thiết”:

“Ôi trời ơi! Là Phan Thiết, Phan Thiết,

Mà tang thương còn lại mảnh trăng rơi.

Ta đến nơi nường ấy vắng lâu rồi.

Nghĩa là chết từ muôn trăng thế kỷ”. 

Ngoài hai dây tơ hồng không se đến đoạn chót được, thi sĩ của trăng, của tình còn quấn quít với hai mối tình sau, vừa nồng đượm nghĩa tình, mà cũng đầy ảo mộng, làm chất liệu cho men thơ. Ấy là với Mai Đình nữ sĩ và Thương Thương…/. 

Đọc thêm