Hai “thái cực” của kiếp chung chồng

(PLO) - “Thân em làm lẽ chẳng nề/ Đâu như chánh thất mà lê lên lên giường/ Tối tối chị giữ mất chồng/ Cho một manh chiếu nằm suông chuồng bò”. Kiếp vợ lẽ thời nay có còn bi đát như câu ca xưa ?
Ảnh minh họa. Nguồn internet.
Ảnh minh họa. Nguồn internet. 
Nước mắt trong “bóng tối”
Chị  Loan sinh ra và lớn lên tại mảnh đất duyên hải miền Trung đầy nắng gió khô cằn và khắc nghiệt, quanh năm suốt tháng chỉ quanh quẩn trong cái làng chài gắn bó với những con thuyền đánh cá.  Không bị ảnh hưởng bởi nắng gió, trời phú cho chị vẻ đẹp đầy nét duyên mà bất cứ ai cũng phải ngước nhìn và ngưỡng mộ. Cộng với bản tính hiền lành, nết na và chịu khó, chị được bao nhiêu chàng trai trong làng muốn được cưới làm vợ nhưng chị vẫn chưa ưng ai. 
Số trời đưa đẩy thế nào, chị lại nảy sinh tình cảm với anh chàng ở làng bên nhưng đã có vợ. Yêu anh từ ánh mắt đầu tiên, từ những thái độ, hành động và cử chỉ đáng yêu của anh này. Vậy là chị tương tư anh, kiên quyết chỉ chọn anh làm chồng mặc dù biết anh đã có gia đình.
“Lửa gần rơm lâu ngày cũng bén”, anh cũng rung động trước chị và đáp lại tình cảm của chị nồng nhiệt. Trong mắt chị, anh là người đàn ông hoàn mỹ nhất mà chị biết. Anh nói anh không thể cho chị một danh phận bởi anh đã có hai mặt con với vợ, anh không thể bỏ vợ để các con anh thiệt thòi. Chính từ suy nghĩ đó của anh chị lại càng yêu anh hơn vì chị cho rằng anh là người đàn ông có trách nhiệm với gia đình. 
Chị chấp nhận làm vợ lẽ của anh ta cũng chỉ vì muốn có một người chồng như thế, cũng chỉ muốn được hạnh phúc như vợ hiện tại của anh. Bất chấp rào cản và phản đối của gia đình, sự dèm pha của xã hội, chị vẫn nhất quyết theo đuổi tình yêu của mình đến cùng và được an ủi phần nào cho kiếp vợ lẽ khi được mọi người trong gia đình chấp nhận. 
Cho đến khi anh và vợ cả bị “vỡ kế hoạch”, sinh đứa con thứ ba và cũng là con trai cho anh thì anh dành hết thời gian để chăm sóc cô ấy. Còn chị không có nhiều cơ hội được anh yêu thương nữa, càng ngày anh càng lạnh nhạt và hờ hững với chị. Dần dần khiến chị có cảm giác tủi thân, tủi phận cho kiếp làm vợ lẽ của mình. 
Chị thường nghe người ta nói, người vợ lẽ sẽ được chồng cưng chiều hơn người vợ đầu, nhưng biết đâu được, có những người phụ nữ phải tủi phận kiếp vợ lẽ người ta, phải chia đôi chia ba tình yêu của mình với người khác hoặc thậm chí là phải cô đơn gối chiếc và chịu nhiều tai tiếng của miệng đời. Và đó là nỗi đau mà chị đang trải qua và tự “gặm nhấm” cho chính lựa chọn của mình.
Bước  ra “ánh sáng” từ lòng bao dung của vợ cả
Thủy có lẽ là người phụ nữ may mắn nhất trong số những người phụ nữ mang kiếp vợ lẽ khi được người vợ cả của chồng chấp nhận và đón nhận mẹ con Thủy. Sẽ chẳng ai tin được lại có một câu chuyện “cổ tích” xảy ra trong thời đại này nhưng đây lại là câu chuyện có thật và vô cùng cảm động về sự bao dung và tha thứ mà những người phụ nữ “đồng cảnh ngộ” dành cho nhau.
Thủy là mối tình đầu của anh nhưng người anh chọn làm vợ lại là chị - một người phụ nữ truyền thống, mang đặc trưng của “công dung ngôn hạnh” và rất yêu thương chồng con. Họ đã sống hạnh phúc bên nhau 10 năm, “nếp tẻ” đủ cả. Có thể nói đó là một gia đình viên mãn về mọi mặt.
Rồi cho đến khi anh tình cờ gặp lại Thủy, khi đó chồng Thủy đã mất được một năm. Trong tâm trạng cô đơn, một mình nuôi đứa con thơ dại và thiếu vắng tình yêu thương của người cha. Sự xuất hiện của anh đã bù đắp cho mẹ con Thủy những điều mà cô đang khao khát. Bản thân cô chưa từng có ý nghĩ sẽ phá vỡ hạnh phúc của anh, bởi cô thực sự ngưỡng mộ người vợ mà anh đang có và những hy sinh của chị ấy cho gia đình, để anh có thể yên tâm phát triển sự nghiệp và dành
thời gian đáng lẽ bên vợ con thì lại ở bên cô. Cô tự nguyện sống cảnh “già nhân ngãi non vợ chồng” với anh, sẵn sàng chấp nhận mọi thua thiệt về mình bởi cô không muốn phá vỡ những gì cả anh và cô đang có.
Chỉ đến khi cô phát hiện mình có thai với anh, cả hai đã cùng “đấu tranh tư tưởng” và thật khó khăn để đưa ra quyết định của mình. Bỏ đi mầm sống trong cơ thể, là kết quả tình yêu giữa anh và cô, cô thực sự không đành lòng. Cuối cùng cô đã sinh cho anh một đứa con gái giống hệt anh và đứa con ngoài giá thú ấy cũng phải chung cảnh sống trong “bóng tối” cùng với mẹ của mình. 
Vài năm sau, vợ anh vô tình phát hiện ra mối quan hệ giữa cô với chồng mình. Chị đau đớn, vật vã khi anh đánh mất lòng tin của chị và phản bội tình cảm của chị từ lâu mà chị vô tư không hề biết. Chị cứ ngỡ hạnh phúc mà mọi người đang ca tụng về gia đình chị là đích thực, nhưng giờ đây chị bẽ bàng nhận ra sự thật đằng sau nó. 
Chị sốc. Chị day dứt bản thân mình đã làm điều gì sai để đến mức anh phải có người đàn bà khác ở bên ngoài, thậm chí có con với cô ta. Chị oán trách số phận trêu đùa và cướp đi của chị những gì chị ao ước. Chị đã phải suy nghĩ và đấu tranh nội tâm rất nhiều, đưa lên “cán cân” để lựa chọn quyết định sáng suốt nhất cho mình.
Chị nhận ra Thủy cũng như chị, cũng là người đàn bà đầy thiệt thòi và mất mát trong tình cảm. Còn những đứa trẻ thì không có tội, có chăng chúng đang phải “hứng” những tội lỗi, hậu quả mà người lớn gây ra. Vô cùng khó khăn để dẹp sang bên sự ích kỷ của người đàn bà, chị đồng ý chấp nhận mẹ con Thủy sau khi cả chồng chị và Thủy mong muốn chị tha thứ. Họ bàn bạc và thống nhất với nhau những “nguyên tắc” mà chỉ ba người hiểu và bản thân mỗi người cảm thấy tạm hài lòng về điều đó.
Tuy chỉ là số hiếm nhưng Thủy chính là người vợ lẽ được đón nhận và bước ra “ánh sáng” trong sự bao dung và đồng cảm của người vợ cả. Chính điều đó đã tác động đến tâm lý Thủy rất lớn, thể hiện sự cảm kích và biết ơn của cô khi được người phụ nữ khác đồng ý san sẻ hạnh phúc của mình, cho dù hạnh phúc ấy là “nửa vời” thì ít nhất nó cũng đã khỏa lấp sự khao khát được làm vợ, làm mẹ của những người chị em chẳng may bị tạo hóa trêu đùa cho số phận của mình.
Hai câu chuyện trên tuy là hai “thái cực” của kiếp vợ lẽ, dù nước mắt sẽ chiếm đa số cho những người nữ giới vô tình rơi vào “mớ bong bong” này. Song nó cũng là điều không chỉ “người trong cuộc” cần suy ngẫm và nhìn lại bản thân mình mà nó còn là sự “cảnh tỉnh” về luật nhân – quả trong cuộc đời khi đi kiếm tìm hạnh phúc đích thực cho bản thân người phụ nữ và sự “sa ngã” của những người đàn ông trong tình cảm.

Đọc thêm