Hạn chế nguy cơ từ giao tiếp ảo

(PLO) - Trong nhiều góc cạnh của đời sống, giao tiếp là một trong những kênh quan trọng thể hiện sự tiến bộ xã hội. Song dường như càng ngày, điều đó đang bị lấn át bởi những kênh giao tiếp mới, thông qua điện thoại thông minh, tiện lợi nhưng vô hồn, nhanh nhưng thiếu cảm xúc, ở gần nhau đấy nhưng lòng lại xa cách… 
Yêu qua mạng xã hội chẳng đáng tin chút nào.
Yêu qua mạng xã hội chẳng đáng tin chút nào.
Hệ thống ngôn ngữ và tư duy của con người là một giá trị đặc biệt. Đó là công cụ của giao tiếp với muôn vàn cung bậc và sắc thái. Nhờ ngôn ngữ, con người trao đổi mọi thông tin, mọi cung bậc tình cảm trong cuộc sống. Nhờ ngôn ngữ và giao tiếp, con người làm chủ vũ trụ và ngày càng tiến bộ. Bởi thế mà xã hội xuất hiện những người có tài hùng biện. 
Bởi thế xã hội có những người lời nói thốt lên làm lay động đến tận đáy tim người khác. Sự truyền cảm một cách sâu sắc của lời nói làm cho người gần người hơn, yêu thương nhau hơn, bỏ qua những ân oán, hằn học, nếu thông qua giao tiếp trực tiếp có thể nhanh chóng giải quyết được.
Cũng nhờ những tiến bộ khoa học mà con người phát minh ra hệ thống máy tính, điện thoại hiện đại, được kết nối bởi mạng in-tơ-nét cũng như đường dây viễn thông. Càng ngày mức độ hiện đại, tinh vi được tăng lên, cùng với đó là những tiện ích kỳ diệu đến khó lòng tưởng tượng. Điều này ai cũng thừa nhận. Thông tin liên lạc bây giờ khác xưa rất nhiều. 
Song, nói gì thì nói, máy móc dù hiện đại và tinh vi đến mấy cũng không thể thay thế tâm hồn con người. Chỉ có con người mới có những trạng thái cảm xúc với những cung bậc khác nhau. Cảm xúc đó hình thành từ cuộc sống, trong đó việc giao lưu tình cảm bằng ngôn từ chính là nguồn nuôi dưỡng, để từ đó sẻ chia và thông cảm, đỡ nâng cho nhau kịp thời và cùng làm khăng khít thêm mối thâm tình.
Hiện nay, số người tham gia các mạng xã hội như Facebook, Twitter, YouTube, Google Plus… ở nước ta đang tăng tới mức chóng mặt, hình thành thế giới cư dân mạng, ngày càng thu hút sự quan tâm của mọi tầng lớp trong xã hội. Có người sùng bái tới mức lập dăm ba tài khoản, tự post các thông tin (bài viết, tâm sự, ảnh, video…). 
Với sự tham gia đa số là giới trẻ, có ưu thế về tiếp nhận công nghệ mới, ít có thói quen đọc sách báo bằng giấy, và chỉ quen lướt “oép”, đọc tin tức. Sự việc dẫn đến hệ lụy là giảm dần thú vui trao đổi bằng lời với nhau mà tận dụng mọi lúc, mọi nơi chúi mặt vào màn hình vi tính, iPad hay điện thoại để chăm chút cho thế giới riêng của mình. Họ bỏ rơi người đối diện, gần đấy mà sao xa cách. Nhiều người phụ thuộc đến nỗi không thể một ngày thiếu “phây”, dành hẳn 18 giờ/ngày rất quý giá “phục tùng” nó. 
Một điều khác, thực tế đang có quá nhiều người sử dụng môi trường giao tiếp ảo nhiều hơn giao tiếp trực tiếp và quá lệ thuộc vào các luồng thông tin trong đó. Việc tiếp nhận không kiểm chứng, và ngay cả khi làm quen, trao đổi, thể hiện tình cảm đều qua tin nhắn với những con chữ khô khan hay các biểu tượng cảm xúc vô hồn. Vậy vì sao vẫn có người tin vào những điều phù phiếm, chẳng rõ trắng đen để rồi hùa theo, tin theo rồi tiếp tục có những phát ngôn phi lý, kéo theo cả những đổ vỡ?
Chắc chắn với những người đã lên mạng để “chém gió”, khoe mẽ, nói xấu, vu cáo… thường là cách để đỡ phải chịu trách nhiệm trước lời nói, phát ngôn của mình. Từ đó cũng có thể lý giải được, thực tế không ít người sống vô cảm, đề phòng nhau, thiếu trách nhiệm với bản thân, với gia đình đã trốn vào mạng xã hội để thể hiện mình.
Rất nhiều người sử dụng nó như là cách che giấu sự lúng túng khi đối diện với người nào đó. Cũng có người lại lảng tránh các việc cần làm trong cuộc sống, thậm chí là những việc chăm sóc bản thân rất cơ bản như ăn uống, ngủ nghỉ để ôm một mớ những điều viển vông. 
Muốn trau dồi năng lực ngôn ngữ phải chăm chỉ rèn luyện bốn kĩ năng (nghe, nói, đọc, viết). Không thích nói, chẳng chịu nghe thì sẽ nhanh chóng thui chột các kĩ năng cơ bản rất đời thường này. Một đứa trẻ lớn lên, từ bé đến sáu tuổi là thời gian học nói, để có một ngữ năng cơ bản của tiếng mẹ đẻ. Chặng thời gian tiếp theo là việc hoàn thiện ngữ năng đó. Không nên để các em học sinh ngoài giờ học là chỉ chú mục vào việc chơi game, “phây”. Không để các em “ngao du” trên mạng hàng giờ, rồi ngại làm việc, ít giao lưu trao đổi với bạn bè, thầy cô, bố mẹ. 
Để cải thiện môi trường giao tiếp cho các em thì chính người lớn nên làm gương. Phải hiểu về thế giới ảo để giảm bớt những nguy cơ, thiệt hại mà nó gây ra, tránh vấp phải những tiêu cực. Tất nhiên, gia đình, nhà trường, xã hội đều phải có trách nhiệm. Mọi sự ngăn cản, hạn chế, cấm đoán đều không phải là biện pháp tốt nhất. Mỗi người chúng ta cần phải tự ý thức về hành vi của mình. Cổ nhân có câu “thái quá như bất cập” (những cái gì quá đà đều không hay). Hãy biết nhận ra điểm dừng và hãy biết dừng lại trước khi quá muộn.

Đọc thêm