Hàng chục hộ dân thấp thỏm dưới chân núi Rậm

(PLO) - Hơn 13 hộ dân nằm dưới chân núi Rậm (thuộc địa phận xóm 5, xã Hưng Yên Nam, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) đang nơm nớp lo sợ trước tình hình sạt lở đất. Toàn bộ tài sản, tính mạng của hơn 57 con người đang nằm trong khu vực nguy hiểm nếu tình trạng mưa kéo dài trong thời gian này. 
Nhà dân ngay dưới chân núi Rậm đối diện với nguy cơ sạt lở vùi lấp.
Nhà dân ngay dưới chân núi Rậm đối diện với nguy cơ sạt lở vùi lấp.

Trước đó, mưa lớn kéo dài trên địa bàn huyện Hưng Nguyên nói riêng và tỉnh Nghệ An vào trung tuần tháng 10/2016 đã gây ra nhiều ảnh hưởng đến đời sống nhân dân. Những ảnh hưởng vẫn chưa được khắc phục triệt để thì mưa lớn lại kéo dài trong nhiều ngày qua, đến sáng ngày 8/11 tại khu vực núi Rậm xảy ra tình trạng sạt lở đe dọa đến người dân sống dưới chân núi. 13 hộ dân với 57 nhân khẩu sống dưới chân núi Rậm đang từng ngày lo lắng khi mưa tiếp tục xảy ra.

Theo bà Phạm Thị Hiên (SN 1949) nhớ lại, vào rạng sáng ngày 8/11, trong lúc gia đình đang ngủ thì bất ngờ nghe tiếng động lớn đổ ào ào ngoài vườn. “Cả gia đình tỉnh giấc ùa ra thì thấy đất đá từ khu vực núi Rậm đổ xuống, tràn vào chuồng trâu, chỉ một lúc sau nhiều cây cối trên núi trôi vào vườn”. 

Sự việc được trình báo chính quyền địa phương, ngay trong đêm chính quyền xã đã huy động hàng chục người dân đến hiện trường để túc trực và chuẩn bị phương án cứu trợ khi có tình huống xấu bất ngờ xảy ra. Cùng với đó, xã cũng vận động các hộ dân đưa người gia, phụ nữ và trẻ em, di dời những tài sản có giá trị đến nơi an toàn.

Trong buổi sáng, đất đá đổ xuống ngày một nhiều thêm, nhận thấy có thể gây ảnh hưởng đến nhà cửa vì vướng tường rào, chính quyền đã vận động người dân phá dỡ một số bờ tường công trình phụ, công trình không kiên cố để giảm áp lực lên nhà cửa. Đến sáng ngày 10/11, người và các tài sản quan trọng, trâu bò, lúa… của các hộ dân nằm trong khu vực ảnh hưởng cơ bản đã được di chuyển đến nơi an toàn. Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, Chủ tịch UBND xã Hưng Yên Nam, khu vực sạt lở dài khoảng 700m, cao khoảng 100m, cách khu vực nhà dân từ 15-20m. 

Có mặt tại hiện trường, dù mưa lớn cơ bản đã ngớt nhưng nước từ trong núi và lòng đất vẫn chảy thành dòng xuống chân núi. Theo những người dân trong vùng, đây là lần đầu tiên trong cuộc đời của họ mới xảy ra tình trạng sạt lở núi như thế này.

Vườn gia đình anh Nguyễn Văn Phượng (SN 1977) bị vùi lấp một lớp đất đá dày đến hơn 1m, để đảm bảo an toàn tính mạng thì anh đã di tản vợ con đến gia đình bà con gần đó. “Khối bùn đất đổ xuống quá lớn, nếu như mưa lớn kéo dài nữa thì có thể tường nhà sẽ bị sập theo, trước đó xã đã cho máy múc đến để dọn bớt đất đá đi nhưng bùn nhão quá, máy không vào được. Chỉ lo mưa lớn kéo đến tiếp thì dân lại không biết xoay xở ra sao…”, anh Phượng nói.

Sau khi huy động lực lượng hỗ trợ người dân, chính quyền xã Hưng Yên Nam đã có tờ trình UBND huyện Hưng Nguyên về phương án bảo vệ tài sản, tính mạng người dân dưới khu vực núi Rậm. “Hiện huyện đã giao cho xã xây dựng kế hoạch dự toán để xây kè tại khu vực bị sạt lở nhằm ngăn chặn tình trạng sạt lở đất tiếp tục xảy ra.

Theo tính toán ban đầu thì để khắc phục được tình trạng này địa phương cần số tiền khoảng 7,5 tỷ đồng để thực hiện”, ông Nguyễn Văn Hiếu cho biết. Theo đánh giá thì có mưa hay không có mưa, nguy cơ sạt lở núi vẫn xảy ra bất kỳ lúc nào, vì thế chính quyền huyện và xã vẫn tập trung lực lượng trực 24/24h nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối về tính mạng và tài sản cho người dân. Về lâu dài, việc có phương án xử lí để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người dân, ngoài ra cần thiết phải tính đến phương án án di dời, tái định cư đối với những hộ dân nằm sát chân núi. 

Đọc thêm