Hàng loạt người chết ở xã ung thư Châu Pha

(PLO) - Bao năm nay, người dân Châu Pha (Bà Rịa- Vũng Tàu) đã phải lần lượt chứng kiến những người thân thương của mình ngã bệnh, ra đi, phải sống chung với ô nhiễm, mầm bệnh. Nhiều kiến nghị gửi đi, người dân đau đáu chờ mà chẳng thấy ai trả lời…
Hàng loạt người chết ở xã ung thư Châu Pha

Hoang mang

Theo chân anh Kiều Trung Thứ trưởng thôn Suối Tre, xã Châu Pha, chúng tôi đến gia đình chị Vũ Thị Nhung ở ấp 4 - người vừa nối gót theo chồng về nơi chín suối vì căn bệnh ung thư quái ác khi mới ngoài 40 tuổi. Trên bàn thờ, trước di ảnh chị Nhung là một mâm cơm đạm bạc vừa được đặt lên thắp nhang trong tuần cúng cơm 49 ngày của chị. Trên cao hơn một chút là bàn thờ của anh Trần Trung Kiên - chồng chị, đã ra đi 6 năm trước. Căn nhà tuềnh toàng, trống huơ trống hoác chỉ có hơi ấm duy nhất theo khói hương từ bàn thờ của anh chị tỏa ra.
Anh Kiều Trung Thứ cho biết thêm, trước đây chồng chị Nhung có nghề thợ mộc, làm cũng đủ ăn. Tuy nhiên, anh bị mắc bệnh ung thư gan, tiền của có bao nhiêu đội nón ra đi hết nhưng rồi người cũng không cứu được. Chị Nhung một mình tần tảo nuôi các con ăn học. Khi đổ bệnh, mảnh vườn, thửa ruộng nhỏ cũng phải bán hết để lấy tiền chữa trị. Chị nằm xuống chẳng còn gì để lại cho các con ngoài căn nhà trống trải. Để giúp đỡ 2 con của chị, hiện nay xã cũng đã liên hệ với một số doanh nghiệp đóng trên địa bàn để xin việc cho hai cháu.
Rời nhà chị Nhung, chúng tôi đi chếch vài bước chân sang nhà anh Lê Thanh Đệ - người hàng xóm của chị Nhung, cũng đang bị bạo bệnh. Nằm trên chiếc võng với cái túi chứa dịch đào thải từ cơ thể ra, anh Đệ mệt mỏi đưa mắt nhìn chúng tôi. Nhìn anh chỉ còn da bọc xương, dù theo anh Thứ thì trước đó anh Đệ là một trung niên rất vạm vỡ... 
Năm 2010, anh Đệ đau bụng kéo dài, đi khám và phát hiện bị ung thư dạ dày. Không còn tiền để xạ trị, anh đành chấp nhận để bệnh ngày một nặng. Tại thời điểm này, khối ung thư đã di căn sang gan, chèn ống mật nên sau khi phẫu thuật đặt túi dịch, bác sỹ cho về nhà. Thuốc men bây giờ chủ yếu là giảm đau và các bài thuốc nam.
Theo anh Kiều Trung Thứ, tại thôn Suối Tre, ngoài anh Đệ hiện trong thôn còn 4 người khác cũng đang chống chọi với căn bệnh ung thư. Theo thống kê của thôn, từ năm 2006 đến nay thôn có tới 18 người mắc căn bệnh ung thư, trong đó 5 người mới phát hiện và đang chống chọi với bệnh, còn lại đều đã qua đời. Còn theo thống kê của y tế huyện, chỉ tính từ năm 2008 đến nay, xã Châu Pha đã có 46 người chết vì ung thư, người bị ung thư dạ dày, người bị ung thư vòm họng, người bị ung thư tụy…. Riêng từ đầu năm 2013 đến nay có 4 trường hợp tử vong. 
Đáng nói là những người tử vong do căn bệnh này đều còn rất trẻ, chủ yếu từ ngoài 30 đến ngoài 50 tuổi và đều là những nhân lực chính trong gia đình. Không chỉ tước đi mạng sống của con người, căn bệnh hiểm nghèo này còn “quét sạch” tài sản mà cả đời cả gia đình các hộ dân này tích cóp được.

Bệnh tới từ thượng nguồn?

“Ở dưới con suối này, vào những lúc trời mưa to, nước trên thượng nguồn chảy về đen ngòm, mùi hôi thối bốc lên rất dữ dội. Chúng tôi chẳng biết vì sao. Những năm trước, tình trạng này không có. Bà con chúng tôi đoán già đoán non: Hay là tại nước từ bãi rác Tóc Tiên khiến môi trường ô nhiễm, gây bệnh cho người dân, vì con suối này bắt nguồn từ trên suối đá cạnh bãi rác” - dẫn chúng tôi ra trước nhà khoảng 50 mét, chị Trần Thị Điệu, ấp 4, thôn Suối Tre chỉ xuống dòng suối đục ngầu chạy ngang xóm, lo âu nói với chúng tôi như vậy. Đây là con suối cung cấp nước sinh hoạt và tưới tiêu cho bà con nông dân xã Châu Pha từ bao đời nay. 
Đây là nguyên nhân gây ung thư cho người dân Châu Pha?
 Đây là nguyên nhân gây ung thư cho người dân Châu Pha?
Anh Vương Văn Hậu (ấp 4, xã Tóc Tiên), đưa chúng tôi vào nhà để chứng minh cho thấy môi trường sống của gia đình anh và bà con quanh xóm bị ô nhiễm mức nào. Nhà anh được xây dựng kiên cố, không gian rộng rãi, thoáng đãng, thế nhưng ngày nào cũng phải đóng kín cửa để hạn chế mùi hôi. Mặc dù vậy nhưng do không khí toàn bộ khu vực đã bị mùi hôi từ khu 100ha Tóc Tiên xông lên nên cũng chỉ hạn chế được phần nào. 
Ba con nhỏ của anh bị bệnh hô hấp triền miên, hiện cả 3 đang phải nghỉ học vì bệnh. Ngay thời điểm chúng tôi có mặt, cháu nhỏ nhất cũng đang thở khó khè. Cháu hồn nhiên cầm gói thuốc của mình khoe chúng tôi. Nhìn cháu, không thể tin nổi đây là một học sinh lớp 2.
Đây không phải là lần đầu tiên chúng tôi đến đây, cũng không phải lần đầu tiên biết về thực trạng cuộc sống của người dân vùng sâu xa này. Đây là câu chuyện đã xảy ra từ lâu mà đỉnh điểm của nó là vào năm 2009, khi mà sau 2 năm Cty Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường đem rác thải sinh hoạt đến chôn lấp tại đây theo phương thức “đào hố tống thẳng rác xuống rồi lấp đất”.
Với khối lượng rác tiếp nhận mỗi ngày 550 tấn, chỉ sau 2 năm, dưới lòng đất trong khu 100ha Tóc Tiên đã “ôm” tới hơn nửa triệu tấn rác và rác thải bắt đầu phân hủy dưới lòng đất, nước rỉ rác ngấm xuống các mạch nước ngầm, lan nhanh ra môi trường. Toàn bộ giếng nước ngầm và con suối đá phía dưới bãi rác nhuốm một màu nâu sậm, mùi hôi nồng nặc. 
Trước thực trạng đó, tỉnh đã phải “ra tay” xử lý, tính toán bồi thường để di dời các hộ dân này đi khỏi đây. Tuy nhiên, vấn đề không chỉ dừng lại đó. Rác vẫn tiếp tục được chôn dưới lòng đất Tóc Tiên với khoảng gần 1 triệu tấn, cho đến năm 2012, khi chật kín 20ha đất mới dừng…

Bao giờ dân mới hết… chết mòn?

Ông Trần Đình Ơn - Chủ tịch UBND xã Châu Pha cho biết, trong các cuộc tiếp xúc cử tri, bà con và chính quyền xã cũng phản ánh với các Đại biểu HĐND, Đại biểu Quốc hội mong được xem xét, tìm ra nguyên nhân. Mới đây nhất, xã đã chỉ đạo Trạm Y tế thống kê cụ thể con số những người bị ung thư trên toàn địa bàn để chính thức có văn bản báo cáo lên tỉnh cũng như đề nghị các cơ quan chuyên môn vào cuộc, tìm ra nguyên nhân, trả lời trước nhân dân về các nguy cơ để người dân an tâm. Trong lúc mòn mỏi chờ câu hỏi từ phía nhà quản lý thì người dân Châu Pha vẫn đang sống chung với cơn bão ung thư ngày ngày xói mòn sức khỏe và tài sản của mình.

Đọc thêm