Hàng triệu người dân tiếp tục khát bên cống dẫn nước Nam Đàn

(PLO) - Sau 5 năm triển khai, Dự án xây dựng nâng cấp, mở rộng cống Nam Đàn đến nay vẫn chưa thể đưa vào sử dụng khiến không chỉ người dân 5 huyện, thị khu vực phía Nam tỉnh Nghệ An sống trong cảnh khát mà còn gây ra sự lãng phí vô cùng lớn.
Nhiều hạng mục của dự án xây dựng nâng cấp mở rộng cống Nam Đàn thi công dang dở nhưng vốn thì đã hết sạch
Nhiều hạng mục của dự án xây dựng nâng cấp mở rộng cống Nam Đàn thi công dang dở nhưng vốn thì đã hết sạch

Thi công cầm chừng

Dự án xây dựng cống Nam Đàn được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) khởi công từ tháng 4/2010. Đến nay đã quá 3 tháng so với thời gian ấn định để hoàn thành nhưng chưa ai dám chắc công trình thủy lợi trọng điểm này bao giờ sẽ được đưa vào khai thác. 

Ghi nhận trực tiếp tại công trường cho thấy ngoài các hợp phần của dự án như: cống và âu thuyền, cầu qua kênh trên quốc lộ 46, các trạm biến áp, các trạm bơm cơ bản đã hoàn thành thì vẫn còn hàng loạt gói thầu quan trọng khác rơi vào tình trạng thi công dang dở, có biểu hiện xuống cấp.  

Theo quan sát của phóng viên, phần xây dựng đường quản lý và nhà điều hành mới xây được bờ tường rào, còn tòa nhà chính cũng chỉ xong phần thô và nằm phơi mưa, nắng. Còn tại khu vực xây dựng kênh dẫn hạ lưu, một hợp phần quan trọng của dự án cũng thấy thi công cầm chừng. 

Trước đó, như PLVN đã thông tin, Dự án xây dựng, nâng cấp mở rộng cống Nam Đàn là 1 trong 12 dự án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ nằm trong danh sách các dự án đội vốn đầu tư. Và ở dự án này cũng đóng góp một nhà thầu tai tiếng là Công ty Cổ phần xây dựng công trình và thương mại 747 khi doanh nghiệp này nằm trong danh sách 23 nhà thầu bị Bộ NN&PTNT bêu tên và “cấm cửa” tham gia các dự án của ngành này. 

Người dân “dài cổ” chờ nước

Giải thích nguyên nhân thi công cầm chừng, ông Đặng Văn Quyền, Trưởng phòng Quản lý xây dựng công trình, Sở NN&PTNT Nghệ An nói thẳng rằng do dự án đã hết sạch vốn. Đáng chú ý, được đánh giá là một trong những hợp phần hết sức quan trọng của dự án nhưng đến nay hạng mục xây dựng đường thi công và kênh dẫn hạ lưu không thể hoàn thành do không còn vốn.

Theo tài liệu thu thập của PV, để hoàn thành hạng mục này thì dự án phải điều chỉnh và đội thêm khoảng 130 tỷ đồng, trong khi giá trị được phê duyệt ban đầu là 128,8 tỷ đồng.  

Việc không có đường dẫn nước về hạ lưu nên không thể đưa công trình vào sử dụng đã ảnh hưởng rất lớn đến việc sản xuất nông nghiệp cũng như cấp nước sinh hoạt cho người dân 5 huyện, thị khu vực phía Nam của tỉnh Nghệ An: Nam Đàn, Hưng Nguyên, Nghi Lộc, TX Cửa Lò và TP Vinh khi mùa khô hạn bắt đầu có những diễn biến phức tạp.  

Trao đổi với PLVN, ông Cao Danh Phú, Phó Giám đốc Công ty Thủy nông Nam Nghệ An cho hay: Hệ thống cống Nam Đàn cũ chỉ đủ cấp nước cho sản xuất nhỏ, với lúa chỉ đủ cấp được khoảng 6 tháng. Nhưng mấy năm nay, mực nước ở khu vực cống Nam Đàn cũ liên tục ở mức âm khiến việc cấp nước hết sức khó khăn, 5 huyện thị hạn hán diễn ra tương đối nghiêm trọng, nhất là vụ Hè Thu. 

Theo ông Hồ Ngọc Sỹ, Giám đốc Sở NN&PTNT Nghệ An, để khắc phục tình trạng khát nước triền miên của khu vực phía Nam tỉnh Nghệ An, nhiều năm nay tỉnh này phải bỏ ra cả đống tiền để thực hiện các giải pháp điều tiết nước chống hạn.  

“Chúng tôi phải điều tiết nước từ các hồ thủy điện lớn như thủy điện Bản Vẽ về hạ du. Khi nước sông Lam đạt mức sẽ bố trí đóng các cửa xả để nước tạm thời không chảy qua hệ thống tự chảy của thủy nông phía Bắc của tỉnh,  dồn nước về khu vực phía Nam để chống hạn. Cùng với đó sẽ chặn nước dâng ở khu vực cầu Cấm, rồi lợi dụng thủy triều dâng nước lên tại cống thủy lợi Nam Đàn cũ để cho nước chảy được vào hệ thống kênh mương nội đồng. Nếu nước thấp không vào được sẽ huy động các trạm bơm dã chiến để ứng cứu chống hạn” - ông Sỹ nói. 

Lý do gì khiến dự án thủy lợi quan trọng của ngành nông nghiệp hết sạch vốn không thể hoàn thành để đưa vào sử dụng?

Báo sẽ PLVN sẽ tiếp tục thông tin. 

Dự án xây dựng, nâng cấp mở rộng cống Nam Đàn sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ, có tổng mức đầu tư 536,7 tỷ đồng. Thời gian thi công ngày 5/4/2010 và dự kiến hoàn thành công trình ngày 30/12/2015. Nhưng, tính đến hết năm 2015, đây là 1 trong 12 dự án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ nằm trong danh sách các dự án đội vốn đầu tư của Bộ NN&PTNT.

Đọc thêm