Hạnh phúc hay bất hạnh đều do người trong cuộc

(PLO) - Gia đình trong xã hội cũng như các vì sao trong thiên hà, có rất nhiều và mỗi ngôi sao lại soi sáng một dáng vẻ, sắc màu khác nhau. Gia đình cũng vậy, có gia đình luôn hoàn thuận, hạnh phúc, là nơi ngự trị của tiếng cười, niềm vui, nhưng cũng lại có gia đình chỉ thấy nước mắt của khổ đau, buồn bực, cãi cọ. Độ sáng, màu sắc của những ngôi sao được quyết định bởi nguyên tắc vật lý, hóa học, còn sắc thái của từng gia đình thì do đâu mà có?
Hạnh phúc hay bất hạnh đều do người trong cuộc

Bên êm đềm, bên nổi sóng

Chị Mai và chị Hương là hàng xóm với nhau, họ khá thân nên hay đi cùng nhau, con cái cũng học cùng một trường. Nhưng gia đình của hai chị thì như mảng tối sáng của bức tranh, một bên cả ngày chẳng thấy tiếng nói to, một bên cứ liên tục xô bát xô đũa như có cỗ làng.

Một hôm hai chị cùng đi chợ, chẳng hiểu bị trúng bùa mê thuốc lú hay bị dỗ ngon dỗ ngọt thế nào mà mỗi người mất  vài triệu đồng để mua thuốc bổ về nhà té ra toàn đồ giả. Tiếc tiền, sợ chồng mắng, hai bà vợ bàn mãi mà chưa biết cách nào để thông tin lọt tai chồng.

Sau bữa cơm tối chị Mai thông tin với chồng sự việc, chồng chị Mai chép miệng: “Thôi của đi thay người chứ biết làm sao. Cũng tại em quá cả tin và quá lo cho sức khỏe gia đình ấy mà”. Câu chuyện dừng lại ở đó và chị Mai cũng thừa nhận với chồng là mình dễ tin người, a dua mua nên mới bị lừa như vậy.

Còn ở nhà chị Hương, sau khi nghe vợ nói chồng chị Hương đập bàn cái rầm, quát ầm lên: “Cô phí phạm quá đấy, tôi đi làm vất vả để cô tiêu tiền như thế đấy hả”. Đang tiếc tiền lại bị thêm dầu vào lửa, chị Hương cũng chẳng kém gào lên: “Tôi mua thuốc cho mình tôi uống chắc, hay mua cho thằng nào uống cho khỏe rồi đi rửng mỡ với gái cho sướng thân”. Sau tiếng cãi cọ của hai vợ chồng là tiếng bát đĩa vỡ loảng xoảng. 

Lần khác, hai bà mẹ cùng đi học phụ huynh cho hai thằng con trai đang học cấp hai. Cô giáo thông báo về kết quả học tập sa sút của hai cậu bé do mải chơi, lười học. Về nhà, cả gia đình chị Mai họp lại, bố mẹ thẳng thắn chuyện trò với con như người lớn rồi phân công nhau bớt việc riêng để kèm cặp thêm con. Hàng xóm láng giềng tuyệt nhiên không nghe một tiếng động nào từ gia đình họ.

Còn nhà chị Phương, cũng họp gia đình nhưng để xỉa xói nhau xem thằng con học dốt ham chơi thế là mang gen bố hay gen mẹ. Người này không tiếc lời phỉ báng người kia kém cỏi và tự thương mình rước họa vào thân khi lấy chồng/vợ. Hàng xóm lại được một phen ù tai

Hai đứa con của hai gia đình khá thân nhau nhưng mỗi đứa một tính. Một đứa thì nói năng lễ phép, nhã nhặn, đứa kia cứ động tí là đỏ mặt văng tục. Một đứa con gia đình như tổ ấm yêu thương còn đứa kia tuyên bố thẳng nhà chỉ là cái chỗ chui ra chui vào về ăn ngủ chứ không yêu thương nổi vì cha mẹ luôn gây gổ với nhau không khác gì địa ngục. Nhìn cách hành xử của hai đứa trẻ và cách sống của hai gia đình, nhiều hàng xóm đã có thể đoán định tương lai sáng sủa hay ảm đạm của chúng.

Bộ quy tắc ứng xử trong đời sống vợ chồng, tại sao không

Có một thực tế rằng các số liệu điều tra về trẻ phạm tội đều cho thấy rằng, nguyên nhân khiến trẻ phạm tội chủ yếu xuất phát từ sự thiếu hòa thuận trong gia đình mà chủ yếu là sự không hòa thuận của vợ chồng. Một cuộc khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Gia đình và Phụ nữ phỏng vấn 70 trẻ nghiện ma túy ở Trại Giáo dưỡng số 2 Ninh Bình, trú tại 4 phường trên địa bàn TP. Hà Nội về nguồn gốc gia đình cho thấy: 10 gia đình bố mẹ ly hôn, 6 gia đình bố mẹ ly thân, 10 gia đình bố mẹ bất hòa, 6 gia đình bố mẹ có hành vi phạm pháp, 16 gia đình bố mẹ nghiện ma tuý, 16 gia đình bố hoặc mẹ qua đời. Đặc biệt, có 6 gia đình làm ăn kinh tế phát đạt, giàu có nhưng do chăm lo làm kinh tế hơn chăm lo con cái, nên con cái đã đi vào con đường nghiện hút.

Chẳng phải vô lý khi cha ông ta xưa đúc kết: “Thuận vợ thuận chồng tát bể Đông cũng cạn”. Sự hòa thuận của mối quan hệ vợ chồng là yếu tố tiên quyết để làm nên hạnh phúc không chỉ cho hai người mà còn cho tất cả thành viên trong gia đình, đặc biệt là đối với những đứa trẻ. Thế như tại sao nhiều cặp vợ chồng khi yêu đương thì thắm thiết như khi về chung một nhà lại cãi nhau như cơm bữa?

Bàn về những nguyên nhân chính khiến cho mối quan hệ vợ chồng không hòa thuận GS Lê Thi nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Gia đình và Giới đã từng nhận định đó là: do bố mẹ kiếm sống khó khăn, nghèo túng nên hay nặng lời với nhau; bố hay đi uống rượu, say rượu về quát mắng ầm ỹ, đánh vợ, đánh con vô cớ; cũng có trường hợp vợ hoặc chồng ngoại tình sinh ra mâu thuẫn; bố mẹ thua đề cãi nhau; mẹ hay bố buôn bán thua lỗ, dằn vặt, cãi nhau… Và một khi mối quan hệ vợ chồng trở nên không hòa thuận không chỉ biến cuộc sống của mỗi người mỗi ngày trôi qua là sự chịu đựng lẫn nhau mà họ còn biến “tổ ấm gia đình” của mình thành địa ngục trần gian mà mọi thành viên trong gia đình đều bị ảnh hưởng, nhất là con cái của họ.

Theo nhiều chuyên gia tâm lý, xét về mặt bản chất thì nguyên nhân gốc rễ của những mối bất hòa trong gia đình là do các thành viên, nhất là vợ chồng thiếu kỹ năng ứng xử. Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Diệu Hoa, kỹ năng ứng xử lại phụ thuộc rất nhiều vào sự hiểu biết của vợ và chồng. Điều đáng lo ngại là hiện nay chúng ta đang thiếu những bộ quy tắc ứng xử trong đời sống vợ chồng. Các cặp vợ chồng chung sống với nhau nhưng dường như không có một bộ quy chuẩn nào để giúp họ hiểu bổn phận của người vợ thì phải như thế nào, bổn phận của người chồng ra sao. Từ việc không xác định rõ bổn phận của mình nên dẫn đến sự thiếu trách nhiệm. Từ sự thiếu trách nhiệm sẽ kéo theo những tâm lý oán trách, thất vọng, nghi kỵ, chán ghét… lẫn nhau. Mọi rắc rối phát sinh từ đó và gia đình, con cái là đối tượng phải hứng chịu.

Đọc thêm