Hành trình nhọc nhằn của người bố bị trao nhầm con

(PLO) -Ngày hai bên trao trả con cho nhau, niềm hạnh phúc nghẹn ngào của hai gia đình khiến nhiều người chứng kiến không cầm được nước mắt. Thế nhưng, ít ai biết rằng, để có được hạnh phúc ngày hôm nay, cả hai gia đình đã trải qua những ngày sóng gió, mà nếu như không có lòng tin, sự yêu thương dành cho nhau thì hạnh phúc của họ đã không còn.
Hai gia đình trong buổi hòa giải
Hai gia đình trong buổi hòa giải

Ấp Tổng Cui Lớn vốn yên bình mấy tháng nay bỗng bị khuấy động. Một ngày đầu tháng 5, đầu thôn cuối xóm, bà con đều đồn, vợ chồng Thị Liên (SN 1992) bắt con người khác nuôi suốt 3 năm, nay gia đình cháu bé tìm đến đòi lại nhưng không chịu trả. Lại có người bảo, có người xấu muốn tung tin đồn để cướp con Thị Liên đi khiến mọi người vô cùng hoang mang, lo sợ. 

Cách đó chỉ hơn 10km, ở thị xã Bình Long, cũng có một gia đình mất ăn mất ngủ bởi họ biết chắc con mình đang sống trong nhà người khác nhưng lại không thể ôm ấp, ẵm bồng cho thỏa nỗi nhớ mong. Phải gần 3 tháng sau, khi có kết quả xét nghiệm AND, Bệnh viện Đa khoa thị xã Bình Long, tỉnh Bình Phước mới nhận trách nhiệm sai sót vì đã trao nhầm hai cháu bé thì mọi chuyện mới được sáng tỏ. 

Mang tiếng bị vợ “cắm sừng” 

Anh Vũ Đình Khiên (SN 1980) kể, trước đây, cả hai vợ chồng đều tham gia công tác ở địa phương. Anh là bí thư còn chị là phó bí thư đoàn phường. Song, do cuộc sống quá khó khăn, tiền phụ cấp công tác ít ỏi không đủ trang trải cuộc sống gia đình nên năm 2010, chị Nguyễn Thị Thu Trang (SN 1990, vợ anh Khiên) quyết định nghỉ việc đi bán nước mía, cháo lòng mưu sinh. 

Hai năm sau, anh cũng phải từ bỏ công việc mình gắn bó suốt 17 năm vì gánh nặng “cơm áo gạo tiền”. Công việc mới chưa ổn định, chị khi đó đang trong thời kỳ thai nghén bé thứ hai, buôn bán cầm chừng khiến cuộc sống gia đình càng khó khăn. Để chuẩn bị tiền đón cháu bé thứ 2 chào đời, anh phải làm việc gấp đôi, gấp ba ngày thường. 

Và ngày chờ đợi ấy đã tới. Vào sáng ngày 10/1/2013, chị Trang chuyển dạ, anh liền đưa vợ tới Bệnh viện Đa khoa thị xã Bình Long sinh nở. Anh nhớ lại: “Cả khoa sản thời điểm ấy chỉ có 2 sản phụ là vợ tôi và một sản phụ người dân tộc S’tiêng đi cùng mẹ sống ở huyện Hớn Quản. Vợ tôi sinh được 15 phút thì sản phụ kia cũng sinh một bé gái.

Cả hai bé đều nặng 3kg. Sau khi sinh, các cháu được hộ lý đưa qua phòng hậu sản vệ sinh, chăm sóc sau đó mới đưa về bên mẹ. Năm ngày sau, tôi đưa vợ con xuất viện về nhà, đặt tên con là Lan Anh”. 

Cuộc sống kéo họ đi với những lo toan bộn bề, hai cháu bé cùng sinh ra ngày hôm ấy cứ thế sống bình yên trong vòng tay chăm sóc của ông, bà, bố, mẹ. Thế nhưng, những hồ nghi đã xảy ra khi ngoại hình cháu Lan Anh quá khác với những người trong gia đình. 

Anh Khiên nhớ lại: “Trước đó, dì cháu từng thắc mắc, cơ thể cháu có mùi rất lạ, dù đã dùng sữa tắm trẻ em kỳ cọ kỹ vẫn không hết nhưng tôi chẳng để tâm. Song khi con lên 1 tuổi tôi phát hiện con chẳng giống ai trong nhà, da sậm, tóc xoăn, đặc biệt là ánh mắt rất giống mắt của những người đồng bào (người dân tộc S’tiêng – PV) sinh sống trên địa bàn”. 

Thật lòng, cũng như đa số những người đàn ông khác, anh nghi ngờ vợ phản bội mình nhưng chỉ giữ nỗi ấm ức trong lòng. Cũng có đôi lần anh thắc mắc về sự khác biệt của con gái để thăm dò thái độ của vợ nhưng chị Trang cứ thản nhiên như không khiến anh vô cùng lúng túng chẳng hiểu vợ ngây thơ, vô tội thật hay “diễn” quá đạt. 

Thậm chí đã từng có lúc anh bỏ công bỏ việc để theo dõi vợ nhưng chẳng tìm được gì bất thường. Ngẫm lại, trong suốt thời gian cưới nhau tới lúc sinh bé Lan Anh, hai vợ chồng chẳng xa nhau bao giờ thì vợ làm sao có thời gian ngoại tình.

Hơn nữa, trên thế giới chuyện con cái không giống cha mẹ cũng chẳng hiếm. Từng có cặp vợ chồng người da màu nhưng cả mấy người còn ruột đều có làn da trắng hồng. Nghĩ thế, nên anh gạt bỏ được những thắc mắc trong lòng.  

Thế nhưng, anh thấy thì người xung quanh cũng thấy. Những tiếng xì xào, bàn tán về việc anh đang nuôi con “tu hú” , bị vợ “cắm sừng” ngày càng nhiều.  “Có người nói thẳng vào mặt tôi, mày ngu vừa thôi, bị vợ cắm sừng mà không biết. Nói thật, lúc đó tôi đau, phẫn uất vô cùng”, anh Khiên tâm sự. 

Dẫu chẳng ai đưa ra được chứng cớ vợ anh ngoại tình, song họ lý lẽ, có nhiều người khi cận kề cái chết mới được vợ tiết lộ đứa con mình hết mực yêu thương là con của người đàn ông khác khiến nỗi nghi ngờ trong anh vực dậy.

Anh tức giận đem hết những nghi ngờ, uẩn ức bấy lâu chất vấn vợ. Ban đầu chị còn thanh minh, thề lên thề xuống rằng mình trong sạch nhưng trước thái độ chỉ muốn buộc tội của chồng đành im lặng, nhẫn nhịn. 

Chị Trang biết, dù mình không làm gì có lỗi, song bề ngoài đứa bé quá khác biệt so với mọi người. “Vợ thanh minh thì mình nghĩ cô ấy đang đang bào chữa, ngụy biện, còn im lặng mình lại lo sợ im lặng là thừa nhận tội ngoại tình… khiến tình cảm vợ chồng sứt mẻ nghiêm trọng. Có giai đoạn khủng hoảng tưởng chừng như không thể sống chung được với nhau nhưng chính lòng tin và sự yêu thương đã chiến thắng tất cả”, anh Khiên chia sẻ. 

Chẳng ai hiểu vợ bằng chồng, nên hơn ai hết, anh Khiên biết vợ là người chung thủy, một lòng với gia đình. Với lòng tin đó anh dần phớt lờ những tiếng xì xào, ong ve bên ngoài. Có lúc, anh phải nói cứng với mọi người: “Con ai cũng được, vào nhà mình, gọi mình bằng bố là đã có duyên với mình rồi, bận tâm chuyện khác làm gì”. 

Hai năm mòn mỏi tìm con

Nói là nói vậy nhưng lòng anh vẫn không hết gợn sóng. Anh Khiên chia sẻ: “Vợ không ngoại tình, chỉ còn khả năng, chúng tôi đã nhận nhầm con trong lúc sinh nở. Tôi chợt nhớ người phụ sản sinh cùng ngày với vợ tôi là người đồng bào sống trên địa bàn nên bàn với Trang tìm tới nhà người ta xem thế nào”. 

Tuy nhiên, việc tìm kiếm này không đơn giản. Nghĩ mình chưa có cơ sở nên anh không dám lên bệnh viện hỏi thăm địa chỉ người sản phụ kia mà tự mình tìm hiểu. Thông tin duy nhất anh Khiên biết là, gia đình họ ở huyện Hớn Quản, nhưng Hớn Quản rộng bao la. Người đồng bào sống rải rác, văn hóa cũng khác người Kinh nên đâu dễ dàng tìm hiểu. 

Không bỏ cuộc, anh mượn ông Nguyễn Duy Nguyên (bố vợ) chiếc xe ông vẫn bán bánh mỳ dọc địa bàn đồng bào dân tộc sinh sống hành nghề bán dạo. Nhiều tháng quần thảo địa bàn huyện Hớn Quảng, cuối cùng anh cũng tìm ra nhà 2 mẹ con người S’tiêng nằm cùng phòng vợ mình hiện ở xã Phước An, ấp Tổng Cui Lớn. 

Anh Khiên tâm sự: “Biết nhà họ rồi nhưng tôi cũng chẳng dám vào hỏi thăm vì sợ mình nhầm bởi đây là chuyện rất tế nhị. Tôi sợ văn hóa hai bên khác nhau, hỏi không khéo dễ gây hiểu nhầm nên chỉ dám đi xung quanh tìm hiểu, chờ khi nào tận mắt thấy cháu bé, nếu giống mới dám vào hỏi chuyện.

Vậy nhưng, gần nửa năm quan sát, tôi chỉ thấy có hai ông bà già, chẳng có đứa trẻ nào ở trong ngôi nhà đó. Nghĩ mình tìm nhầm địa chỉ, và còn phải đi làm kiếm tiền lo cho gia đình nên tôi phải tạm ngưng việc tìm kiếm”. 

Tháng 7/2014, anh Khiên rời Bình Phước đi TP.HCM kiếm việc làm. Nhưng nỗi trăn trở về đứa con bị thất lạc vẫn canh cánh trong lòng. Trước khi đi, anh tâm sự với bố vợ hết nổi khổ tâm bấy lâu và nhờ ông giúp đỡ. Anh dặn kỹ, cố gắng để mắt đến ngôi nhà mình đã nghi ngờ. Nhận được sự ủy thác của con rể và với mong muốn tìm ra sự thật, ngày nào ông Nguyên cũng dừng lại ngôi nhà trên rao bán vài lần. 

Trời đã không phụ lòng người có công, sáng ngày 3/5, như thường lệ, ông Nguyên dừng lại trước ngôi nhà chị Thị Liên rao bán hàng. Cánh cửa hé mở, bà Thị Ché (mẹ Thị Liên) gọi với ra mua bánh rồi bước ra, theo sau là đứa bé chừng 3 tuổi có làn da trắng, tóc dài mượt khiến ông giật mình. Khi cháu bé ngước mắt lên nhìn người bán hàng, ông run lên:

“Giống chị nó quá. Cháu mình đây rồi”. Ngay khi hai bà cháu người phụ nữ quay gót, ông lập tức báo tin cho anh Khiên rồi tức tốc chạy về nhà. 

Cuộc gặp gỡ vội vàng

Trưa hôm ấy, mọi người đưa cháu Lan Anh cùng người con lớn tới nhà chị Thị Liên để đối chứng. “Quá vui mừng nên gia đình chúng tôi vội vàng đưa các con tới nhà chị Liên để đối chứng mong tìm ra sự thật mà quên mất những thủ tục cần thiết, quên mất văn hóa hai bên khác nhau dễ gây hiểu lầm”, người cha nhớ lại.

Nhà bà Ché lúc ấy chỉ có ba mẹ con, bà cháu ở nhà nên khi thấy đại gia đình tôi xuất hiện trước cửa thì có vẻ rất lo lắng như sợ gặp người xấu. Chúng tôi vì mong được nhìn thấy con, cháu nên chẳng để ý, chỉ tập trung vào hỏi han, nhìn ngắm cháu Ngọc Yến (khi đó là con gái Thị Liên). 

Có thể vì quá lo sợ, chị Liên ôm khư khư con gái vào lòng, đứng nép vào cửa không muốn cho ai lại gần. “Lúc bấy giờ, chúng tôi mới trấn tĩnh lại, tản ra nói rõ sự tình với bà Thị Ché. Nghe vậy, bà Ché tỏ ra hoảng hốt nói lớn, từ lúc Liên  mang thai, tới lúc sinh đẻ, đón cháu một tay bà làm thì làm sao có sự nhầm lẫn, làm sao lại nói không phải là cháu mình”, anh Khiên nhớ lại. 

Nghe thấy thế, chị Liên la lên, là nếu mọi người không ra khỏi nhà thì sẽ gọi hàng xóm đến cứu, rồi bế bé Yến bỏ chạy. Nghe tiếng kêu, hàng xóm kéo đến đông, sợ có chuyện không hay, gia đình anh Khiên phải ra về tìm phương án khác. “Khi gặp được cháu bé, vợ chồng tôi đều khẳng định đó chính là con gái ruột của mình”, anh Khiên nhớ lại.

Gặp được con, thấy con ốm yếu nhưng lại không thể gần gũi để ẵm bồng, chăm sóc khiến vợ chồng anh vô cùng đau đớn. Suốt buổi chiều hôm ấy, cả đại gia đình bàn bạc để tìm cách đưa con gái về với mình nhanh và an toàn nhất. 

Ngay khi mọi người thống nhất xét nghiệm AND của hai mẹ con chị Trang để biết rõ thực hư, anh Khiên vội vã đi vay mượn khắp nơi được hơn chục triệu đồng, đưa vợ cùng vật phẩm thử AND của cô con gái thứ 2 xuống thẳng TP.HCM làm xét nghiệm. 

Anh chia sẻ, thời gian chờ đợi kết quả là thời gian khó khăn, lo lắng nhất của hai vợ chồng. Gần như không đêm nào họ ngủ ngon vì lo lắng và nghĩ về đứa con bị thất lạc.

Hai cháu bé và người thân trong buổi hòa giải
Hai cháu bé và người thân trong buổi hòa giải

Nỗi oan bắt con người khác về nuôi

Trong khi đó, ở ấp Tổng Cui Lớn, cuộc sống gia đình chị Thị Liên cũng bị đảo lộn. Anh Điểu Như (anh ruột chị Liên) chia sẻ, do chồng Liên là người Kinh nên cháu Yến không giống người đồng bào cũng là chuyện thường. Cháu Yến sống cùng bố mẹ ở Bình Dương. 

Thời gian gần đây, Thị Liên chuẩn bị sinh cháu thứ 2 nên về nhà mẹ ruột chờ ngày sinh đẻ. Đó chính là nguyên nhân dù nhiều lần tới đây nhưng anh Khiên không nhìn thấy con mình, chứ không phải gia đình ông có ý che dấu điều gì. Sự việc gia đình anh Khiên đường đột kéo đến nhận cháu Yến là con mình khiến cho gia đình em gái anh Như vô cùng hoảng hốt. 

“Hôm ấy, anh em tôi nhận được điện thoại của Liên nói có người muốn bắt cháu Yến thì vội vàng về  ngay, nhưng lúc đó gia đình anh Khiên đã đi về. May mà khi gia đình anh Khiên tới chỉ gặp toàn đàn bà, phụ nữ ở nhà, nếu gặp phải đàn ông là có chuyện rồi.

Không phải chúng tôi hiếu chiến mà người đồng bào ít giao tiếp bên ngoài, không hiểu hiểu tiếng Kinh, văn hóa hai bên cũng khác nhau nên rất dễ gây hiểu nhầm. Mà không riêng gì người đồng bào, ở đâu cũng vậy, tự nhiên có người lạ ầm ầm kéo vào nhà, nhận con nhận cháu mà không giải thích hỏi có ai để yên không”, anh Điểu Như chia sẻ.

Sau chuyện ấy, trong xóm xuất hiện tin đồn không hay rằng, chị Liên không sinh được con nên bắt cóc con người khác về nuôi, phía gia đình nhà anh Khiên cũng có những lời nói không hay khiến gia đình chị Liên vô cùng mệt mỏi lo lắng. 

“Dẫu vậy, chúng tôi vẫn nghĩ có sự nhầm lẫn chứ làm gì có chuyện, đứa bé do cháu mình sinh ra, mẹ tôi đỡ từ tay hộ sinh, chăm sóc bao lâu nay lại con người khác được. Bởi thế, chúng tôi vẫn chăm sóc, nuôi nấng cháu chu đáo, mặc cho người ta nói ra nói vào. Bởi vậy, khoảng 15 ngày sau, có 3 người xưng là hộ lý bệnh viện tìm tới nhà xin lỗi vì sơ suất trao nhầm hai cháu bé khiến gia đình tôi vô cùng bàng hoàng”, người thân chị Liên kể. 

Sợ những người này nhầm nên gia đình chị Liên đã hỏi kỹ lại, hôm ấy có bao nhiêu em bé được sinh ra, hộ sinh không làm dấu các cháu hay sao mà trao nhầm, thì các nữ hộ sinh nói các bé sơ sinh không được đánh dấu. Biết được sự thật đó, tâm trạng ai cũng rối bời vì không biết xử lý thế nào. 

“Biết rõ là không phải cháu mình nhưng chăm sóc cháu từ nhỏ, dù không phải máu mủ nhưng tình cảm chúng tôi dành cho cháu không khác gì ruột thịt, vẫn yêu thương cháu như thường. Sau ngày đó, Liên mới thoát khỏi tiếng oan, không sinh được con nên bắt con người khác về nuôi”, anh trai chị Liên chia sẻ.

Bệnh viện chưa giải quyết thỏa đáng

Ngày 16/5, ngay khi có kết quả xét nghiệm hai mẹ con chị Trang không cùng huyết thống, anh Khiên liền viết đơn kiện gửi cho giám đốc bệnh viện Đa khoa Bình Long. Dù trước khi gửi đơn kiện, đã có hai nữ hộ sinh đến gặp gia đình anh xin lỗi về những sơ suất không đáng có thế nhưng, phải đến ngày 25/5, phía bệnh viện mới mời  gia đình hai bên lên làm xét nghiệm AND chéo. 

Cứ nghĩ, chẳng bao lâu nữa mình sẽ được đón con về nhà, song, đúng 1 tháng sau phía bệnh viện mới tiếp tục mời hai bên đến hòa giải. Cuộc hòa giải gồm có hai bên gia đình, phía bệnh viện, Phó Chủ tịch xã Phước an và Chủ tịch phường Phú Thịnh. 

Bệnh viện nhận sai sót, sẽ bồi thường mỗi gia đình 12 triệu, tương ứng với 10 tháng lương cơ bản của nhân viên nhưng anh Hoàng Văn Tuấn (chồng chị Thị Liên – PV) không đồng ý, cho rằng chưa thỏa đáng. Phía bệnh viện không đưa mức bồi thường cao hơn nên cuộc hòa giải vì thế bị lùi lại và hai bên vẫn chưa chính thức được nhận lại con ruột của mình. 

Anh Khiên bức xúc: “Nhìn con ốm yếu hơn các bạn cùng trang lứa nên chúng tôi mong chờ từng giây, từng phút để đón con về nhà, chăm sóc con thật chu đáo nhưng mãi ngày 24/6, nghĩa là đúng 1 tháng sau họ mới gọi chúng tôi lên để hòa giải. Dường như họ không quan tâm đến tâm trạng của chúng tôi khiến tôi rất bất bình”.

Không riêng gì anh Khiêm, phía gia đình chị Liên cũng bức xúc trước ứng xử bất nhất của bệnh viện. Anh Điểu Như cho biết: “Lúc đến nhà tôi xin lỗi, ba nữ hộ sinh nói, vì không đánh số các cháu nên mới có sự nhầm lẫn nhưng khi gặp gỡ hai gia đình, phía bệnh viện lại nói có ghi số nhưng quá trình vệ sinh bị mờ. Khi tôi chất vấn lại thì ông Thanh - giám đốc bệnh viện nhận lỗi và hứa  sẽ rút kinh nghiệm, sau lần này bệnh viện sẽ chỉ đạo hộ lý ghi số trẻ sơ sinh cụ thể”.

Tuy vậy, cuộc hòa giải lần đầu không thành công vì phía bệnh viện đưa ra mức đền bù quá thấp. “Chỉ vì sai sót của ê kíp trực mà chúng tôi thất lạc con suốt 3 năm 7 tháng. Giả sử, các cháu không có những đặc điểm quá khác biệt thì liệu chúng tôi có nhận ra không phải con mình mà tìm kiếm không. Vì sai sót này, vợ chồng tôi mâu thuẫn, suýt phải chia tay, gia đình tôi chịu nhiều tủi nhục vì những điều tiếng không hay”. 

“Gia đình tôi phải âm thầm tìm kiếm sự thật trong  suốt 2 năm trời. Tiền xét nghiệm AND cũng gần 10 triệu thì đền bù như thế đã hợp lý chưa. Chưa nói đến tổn thất tinh thần của hai gia đình, nếu như gây ra lỗi lầm lớn như vậy mà chỉ đền bù 12 triệu, chỉ bằng tiền 1 tháng thu nhập của họ thì chẳng ai sợ còn sợ mình sai phạm”, anh Khiên chia sẻ. 

Không đồng ý với cách giải quyết trên, chồng chị Liên kiến nghị bệnh viện xem xét lại mức đền bù. Anh Điểu Như cho biết, trước khi ra về, anh đã nói rõ, nếu bệnh viện không có hướng giải quyết hợp lý, gia đình sẽ mời chính quyền, báo chí vào cuộc.

Đại diện bệnh viện Đa khoa Bình Long hứa sẽ giải quyết hợp tình hợp lý nhưng lại không có cam kết gì rõ ràng. Do chờ quá lâu mới nhận được phản hồi hòa giải tiếp, sợ lại như lần trước nên ngày 25/7, họ mới phải nhờ báo chí vào cuộc mong lấy lại sự công bằng.

Chiều ngày 25/7, Bệnh viện Đa khoa TX.Bình Long (Bình Phước) đã tổ chức buổi hòa giải lần thứ 2 về vụ trao nhầm con cách nay 3 năm tại bệnh viện. 

Tại buổi hòa giải, ông Hoàng Văn Thanh, giám đốc bệnh viện đã gửi lời xin lỗi chân thành đến 2 gia đình. Qua đó, đại diện bệnh viện, ông Thanh cũng đã đưa ra đề nghị mức hỗ trợ cho mỗi gia đình 20 triệu đồng.

Ngoài ra, bệnh viện còn hỗ trợ hai cháu bé về các vấn đề như: chăm sóc y tế, đặc biệt cháu Thị Ngọc Yến (con anh Tuấn, chị Liên) hiện bị suy dinh dưỡng. Đồng thời sẽ hỗ trợ chị Liên chi phí khám, sinh cháu bé đang mang bầu 8 tháng tuy nhiên cả hai gia đình đều không chấp nhận mức đền bù này. 

Trao đổi với phóng viên, anh Khiên cho biết, bản thân anh cũng như gia đình mong muốn nhanh chóng sớm kết thúc vụ việc để các cháu sớm có điều kiện làm quen với môi trường sống mới, có điều kiện quan tâm chăm sóc cho cháu một cách tốt nhất về tinh thần lẫn vật chất. Nếu được sự cho phép của gia đình Liên, gia đình anh sẵn sàng tiếp nhận nuôi dưỡng cả hai cháu cùng một lúc. 

Anh Hoàng Văn Tuấn (cha ruột cháu Lan Anh) cũng chia sẻ: “Buổi gặp mặt hôm nay là chỉ để giao lưu, gặp gỡ giữa hai gia đình. Khi nào bệnh viện giải quyết thỏa đáng thì tôi mới chấp nhận tiến hành trao trả”. Song, anh cho biết thêm, vì các con, anh sẽ đồng ý để hai cháu thường xuyên qua lại.

Kết thúc buổi hòa giải, mặc dù vẫn chưa tìm được sự thống nhất chung giữa các bên, do liên quan đến mức độ hỗ trợ, bồi thường. Nhưng để tạo điều kiện cho 2 cháu làm quen với môi trường sống mới và có điều kiện quan tâm chăm sóc về mặt vật chất lẫn tinh thần cho 2 cháu, đại diện lãnh đạo bệnh viện, lãnh đạo chính quyền địa phương hai bên và gia đình hai bên đã thống nhất và cùng ký vào biên bản buổi làm việc.

Trên cơ sở đó, tạm thời gia đình hai bên cho phép quyền nhận cháu về để làm quen với môi trường của mỗi gia đình. Các vấn đề liên quan sẽ tiếp tục thương thảo để đi tới thống nhất chung trong thời gian tới. 

Đọc thêm