Hành trình “trả lại tên” cho thủy thủ tàu Saigon Queen mất tích

(PLO) - Ngày 30/10/2012, tin dữ báo về, trên đường chở gỗ từ Myanmar đi Ấn Độ, vào lúc 12h15 ngày 30/10, tàu Saigon Queen mang số hiệu 3WLR, số IMO 9364083 của Công ty Cổ phần Vận tải biển Sài Gòn trọng tải 6.500 tấn gặp cơn bão Nilam ở vùng biển Sri Lanka nên đã báo nạn khẩn cấp rồi mất liên lạc và chìm xuống biển…
Hành trình “trả lại tên” cho thủy thủ tàu Saigon Queen mất tích
Nỗi đau của những gia đình
Trước khi tàu chìm, tất cả thuyền viên đã lên boong, mặc áo phao và nhận lệnh rời tàu. Tuy nhiên, trong lúc leo thang dây từ tàu xuống xuồng cứu sinh, máy trưởng Hoàng Văn Bân (58 tuổi) không may bị trượt chân ngã xuống biển. Thợ máy Phạm Phú Hữu (28 tuổi) không hiểu vì sao lại quay lại tàu rồi cũng bị mất tích. Thủy thủ trưởng Trần Văn Đề (54 tuổi) đã ngồi trong xuồng cứu sinh nhưng bị một cơn sóng mạnh đánh bật ra khỏi xuồng, cuốn chìm vào chân vịt tàu mất tích. Thuyền trưởng Nguyễn Minh Luân, sau khi lo cho tất cả các thuyền viên lên xuồng cứu sinh, cuối cùng đến lượt ông thì do quá đuối sức đã tuột tay, rơi xuống biển. 
18 thuyền viên của tàu Saigon Queen đã được cứu nạn, còn 4 người nói trên đã bị mất tích giữa biển khơi. Dù rằng các  bên liên quan đã tập trung mọi tinh thần và lực lượng để tìm 4 người mất tích, Ủy ban Quốc gia về tìm kiếm cứu nạn phối hợp với các lực lượng tìm kiếm cứu nạn Sri Lanka, Ấn Độ, lực lượng tuần duyên Mỹ, Bộ Ngoại giao Việt Nam gửi công hàm đề nghị phía Sri Lanka huy động mọi phương tiện sẵn có để tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn…, nhưng thời gian cứ trôi đi trong sự vô vọng và trong nỗi đau khôn nguôi của gia đình các nạn nhân. 
Sau đó gần 3 tháng, một thông tin trên mạng đã thắp lại niềm hy vọng cho thân nhân những người mất tích. Đó là tại một hòn đảo thuộc nước Cộng hòa Maldives đã phát hiện thi thể trôi dạt vào bờ biển nghi là của thủy thủ tàu Saigon Queen. Nơi phát hiện ra thi thể cách nơi xảy ra tai nạn hơn một nghìn hải lý. Thi thể này mặc bộ đồ bảo hộ lao động và áo phao có in dòng chữ Saigon Queen nên thân nhân của 4 gia đình đều rất mừng và thầm mong sẽ sớm tìm được người thân của mình. Ngay sau đó, cũng có một phần thi thể khác trôi dạt vào và cũng được cơ quan chức năng nước Cộng hòa Maldives giữ lại để xác định danh tính.
Nhưng lúc này, một rắc rối lại xảy ra khi kỹ thuật giám định (GĐ) pháp y, ADN của Maldives vẫn còn hạn chế nên không thể có câu trả lời về nhân thân của thi thể. Theo lời đề nghị của Cty CP Vận tải biển Sài Gòn, mẫu GĐ đã được gửi thẳng từ nước Cộng hòa Maldives tới Khoa Y sinh học Viện Pháp y Quốc gia.
“Em trai tôi đã trở về quê hương”
“Ngày 27/3/2013, Khoa Y sinh học nhận được hai mẫu GĐ là hai đoạn đầu chỏm xương đùi đánh số ký hiệu 13014181301420 cùng với mẫu tóc của anh Hoàng Văn Tiến là thân nhân của máy trưởng Hoàng Văn Bân. Các giám điịnh viên (GĐV) và kỹ thuật viên đã tách chiết ADN từ hai mẫu xương và mẫu tóc của anh Hoàng Văn Tiến, sau đó tiến hành GĐ. 
Kết quả cho thấy mẫu xương ghi ký hiệu 1301420 trùng với trình độ nucleotide thu được từ mẫu chân tóc của anh Hoàng Văn Tiến, còn mẫu còn lại thì không. Kết luận người có mẫu xương ghi ký hiệu 1301420 có liên quan huyết thống theo dòng mẹ với anh Hoàng Văn Tiến. Hay nói cách khác, chủ nhân của mẫu xương ghi ký hiệu 1301420 chính là máy trưởng Hoàng Văn Bân” - ông Hà Hữu Hảo – Trưởng khoa Xét nghiệm sinh học Viện Pháp y Quốc gia kể lại quá trình GĐ. 
Ngay sau khi Viện Pháp y trả kết quả, khỏi nói cũng biết gia đình máy trưởng Hoàng Văn Bân đã được an ủi thế nào khi thi thể người thân đã được tìm thấy. Đến 22h ngày 22/5 vừa qua, hài cốt của máy trưởng Hoàng Văn Bân đã về tới quê nhà và được an táng tại nghĩa trang Đa Phúc, xã Đa Phúc, huyện Bình Chánh, TP.HCM. 
Trò chuyện với PV, ông Hoàng Văn Cơ, anh trai của máy trưởng Hoàng Văn Bân cho biết, gia đình ông rất cảm động trước sự nhiệt tình của các cơ quan chức năng như Đại sứ quán Việt Nam tại Srilanka, Cty CP Vận tải biển Sài Gòn đã giúp gia đình vượt qua những giây phút đau đớn, khó khăn nhất. 
“Tôi đặc biệt xúc động trước sự nhiệt tình của các GĐV và kỹ thuật viên Khoa Y sinh học Viện Pháp y Quốc gia vì sau khi mọi việc GĐ liên quan đến em tôi đã hoàn thành, Viện có mua về một chiếc máy GĐ ADN mới, tối tân hơn. Các GĐV và kỹ thuật viên Khoa Y sinh học đã không quản ngại GĐ lại một lần nữa  trên máy mới giúp gia đình có kết quả chắc chắn nhất. Rồi đến lúc hài cốt em trai tôi được chuyển từ Maldives về, tôi có bày tỏ băn khoăn với các GĐV rằng không biết làm thế nào để biết chính xác đó là hài cốt của người thân mình. Họ đã đưa cho tôi mẫu đầu chỏm xương đùi đánh số ký hiệu 1301420 của chú Bân và chỉ cách so sánh vết cắt trên hài cốt, cách đặt mẫu vào chỗ cắt xem có trùng khít hay không. Tôi đã làm theo hướng dẫn và đúng là em tôi đã trở về quê hương” – ông Cơ xúc động nói. H.M

Đọc thêm