Hãy mở lòng khi con đòi kết hôn đồng giới

(PLO) -Dù xã hội dần dà đã có cái nhìn đỡ khắt khe hơn về vấn đề đồng giới, nhưng như thế không có nghĩa là các bậc cha mẹ thôi choáng váng, thôi “đau tim” khi câu chuyện đồng giới ấy lại xảy ra với chính đứa con yêu thương của mình. Tuy thế, đứng trước những hoàn cảnh oái oăm trong nhà, mỗi một phụ huynh lại có cách hành xử khác nhau.
Hãy mở lòng khi con đòi kết hôn đồng giới

Những rạn nứt không thể hàn gắn

Trần Văn Hùng, nghệ danh Phương Phương, là thành viên của một trong những nhóm hài hoạt động tự do. Nhóm của Hùng gồm 6 người, đa phần là đi diễn đám cưới, tham gia góp những vai diễn “phụ của phụ” trong những live show danh hài hoặc game show truyền hình.

Lúc nào Hùng cũng vui tính, chọc cười mọi người chung quanh, cuộc sống của cậu dường vô lo nghĩ. Thực tế, Hùng đã bỏ nhà đi và cắt đứt quan hệ với gia đình hơn hai năm nay và đó là điều luôn đau đáu trong lòng chàng trai trẻ này.

Hùng sinh năm 1988, vốn là con trai út của một gia đình có 4 người con ở Tây Ninh. Ba mẹ Hùng là giáo viên và các anh chị Hùng đều khá thành đạt, người là hiệu trưởng trường mẫu giáo, người thì giảng viên, người mở công ty riêng.

Từ nhỏ Hùng học khá, việc chăm sóc cả nhà dồn hết vào Hùng. Nhưng càng lớn, Hùng càng bộc lộ tính cách nhạy cảm, nữ tính, mê mẩn diễn xuất, thích làm diễn viên. Cha mẹ muốn hướng Hùng theo ngành ngân hàng. Rồi Hùng cũng đậu vào cao đẳng tài chính, học ngành ngân hàng, rồi ra trường làm việc ở một ngân hàng nhỏ, như ý của gia đình.

Thấy con trai mãi chưa có bạn gái, gia đình Hùng còn tích cực tìm kiếm con dâu, cuối cùng chọn ra được con gái một người quen, làm giáo viên, vừa xinh xắn lại hiền lành. Hùng cũng bị ép về xem mặt, bị các anh chị bắt lấy số điện thoại, thúc giục nhắn tin tán tỉnh… Cả nhà còn lên kế hoạch sang năm sẽ làm đám cưới cho Hùng.

Đùng một cái, một ngày Hùng về nhà và thú nhận với gia đình là đã có người yêu, nhưng người yêu lại là một… chàng trai, cũng chính là người mà Hùng vẫn đưa về nhà chơi và giới thiệu là bạn thân.

Hùng cũng định làm theo lời gia đình, cưới một cô gái để làm “vỏ bọc” cho mối quan hệ đồng giới của mình, nhưng lương tâm cậu không cho phép, Hùng muốn đường đường chính chính đến và sống chung với người mình yêu trong sự chấp thuận của mọi người.

Cả gia đình đi từ sửng sốt đến tức giận. Cha mẹ, anh chị Hùng đều là những người rất chuẩn mực, mô phạm. Với họ, điều Hùng nói là không thể nào chấp nhận được trong một gia đình gia giáo như thế. Hùng chỉ có hai lựa chọn, một là từ bỏ mối quan hệ “tội lỗi”, hai là ra khỏi nhà.

Tranh cãi, thuyết phục không được, Hùng bỏ nhà đi. Đã lỡ thành đứa con bất trị, Hùng cũng không tiếp tục làm cái nghề mình không thích, cậu cùng bạn trai gia nhập nhóm hài và sống một cuộc sống không ổn định. Nhiều lần, Hùng cũng thử liên lạc về nhà nhưng chỉ nhận được “tối hậu thư” là nếu không từ bỏ lối sống sai lầm ấy đi thì đừng có nhận người thân nữa…

Có không ít câu chuyện buồn trong các gia đình từ những đứa con lạc giới. Có những người không bao giờ hàn gắn được rạn nứt với người thân chỉ vì lựa chọn sống thực với chính mình. Một số còn lại, vì biết trước những gì sẽ phải đối mặt nên chấp nhận phải sống một cuộc đời hai mặt, một mặt có vợ con, là một người đàn ông bình thường như bao người đàn ông khác, nhưng vẫn lén lút qua lại với bạn tình cùng giới…

Hãy mở lòng và lắng nghe con

Ngày càng có nhiều hơn những ông bố, bà mẹ cởi mở hơn trong việc nhìn nhận mối quan hệ đồng giới của con mình. Đây đó, người ta vẫn nghe chuyện những gia đình đứng ra tổ chức những đám cưới đồng giới nam, đồng giới nữ cho các con.

Dù vẫn còn những phản ứng trái chiều, còn những tranh luận đúng sai và pháp luật chưa thừa nhận, nhưng đó cũng là cách mà nhiều bậc cha mẹ lựa chọn để bày tỏ sự ủng hộ con được sống như mình mong muốn, trước dư luận không hay.

Nguyễn Linh, một nữ nhân viên truyền thông tại TP.HCM đã chung sống như vợ chồng với người yêu được hơn bốn năm tại một ngôi nhà mà cả hai hùn tiền mua. Người yêu Linh là Trân, cũng làm trong ngành truyền thông. Họ yêu nhau được 8 năm trời, một thời gian dài đăng đẵng đấu tranh với chính mình, với dư luận và cả thuyết phục gia đình.

Ban đầu, gia đình cả hai đều bị sốc, nhưng rồi Linh và Trân đã chứng minh cho người thân thấy họ yêu nhau thật lòng, không thể sống thiếu nhau và nếu họ đến với nhau cũng không có gì sai trái, vi phạm đạo đức. Suốt ba năm trời, họ dành nhiều thời gian thuyết phục mọi người.

Cuối cùng, gia đình trông thấy cả hai không những không sa ngã, làm gì bậy bạ mà ngày càng phấn đấu, sự nghiệp càng phát triển và vui vẻ, hạnh phúc hơn. Đến giờ, gia đình hai bên gần như đã chấp nhận Linh và Trân như “con dâu, con rể” trong nhà. Thi thoảng, cha mẹ hai bên lại lên thăm “tổ ấm” của hai người.

Phạm Tú Thanh, một huấn luyện viên gym cũng được gia đình ủng hộ chung sống như vợ chồng với bạn trai, là một nhân viên bất động sản. Tổ ấm của hai người tại đường D2, Bình Thạnh rất khang trang, đẹp đẽ. Thanh cho biết, từ nhỏ anh đã biết xu hướng giới tính của mình và từ năm bắt đầu vào đại học, Thanh đã có một buổi nói chuyện cùng mẹ rất thẳng thắn.

Khi nghe con mình tâm sự, mẹ Thanh đã khóc hết nước mắt, nhưng dần dà bà hiểu và cảm thông, chia sẻ với con. Mẹ Thanh cũng là người đã thuyết phục ba Thanh hiểu, cảm thông cho con. Để con tránh khỏi những day dứt và đối mặt với điều tiếng, cha mẹ Thanh luôn nhắc đi nhắc lại, rằng con cứ sống như con muốn, miễn là con cảm thấy vui, ba mẹ luôn ở cạnh con.

Thanh chia sẻ, theo anh, không thể đổ lỗi cho việc cha mẹ phản ứng tiêu cực, cấm đoán xu hướng giới tính của con. Muốn có được sự cảm thông và sẻ chia từ gia đình, phải có cả hai yếu tố: Cái nhìn cởi mở, thấu hiểu từ những bậc cha mẹ và sự chuẩn bị tốt từ phía con cái.

Từ trước đến nay, người ta hay nói nhiều đến chuyện các bậc cha mẹ phản ứng tích cực hay tiêu cực mà quên mất vai trò của con cái trong câu chuyện đồng giới này là rất lớn. Con cái đóng vai trò chủ động để dẫn dắt mọi chuyện theo hướng tốt hay xấu, có hậu hay không. 

Việc nhiều người có xu hướng đồng giới xây dựng cho mình một hình ảnh chuẩn mực với giới tính của mình, sống khác đi với con người thực, để rồi mọi sự vỡ lỡ, thì khi ấy người thân bị đả kích nặng và phản ứng tiêu cực là điều không thể tránh khỏi.

Ngược lại, thẳng thắn tâm sự, chia sẻ để các bậc sinh thành để hiểu mình từ sớm, chuẩn bị từng bước một để gia đình tiếp nhận… là ứng xử nên làm để tránh những cú sốc tâm lý cho phụ huynh, tránh dẫn đến những rạn nứt khó hàn gắn của gia đình.

Sinh ra là người đồng tính đã là một điều đặc biệt, nên cũng cần phải có những cách thật “đặc biệt” để mọi chuyện trở nên bình thường… Và chung quy lại, thì dù thế nào, cha mẹ cũng luôn mong muốn con mình được sống hạnh phúc, đó mới là đích đến.

Đọc thêm