Hãy trả lại sự linh thiêng cho ông Hoàng Bảy!

(PLVN) - Hằng năm, cứ dịp tháng 7 (âm lịch), đất Bảo Hà, Lào Cai lại đông nghịt dòng người từ khắp mọi miền về lễ bái, cầu cúng Ông Hoàng Bảy. Không biết tự bao giờ, ngôi đền nhỏ miền sơn cước ngày càng thu hút nhiều người không chỉ để lễ bái mà còn vì xin lộc “lô đề”?
Đền Bảo Hà - ngôi đền linh thiêng gắn với sự tích Quan Hoàng Bảy.
Đền Bảo Hà - ngôi đền linh thiêng gắn với sự tích Quan Hoàng Bảy.

Ông Hoàng Bảy Bảo Hà là ai?

Ông Hoàng Bảy thực sự là ai cho đến nay vẫn là một bí ẩn; vẫn còn nhiều tranh cãi của những nhà nghiên cứu văn hóa và cả những người theo tín ngưỡng thờ Mẫu. Trong dân gian lưu truyền nhiều khác nhau về vị quan Hoàng Bảy, trong đó có đoạn: 

Quan Hoàng Bảy trấn miền Bắc địa 

Hợp binh hùng lục thuỷ Thao Giang

Quân cơ mưu lược luận bàn

Doanh trung thường có hai hoàng vào ra.

Trong tâm thức người dân Bảo Hà, từ khi khai thiên lập ấp, ông đã là “Thần vệ quốc” - một vị Thần bảo hộ cho dân tộc, một vị anh hùng trong huyền sử xa xưa từng đánh giặc phương Bắc. Trong văn nhắc ông là thần “trấn miền Bắc địa”, cùng “ông Hoàng Đôi” đem quân đi đánh giặc bảo vệ bờ cõi.

Khi thác về Trời nhân dân tưởng nhớ lập đền thờ ông trên ngọn núi Cấm quay mặt ra phía sông Hồng, đúng thế “tựa sơn đạp thủy” để “trấn yểm” cho vùng đất biên giới được bình yên, thịnh vượng. Trở thành ngôi đền linh thiêng bậc nhất xứ Bảo Hà, Lào Cai.

Người thổ mán nơi đất Bảo Hà vẫn tôn kính ông là “thần bảo hộ” dòng người Mán mường cho mảnh đất nơi đây. Ông có vị trí đặc biệt trong thờ cúng tín ngưỡng người Dao, Tày và hiện thân trong các lễ hội xuống đồng vào ngày Thìn mùa xuân.

Huyền tích về Quan Hoàng Bảy

Truyền thuyết dân gian kể rằng, ông là con Đức Vua Cha Ngọc Hoàng Thượng Đế. Theo lệnh vua cha Ngọc Hoàng Thượng Đế, ông giáng phàm trần; trở thành con trai thứ bảy trong danh tộc họ Nguyễn; cuối thời Lê.

Vào cuối đời Lê niên hiệu Cảnh Hưng (1740 - 1786) khắp vùng Qui Hóa gồm Châu Thủy Vĩ và Châu Văn Bàn (thuộc Lào Cai bây giờ) luôn bị giặc phương Bắc tràn sang cướp phá khắp vùng loạn lạc, cư dân điêu tàn. Trước cảnh giặc ngoại xâm hung hãn phạm bờ cõi, hãm hại người dân, ông được Vua ban lệnh khởi lệnh dẹp loạn vùng biên ải đất nước. 

Ông cùng ông Hoàng Đôi, hợp binh hùng lục thuỷ dọc sông Hồng (trước mặt đền Bảo Hà bây giờ) đánh đuổi quân giặc; giải phóng châu Văn Bàn và lập Bảo Hà thành căn cứ quân lớn. Trong một lần quyết chiến, ông Bảy bị giặc bắt, hành hạ tra tấn.

Tuy nhiên, một lòng kiên trung ông quyết không đầu hàng, giặc tàn bạo đã giết ông và đem thi thể thả xuống sông Hồng. Nhưng sự lạ xuất hiện, di quan của ông dọc theo sông Hồng, trôi về đến phà Trái Hút, Bảo Hà thì dừng lại. Nhân dân trong vùng thấy vậy, liền an táng và lập đền thờ nơi đây để ghi nhớ đức ơn hi sinh bảo vệ đất nước, nhân dân của ông.

Có sự tích còn kể: khi ông thác về trời, trời chuyển gió, mây vần ngũ sắc, trên bầu trời xuất hiện hình thần mã dừng lại nơi Bảo Hà. Thi hài ông phát ra hào quang, gương mặt toát vẻ đẹp tựa tiên nhân, xung quanh bầu trời mây kể thành hình tứ linh chầu hội. Nhiều người cho rằng, nhiệm vụ của ông được Vua cha giao phó khi đã mãn hạn, ông trở về tiên giới kề cận Vua cha.

Để ghi nhớ công lao của ông, các vua triều Nguyễn như Minh Mệnh, Thiệu Trị đã sắc phong nhớ ơn Ông “Trấn an hiển liệt” hay “Thần Vệ Quốc”.

Tiếng oan Ông Bảy cũng bởi lòng trần

Trong tín ngưỡng thờ Mẫu, Ông Bảy là vị nam thần quan trọng, thường hay ngự đồng và được lệnh Mẫu vương đi chấm lính nhận đồng, răn dạy trần gian đức độ, phụng sự cần mẫn việc Thánh. Ông phù trì cho những ai tâm đức được hạnh phúc, may mắn trong cuộc sống.

Thế nhưng, hiện nay khi nhắc đến Ông Hoàng Bảy, một số bộ phận người lại suy diễn rằng ông là vị Thần chuyên cho số lô đề, cá cược. Vậy nên, không ít người rỉ tai nhau về việc về Bảo Hà lễ ông xin “cái lộc số má” cho may mắn với ước vận đổi đời. Tại đền Bảo Hà, không khó nghe những lời khân râm ran rằng: “xin ông cho con số lô hôm nay được trúng”, hay những vấn hầu giá ông Hoàng Bảy lần lượt lên “xin lộc đánh đề”. 

Mặt khác, nhiều người cho rằng những ai có “căn ông Hoàng Bảy’ thì rất phong lưu, đa tình vì khi xưa ông vốn bậc phong lưu nhất mực. Hoặc nhiều người đào hoa cũng nhận rằng mình “được lộc ông Hoàng Bảy”. Sự thiêu dệt này khiến hình ảnh ông Hoàng Bảy trong tâm thức người dân bị méo mó, từ một vị Thần Vệ Quốc của miền sơn cước bị tiếng oan là Thần  cho lộc lô đề. Đó là sự bất kính, kệch cỡm, mê tín và phi văn hóa. 

Tại đền Bảo Hà, tôi gặp chị Nguyễn Thị Dương (Hà Nội), chị không ngại ngần chia sẻ: “Đợt trước em và bạn em có thuê lại cửa hàng của 1 chị, chị này là người rất duy tâm. Chị nói, bạn em có căn ông Hoàng Bảy, tức là tuổi trẻ thì ăn chơi hoang tàn nhưng hậu vận thì rất khá, chị lại nói tuổi này căn nặng, nếu ra hầu đồng thì có nhiều lộc, không thì sẽ bị hành.

Mà đúng bạn em cũng hay ăn chơi phá phách, thế từ đấy em hay cùng bạn đi lễ Ông dịp tháng tiệc để xin lộc”. Trong hàng vạn người đổ về Bảo Hà ấy, đã có rất nhiều người như câu chuyện của chị Dương vừa chia sẻ, nghĩa là đều tin rằng mình ăn lộc ông Hoàng Bảy. 

Một điều đặc biệt, nhiều người lần đầu đến đền Bảo Hà cũng không khỏi ngỡ ngàng khi thấy biển đề “Cấm mang thuốc phiện vào đền” treo từ cổng đến chính điện. Thời gian trước, một số báo  đã phản ánh về việc nhiều cửa hàng cạnh đền Bảo Hà bán thuốc phiện “trộm” cho những ai có nhu cầu dâng lễ với mức giá vài triệu.

Họ mang cả thuốc phiện và bàn đèn vào đền dâng ông Hoàng Bảy để mời thánh lấy lộc, phù hộ cho lộc lô đề, buôn bán.  Không hiếm gặp từng đoàn “dân số má anh chị” lũ lượt về Bảo Hà để xin lộc ông Bảy. 

Ngựa mã chất đầy một sân đền Bảo Hà từ sáng đến tối.
Ngựa mã chất đầy một sân đền Bảo Hà từ sáng đến tối.

Những dịp tháng 7, đến đền Bảo Hà khó có một chỗ đứng đẹp để chúng ta thư thái để chiêm nghiệm, thăm quan và ngưỡng vọng về vị thần đã có công với dân tộc. Sự đông đúc, chật chội hỗn loạn là điều dễ thấy những ngày này.

“Phú quý sinh lễ nghĩa”, người người đến lễ chủ yếu với tâm thế “hối lộ thần linh”, xin lộc lá cho bản thân,  chứ mấy ai đi để nhớ và tri ân về vị Thần quan trọng trong tâm linh người Việt. Nhìn những hàng ngựa dài dài chất đầy sân đến nỗi quá tải, đốt vài ngày không hết mới thấy tâm lý “sính lễ” của một bộ phận người dân thực sự báo động. 

Xin hãy trả lại sự linh thiêng

Tiếng oan của ông Bảy cũng bởi lòng trần, vì tâm lý sính lễ lộc tiền tài, bổng lộc lười nhác làm ăn mà thêu dệt lên câu chuyện hoang đường về Hoàng Bảy. Vốn dĩ ông là vị Thần Vệ Quốc, trong từng lời văn đều ca ngợi ơn đức của ông. Mặt khác ông còn bảo ban dân chúng “tu nhân tích đức” chứ không hề có chuyện cho lộc lô đề, tình yêu, thuốc phiện như nhiều người đồn đại. Trong văn có đoạn:

“Chữ cương thường treo cao giá ngọc

Chữ công dung tứ đức khuyên di”.

Hay:

Ai mất chữ Tâm thời tội phải mang

Lưới trời ở khắp 4 phương

Hại nhân nhân hại khôn đường thoát thân”.

Dân gian truyền lại để có thể thu phục được các thổ ti; tù trưởng thì quan Hoàng Bảy không dùng biện pháp quân sự mà bằng sự thu phục nhân tâm. Để thu phục nhân tâm ông đã chủ động hòa nhập vào cuộc sống của các tù trưởng thô ti như uống trà; đánh cờ… Có lẽ vì vậy mà dần dần hình ảnh ông Hoàng Bảy đã bị lệch lạc thành một vị Thánh ăn chơi, đào hoa với rượu chè, thuốc phiện.

Tuy nhiên, đó là lòng phàm suy diễn, đã đến lúc chúng ta trả lại sự linh thiêng cho ngôi đền Bảo Hà, trả lại tiếng oan của ông Bảy cho những thêu dệt sai lệch. Trong khi, ông là một vị Thần Vệ Quốc, cảm hóa và khuyên răn dân chúng bằng sự đoàn kết, tâm đức, từ bi chứ không phải bằng tệ nạn. Nhớ câu: 

“Ông Bảy khuyên ai giữ đạo làm người

Ông mới tâu qua Quan Nam Tào cùng Quan Bắc Đẩu

Số mệnh trần gian lão ấu chép biên

Ai mà hiếu thuận thảo hiền

Tu nhân tích đức Ông Bảy chép biên cho thọ trường”.

Đọc thêm