Hiểm họa vì lắp đặt bồn nước sai quy chuẩn

(PLO) - Treo bồn nước trên nóc nhà, cơi nới bên hông, đặt bên bệ tường... hàng ngàn cân nước cứ lơ lửng trên cao mà không theo bất cứ quy chuẩn nào. Đáng nói, gần như trên tất cả các nóc chung cư cũ, mái nhà của các hộ gia đình ở Hà Nội đều đang chồng chất đủ loại bồn nước với dung tích từ 500 - 2.000 lít theo kiểu “việc ai nấy làm” như vậy.
”Bom nước” trên nóc nhà
”Bom nước” trên nóc nhà
Sợ nhưng vẫn phải mua “bom” về dùng
Sau một số vụ tai nạn sập bồn chứa nước gây họa chết người ở TP.HCM, người dân ở các chung cư cũ Hà Nội vốn nơm nớp trong cảnh xập xệ nay lại thêm lo lắng với hàng ngàn bồn chứa nước nặng cả chục tấn có nguy cơ đổ ập xuống đầu bất cứ lúc nào. 
Theo khảo sát riêng của người viết, nhiều người dân sống tại các khu tập thể cũ đã thẳng thắn bày tỏ sự e ngại về thảm cảnh “bom nước” dội trên đầu. Một người dân lo âu: “Ngày ngày nhìn cảnh hàng trăm bồn chứa nước lớn, nhỏ, cái nằm, cái đứng trên nóc chung cư cũng thấy… rờn rợn, nhưng không lắp thì không có nước dùng”.
Ông Hà Sỹ Triệu, nguyên Tổ trưởng khu tập thể Viện Hóa học (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) than thở, khu tập thể được xây dựng từ năm 1970, người dân chẳng ngày nào ăn ngon, ngủ yên vì nỗi lo nhà sập luôn thường trực. Nơi đây có hơn 100 nhân khẩu, tương đương hàng chục bồn trữ nước cỡ lớn được đặt trên nóc. Chung cư đã quá cũ, nay cộng thêm cả trăm tấn nước đè xuống thì nỗi lo lại thêm phần chồng chất. Số bồn chứa nước này lắp cũng đã lâu, phần chân đế nhiều cái đã bị ăn mòn, nguy cơ gió bão xô đổ lại càng cao...
Theo tìm hiểu, một bình chứa nước inox dung tích 1.000 – 1.500m3 nước trên thị trường có giá khoảng 3  - 5 triệu đồng, chi phí này gồm cả công lắp đặt. Tuổi thọ của bồn chứa không dưới 5 năm, tùy thuộc điều kiện, vật liệu, phương pháp thi công, sau thời gian này chủ nhà phải kiểm tra, thay thế. Đặc biệt, nếu phát hiện thấy có hiện tượng gỉ sét chân đế thì phải thay thế ngay nhằm tránh tình trạng gãy gục gây nguy hiểm.
Tuy nhiên, hiện vấn đề này ít được người sử dụng để tâm. Thay vào đó, người dân thường tự ý thay đổi kết cấu giá đỡ bồn, tự gia công lắp đặt khiến nguy cơ đổ sập tăng cao. Liên quan đến vấn đề này, một chủ đại lý chuyên cung cấp bồn nước inox Tân Á trên đường Quang Trung (Hà Đông) nhận định, thực tế hơn 80% người tiêu dùng mua sản phẩm về tự lắp đặt hoặc trả công cho các thợ điện nước lắp đặt. Vì không am hiểu chuyên sâu về mặt kỹ thuật và không tuân thủ các quy định của nhà sản xuất nên trong quá trình sử dụng không được an toàn và tuổi thọ của sản phẩm bị giảm đi.
Cần sớm có quy chuẩn chung
Theo tìm hiểu, hiện việc lắp đặt bồn trữ nước tại các khu chung cư, hộ gia đình trên địa bàn Hà Nội đều trong cảnh “việc ai nấy làm”, khá lộn xộn. Các bồn nước nặng cả nghìn cân đa phần đều được tận dụng, lắp đặt trên không gian cơi nới là sân thượng, nóc nhà. Đáng nói, dù được đặt trên không gian không đảm bảo an toàn, thường xuyên chịu tác động của ngoại cảnh (mưa, gió...) như vậy nhưng việc làm chân hay giá đỡ để giữ cho bồn nước cố định cũng không được chú trọng, thường chỉ được gia cố tạm bợ.
Khảo sát riêng của người viết tại các khu chung cư cũ như H36 (Xuân La, Tây Hồ), khu tập thể Viện Hóa học (Bắc Từ Liêm), khu E4 (Trung Tự, Đống Đa)... ở những khu vực này, la liệt các bồn nước đặt trong cảnh ngổn ngang đứng, nằm với phần giá đỡ chỉ là những viên gạch kê tạm, sắt vụn thừa được tận dụng, hàn gắn lại thành khung. Thậm chí, nhiều điểm như khu tập thể Thành Công, trên địa hình không bằng phẳng, thiếu tác dụng chịu lực là các nóc nhà lợp mái tôn cũng xuất hiện la liệt hàng chục bồn nước.
Anh Nguyễn Đức Phấn, một kỹ sư xây dựng khuyến cáo, dù chỉ là phụ trong công trình nhưng cũng cần đặc biệt chú ý khi lắp đặt bồn nước. Đặc biệt, ngoài các tiêu chuẩn lắp đặt mà nhà sản xuất yêu cầu, khi lắp bồn các gia đình phải đặt chúng trên mặt phẳng, không chèn kê gỗ, gạch, tự ý gia cố giá đỡ… dưới chân bồn. Ngoài ra, mặt bằng lắp đặt cũng phải bảo đảm chịu được trọng lượng của bồn khi chứa nước.
Khách quan nhìn nhận, trên bình diện quản lý, cụ thể là trong lĩnh vực quản lý xây dựng có cấp phép cho xây dựng nhà. Thế nhưng, bồn nước nặng hàng nghìn cân lắp ở đâu, chỗ nào, chứa đựng ra sao… đều chưa được các đơn vị quản lý quan tâm. Thiết nghĩ, để hạn chế tối đa rủi ro có thể xảy ra từ “bom nước”, trước mắt các khu tập thể, hộ gia đình khi lắp đặt bồn chứa cần tuyệt đối tuân thủ theo thiết kế xây dựng, quy chuẩn lắp đặt của các nhà sản xuất đưa ra. Về phía các đơn vị quản lý, nhà sản xuất cần tích cực tuyên truyền tới người sử dụng việc lắp đặt sản phẩm sao cho đúng quy chuẩn mà hãng đó ban hành. 
Trên thực tế, việc người dân lắp đặt bồn chứa nước không tuân theo quy chuẩn của nhà sản xuất nên xảy ra tai nạn là không hiếm. Tháng 9/2014, tại Trường Tiểu học Diễn Tháp (ở huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An), bồn nước inox 1.500 lít được để trong khuôn viên trường bất ngờ đổ sập khiến hai học sinh gần đó tử vong. 
Trước đó tháng 6/2012, cụ bà Nguyễn Thị Mầm (SN 1935, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc) bị chiếc bồn chứa nước loại dung tích 1.000 lít rơi từ trên nóc nhà tắm xuống, đè chết. Hay mới đây nhất, ngày 4/9  bồn nước 1.500 lít từ ngôi nhà 4 tầng đã bị gió lốc cuốn rơi xuống dãy trọ ở quận Thủ Đức, TP.HCM khiến bé Phạm Ngô Quỳnh Ngân (8 tháng tuổi) tử vong tại chỗ... Đáng nói, nguyên nhân để xảy ra các vụ việc trên phần lớn xuất phát từ việc người dân tự ý lắp đặt, gia cố bồn nước.

Đọc thêm