Hồ Chủ tịch trong trái tim cựu binh Pháp

(PLVN) - Ở phía bên kia chiến tuyến, nhưng vì nhiều cơ duyên, những kỷ vật liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến với họ - những người cựu binh Pháp. Để rồi qua một thời gian dài gìn giữ, trân trọng, những kỷ vật ấy lại trở lại với Việt Nam như một lời nhắn gửi rằng những giá trị tốt đẹp sẽ luôn ngời sáng bất kể không gian, thời gian, hoàn cảnh lịch sử… 
Trưởng Ban Tuyên giáo Võ Văn Thưởng nghe thuyết minh về bức tượng tại lễ khai mạc trưng bày chuyên đề “Hồ Chí Minh - Những nét phác họa chân dung” ngày 7/5/2020.
Trưởng Ban Tuyên giáo Võ Văn Thưởng nghe thuyết minh về bức tượng tại lễ khai mạc trưng bày chuyên đề “Hồ Chí Minh - Những nét phác họa chân dung” ngày 7/5/2020.

70 năm gìn giữ bức tranh kỷ vật

Tháng 8/2019, sau hơn 70 năm cất giữ, đến khi tuổi đã cao, cựu binh Pháp Pierre Flamen đã quyết định trao tặng Bảo tàng Hồ Chí Minh bức chân dung giấy dó vẽ về Bác Hồ mà ông đã tìm thấy từ nhiều thập kỷ trước, khi còn là người lính tại chiến trường Việt Nam. 

Cựu binh Pháp Pierre Flamen, xuất thân từ vùng Dordogne, phía Nam miền Trung nước Pháp, hiện sống tại thành phố Montreuil, Cộng hòa Pháp. Năm 1948, ông Pierre Flamen lần đầu tiên đến Việt Nam với vai trò là một người lính trong quân đội Pháp, thuộc Tiểu đoàn 6, lính dù ở Điện Biên Phủ. Nơi ông đóng quân nhiều nhất là vùng Tây Bắc Việt Nam. 

Chia sẻ cảm xúc về bức tranh kỷ vật, cựu binh Pháp Pierre Flamen nhớ lại, năm 1949, thời điểm đó khi đóng quân ở Nghĩa Lộ, ông đảm nhận ở khu vực phía Nam và trong một lần đi trinh sát địa hình, ông đã phát hiện ra một lán tin tức trên đường đi của mình. Tò mò muốn biết xem cán bộ Việt Minh trong vùng trưng bày những gì, ông đã thấy bức chân dung của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

“Đồ này rất dễ bị hỏng, là một chất giấy dó, rất mỏng, nhưng dù sao tôi cũng cuộn lại được và bảo vệ nó, vì ở vùng đó trời rất hay mưa, nhưng tôi đã đem được về đơn vị và xếp vào hành trang. Khi về Pháp, tôi đã đem theo mình...” - Pierre Flamen nhớ lại. Với ông, bức tranh là một hiện vật thú vị. Người cựu binh này đã đem bức tranh về nhà mình, giữ gìn cẩn thận trong suốt nhiều năm qua.

Bức tranh cổ động chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh mà cựu binh Pháp Pierre Flamen lưu giữ là bức tranh do họa sĩ Phan Văn Doãn minh họa, được Ty Truyền thông Yên Bái phát hành nhân kỷ niệm sinh nhật lần thứ 59 của Hồ Chủ tịch, được in trên giấy dó, kích thước khổ A3.

Người cựu binh Pháp tâm sự khi quyết định trao tặng lại bức tranh: “Tôi cũng hơi tiếc, vì tôi thực sự thích và lưu luyến bức tranh, nhưng tôi nghĩ nó xứng đáng được ở nơi nó cần ở, với lịch sử. Tôi nghĩ rằng có thể người dân Việt Nam rất ngạc nhiên khi thấy một người lính Pháp đem bức tranh này theo mình, nhưng với tôi, đây là một kỷ niệm quí báu.

Bức tranh do họa sĩ Phan Văn Doãn vẽ được ông Pierre Flamen sưu tầm và cất giữ từ năm 1949
 Bức tranh do họa sĩ Phan Văn Doãn vẽ được ông Pierre Flamen sưu tầm và cất giữ từ năm 1949

Đây dù sao cũng là một bức tranh được thực hiện rất tỉ mỉ và tài năng, một dạng thủ pháp, hình ảnh rất giống, đơn giản nhưng hiệu quả. Đó chính là vị Chủ tịch của các bạn, ông đã qua đời nhưng mãi vẫn là Chủ tịch của các bạn...”. Kèm theo bức tranh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông Pierre Flamen còn gửi tặng Bảo tàng Hồ Chí Minh bản phác họa địa điểm nơi tìm được bức tranh do ông nhớ và vẽ lại cách đây 10 năm.

Trong buổi tiếp nhận hiện vật, ông Vũ Mạnh Hà - Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh khẳng định: “Đây là hiện vật mang giá trị lịch sử, thẩm mỹ, thể hiện tình cảm cao đẹp của cựu binh Pháp với Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bảo tàng sẽ tìm kiếm thêm thông tin về bức tranh và bảo quản, phát huy giá trị lâu dài hiện vật này”.

Xúc động câu chuyện về bức tượng Bác Hồ ở Côn Đảo

Trưng bày chuyên đề “Hồ Chí Minh - Những nét phác họa chân dung” nhân dịp kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2020), có một kỷ vật thu hút được sự chú ý của nhiều người xem. Đó là bức tượng bán thân Chủ tịch Hồ Chí Minh ở nhà tù Côn Đảo. 

Khu Di tích nhà tù Côn Đảo là một trong những di tích lịch sử đặc biệt của Việt Nam. Trong hơn 100 năm (1862-1975) có đến gần 20.000 chiến sĩ cách mạng và những người yêu nước Việt Nam thuộc nhiều thế hệ bị giam cầm, tra tấn và hy sinh tại đây. Thực dân Pháp sau đó là đế quốc Mỹ đã biến nơi đây thành “địa ngục trần gian” hay “địa ngục của địa ngục” nhằm làm giảm đi ý chí cách mạng và đầy đoạ khổ sai các chiến sỹ cộng sản.

Cũng tại đây, rất nhiều chiến sỹ cách mạng đã kiên cường đấu tranh bất khuất, giữ vững khí tiết cách mạng. Cội nguồn của niềm tin và sức mạnh vô song đó được bắt nguồn từ lý tưởng cách mạng, tình cảm đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu và với Đảng Cộng sản Việt Nam.

Câu chuyện về bức tượng bán thân của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở nhà tù Côn Đảo thập niên 40 của thế kỷ XX là minh chứng điển hình cho những giá trị tốt đẹp nhất ngời sáng nhất trong chốn ngục tù tối tăm. 

Giám ngục Paul Atoine Miniconi sinh năm 1897 tại Bocognano, thuộc đảo Corse, Cộng hòa Pháp. Ông được cử sang Việt Nam làm việc tại nhà tù Côn Đảo từ năm 1920 đến năm 1952. Với vai trò giám ngục, ông được giao giữ chìa khóa các khám, banh, canh gác, đi tuần và quản lý tù nhân tại một số banh của nhà tù Côn Đảo. Tại đây, ông đã tận mắt chứng kiến tinh thần quả cảm của các chiến sỹ cộng sản, tình cảm, lòng trung thành của những chiến sỹ cộng sản đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh. 

Trong một lần khi kiểm tra một phòng giam, giám ngục Paul Atoine Miniconi đã phát hiện các chiến sỹ cộng sản dường như đang cố cất giấu một vật mà ông nghi có thể là vũ khí. Từ nghi ngờ đó, ông cho tổ chức khám xét và thu được bức tượng bán thân của Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ mà những người cộng sản yêu mến, kính trọng và tôn thờ. Bức tượng bán thân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được các chiến sỹ cộng sản bí mật cất giấu vượt qua sự kiểm soát gắt gao của chính quyền Pháp và mang theo ra Côn Đảo. 

Ông Paul Atoine Miniconi hiểu được những giá trị nhân văn, ý nghĩa tốt đẹp của những chiến sỹ cộng sản dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh nên ông đã quyết định giữ bức tượng đó như một kỷ niệm của riêng mình về những năm tháng làm việc tại Côn Đảo. Sau khi hết thời gian công tác tại Việt Nam, năm 1952 ông trở về sinh sống và làm việc tại đảo Corse, Cộng hòa Pháp.

Bức tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh được ông trân trọng, gìn giữ trong gia đình. Trước khi mất, ông đã để lại bức tượng cho người con trai Paul Miniconi, người đã từng sống ở nơi làm việc của cha mình tại Côn Đảo vào thế kỷ trước.

Ngày 1/12/2019, ông Paul Miniconi đã quyết định trao bức tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh cho Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa Pháp, để chuyển về bàn giao cho Bảo tàng Hồ Chí Minh bảo quản lưu giữ và phát huy giá trị bức tượng này. Với ông Paul Miniconi, việc trao lại bức tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh cho Chính phủ và nhân dân Việt Nam chính là thực hiện di nguyện thiêng liêng của người cha thân yêu trước lúc qua đời. 

Đọc thêm