“Hố tử thần” xuất hiện ở Hòa Bình, dân hoang mang bỏ trốn khỏi nhà

(PLO) - Hơn 67 hộ dân với gần 400 nhân khẩu ở xóm Khi, xã Ân Nghĩa, Lạc Sơn, Hòa Bình đang trong tình trạng vô cùng hoang mang, khi trên địa bàn xóm xuất hiện liên tiếp các “hố tử thần” sâu và rộng. 
Bỏ nhà sang lán vì “hố tử thần”
Ngay sau khi nhận được tin báo, nhóm phóng viên Báo PLVN đã nhanh chóng lên đường tìm hiểu rõ sự việc. Vừa đặt chân lên địa bàn xóm Khi, chúng tôi đã bắt gặp ngay những ánh mắt hoang mang, lo sợ về những chiếc hố sâu nằm sát ngay khu dân cư mà không biết rõ nguồn cơn. 
Tiếp xúc với một số hộ nông dân đang canh tác tại mảnh ruộng nằm gần khu vực xuất hiện vết nứt và những chiếc “hố tử thần”, một số bà con người dân tộc Mường cho hay: “Trước giờ trên địa bàn xóm chưa có hiện tượng này bao giờ, mặc dù đã có nhiều đoàn kiểm tra về làm việc nhưng vẫn lo lắm các chú ạ”.
"Hố tử thần" ở xóm Khi
"Hố tử thần" ở xóm Khi 
Nhìn trực quan cũng thấy ngay những chiếc hố sâu, rộng, bên cạnh đó là những rãnh nứt sâu chạy dài dọc khu dân cư. Dù là người can đảm nhất cũng khó có thể an tâm sinh sống. 
Hiện trên địa bàn xóm Khi có khoảng từ 6 - 8 “hố tử thần” và ngày càng có xu hướng lan rộng. Họ cho biết, chiếc hố đầu tiên xuất hiện giữa cánh đồng có độ sâu khoảng 5m và đường kính là 3,5m. Tiếp sau đó là liên tiếp những chiếc hố khác có độ sâu và đường kính không kém.
Chiếc hố thứ hai xuất hiện vào ngày 13/2 có đường kính 8m và độ sâu 7m. Sau 2 đến 3 ngày tiếp theo, những chiếc hố thứ 4, thứ 5 lần lượt xuất hiện trên mặt ruộng, chạy dọc khu dân cư và đường giao thông trong xóm. Điều đáng nói là ngay sau khi xuất hiện những “hố tử thần” nhiều người đã xác nhận tình trạng mất nước cục bộ mà nguyên nhân chính là do những hố sâu gây ra. 
Trao đổi với Trưởng thôn Bùi Văn Cảnh, ông cho hay: “Xóm Khi là địa bàn vùng núi cao, nơi sinh sống của bà con dân tộc Mường còn nhiều khó khăn, việc xuất hiện những “hố tử thần” khiến dư luận hoang mang cực độ. Ông cho biết thêm, trên địa bàn xóm có 74 hộ dân, trong đó có 11 hộ dân bị ảnh hưởng trực tiếp bởi “hố tử thần” và rãnh nứt”. 
Theo ông Cảnh, hộ dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất là nhà ông Bùi Văn Liu. Các vết đứt gãy địa chất hơn 200m chạy xung quanh nhà làm ông và gia đình phải chuyển sang ở trong một chiếc lán tạm được phủ bạt. 10 hộ dân còn lại vẫn sinh hoạt bình thường.
Bên cạnh đó, một số diện tích hoa màu không nhỏ trên cách đồng xóm Khi bị hư hại nghiêm trọng, một số mảnh ruộng không thể canh tác do những “hố tử thần” xuất hiện trên mặt ruộng là rất lớn.
Trong số 6 – 7 chiếc “hố tử thần” tại địa bàn xóm thì chiếc hố có đường kính khoảng 6m nằm sát và đang phá hủy con đường huyết mạch của hàng chục hộ gia đình. Chính quyền đã cho rào lại và làm biển cảnh báo, tuy nhiên lại rất sơ sài. Bên cạnh đó, con đường còn là cửa ngõ đi học và di chuyển của nhiều học sinh, đặc biệt là trẻ em. Những nguy cơ tiềm ẩn này sẵn sàng cướp đi sinh mạng của con người nếu như không kịp thời giải quyết.
Do mỏ than đã ngừng hoạt động?
Theo tìm hiểu của PV Báo PLVN, mỏ than lộ thiên tại địa bàn xóm Khi đã được khai thác từ những năm 80. Ban đầu mỏ than thuộc sự quản lý của hợp tác xã, sau này là do quân đội khai thác. Sau đó, mỏ được chuyển giao qua nhiều lần. Trước tháng 7/2013 do một tư nhân khai thác. Tuy nhiên, sau tháng 7/2013 thì bị đình chỉ khai thác do hết giấy phép hết hạn.
Gần khu vực mỏ than, cách vùng xuất hiện sụt lún vài chục mét đã xuất hiện những vết nứt và những “hố tử thần” có đường kính hạn chế. Tuy nhiên, ngay sau đó đã được chủ mỏ than dùng xe cẩu san lấp. Tuy nhiên, những “hố tử thần” sâu, chạy sát khu dân cư có độ xa đường liên thôn tầm 300m thì họ khẳng định không phải lỗi của mỏ than nên không san lấp.
“Vẫn… chưa tìm ra nguyên nhân” - câu trả lời ngập ngừng của Trưởng thôn Bùi Văn Cảnh là minh chứng rõ ràng nhất cho sự hoang mang cực độ của người dân xóm núi Lạc Sơn. Theo ông, đã có rất nhiều đoàn kiểm tra của nhiều cấp như UBND các cấp, Bộ Tài nguyên và Môi trường và nhiều nhóm địa chất đã về địa phương khảo sát, nhiều máy móc tinh vi đã được lắp đặt để mong tìm ra nguyên nhân sâu xa của những khúc mắc này.
Tuy nhiên, tất cả những câu trả lời mà hàng trăm người dân sinh sống ở địa phương  được nghe là: “Nguyên nhân vẫn đang được điều tra làm rõ”, “Muốn tìm ra nguyên nhân cần có thời gian để đo đạc thực nghiệm”. Rồi các đoàn lại ra đi không hẹn ngày tái ngộ. Chỉ có người dân nơi đây hàng ngày vẫn nơm nớp lo lắng và chờ đợi… 

Đọc thêm