“Hổ xám” vượt cám dỗ của "nàng tiên nâu" làm ông chủ

(PLO) - “Mình đã vượt qua được thì mình sẽ làm được!”, anh Hà Chí Dân (ngụ ở xóm Đồng Thái, xã Hóa Thượng, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên), người từng có thời “ngập ngụa” trong ma túy, khẳng định “chắc như đinh đóng cột”.

Hai vợ chồng anh Dân vui vầy bên đàn lợn
Hai vợ chồng anh Dân vui vầy bên đàn lợn 
Câu nói trên đã trở thành động lực giúp anh vượt qua tất cả.
Hùm xám sa cơ bên bàn đèn
Một vùng đất không đến nỗi cằn cỗi như Hóa Thượng, nơi nông dân quanh năm bám ruộng cũng không phải không nuôi nổi bản thân và gia đình. Nhưng ôm ấp giấc mộng đổi đời từ việc đào vàng, trai tráng vùng đất này nô nức kéo nhau đi làm ở bãi vàng. Nghe bạn bè rủ rê, năm 1990 Dân cũng “lên đường”, bỏ lại phía sau mẹ già, cha yếu.  
Địa điểm mà anh chọn để lập nghiệp là bãi vàng Ba Khe, Đồng Hỷ - một trong những bãi vàng khá lớn của khu vực. Vốn được chiều chuộng từ nhỏ và với vóc dáng thư sinh nên cũng phải mất khá nhiều thời gian Dân mới quen được với công việc của một phu đào vàng.
Khi đã tích lũy được khá nhiều kinh nghiệm sống, đặc biệt là những mánh khóe, thủ đoạn lừa lọc nhau trong chuyện làm ăn ở bãi vàng, cũng chắt chiu, dành dụm được một ít vốn liếng, như bao phu vàng có thâm niên khác, Dân vươn lên làm ông chủ. Những “chiêu trò” mà anh có được cộng với sự nhanh nhẹn, liều lĩnh vốn có trong con người Dân đã khiến anh mau chóng trở thành một chủ bưởng vàng khét tiếng ở bãi vàng Ba Khe. Để thể hiện mình và giải quyết suôn sẻ mọi công việc, Dân đã biến mình thành “đệ tử của nàng tiên nâu” lúc nào không biết. 
Thế nhưng, oai phong, hoành tráng chỉ là vẻ bề ngoài. Khi đã dấn quá sâu vào con đường nghiện hút, Dân không còn là mình nữa. Mang tiếng là chủ bưởng vàng đấy nhưng túi Dân lúc nào cũng rỗng tuếch vì “có bao nhiêu vàng, tiền lại nướng hết vào thuốc phiện mất rồi”. Dân kể: “Ngoài thời gian quản lý bãi vàng, tôi chỉ quanh quẩn bên bàn đèn, thuốc phiện. Có đồng nào hết đồng ấy. Nhiều thì chơi nhiều, ít chơi ít, càng nhiều càng tốt…”. 
Đến khi tiền hết, thân tàn, Dân mò về nhà lần túi mẹ, thậm chí đem đồ đạc trong gia đình đi bán để lấy tiền hút xách. Đến lúc không còn trông cậy vào đâu, anh nghĩ đến chuyện lừa lọc bạn bè, người thân, rồi trộm cắp chỉ để thỏa mãn cơn nghiện. Nhiều lúc anh cũng thấy xấu hổ với những việc mình đã làm, nhưng đã trót đâm lao rồi biết làm sao?.
Thương mẹ, đã rất nhiều lần Dân quyết định tránh xa ma túy, nhưng hết lần này đến lần khác vào rồi lại ra trại, anh vẫn không tài nào quên được thứ chất độc chết người này. Mỗi khi ra trại, như có ma quỷ dẫn đường, bước chân anh lại đi về phía bãi vàng. Và kịch bản nghiện ngập lại tái diễn…
Hạnh phúc nhỏ nhoi cùng đàn lợn, nương ngô
Quá nhiều hạnh phúc đến cùng một lúc khiến anh Dân vui lắm.
 Quá nhiều hạnh phúc đến cùng một lúc khiến anh Dân vui lắm.
Nhớ lại quãng thời gian “ngập ngụa” bên bàn đèn thuốc phiện của con trai, người mẹ già gần 80 tuổi của anh chia sẻ: “Biết nó nghiện ngập, tôi buồn bã và đau đớn lắm. Phân tích, khuyên răn đủ điều nó cũng không nghe. Cứ hở ra là nó lại tìm đến ma túy”. Không biết bao nhiêu nước mắt bà đã rơi vì “thằng con trời đánh này”.
Cũng không biết bao nhiêu đêm bà phải cầm đèn pin, vác gậy đi tìm con. Khi thì thấy anh ngất ngây trong bụi cây, lúc thì nằm phè phỡn giữa đám bạn nghiện. Khuyên can mãi không được, bà đành phải báo công an bắt nó đi cai, để khỏi phải đau lòng mỗi khi nhìn con vật vã trong cơn nghiện. Thế nhưng, hết Phú Thọ đến Lào Cai, rồi Lai Châu, Yên Bái…, mà con bà nghiện vẫn hoàn nghiện.
Đúng lúc tưởng như đã tuyệt vọng thì anh Dân lại hồi tâm tỉnh trí. Mỗi lần nằm trong trại cai nghiện, anh Dân mới thấu hiểu thế nào là sự nhục nhã của một kẻ nghiện hút ma túy. Cũng hơn lúc nào hết, anh đã cảm nhận được những tình cảm bao la mà mẹ đã dành cho anh, nhất là lúc bà oằn lưng cùng đôi quang gánh vượt qua hàng trăm cây số đến trại cai nghiện tiếp tế cho anh, rồi mò mẫm đêm hôm đi kiếm anh về. Bỗng dưng, anh thấy thèm khát một cuộc sống bình thường như bao người khác và ước mong cai nghiện chợt trỗi dậy…
Do nghiện hút khá lâu nên cũng phải cực kỳ khó khăn, rất nhiều nỗ lực Dân mới từ bỏ được thứ độc dược này. Lúc mới cai, toàn thân anh rệu rã và đau nhừ như bị ai đánh, thậm chí nhớ ma túy một cách ghê gớm… Những lúc đó, hình ảnh người mẹ già thân thương lại hiện lên. Và khuôn mặt buồn rầu cùng những giọt nước mắt đớn đau của bà đã hướng bước anh về với cuộc đời. 
Sau khi cai nghiện thành công (năm 2004), anh Dân gặp được anh Ngọc - Phó Chủ tịch UBND xã Hóa Thượng và được anh giới thiệu vào làm việc cho Dự án phòng, chống HIV/AIDS của tỉnh. Sau khi được tập huấn và trang bị những kiến thức cơ bản về lĩnh vực này, anh bắt đầu công việc của một tiếp cận viên đồng đẳng. Công việc của anh là gặp gỡ với những người có hành vi nguy cơ cao lây nhiễm HIV, đặc biệt là những người nghiện chích ma túy để truyền thông, hỗ trợ họ tiếp cận các biện pháp can thiệp giảm hại (trao đổi bơm kim tiêm, sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục, điều trị Methadone...), đồng thời tư vấn và chuyển gửi họ đến các điểm xét nghiệm HIV miễn phí... 
Từng trải qua quá khứ như họ nên anh Dân càng cảm thông hơn với những người có cảnh ngộ giống mình. Anh càng thương họ hơn khi biết một số người đã không may mắc phải căn bệnh AIDS và mạng sống chỉ tính từng ngày. Chứng kiến nỗi đau của họ, anh càng thấy xót xa và tiếc cho những tháng ngày đã qua. Thực tế này cũng tiếp thêm sức mạnh cho anh vượt qua mọi chông gai và cám dỗ trước mắt. Anh tự thấy mình phải vươn lên để bù đắp những nỗi đau mà mình đã gây ra cho gia đình. 
Mỗi khi ai đó hỏi: “Liệu có giữ được không?”, anh mỉm cười khẳng định: “Mình đã vượt qua được thì mình sẽ làm được!”. Rồi hạnh phúc đã mỉm cười với Dân. Một cô hàng xóm chăm chỉ, tốt bụng vốn thầm thương trộm nhớ anh Hà Chí Dân đẹp trai, hào hoa xưa kia và nể phục những việc làm ý nghĩa và đầy nhân văn của anh hiện tại đã đồng ý làm vợ anh. Và còn gì hạnh phúc hơn khi hai đứa con một trai, một gái lần lượt chào đời. Với những đóng góp cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS của địa phương, anh Dân được bầu làm Trưởng nhóm tiếp cận viên cộng đồng của thành phố Thái Nguyên... 
Quá nhiều hạnh phúc đến cùng một lúc khiến anh Dân vui lắm. 10 năm chưa phải là nhiều nhưng cũng đủ để anh quên đi quá khứ và xây dựng cuộc đời mới. Trên chính mảnh đất của gia đình, vợ chồng anh cuốc đất, trồng rau, nuôi lợn, gà. Từ một vài con lợn, vài chục con gà, ngan, hiện anh đã mở rộng thêm diện tích trồng trọt và phát triển chăn nuôi ở quy mô trang trại. 
Nhìn những ruộng ngô xanh mơn mởn, đàn gà, ngan hàng trăm con và những chú lợn béo núc trong chuồng, chúng tôi cũng vui lây với niềm hạnh phúc của gia đình họ. Nhưng người vui nhất có lẽ vẫn là người mẹ già tảo tần của anh. Hết đứng lại ngồi, ra ra, vào vào ngôi nhà 4 gian mái bằng khang trang, bề thế do chính thằng con trai đã một thời lầm lỗi của mình xây lên, bà cụ cứ tủm tỉm cười…

Đọc thêm