Hoa khôi một chân Bế Thị Băng: Khuyết tật chỉ là thứ vũ khí đặc biệt để giúp con người mạnh mẽ hơn

(PLVN) - Sau tai nạn mất một chân năm 24 tuổi, mất hơn 5 năm để Bế Thị Băng (Cao Bằng) có thể nhẩy múa trên đôi giày cao gót, tự tin mỉm cười. "Tôi thấy mình sống lại lần nữa. Tự tập đi, tập múa, thử những điều trước đây chưa dám làm... Vụ tai nạn không còn ám ảnh tôi nữa", Hoa khôi một chân tâm sự.
Bế Thị Băng biểu diễn tại Liên hoan Vẻ đẹp Vầng Trăng Khuyết.
Bế Thị Băng biểu diễn tại Liên hoan Vẻ đẹp Vầng Trăng Khuyết.

Chỉ với một chân, cô gái sinh năm 1987 thành thục thực hiện những động tác khó, không một phút chông chênh mất thăng bằng. Khi cười tươi nhận giải hoa khôi tại Liên hoan Vẻ đẹp Vầng Trăng Khuyết, trong đầu cô thoáng hiện lên hình ảnh những ngày đầu tập đi, tập múa chỉ với một chân trái. "Đó là một cơn ác mộng nhưng kết có hậu", Băng kể.

Sống lại lần hai

Tốt nghiệp chuyên ngành Y khoa, Đại học Thái Nguyên, Băng đến Hà Nội, thuê một phòng trọ nhỏ và xin phụ việc cho một phòng khám. Cô gái 24 tuổi mang theo ước mơ trở thành bác sĩ giỏi, có thể mua một căn nhà nhỏ, phụ giúp bố mẹ ở quê. Mọi hoạch định dừng khựng lại sau một buổi chiều. Băng va chạm với chiếc xe tải trên đường đi làm về. Tỉnh dậy trên giường bệnh, cô vẫn nghĩ mình đang mơ khi được bác sĩ thông báo: "Em phải cắt một chân bên phải, chân trái đang bị thương nặng, không chắc giữ được".

Suốt một tuần ở bệnh viện, Băng chỉ chăm chăm nhìn lên trần nhà rồi khóc không ra tiếng, không biết sẽ tiếp tục cuộc sống thế nào. Chỉ khi nghe bố nói ngoài phòng bệnh: "Nó còn trẻ, làm lại từ đầu được", cô mới tự nhủ: "Mình phải điều trị, cố gắng giữ lại chân trái".

Bế Thị Băng duyên dáng biểu diễn trên một chân với giày cao gót.
 Bế Thị Băng duyên dáng biểu diễn trên một chân với giày cao gót.

Một tháng sau tai nạn không báo trước, Băng ra viện. Quyết tâm không về quê vì sợ trở thành gánh nặng cho người thân, họ hàng, cô sống một mình trong căn phòng trọ 14m2, nhờ sự trợ giúp của một người em. Cắn răng chịu đau, Băng tự vệ sinh vết thương, khoét thịt hoại tử ở chân trái, rửa hậu môn nhân tạo ở bụng phải. Khi những cơn đau kéo dài, vết chỉ chưa cắt mãi không lành, thậm chí còn nhiễm trùng nặng hơn, Băng nhắm mắt nghĩ: "Sao có thể sống không bằng chết". Nhưng rồi câu nói của ông bố người Tày nơi hành lang bệnh viện lại kéo cô ra khỏi suy nghĩ tiêu cực.

Quanh quẩn với những cơn đau, chiếc điện thoại "cục gạch" kết nối Băng với thế giới. Cả ngày cô nằm nghe đài FM để biết ngoài kia vẫn có chỗ này tắc đường, chỗ kia dạ hội. Một lần nghe chương trình "Quà tặng âm nhạc", Băng thấy chàng trai tặng cô gái bản nhạc, người con gửi đến mẹ những câu nói yêu thương. Cũng có thính giả chia sẻ bị tai nạn hay phản bội trong tình yêu... Họ tìm đến chương trình để gửi đi những bản nhạc giúp lạc quan hơn, yêu đời và tiếp tục sống có ý nghĩa. Cô chợt nghĩ, trong khi mình nằm đây thì cuộc sống vẫn tươi đẹp, mọi người vẫn quan tâm, yêu thương nhau như thế. Cô tự an ủi: Nếu mình mỉm cười, cuộc sống sẽ cười lại với mình.

Bế Thị Băng (thứ ba từ trái sang) tham dự một hoạt động cộng đồng.
Bế Thị Băng (thứ ba từ trái sang) tham dự một hoạt động cộng đồng. 

Băng trở dậy tập đi. Oằn mình trên đôi nạng gỗ, cô đứng lên được vài giây rồi ngã xuống, đập đầu vào giường, nền đất, vết thương rớm máu. Gần hai chục ngày, cô đi được những bước đầu tiên với nạng, chân trái dần có cảm giác trở lại. Ba tháng sau, đi thạo hơn, cô tìm cách đi làm trở lại.

Tìm được việc làm phù hợp, Băng may hai chiếc váy dài chấm gót để che đi đôi khân khuyết rồi đi xe buýt đến nhận việc. "Mặc váy dài nhưng tôi vẫn bị mọi người chỉ trỏ. Tôi xấu hổ nên đi lắp chân giả. Song có chân giả rồi mọi người vẫn cười: ‘Con bé kia cụt chân’. Tôi hiểu, mình không thể che đi khiếm khuyết mà phải sống chung với nó. Tôi gửi những chiếc quần về cho em gái rồi mua váy ngắn mặc ra đường. Trước đây, tôi chưa từng mặc váy ngắn", Băng chia sẻ.

Ngắm mình trong gương, Băng thấy chiếc váy ngắn thật nữ tính. Cô bắt đầu học đi giày cao gót, tập múa, tập trượt patin, bơi lội để giữ thăng bằng tốt hơn. Không biết sau bao nhiêu lần ngã bầm tím tay chân, Băng nhảy được theo điệu nhạc bằng một chân, không cần đến nạng. Cô gái từng u uất vì tai nạn cũng có thể trượt patin, bơi thành thạo. Nghĩ về vụ tai nạn, Băng trầm ngâm: "Tôi thấy mình sống lại lần nữa. Tự tập đi, tập múa, thử những điều trước đây chưa dám làm... Vụ tai nạn không còn ám ảnh tôi nữa. Khuyết tật chỉ là thứ vũ khí đặc biệt để giúp con người mạnh mẽ hơn thôi".

Cho đi để được sống đầy

Sau khoảng thời gian đi làm trở lại, Băng dần quen với công việc và có thu nhập ổn định cuộc sống. Cô tham gia các hội nhóm dành cho người khuyết tật và đăng ký tham dự Liên hoan vẻ đẹp Vầng Trăng Khuyết. Đêm chung kết, Băng tự biên đạo tiết mục kết hợp giữa 3 điệu nhảy của Tây Ban Nha, Ấn Độ, Ba Tư và khiêu vũ bằng một chân khiến nhiều người cảm phục.

Được mọi người yêu mến gọi "hoa khôi", Băng tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng, xuất hiện trong những buổi trò chuyện truyền cảm hứng cho học sinh, sinh viên, người yếu thế. "Tôi hạnh phúc khi câu chuyện buồn của mình mang lại niềm tin, cảm hứng sống nghị lực cho những người kém may mắn. Tôi chia sẻ câu chuyện của bản thân một cách cởi mở cũng góp phần để cộng đồng bớt đi kỳ thị với những người khuyết tật. Thiếu một chân, một tay hay khuyết đi phần nào đó trên cơ thể không đáng thương và tội nghiệp như nhiều người nghĩ. Chúng tôi sống lành lặn theo cách riêng của mình", Băng cười tươi thổ lộ.

Chị Trần Uyên Phương Phó Tổng Giám đốc tập đoàn Tân Hiệp Phát giao lưu cùng Bế Thị Băng trong chương trình "Nối trọn yêu thương".
Chị Trần Uyên Phương Phó Tổng Giám đốc tập đoàn Tân Hiệp Phát giao lưu cùng Bế Thị Băng trong chương trình "Nối trọn yêu thương". 

Mới đây, cô gái người dân tộc Tày xuất hiện trong chương trình "Nối trọn yêu thương" phát sóng trên kênh VTV1. Sau chương trình, Băng dùng món quà mà Tân Hiệp Phát trao tặng để hỗ trợ lắp chân giả cho người bị tai nạn có hoàn cảnh khó khăn. Gần 8 năm sống cuộc đời mới trên một chân, Băng hướng dẫn những người bạn mới quen tập đi. Cô cũng không ngần ngại kể lại khoảng thời gian khó khăn của mình với giọng bình thản.

Qua chương trình "Nối trọn yêu thương", Băng có cơ hội gặp gỡ chị Trần Uyên Phương Phó Tổng Giám đốc tập đoàn Tân Hiệp Phát. Băng đã chia sẻ về thông điệp của bản thân cô “khuyết tật cũng chỉ là một thứ vũ khí để làm cho bản thân chúng ta trở nên mạnh mẽ hơn. Chính vì thông điệp đó đã làm cho Băng cảm thấy yêu đời hơn, muốn sống hơn.

Đồng tình với quan điểm này, chị Trần Uyên Phương đã chia sẻ với Băng “điều gì đã đến với cuộc sống của mình thì mình không thể thay đổi được, nhưng mà mình có thể thay đổi được thái độ để mà tiếp nhận điều đó một cách tích cực”

Băng cũng chia sẻ thêm "Tôi thấy mình có những điểm khá giống chị Phương. Với tôi là thách thức trong cuộc sống. Còn với chị Uyên Phương là thách thức khi điều hành doanh nghiệp. Chị Phương chia sẻ, để thành công và mạnh mẽ hơn, một con người hay doanh nghiệp đều phải dám chấp nhận thử thách. Tôi đồng cảm và hâm mộ tinh thần chiến binh của chị".

Sau chương trình "Nối trọn yêu thương", Hoa khôi Vầng Trăng Khuyết trở lại với cuộc sống bận rộn. Một ngày của cô bắt đầu bằng việc tập thể thao, rồi tất bật ở phòng khám, điều hành một homestay nhỏ và tham gia các hoạt động xã hội. Đi hay nhẩy múa bằng một chân không còn là trở ngại hay bất tiện với Băng nữa. Cô tự tin làm nhiều việc như bao người khác.

Đọc thêm